Bắc Giang xây dựng đề án tạo nguồn bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn

Bắc Giang là tỉnh miền núi, có 10 huyện, thành phố; trong đó có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao với 230 xã, phường, thị trấn (177 xã miền núi, 33 xã đặc biệt khó khăn), với hơn 20 dân tộc sinh sống. Đảng bộ tỉnh 875 tổ chức cơ sở đảng, 4.143 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với tổng số 73.464 đảng viên.

Bám sát chủ đề công tác của năm là: "Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các mặt công tác tổ chức xây dựng đảng; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Ngành, chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020",  ngay từ đầu năm 2014, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bắc Giang đã tập trung xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai Chương trình số 48-CTr/BTCTU về nhiệm vụ trọng tâm công tác tổ chức xây dựng đảng, xác định cụ thể các nhiệm vụ quan trọng, thiết thực cần thực hiện; chỉ rõ mục tiêu cần đạt, giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn. Trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ xây dựng đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang có những cách làm mới, xây dựng một số đề án, trong đó có Đề án “Tạo nguồn bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đến 2025 và những năm tiếp theo”.

Xác định đội ngũ bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) là những người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền ở cơ sở; giữ vị trí, vai trò quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của hệ thống chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, đội ngũ bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND cấp xã ở Bắc Giang còn bất cập: Năng lực công tác, mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao chưa cao; bất cập về cơ cấu; một số chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, trình độ chuyên môn phần lớn là trung cấp và không được đào tạo chính quy, tỷ lệ có trình độ đại học thấp... đây là nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công tác, uy tín trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để xây dựng đội ngũ bí thư cấp uỷ, chủ tịch UBND cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang ban hành Đề án “Tạo nguồn bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đến 2025 và những năm tiếp theo” với mục tiêu đến năm 2025, tạo được nguồn từ 400-500 cán bộ cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, đủ trình độ năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và chuẩn hoá về trình độ đại học. Đối tượng tạo nguồn, cơ bản tập trung ở 2 nhóm: Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện có, đây là nguồn tại chỗ, cơ bản và bền vững; sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy, chuyên ngành phù hợp nhu cầu của địa phương, đây là nguồn được tuyển mới, có chất lượng, góp phần tạo nên điểm bứt phá trong việc tạo nguồn và nâng cao chất lượng nguồn.

Nhằm đạt mục tiêu đề ra, trên cơ sở xác định đối tượng tạo nguồn, Đề án đề ra 2 giải pháp chính để tạo nguồn và nâng cao chất lượng nguồn chức danh bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp xã gồm:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện có, đây là lực lượng chủ yếu, quan trọng để tạo nguồn bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã. Cụ thể:

1. Đào tạo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện có.

Trước mắt, tập trung đào tạo trình độ đại học về chuyên môn, trung cấp về lý luận chính trị đối với cán bộ, công chức được quy hoạch chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã còn đủ tuổi công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên, có năng lực, triển vọng bố trí đảm nhận chức danh quy hoạch trong thời gian tới.

Nghiên cứu nội dung chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cấp xã trong tình hình mới; đồng thời tính đến sự liên thông trong đào tạo, bồi dưỡng để tiết kiệm thời gian, chi phí.

2. Tổ chức các lớp dự nguồn (được quy hoạch) chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã.

Nội dung bồi dưỡng chủ yếu về kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý, nắm bắt và xử lý các tình huống, các vấn đề phức tạp, nổi cộm; những kiến thức mới về xây dựng đảng, đoàn thể và quản lý nhà nước…

Trước mắt, để phục vụ cho đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020, dự kiến quý 4 năm 2014, đầu quý I năm 2015 sẽ mở từ 2- 4 lớp, mỗi lớp từ 80- 100 học viên, thời gian học từ 2- 4 tuần.

Thứ hai, thí điểm tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy để tạo nguồn lâu dài có chất lượng cao. Phương pháp tuyển dụng gồm 5 bước.

Bước 1: Rà soát, đăng ký nhu cầu số lượng tuyển dụng đối với từng chức danh, ở từng xã, phường, thị trấn.

Bước 2: Tổ chức tuyển chọn thông qua kiểm tra; xét kết quả học tập; phỏng vấn trực tiếp.

Bước 3: Mở lóp đào tạo, bồi dưỡng tập trung từ 6- 8 tháng tại Trường Chính trị tỉnh về lý luận chính trị (hệ trung cấp) và nghiệp vụ cụ thể. Kết thúc khóa học được cấp bằng trung cấp lý luận chính trị và các chứng chỉ theo chuyên đề đào tạo.

Bước 4: Phân bổ về các huyện, thành phố làm việc trong thời gian 3 tháng tại các phòng, ban chuyên môn để tìm hiểu thực tiễn, rèn luyện tư duy, phương pháp làm việc.

Bước 5: Phân bổ chính thức về các xã, phường, thị trấn theo thể thức hợp đồng lao động; sau đó quyết định tuyển dụng theo chức danh đã đăng ký; thử thách, giao nhiệm vụ; nhận xét đánh giá, bổ sung quy hoạch để tạo nguồn bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất