Quán triệt Kết luận của Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 với mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt, có cơ cấu phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới” và "Đổi mới, trẻ hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển” như Đại hội XI của Đảng xác định, những năm qua, Tỉnh ủy Hà Nam và cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên đã nhận thức rõ yêu cầu đổi mới công tác cán bộ, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy quản lý bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Tỉnh ủy đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo, như: Quyết định số 459-QĐ/TU, ngày 14-11-2008 của BTV Tỉnh ủy Hà Nam về Đề án nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tỉnh Hà Nam; Hướng dẫn số 04-HD/BTCTU, ngày 07-4-2011 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Nam về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo; Đề án số 12-ĐA/TU của BTV Tỉnh ủy Hà Nam về tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo; Quyết định số 333-QĐTU, ngày 31-12-2007 của BTV Tỉnh ủy về Quy định phân công, phân cấp và quản lý cán bộ; Quyết định số 334-QĐTU, ngày 31-12-2007 của BTV Tỉnh ủy về Quy chế bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử... Nhờ đó, đội ngũ cán bộ diện BTV Tỉnh ủy Hà Nam quản lý đã có bước trưởng thành, có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng, đây là nhân tố quan trọng để tỉnh Hà Nam đạt được thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương.
Từ thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ diện BTV Tỉnh ủy Hà Nam quản lý bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng của đội ngũ cán bộ, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu:
Một là, cần có sự thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm từ BTV Tỉnh ủy đến các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng về việc xây dựng đội ngũ cán bộ theo yêu cầu bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng của đội ngũ cán bộ. Từ những trường hợp bất cập, hạn chế trong công tác cán bộ như hẫng hụt cán bộ, bố trí cán bộ không bảo đảm yêu cầu cơ cấu, chất lượng… cần có sự rút kinh nghiệm nghiêm túc, từ đó mà nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng về việc xây dựng đội ngũ cán bộ theo yêu cầu bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng của đội ngũ cán bộ.
Hai là, xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của tỉnh làm cơ sở cho cán bộ phấn đấu, rèn luyện cũng như tạo cơ sở khoa học, khách quan cho triển khai các khâu công tác cán bộ khác, như: tuyển chọn, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm… Tiêu chuẩn chung cho đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đã được Đảng xác định trong Chiến lược cán bộ. Vấn đề là phải tập trung chỉ đạo việc cụ thể hoá thành tiêu chuẩn cho từng chức danh cán bộ. Thực tế ở Hà Nam cho thấy, khi tiêu chuẩn chức danh cán bộ đã được cụ thể hoá thì việc tiến hành các khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ sẽ thuận lợi, hạn chế được nguy cơ hẫng hụt, thiếu cán bộ đủ tiêu chuẩn.
Ba là, để có đội ngũ cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng, đảm bảo chất lượng, biện pháp rất quan trọng là xây dựng quy hoạch cán bộ thực chất và đúng yêu cầu. Thực tiễn cho thấy làm tốt quy hoạch cán bộ sẽ tạo sự chủ động trong công tác cán bộ; khắc phục tình trạng hẫng hụt nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, giữ vững đoàn kết nội bộ và sự ổn định chính trị. BTV Tỉnh uỷ phải chỉ đạo quyết liệt và tăng cường hướng dẫn, kiểm tra để xây dựng được quy hoạch cán bộ có chất lượng, hiệu quả và có tính khả thi cao. Quy hoạch đội ngũ cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý phải đặc biệt bảo đảm cho được yêu cầu “mở và động”, về cơ cấu độ tuổi trẻ, giới tính, chuyên môn, không có sự “vận dụng” ngay trong quy hoạch cán bộ.
Bốn là, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý phải tiến hành một cách chặt chẽ, khách quan, công tâm, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tiêu chuẩn cán bộ. Có như vậy mới tạo niềm tin, sự phấn khởi và quyết tâm phấn đấu cho đội ngũ cán bộ. Trong bố trí cán bộ cần đảm bảo cơ cấu độ tuổi và trình độ, năng lực hợp lý. Trường hợp có nhiều cán bộ cùng độ tuổi trong cấp ủy, lĩnh vực cần sớm có sự điều chỉnh để bảo đảm cơ cấu độ tuổi của các lớp cán bộ.
Năm là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ và có chính sách cán bộ phù hợp. Cần lựa chọn cán bộ trẻ từ các ngành, các lĩnh vực để đưa vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để có nguồn cán bộ trẻ, dồi dào, tránh được tình trạng hẫng hụt cán bộ. Cần thực hiện tốt chính sách cán bộ nói chung và chính sách với cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý nói riêng để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ yên tâm phấn đấu, cống hiến.
Vũ Đức Hải
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Nam