Thanh Hóa là tỉnh lớn với hơn 3,4 triệu dân. Đảng bộ tỉnh có 35 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 637 đảng bộ xã, phường, thị trấn, 1.703 tổ chức cơ sở đảng. Trước yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp để tạo bước chuyển mới trong công tác cán bộ gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Tháng 3-2012, Đảng bộ đã ban hành Nghị quyết 04 về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020” với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm chất lượng, đạt yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ, có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.
Với phương châm “Tam hóa” (chuẩn hóa, trẻ hóa và thực tiễn hóa), đổi mới công tác cán bộ ở Thanh Hóa đang được thực hiện đồng bộ ở các khâu, trong đó đánh giá cán bộ và luân chuyển cán bộ được xác định là hai khâu đột phá.
Đánh giá cán bộ được xác định là khâu có ý nghĩa quyết định và phải đổi mới mạnh mẽ để không lọt người tài, không bố trí, sử dụng cán bộ không đủ tiêu chuẩn. Đánh giá cán bộ đã được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, từ phát huy vai trò cá nhân trong tự kiểm điểm, đến xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch nhằm đánh giá cán bộ rõ hơn, sát hơn; kết quả xếp loại được thông báo đến từng cá nhân, đơn vị. Đánh giá cán bộ được xem xét trong cả quá trình công tác, trong từng con người cụ thể, hoàn cảnh cụ thể. Đặc biệt, coi trọng phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn thể hiện qua hiệu quả công tác, tính chủ động, sáng tạo, mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; khả năng đoàn kết, quy tụ cán bộ, quần chúng; khả năng phát huy sức mạnh tập thể, năng lực điều hành, tổ chức thực hiện. Do đó, kết quả đánh giá cán bộ đã có tác dụng góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; là căn cứ để đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ sát đúng, hiệu quả.
Kết quả đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh năm qua cho thấy, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở cấp huyện có 27% hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ, 66% hoàn thành tốt, 5,9% hoàn thành nhiệm vụ và 0,81% chưa hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở cấp tỉnh có 53,4% hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ, 43,3% hoàn thành tốt, 3,2% hoàn thành nhiệm vụ…
Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo ban hành tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban cán sự đảng, đảng đoàn; rà soát tiêu chí xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của UBND các huyện, thị, thành phố, các sở, cơ quan ngang sở… Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành quy trình, thủ tục đánh giá cán bộ hằng năm, đánh giá trước khi bổ nhiệm, trước bầu cử và hết nhiệm kỳ theo hướng mở rộng dân chủ, mở rộng đối tượng tham gia.
Trên cơ sở Nghị quyết 04, tháng 5-2012, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quy định “về xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 và định hướng nhiệm kỳ 2020-2025”. Căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh và kết quả đánh giá cán bộ, cấp ủy đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn phát hiện, lựa chọn, giới thiệu nguồn cán bộ kế cận cho từng giai đoạn theo nhiệm kỳ đại hội Đảng. Theo đó, quy hoạch cán bộ bảo đảm phương châm “mở và động”, “liên thông” trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, bổ sung những nhân tố mới. Quy hoạch cũng bảo đảm 3 độ tuổi theo hướng tuổi bình quân khóa sau phải thấp hơn khóa trước.
Việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2010-2015 và quy hoạch A1, nhiệm kỳ 2015-2020 được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ ở các cấp, các ngành; thực hiện từ dưới lên. Số lượng, cơ cấu nữ, tuổi trẻ, dân tộc ít người, tiêu chuẩn, điều kiện nguồn đưa vào quy hoạch, nhìn chung bảo đảm theo yêu cầu.
Công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, theo chức danh được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu. Thanh Hoá đang thực hiện Đề án “Đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh giai đoạn 2015-2020 và đến 2030”. Theo đó, cán bộ nguồn có tuổi đời dưới 35, tốt nghiệp đại học chính quy loại khá trở lên, có năng lực lãnh đạo, quản lý, được tuyển chọn để đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ tập trung ở nước ngoài. Sau đó sẽ đưa đi rèn luyện trong thực tiễn. Căn cứ vào kết quả học tập, khả năng của cán bộ để bổ nhiệm, bố trí sắp xếp phù hợp. Từ nay đến năm 2016 phấn đấu đào tạo khoảng 100 cán bộ. Bên cạnh đó, bằng nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng, từ năm 2007 đến 2011 đã đào tạo được 55 tiến sỹ, 526 thạc sỹ, 4.681 đại học, 1.231 cao cấp, cử nhân chính trị. Những năm qua, công tác luân chuyển cán bộ được quan tâm, làm đến đâu, chắc đến đó. Trong giai đoạn 2000-2010, tỉnh đã thực hiện luân chuyển “dọc” 263 cán bộ, trong đó từ tỉnh xuống huyện 36, từ huyện lên tỉnh 61, từ huyện xuống xã, phường, thị trấn 100, từ xã, phường, thị trấn lên huyện 66. Luân chuyển “ngang” 318 cán bộ, trong đó từ khối quản lý nhà nước sang công tác đảng, mặt trận, đoàn thể 172, từ công tác đảng, mặt trận, đoàn thể sang quản lý nhà nước 146. Riêng hai năm 2011, 2012 đã luân chuyển từ tỉnh xuống huyện 3, từ huyện xuống xã 56, từ xã lên huyện 48, luân chuyển ngang ở cấp huyện 92 cán bộ… Qua luân chuyển đã góp phần đào tạo, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn và tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, đào tạo, rèn luyện cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp họ trưởng thành nhanh hơn và toàn diện hơn, đáp ứng cho yêu cầu trước mắt và lâu dài, khắc phục một bước xu hướng cục bộ, khép kín, trì trệ của đội ngũ cán bộ.
Thực hiện Kết luận số 24-KL/TW ngày 15-6-2012 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Thanh Hoá sẽ tiến hành thí điểm một số huyện, thị xã có các chức danh bí thư, phó bí thư thường trực, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng công an, viện trưởng viện kiểm sát, chánh án tòa án nhân dân, trưởng phòng tài chính, trưởng phòng tài nguyên môi trường không phải là người địa phương. Cuối tháng 2-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Đề án “về việc điều động và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ quản lý”. Ngay sau đề án được phê duyệt, đã có 36 cán bộ được điều động, luân chuyển đợt đầu, trong đó có 9 tỉnh ủy viên; 10 bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy cấp huyện; 4 chủ tịch UBND cấp huyện; 14 giám đốc, phó giám đốc sở, trưởng, phó ban, ngành cấp tỉnh; 8 trưởng, phó phòng cấp tỉnh và tương đương. Đây là một đợt “chuyển quân” lớn nhất từ trước đến nay, đang được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh quan tâm, kỳ vọng.
Phương Vinh
Báo Thanh Hóa