Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài
Một lớp bồi dưỡng Chính sách công do Văn phòng Đề án 165 phối hợp với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Xin-ga-po) tổ chức. Ảnh: Ngô Minh

Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác cán bộ và đòi hỏi của thực tiễn đối với đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và cần thiết phải đưa cán bộ ra nước ngoài học tập, nghiên cứu nhằm tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ, khoa học quản lý tiên tiến trên thế giới, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Do đó, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án “Đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” (Đề án 165). Sau 4 năm thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả khả quan, nhận được đánh giá tích cực từ các địa phương, đơn vị, các tổ chức liên quan trong và ngoài nước.

Kết quả thực hiện

Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chỉ đạo Đề án thường xuyên quan tâm chỉ đạo các hoạt động và định hướng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm, đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm các hoạt động, cho ý kiến về các văn bản, quy định liên quan đến hoạt động của Đề án. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Văn phòng Đề án 165 đã tích cực tham mưu, tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và các hoạt động khác của Đề án. Quá trình triển khai, Đề án đã phối hợp chặt chẽ với Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao trong việc xây dựng chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo với các đối tác nước ngoài, giới thiệu các thông tin cần thiết cho cán bộ trước khi đi học; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an trong thẩm định hồ sơ của cán bộ đi học ở nước ngoài; với Đảng ủy ngoài nước trong quá trình chuẩn bị thủ tục chuyển sinh hoạt đảng tạm thời cho học viên (từ 3 tháng trở lên) và quản lý đảng viên học tập ở nước ngoài; với vụ tổ chức các bộ, ban, ngành ở Trung ương, ban tổ chức các tỉnh, thành ủy trong việc thực hiện chỉ tiêu, chọn cử cán bộ tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng.

Thực hiện mục tiêu, chương trình của Đề án, đến nay đã có 836 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ (nước ngoài: 499, liên kết: 337). Trong đó, số cán bộ đã hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài là 110, thạc sĩ liên kết trong nước là 196. Để cán bộ có đủ điều kiện ngoại ngữ dự tuyển thạc sĩ, tiến sĩ và tiếp tục bồi dưỡng nâng cao ngoại ngữ ở nước ngoài, Đề án đã tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ trong nước từ 6 đến 9 tháng cho 1.969 cán bộ; cử 1.208 cán bộ đi bồi dưỡng 9 thứ tiếng tại các cơ sở đào tạo ngoại ngữ có uy tín ở nước ngoài với mục tiêu sau khi được bồi dưỡng, cán bộ có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc chuyên môn, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế. Đề án tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ và thi chứng chỉ quốc tế cho học viên. Từ năm 2012, Ban Chỉ đạo Đề án đã điều chỉnh giảm thời gian ở nước ngoài đối với tiếng Anh, Pháp... từ 6 tháng xuống 3 tháng.

Đề án đã cử 5.060 lượt cán bộ đi bồi dưỡng ngắn hạn theo chuyên đề, thời gian chủ yếu là 2 tuần. Nội dung bồi dưỡng chủ yếu về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ được xây dựng phù hợp với các lĩnh vực quản lý mà trong nước đang cần và sát với nhu cầu thực tế của các bộ, ngành, địa phương: Hành chính công, chính sách công, quản lý ngành, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, xây dựng đảng và hệ thống chính trị, xã hội học, kinh tế quốc tế, luật...

Những năm đầu, các đoàn bồi dưỡng theo chuyên đề ở nước ngoài do Văn phòng Đề án 165 đảm nhiệm. Hiện nay, việc này chủ yếu phân cấp cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương tổ chức. Việc tổ chức các đoàn đi bồi dưỡng, nghiên cứu ngắn hạn đáp ứng được nhu cầu thiết thực của đội ngũ cán bộ đương chức và cán bộ trong quy hoạch ít có điều kiện được bồi dưỡng và khảo sát thực tế ở nước ngoài, nhất là cán bộ khối đảng, đoàn thể, cán bộ ở vùng sâu, vùng xa, cán bộ các lực lượng vũ trang. Thu hoạch của cán bộ không chỉ giới hạn ở các nội dung chuyên đề mà còn được mở rộng tầm nhìn, “trăm nghe không bằng mắt thấy”, nhiều bài học trực giác không có trong chương trình.

Nhìn chung, Đề án đã bám sát yêu cầu, mục tiêu, đối tượng, nội dung và tổ chức các loại hình đào tạo, bồi dưỡng đạt kết quả bước đầu quan trọng. Công tác tuyển sinh về cơ bản đảm bảo đúng quy định. Đề án đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Các lĩnh vực bồi dưỡng được mở rộng đáp ứng nhu cầu cán bộ và của các địa phương, đơn vị. Nội dung các chuyên đề được chuẩn bị kỹ, có sự phối hợp giữa Văn phòng Đề án với các bộ, ban, ngành ở Trung ương để chọn nội dung phù hợp, thiết thực. Sau khi trao đổi với cơ sở đào tạo nước ngoài, các cơ quan, đơn vị hoàn chỉnh nội dung chương trình, bảo đảm tỷ lệ giữa nghiên cứu và khảo sát thực tế... Đề án đã tổ chức một số lớp bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ sử dụng ngoại ngữ trực tiếp, không qua phiên dịch.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Văn phòng Đề án lựa chọn, trao đổi với các cơ sở đào tạo chính sách công có uy tín hàng đầu của nhiều nước để đưa đoàn đến bồi dưỡng; tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại và được hỗ trợ về tài chính của một số tổ chức quốc tế: JICA, Quỹ hỗ trợ phát triển Thuỵ Sỹ, Quỹ Temasek (Xin-ga-po), một số cơ sở miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện sinh hoạt cho học viên của Đề án...

Ban Chỉ đạo và Văn phòng Đề án đã có nhiều cố gắng để đảm bảo chất lượng như quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào, lựa chọn các cơ sở đào tạo ở nước ngoài và các chương trình đào tạo liên kết. Chất lượng học viên đảm bảo theo yêu cầu, được các cơ sở đào tạo nước ngoài đánh giá là nghiêm túc, có ý thức cao trong học tập và gương mẫu trong sinh hoạt, là nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Chưa có trường hợp nào vi phạm pháp luật của Việt Nam và nước sở tại, các quy định của Đề án. Đã có 2 cán bộ tốt nghiệp thạc sĩ, đạt kết quả xuất sắc, được trường Heiz và thống đốc bang Nam úc khen thưởng.

Hạn chế

Số cán bộ cấp vụ, trong quy hoạch cấp vụ và tương đương trở lên đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn ít. Nguyên nhân do nhiều cán bộ không đủ điều kiện về tuổi và ngoại ngữ; còn có băn khoăn khi đi học dài hạn thì vị trí công tác sẽ được thay bằng người khác; lãnh đạo ở một số đơn vị vì yêu cầu công việc trước mắt của cơ quan nên không tích cực trong việc chọn, cử cán bộ đi học. Chất lượng quy hoạch cán bộ của các địa phương, đơn vị không đồng đều, một số địa phương, đơn vị chưa chủ động trong việc chuẩn bị nguồn cán bộ để cử đi đào tạo, bồi dưỡng.

Khó tuyển chọn cán bộ trẻ, do sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc, thủ khoa làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị đạt tỷ lệ thấp. Với cán bộ trẻ, khó xác định cán bộ có khả năng, triển vọng ở lĩnh vực nào để chọn đi đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên môn, nghiệp vụ. Một cán bộ trẻ có thể là đối tượng đào tạo của 2 đề án Trung ương và địa phương.

Chất lượng các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn không đồng đều bởi nội dung các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn còn nhiều bất cập, mới dừng ở việc xây dựng chủ đề cho từng chuyên đề, tiêu đề cho từng báo cáo. Nhận thức về mục đích chuyến đi của các thành viên trong đoàn còn khác nhau, có nhiều thành viên chưa quen với hình thức nghe báo cáo, thảo luận là chính, dẫn đến chưa nghiêm túc trong việc thực hiện các quy định của đoàn, chưa gương mẫu chấp hành các quy định chung. Chất lượng phiên dịch hạn chế do các cơ quan đối ngoại không đáp ứng được, chủ yếu sử dụng phiên dịch viên hợp đồng.

Một số đơn vị được phân cấp tổ chức đoàn chưa chủ động trong quá trình tìm cơ sở bồi dưỡng tại nước ngoài hoặc nhận thức đơn giản về mục tiêu bồi dưỡng. Có trường hợp chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin về cơ sở đào tạo, về dịch vụ cho đoàn trong hợp đồng chưa chi tiết, chưa có các biện pháp đánh giá chất lượng đào tạo dẫn đến kết quả không cao.

Một số cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học chưa đúng quy định: Không đủ thời gian công tác, lĩnh vực công tác, không phù hợp với chủ đề bồi dưỡng. Việc cử, giao nhiệm vụ trưởng đoàn chủ yếu căn cứ vào chức vụ của cán bộ, đa số chưa có kinh nghiệm quản lý đoàn đi nước ngoài, thậm chí có trưởng đoàn chưa gương mẫu trong việc duy trì nội quy, quy định, chương trình học tập, nghiên cứu đã ảnh hưởng đến chất lượng chung.          

Bộ máy quản lý của Đề án chưa phù hợp, vận hành gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Hoạt động của Đề án không chỉ dừng ở việc chọn, cử cán bộ, quản lý, đề xuất bố trí, sử dụng cán bộ đã đào tạo mà còn tham gia vào quá trình lựa chọn, xây dựng nội dung, chương trình, lựa chọn cơ sở đào tạo, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng, trong đó có nội dung về chất lượng đào tạo, thực hiện chế độ chính sách, giải quyết vướng mắc phát sinh khi cán bộ, học viên ra nước ngoài...

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo chuyển biến sâu sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài những năm tiếp theo, Đề án cần có những giải pháp đổi mới sau:

- Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện. Đổi mới phương thức, nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo hướng có hiệu quả, chất lượng. Tiếp tục nghiên cứu mở rộng đào tạo, bồi dưỡng một số lĩnh vực mới đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Việc xây dựng chủ đề nghiên cứu, học tập phải phù hợp, thiết thực, tập trung chủ yếu bồi dưỡng về năng lực hoạch định chính sách (chính sách công, tài chính công, kỹ năng lãnh đạo quản lý, quản lý nguồn nhân lực, quản lý ngành...).

- Thực hiện chặt chẽ quy chế quản lý cán bộ đi học ở nước ngoài, nhất là  về phẩm chất, đạo đức. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong quản lý, bố trí, sử dụng có hiệu quả cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng. 

- Tiếp tục hoàn thiện các quy định về hình thức tổ chức, triển khai, quản lý loại hình đào tạo liên kết. Chú trọng một số chuyên ngành cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu đào tạo của Việt Nam. Chỉ tuyển chọn cán bộ thật sự có nhu cầu bồi dưỡng về ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Tuyển sinh đầu vào đảm bảo chất lượng, đúng đối tượng, tiêu chuẩn. Cán bộ tham gia đoàn bồi dưỡng ngắn hạn phải công tác ở cơ quan có chuyên môn, nghiệp vụ theo chủ đề nghiên cứu, bồi dưỡng.

- Lựa chọn, thiết lập quan hệ ổn định, lâu dài với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước. Tích cực tìm nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy của Văn phòng Đề án 165, hoàn thiện các quy định, quy chế hoạt động của Đề án; chú trọng bồi dưỡng nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong công tác tham mưu và quản lý hoạt động của Đề án. Tích cực tham mưu Ban Chỉ đạo về đổi mới nội dung, phương pháp quản lý, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, quản lý tài chính của Đề án.

- Trên cơ sở kết quả đã đạt được của Đề án, Ban Tổ chức Trung ương cần nghiên cứu xây dựng đề án quy mô toàn quốc về công tác đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước cho các giai đoạn tiếp theo. Trong Đề án chung này có nhiều đề án thành phần; Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý (Đề án 165) là một Đề án thành phần do Ban Tổ chức Trung ương đảm nhiệm. Thực hiện chủ trương này, Đề án sẽ thống nhất đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước trong toàn quốc, khắc phục tình trạng các địa phương đều xây dựng đề án, một cán bộ là đối tượng của nhiều đề án. Được thế, việc sử dụng kinh phí hiệu quả hơn, việc quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo ở địa phương thuận lợi hơn, đồng thời là nguồn cung cấp cán bộ cho Trung ương.

Là một Đề án thực hiện ở phạm vi rộng, phức tạp, thời gian triển khai chưa dài, song về cơ bản đã bám sát yêu cầu, mục tiêu, nội dung tổ chức các loại hình đào tạo, bồi dưỡng đạt kết quả. Tuy quy mô của Đề án còn nhỏ song đã có những kinh nghiệm thực tiễn bổ ích cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài trong giai đoạn tiếp theo.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất