Hơn 3 năm thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở Nghệ An
UBND tỉnh họp phiên chuyên đề tháng 6.
Nghệ An đất rộng (16.490 km2), người đông (2,92 triệu người), số lượng đảng viên lớn (gần 172 ngàn); Đảng bộ tỉnh có 28 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 20 huyện, thành, thị ủy; với 1.563 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 480 đảng bộ xã, phường, thị trấn. Thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (khoá X), trong đó có nội dung thí điểm mô hình đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, Tỉnh uỷ đã tổ chức học tập, quán triệt chủ trương để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở khảo sát thực tế từ các xã đã và đang có đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch số 43-KH/TU, ngày 5-5-2009 về việc thực hiện thí điểm tại 2-3% số xã trong toàn tỉnh. Với mục đích là nhằm tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tạo sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của địa phương, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.

Trước khi có chủ trương của Bộ Chính trị, do yêu cầu về công tác tổ chức cán bộ, việc bố trí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND đang được thực hiện tại 5 xã, thị trấn.

Trên cơ sở đề nghị của cấp uỷ cơ sở, ngày 21-9-2009 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An có Kết luận số 25-KL/TU, chọn và triển khai thực hiện thí điểm tại 19 đơn vị, trong đó: Loại hình xã có 15 đơn vị (79%), phường 2 đơn vị (10,5%), thị trấn 2 đơn vị (10,5%); miền núi 10 đơn vị (52,6%), trung du 5 đơn vị (26,3%), đồng bằng 4 đơn vị (21,1%). 

Ngoài 5 đơn vị (26,3%) triển khai trước khi có chủ trương của Bộ Chính trị, có 5 đơn vị (26,3%) triển khai sau khi có Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương nhưng trước thời điểm diễn ra đại hội cơ sở, 9 đơn vị (47,4%) triển khai thực hiện cùng với đại hội đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2010-2015.

Thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã bước đầu cho thấy: Cơ bản tạo được sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy ở địa phương; bảo đảm tính nhất quán giữa lãnh đạo của cấp ủy đảng và quản lý điều hành của chính quyền; hạn chế được tình trạng bao biện, làm thay, lấn sân hoặc buông lỏng lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền ở cơ sở; người đứng đầu phát huy được tính năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác điều hành; góp phần thực hiện chủ trương cải cách hành chính, tinh giảm biên chế cho bộ máy cán bộ cơ sở. Bước đầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị; tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin, ý kiến phản ánh của nhân dân, hạn chế sự trì trệ, đùn đẩy trách nhiệm, từ đó có các giải pháp để làm tốt công tác tư tưởng, điều chỉnh nội dung, phương pháp làm việc, tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn đầu tư thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tuy nhiên, đến tháng 4 năm 2013, trên địa bàn toàn tỉnh đã có một số thay đổi: 6 đơn vị xin không thực hiện: Kỳ Sơn (Bắc Lý, Tà Cạ), Quỳnh Lưu (Quỳnh Đôi), Tương Dương (Yên Tĩnh), Cửa Lò (Phường Nghi Hòa), Hưng Nguyên (Hưng Khánh); chuyển địa điểm tại 2 đơn vị: TP. Vinh (phường Quang Trung, chuyển sang xã Hưng Hòa), Quỳ Hợp (xã Châu Cường, chuyển sang xã Thọ Hợp); thay đổi cán bộ tại 1 đơn vị: Quế Phong (T.T Kim Sơn).

Trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc cơ bản như sau:

Một là, công tác chuẩn bị các yếu tố để thực hiện thí điểm chưa thật đầy đủ nên một số địa phương triển khai chậm hoặc khi triển khai đã gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Hai là, một số cán bộ không đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất, năng lực, chuyên môn, trong khi đó áp lực về công việc của đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là rất lớn, lại chưa được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nên xử lý công việc còn lúng túng, tồn đọng, sai sót, dễ nảy sinh sự độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, cá biệt có nơi đã phải xử lý kỷ luật cán bộ.

Ba là, hệ thống văn bản hướng dẫn chưa kịp thời nên quá trình triển khai thực hiện việc bổ sung, sửa đổi quy chế hoạt động có nơi chưa đầy đủ, thiếu thống nhất.

Bốn là, trong quá trình thực hiện gặp khó khăn trong lựa chọn, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào vị trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã.

Năm là, phần lớn các cơ sở mới thực hiện thí điểm sau đại hội đảng bộ và còn tập trung ở những địa phương có nhiều yếu tố thuận lợi; có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành để xây dựng điểm nên chưa đánh giá được một cách đầy đủ và toàn diện kết quả thí điểm.

Vì cán bộ luôn có sự biến động, nên nhiều cơ sở đang có kiến nghị Trung ương sớm thực hiện tổng kết thực tiễn, xem xét đánh giá đúng mức ưu điểm, tồn tại; đánh giá đúng thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn để có biện pháp chỉ đạo tiếp nối; riêng đối với địa bàn các xã miền núi, với nhiều yếu tố không thuận lợi, vì vậy không nên thực hiện nhất thể hóa hai chức danh này.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất