Chuyển biến tích cực trong thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị ở Gia Lai
Các cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Triển khai chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 412/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT, BHTN tỉnh Gia Lai do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội làm Trưởng ban; Quyết định ban hành Kế hoạch số 448/KH-UBND ngày 09-8-2013 về việc thực hiện Chương trình 55-CTr/TU của Tỉnh ủy xây dựng mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phát triển 15% LLLĐ tham gia BHXH; 11% LLLĐ tham gia BHTN, 90% dân số tham gia BHYT. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 26-8-2016 triển khai Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1134/KH-UBND ngày 24-3-2017 triển khai trên cơ sở Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH. Đối với nguồn kinh phí KCB kết dư hàng năm, BHXH tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo UBND tỉnh trình HĐND thông qua mức hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT hàng năm cho các đối tượng yếu thế xã hội được ngân sách hỗ trợ mức đóng hàng năm.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, nhận thức của các cấp, các ngành về trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT được nâng lên; đa số người sử dụng lao động đã hiểu đầy đủ hơn về trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT; nhận thức của nhân dân, người lao động, học sinh, sinh viên về quyền và trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT đã thay đổi căn bản; số thu BHXH, BHYT năm sau cao hơn năm trước, các cơ sở khám, chữa bệnh từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu của người bệnh.

Công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan về số người tham gia, số thu và số lượng người được thụ hưởng: Số người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện tiếp tục tăng đáng kể (BHXH tăng 102,57%; BHYT tăng 132,60%; BHTN tăng 106,29% so với năm 2012). Đến nay số người tham gia BHXH là: 79.900 người; chiếm 9,12% LLLĐ; số người tham gia BHTN là: 66.000 người; chiếm 7,53% LLLĐ. Số người tham gia BHYT là: 1.266.972 người, độ bao phủ BHYT chiếm 88% dân số tham gia. Số thu BHXH, BHYT, BHTN qua các năm luôn đạt và vượt kế hoạch BHXH Việt Nam giao, số thu năm sau cao hơn năm trước. Tổng số tiền thu qua 5 năm đạt trên 9.959 tỷ đồng.

Cùng với việc mở rộng đối tượng, tăng nhanh số người tham gia, BHXH tỉnh phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh tổ chức tốt công tác tuyên truyền các chính BHXH, BHYT; chuyển đổi tư duy phục vụ tốt người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, tích cực chủ động trong mọi công việc; nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua đổi mới phương thức hoạt động của cả hệ thống; thực hiện việc công khai, minh bạch trong các hoạt động và đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, tăng cường thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT; tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT thông qua việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN ISO 9001:2008 tại BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành, thị; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT kịp thời cho các đối tượng, đã trả sổ BHXH cho người lao động đạt 91,45%; công tác giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT được thực hiện thường xuyên đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng tham gia BHYT, chống các biểu hiện lạm dụng, trục lợi, sử dụng an toàn, hiệu quả quỹ BHYT; công tác thanh, kiểm tra có nhiều chuyển biến, đặc biệt là thanh kiểm tra liên ngành, các đơn vị đã tích cực vào cuộc chung tay cùng ngành BHXH kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh những sai phạm tại đơn vị…

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Chính sách BHXH, BHYT đã thật sự đi vào cuộc sống và khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống an sinh xã hội.

Tuy nhiên, chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết 21, vẫn còn có một số khó khăn, hạn chế: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo việc phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, có nơi mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện; Tỷ lệ người tham gia BHYT chưa ổn định, bền vững còn phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ ngân sách. Kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu. Tình trạng không đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra, thời gian nợ đọng kéo dài làm ảnh hưởng đến chế độ và quyền lợi của người lao động; chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuy đã được tăng lên đáng kể song chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân nhất là tuyến cơ sở; Công tác tuyên truyền vận động người DTTS sinh sống vùng 1 tham gia BHYT còn hạn chế, một bộ phận người dân chưa tự giác tham gia BHYT, chỉ đến lúc đau nặng mới tham gia…

Để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 55 của Tỉnh ủy Gia Lai cũng như Kế hoạch của UBND tỉnh, tỉnh Gia Lai xác định tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, với những bước đi thích hợp, cụ thể là:

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, mặt trận, đoàn thể các cấp cùng với sự huy động các doanh nghiệp, của cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Các cấp, các ngành phải xem việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT; cần đổi mới phương pháp hình thức tuyên truyền, vận động một cách thiết thực, hiệu quả hơn để người dân hiểu được những lợi ích và tin tưởng khi tham gia BHXH, BHYT, coi đây là giải pháp quan trọng và cơ bản nhất để đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân. Các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên phối hợp với BHXH tỉnh – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo của tỉnh để nêu gương, biểu dương kịp thời những đơn vị, tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; phê bình các đơn vị không thực hiện tốt.

Các sở ngành là thành viên Ban chỉ đạo tỉnh phụ trách các địa bàn tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các địa phương tập trung thực hiện chỉ tiêu BHXH, BHYT, BHTN đã được giao tại Quyết định 565 ngày 26-8-2016 của UBND tỉnh về giao chỉ tiêu phát triển BHYT giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch số 1134 ngày 24-3-2017 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; có kế hoạch, giải pháp, biện pháp khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra. Hàng năm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN và giảm tỷ lệ nợ dưới mức quy định.

Các cơ quan chuyên môn: Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Ban Dân tộc, BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Nhất là các giải pháp huy động kinh phí hỗ trợ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT từ nay đến năm 2020 theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

BHXH tỉnh, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố cần phân rõ nhóm đối tượng tham gia, tập trung vận động toàn dân tham gia BHXH, BHYT, huy động mọi nguồn lực tài trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cho mục tiêu BHYT toàn dân.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT, đảm bảo chất lượng dịch vụ KCB BHYT ngay tại tuyến y tế cơ sở, coi đây là giải pháp quan trọng để phát triển BHYT.

Đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ngăn ngừa hiện tượng lạm dụng hoặc trục lợi từ quỹ BHXH, BHYT; đẩy mạnh và phát triển công nghệ thông tin, ứng dụng sâu rộng trong quản lý thu và chi trả chi phí KCB BHYT.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị doanh nghiệp và của mỗi người dân thời gian tới, công tác BHXH, BHYT tại Gia Lai  phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

VH

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất