BHXH tỉnh Thái Nguyên và Hội Nông dân tỉnh ký kết chương trình vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT giai đoạn 2016-2020.
Xác định việc triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 có ý nghĩa rất quan trọng, gắn trách nhiệm và sự thống nhất của các cấp ủy đảng trong lãnh đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, BHXH tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu với Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 30-5-2013 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch theo Quyết định số 1697/QĐ-UBND ngày 30-8-2013 thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Tỉnh ủy. Theo đó mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW được cụ thể hóa trong Chương trình hành động thành 2 giai đoạn để phấn đấu thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có những chỉ tiêu phấn đấu đạt sớm hơn so với Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra như: Đến năm 2015 có 90% dân số tham gia BHYT; đến năm 2020 có 55% lực lượng lao động tham gia BHXH (trong đó có 5% lực lượng lao động trong độ tuổi thuộc khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện), 100% dân số tham gia BHYT. Trong kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các mục tiêu trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và phân công, gắn trách nhiệm thực hiện tới từng sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh. Đảng bộ BHXH tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 51-KH/ĐU ngày 30-7-2013 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành hệ thống các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác BHXH, BHYT. Trên cơ sở đó, BHXH tỉnh đã quán triệt trong toàn đơn vị và tích cực triển khai đồng bộ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác BHXH, BHYT, cụ thể hóa những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao bằng những nội dung, giải pháp cụ thể và tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ngay trong năm 2013, BHXH tỉnh đã phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW trong toàn đơn vị; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong từng năm cho BHXH các huyện, thành phố,thị xã nhằm chuyển biến nhận thức, tạo ra sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao, phấn đấu hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan về số người tham gia, số thu và số lượng người được thụ hưởng: Nếu như năm 2012 số người tham gia BHXH là 98.974 người, đạt 14,26% lực lượng lao động thì đến 31-8-2017 đã có 213.199 người tham gia, đạt 28,34% lực lượng lao động; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 84.410 người (năm 2012), đạt 12,16% lực lượng lao động, sau 5 năm con số này đã tăng lên 202.575 người, đạt 26,93% lực lượng lao động.
Như vậy, so với trước khi ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, tỷ lệ mở rộng đối tượng tham gia BHXH tăng từ 14,26% lên 28,34%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 12,16 lên 26,93%; cao hơn trên 4% so với bình quân chung cả nước (hiện nay, bình quân cả nước mới đạt khoảng 24% lực lượng lao động tham gia BHXH và khoảng 22% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp).
Đặc biệt, nếu như năm 2012, cả tỉnh có 920.049 người tham gia BHYT, đạt 80,07% dân số, trong đó tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia mới đạt 76%, thì đến nay, tổng số người tham gia BHYT trong toàn tỉnh là 1.202.379 người, đạt 97,60% dân số, trong đó, 100% đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi tham gia ổn định, thường xuyên; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 96,39%... Như vậy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, tỷ lệ bao phủ BHYT/dân số toàn tỉnh đã có sự tăng trưởng 18%, đưa Thái Nguyên là một trong 3 địa phương có tỷ lệ người dân tham gia BHYT cao nhất toàn quốc (hiện bình quân cả nước, tỷ lệ tham gia BHYT mới đạt trên 85% dân số); số thu BHXH, BHYT cũng tăng nhanh, từ trên 1.500 tỷ đồng năm 2012 thì đến nay con số này đạt trên 3.600 tỷ đồng, tăng 2,4 lần.
Kết quả nổi bật trong năm đầu thực hiện Nghị quyết 21 đó là, BHXH tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ 20% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, do vậy đối tượng cận nghèo tại Thái Nguyên hiện nay được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT, trong đó ngân sách TW 70% và ngân sách địa phương 30%.
Cùng với việc mở rộng đối tượng, tăng nhanh số người tham gia, BHXH tỉnh còn phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh tổ chức tốt công tác tuyên truyền các chính BHXH, BHYT; nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua đổi mới phương thức hoạt động của cả hệ thống; thực hiện việc công khai, minh bạch trong các hoạt động và đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, trên 90% đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT; tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT theo quy trình khép kín thông qua việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN ISO 9001:2008 tại BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành, thị; cấp sổ BHXH, BHYT kịp thời cho các đối tượng; công tác giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT được thực hiện thường xuyên đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng tham gia BHYT, chống các biểu hiện lạm dụng, trục lợi, sử dụng an toàn, hiệu quả quỹ BHYT; công tác thanh, kiểm tra có nhiều chuyển biến, đặc biệt là thanh kiểm tra liên ngành, các đơn vị đã tích cực vào cuộc chung tay cùng ngành BHXH kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh những sai phạm tại đơn vị…
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Chính sách BHXH, BHYT đã thật sự đi vào cuộc sống và khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết 21, vẫn còn có một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục, đó là: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo việc phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, có nơi mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện; công tác phát triển đối tượng tham gia các loại bảo hiểm mặc dù có chuyển biến tích cực song chưa đáp ứng yêu cầu; tổng số người trong lực lượng lao động tham gia BHXH mới đạt 28,34%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp mới đạt 26,93%; tình trạng không đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra, thời gian nợ đọng kéo dài làm ảnh hưởng đến chế độ và quyền lợi của người lao động; chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuy đã được tăng lên đáng kể song chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân nhất là tuyến cơ sở; thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT chưa thực sự đáp ứng sự hài lòng của người bệnh...
Để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 21 của Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng như Kế hoạch của UBND tỉnh Thái Nguyên cần thực hiện những giải pháp cụ thể và có những bước đi thích hợp, cụ thể:
Một là, cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chương trình hành động số 21-CTr/TU, xác định rõ tầm quan trọng của BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đưa các chỉ tiêu về BHXH, BHYT vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình bảo hiểm, nhất là BHXH tự nguyện cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT, góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội của tỉnh.
Ba là, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính theo quy trình “Một cửa” và trực tiếp tại đơn vị sử dụng lao động thông qua hệ thống bưu chính, đồng thời thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý ngành. Nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia.
Bốn là, tăng cường quản lý nhà nước về chính sách BHXH, BHYT; các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp chặt chẽ với BHXH ở địa phương trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia BHXH, BHYT từ cơ sở; củng cố và tăng cường quản lý quỹ BHXH, quỹ BHYT, bảo đảm cân đối thu chi, đầu tư tăng trưởng quỹ hiệu quả và an toàn theo quy định của pháp luật. Tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT.
Năm là, tiếp tục củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giảm tải bệnh viện, nâng cao y đức và thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, chuyên môn nghiệp vụ sâu, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Sáu là, đẩy mạnh việc phát triển đối tượng, chống thất thu, khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT. Kiểm tra việc thực hiện đóng BHXH, BHYT cho người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện đóng đầy đủ, đúng thời gian theo quy định của pháp luật.
Bảy là, các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp vi phạm trên địa bàn; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ chi phí khám, chữa bệnh BHYT, chống lạm dụng, trục lợi, sử dụng an toàn quỹ, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Ngành BHXH phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng kéo dài; bảo vệ quyền lợi của người lao động…
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị doanh nghiệp và của mỗi người dân tỉnh Thai Nguyên, tin tưởng trong thời gian tới, công tác BHXH, BHYT tại Thái Nguyên sẽ phát triển lên một tầm cao mới, thực hiện thắng lợi các mục Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Bùi Huệ