Công tác cán bộ nữ ở Gia Lai
Gia Lai là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người; phụ nữ chiếm trên 50% dân số toàn tỉnh, trong đó phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 30% tổng số phụ nữ toàn tỉnh, chủ yếu là phụ nữ người dân tộc Jrai và Bahnar.
    
Những năm qua công tác cán bộ nữ luôn được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai quan tâm chỉ đạo, nhờ đó đội ngũ cán bộ nữ phát triển cả về số lượng và chất lượng; tổng số cán bộ, công chức, viên chức là nữ hiện nay có 20.768 người (chiếm hơn 30% tổng số cán bộ, công chức, viên chức), trong đó nữ cán bộ, công chức có 3.343 người, nữ viên chức có 17.425 người. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền, HĐND các cấp tăng hơn nhiệm kỳ trước, cụ thể: nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 (cấp tỉnh 10,9%; cấp huyện 14,3%; cấp xã 15,6%), nữ tham gia HĐND nhiệm kỳ 2009-2014 (cấp tỉnh 31,1%; cấp huyện 23,8%, cấp xã 21,6%).

Cán bộ nữ luôn phát huy trí tuệ, phẩm chất của mình, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng và năng lực quản lý, lãnh đạo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo điều kiện thúc đẩy cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ hăng hái phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, năng động, sáng tạo, đóng góp hiệu quả vào các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
    
Tuy nhiên, công tác cán bộ nữ ở Gia Lai hiện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn sau:
    
Một số cấp ủy và chính quyền nhận thức về công tác cán bộ nữ còn phiếm diện, giản đơn, nhất là khâu đánh giá cán bộ nữ chưa thật sự khách quan, khoa học, tư tưởng hẹp hòi, thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ; công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa cán bộ nữ theo chức danh còn nhiều bất cập. Cán bộ hội, nhất là các chi, tổ còn hạn chế về trình độ, năng lực, kỹ năng; một số cán bộ chủ chốt cao tuổi, phương pháp làm việc thiếu tính sáng tạo, ngại học tập; việc tham mưu quy hoạch cán bộ nữ còn bị động, một số lãnh đạo địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quy hoạch cán bộ hội phụ nữ.
    
Cơ chế chính sách đối với cán bộ nữ còn bất cập, hạn chế và chưa đồng bộ, vấn đề giới và cán bộ nữ chưa được đưa vào trong một số chế độ, chính sách kinh tế - xã hội như: tuổi để bạt, tuổi về hưu, chính sách lương…

Tình trạng an phận, tự ty, ngại va chạm, ngại thay đổi môi trường công tác khá phổ biến trong nữ giới. Một số cán bộ nữ không có chí hướng phấn đấu vươn lên, ngại thay đổi môi trường công tác, một số có tính hẹp hòi, ích kỷ, đố kỵ nhau, níu kéo lẫn nhau, chưa tôn vinh và tạo điều kiện cho nhau.

Tỷ lệ lao động nữ không có việc làm hoặc việc làm không ổn định còn cao, nhất là lao động nữ ở khu vực nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số.

Phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ còn cao, ít có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ các hoạt động văn hóa - thông tin.

Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở một số nơi còn thấp, đặc biệt tỷ lệ nữ là đảng viên ở nông thôn còn ít. Mặt khác, một số ít phụ nữ còn tự ty, an phận, thiếu tinh thần phấn đấu vươn lên. Vấn đề định kiến giới, bạo lực gia đình còn tồn tại.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ 14, nhiệm kỳ 2010-2015 nêu rõ: “Chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trình độ mọi mặt cho phụ nữ. Phát huy vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình và nuôi dạy con cái. Quan tâm hơn đến công tác cán bộ nữ. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật liên quan đến phụ nữ. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành”.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết và khắc phục những tồn tại, thách thức trên trong công tác cán bộ nữ ở tỉnh Gia Lai thì cần quan tâm một số giải pháp cơ bản sau:

1. Tiếp tục đổi mới nhận thức về công tác cán bộ nữ, xem đây là một lực lượng quan trọng trong sự phát triển của xã hội, phải được bình đẳng về quyền lợi, trách nhiệm. Phải coi công tác cán bộ nữ là trách nhiệm của tất cả các thành viên của hệ thống chính trị các cấp.

2. Cấp ủy các cấp, nhất là cấp cơ sở cần coi trọng quy hoạch cán bộ nữ để đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ cán bộ nữ thời kỳ CNH-HĐH. Công tác quy hoạch cần triển khai đồng bộ, dân chủ, chặt chẽ, đúng nguyên tắc; ưu tiên những chuyên ngành, lĩnh vực mà ở đó cán bộ nữ còn quá thiếu. Quy hoạch phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, gắn với luân chuyển cán bộ; đồng thời, quy hoạch cán bộ nữ phải được rà soát, bổ sung và điều chỉnh hằng năm.

3. Công tác tạo nguồn cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số cần đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chung; ưu tiên và quan tâm tuyển dụng cán bộ nữ có trình độ cao, nâng cao tỷ lệ đảng viên là nữ, có kế hoạch bố trí, phân công công tác để họ được phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Coi trọng việc lựa chọn, bồi dưỡng những cán bộ trẻ, có triển vọng để tạo nguồn cho những vị trí lãnh đạo cao hơn trong đội ngũ cán bộ nữ đương chức ở các cấp.

4. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch và việc bố trí sử dụng cán bộ nữ. Các hình thức đào tạo cần phù hợp với đặc điểm nữ giới; đào tạo, bồi dưỡng có trọng tâm trọng điểm.

5. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về cán bộ nữ; định kỳ rà soát các chỉ tiêu về cán bộ nữ để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị đó.   

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất