Tích cực triển khai quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

Phóng viên (PV): Xin Đồng chí cho biết mục đích, yêu cầu của việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược?

Đồng chí Trần Lưu Hải: Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là một nội dung quan trọng trong các nhiệm vụ đổi mới công tác cán bộ đã được Đại hội lần thứ XI của Đảng xác định, thông qua. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” tiếp tục xác định đây là một trong những giải pháp để thực hiện Nghị quyết. Mục đích của việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là nhằm chủ động và sớm phát hiện cán bộ có tài năng lãnh đạo, quản lý, được đào tạo cơ bản và trưởng thành từ thực tiễn, chuẩn bị nguồn cán bộ dồi dào để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, làm tiền đề quan trọng cho công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc, nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Việc này bảo đảm cho các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước có đủ phẩm chất, năng lực, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để đạt được mục đích trên, nhân sự đưa vào quy hoạch cấp chiến lược phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện do Bộ Chính trị quy định. Ban Chấp hành Trung ương phải có tầm nhìn chiến lược, có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo, có khả năng tập hợp, đoàn kết cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, có đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới; phải có 3 độ tuổi để bảo đảm tính kế thừa, phát triển, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, có cơ cấu hợp lý để lãnh đạo toàn diện đất nước; cần chú ý tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ dân tộc ít người, cán bộ khoa học - kỹ thuật, văn hóa - nghệ thuật, cán bộ xuất thân từ công nhân, nông dân, trí thức yêu nước, gia đình có truyền thống cách mạng. Trên cơ sở quy hoạch, chúng ta tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, phân công đối với cán bộ cấp chiến lược; gắn kết và bảo đảm sự liên thông quy hoạch cấp chiến lược với quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành và địa phương.

PV: Đồng chí có thể cho biết rõ thêm về nội dung công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược?

Đồng chí Trần Lưu Hải: Khi thực hiện quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, chúng ta phải nắm chắc và thực hiện đúng quan điểm, nguyên tắc, phương châm đã được Hội nghị Trung ương 6 thông qua. Mấu chốt của công tác này là phải xác định rõ được yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, từ đó đề ra tiêu chuẩn của ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; số lượng, cơ cấu trong quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đối tượng, điều kiện lựa chọn cán bộ vào quy hoạch; quy trình phát hiện, giới thiệu, lựa chọn và quyết định nguồn quy hoạch.

Cán bộ được quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương ngoài những yêu cầu chung như có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, thì phải có kiến thức sâu rộng về công tác xây dựng đảng, tình hình đất nước, tình hình thế giới; trưởng thành từ cơ sở, qua hoạt động thực tiễn chứng tỏ là người có tư duy đổi mới, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có kiến thức, năng lực lãnh đạo, quản lý, tổng kết thực tiễn, dự báo được xu hướng phát triển của địa phương, ngành, lĩnh vực phụ trách; có khả năng tập hợp, đoàn kết cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; công bằng, công tâm, khách quan và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, giới thiệu được người có đức, có tài thay thế mình...

Đối với cán bộ vào quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì phải bảo đảm tiêu chuẩn cao hơn, có uy tín và thành tích nổi trội hơn so với cán bộ quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương kể trên. Ví dụ như phải là uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương ít nhất một nhiệm kỳ; có phẩm chất, năng lực tiêu biểu, có tầm nhìn và tư duy chiến lược, quyết đoán, nhanh nhạy, nắm bắt thời cơ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, dự báo và đề ra được phương án giải quyết các tình huống hệ trọng của Đảng, của đất nước... Nếu là cán bộ quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, ngoài các yêu cầu và tiêu chuẩn trên còn phải là những ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác; có khả năng quy tụ, đoàn kết, thuyết phục trong toàn Đảng; am hiểu toàn diện về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hoá, xã hội...

Để có những cán bộ đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn nêu trên, Bộ Chính trị xác định giới thiệu quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương từ ba đối tượng: (1) Là phó bí thư tỉnh, thành ủy, phó trưởng ban, thứ trưởng và tương đương ở các bộ, ngành, ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị ở Trung ương... các đồng chí này đã giữ chức vụ trong một thời gian nhất định, được quy hoạch vào các chức vụ người đứng đầu nhiệm kỳ 2016-2021, là uỷ viên cấp uỷ hoặc tổ chức đảng ở cấp mình đang công tác và khi được bố trí vào chức danh quy hoạch còn đủ tuổi công tác ít nhất trọn một nhiệm kỳ trở lên. (2) Là bí thư huyện ủy, quận ủy, giám đốc sở, ngành và tương đương ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng cục trưởng, cục trưởng, vụ trưởng, viện trưởng và tương đương ở các ban, bộ, ngành, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị ở Trung ương; các đồng chí này đã giữ chức vụ trong một thời gian nhất định, được quy hoạch vào các chức vụ người đứng đầu nhiệm kỳ 2016-2021 hoặc các nhiệm kỳ tiếp theo, là uỷ viên cấp uỷ hoặc tổ chức đảng ở cấp mình đang công tác và tính đến tháng 1-2016 còn đủ tuổi công tác ít nhất trọn 2 nhiệm kỳ trở lên. (3) Là cán bộ có phẩm chất, năng lực, thành tích nổi trội, có năng lực lãnh đạo, quản lý; là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc ít người, trí thức, nhà khoa học ngành mũi nhọn, cán bộ xuất thân từ công nhân, nông dân, trí thức yêu nước, gia đình có truyền thống cách mạng đã được quy hoạch vào các chức danh như bí thư, phó bí thư tỉnh uỷ, thành ủy, bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương nhiệm kỳ 2016-2021 hoặc các nhiệm kỳ tiếp theo, là uỷ viên cấp uỷ hoặc tổ chức đảng ở cấp mình đang công tác và có độ tuổi 45 trở xuống cả nam và nữ.

PV: Xin Đồng chí cho biết sự giống và khác nhau giữa quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và quy hoạch cán bộ nói chung?

Đồng chí Trần Lưu Hải: Vì đều là nhằm tạo nguồn cán bộ kế cận, lâu dài nên quy hoạch cán bộ cấp chiến lược so với quy hoạch cán bộ nói chung có những điểm giống nhau. Thứ nhất, cả hai đều lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên. Thứ hai, đều phải căn cứ vào các yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể, có quy trình phát hiện và giới thiệu nguồn tương tự như nhau theo Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Thứ ba, cả hai đều phải thực hiện việc công khai tiêu chuẩn các chức danh để cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng biết, làm cơ sở cho việc phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch. Nhưng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khác với quy hoạch cán bộ nói chung ở chỗ: Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược có Ban Chỉ đạo riêng, đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp quản lý. Ngoài lựa chọn từ nguồn trong quy hoạch ở cấp dưới, cán bộ quy hoạch cấp chiến lược còn được lựa chọn từ sự giới thiệu của các đồng chí đang là ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trước khi Bộ Chính trị thảo luận, quyết định danh sách cán bộ đưa vào quy hoạch có bước tham khảo ý kiến Ban Chấp hành Trung ương về danh sách dự kiến này. Trong làm quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, ngoài những quy định về yêu cầu, tiêu chuẩn, Bộ Chính trị quy định không giới thiệu vào quy hoạch những cán bộ có một trong các hạn chế, khuyết điểm, như: bản lĩnh chính trị không vững vàng, thiếu chính kiến, không dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh chống cái sai, không dám đương đầu với những vấn đề phức tạp, khó khăn; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; độc đoán, chuyên quyền, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chọt, có tham vọng cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh; bảo thủ, trì trệ, nói không đi đôi với làm; không chấp hành hoặc đặt điều kiện khi được điều động, phân công công tác...

PV: Đồng chí có thể cho biết trách nhiệm của Ban Tổ chức Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ này là gì?

Đồng chí Trần Lưu Hải: Ngoài nhiệm vụ tham mưu xây dựng Đề án trình Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) thảo luận, thông qua, sau khi Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, Ban Tổ chức Trung ương lại được giao chủ trì phối hợp với các cấp uỷ, tổ chức đảng và cơ quan liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đối với cán bộ trong quy hoạch, bảo đảm yêu cầu của chức danh quy hoạch, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định. Cụ thể là:

Thứ nhất, đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ có trình độ cao cấp hoặc cử nhân về chính trị, quản lý nhà nước, xây dựng Đảng. Mở các khoá bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về tư duy chiến lược, tầm nhìn thế giới, việc dự báo, nắm bắt, xử lý các vấn đề phát sinh của quốc gia, quốc tế; khả năng diễn đạt, thuyết trình của cán bộ phù hợp với chức danh quy hoạch...

Thứ hai, phân công, bố trí cán bộ ở những địa bàn, lĩnh vực khó khăn, phức tạp để đào tạo, thử thách; luân chuyển, bố trí cán bộ kinh qua thực tiễn công tác ở cả địa phương và trung ương theo mô hình: địa phương - trung ương, địa phương - địa phương, trung ương - địa phương, theo hướng chọn địa bàn trung tâm về chính trị, kinh tế của vùng, khu vực hoặc tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển kinh tế đa dạng, diện tích rộng, dân số đông, nhiều đảng viên... để bố trí làm lãnh đạo chủ chốt; kết hợp với thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không phải là người địa phương.

Thông qua thành tích công tác, sự phát triển của địa phương, ngành nơi cán bộ được bố trí làm cán bộ chủ chốt và uy tín của cán bộ để đánh giá cán bộ, làm căn cứ đề bạt, bổ nhiệm theo quy hoạch.

PV: Có thể thấy, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là một trong những bước phát triển mới của công tác cán bộ. Vậy Đồng chí cho biết khi nào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được triển khai trong thực tế?

Đồng chí Trần Lưu Hải: Xác định đây là một việc làm quan trọng và cần làm ngay nên theo Kế hoạch của Bộ Chính trị riêng đối với nhiệm kỳ Đại hội XI, thời điểm xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được triển khai ngay trong quý I năm 2013. Các nhiệm kỳ tiếp theo việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được triển khai ngay quý I năm thứ hai sau Đại hội toàn quốc của Đảng. Hằng năm, tiến hành việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ cấp chiến lược bảo đảm quy hoạch “động”, “mở”, thực chất, có tính khả thi và có hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu lãnh đạo đất nước trong tình hình mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đồng chí. Nhân dịp năm mới, xuân về xin kính chúc Đồng chí và gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất