Đào tạo cán bộ nguồn cho Thủ đô
Lễ khai giảng lớp đào tạo cán bộ nguồn làm công tác đảng chuyên ngành tổ chức do Thành ủy Hà Nội tổ chức.

Đào tạo, bồi dưỡng là một trong những khâu quan trọng của công tác cán bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Nhận thức rõ yêu cầu đó, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (ĐT, BDCB) và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH.

Những năm qua, công tác ĐT, BDCB được Thành uỷ quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ và tiến hành thường xuyên, đạt nhiều chuyển biến tích cực. Mỗi năm, thành phố mở hàng trăm lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hàng vạn lượt cán bộ, công chức. Kế hoạch, nội dung và phương thức ĐT, BDCB từng bước được cải tiến; hệ thống cơ sở đào tạo được kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng.

Liên tục qua các khóa XII, XIII, XIV Đảng bộ thành phố, Thành ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo về công tác ĐT, BDCB. Sau 15 năm, thành phố đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng được nhiều lớp cán bộ, công chức nguồn, với các đối tượng và loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Trong đó, có 3 khóa đào tạo giám đốc và nguồn giám đốc; 7 lớp nguồn cán bộ đảng, đoàn thể; 11 lớp nguồn cán bộ, công chức sở, ban, ngành, quận, huyện và xã, phường, thị trấn, 14 lớp đào tạo tiền công vụ.

Hà Nội là một trong những địa phương sớm có chủ trương đào tạo cán bộ nguồn, được Trung ương đánh giá cao. Với hơn 2.000 cán bộ, công chức nguồn được đào tạo đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hiệu quả công tác của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Đa số cán bộ nguồn sau khi tốt nghiệp đã vận dụng, phát huy tốt kiến thức về xây dựng đảng, quản lý nhà nước vào thực tiễn công tác; từ đó tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách phù hợp; tích cực tham gia xây dựng địa phương, đơn vị vững mạnh, góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới.

Tuy nhiên, hạn chế của công tác đào tạo cán bộ nguồn thời gian này là chưa có kế hoạch tổng thể theo lộ trình thích hợp, thống nhất cho cả hệ thống chính trị, mà chỉ mang tính đơn lẻ, nhất thời, chưa gắn kết chặt chẽ giữa các khâu tuyển sinh, quy hoạch, đào tạo đến phân công công tác sau khi tốt nghiệp và chủ yếu là đào tạo nguồn cán bộ, công chức khối nhà nước...

Triển khai thực hiện Nghị quyết XV (nhiệm kỳ 2010-2015) của Đảng bộ thành phố, với 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Chương trình số 01-CTr/TU về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015. Đây là chương trình cốt lõi, có vai trò chi phối trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình số 01-CTr/TU là tiếp tục đẩy mạnh công tác ĐT, BDCB. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và triển khai đề án đào tạo 1.000 cán bộ, công chức nguồn của thành phố, giai đoạn 2011-2020. Đề án này đã phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác đào tạo cán bộ nguồn trước đây, nhằm chuẩn hóa, chủ động bổ sung và tạo nguồn cán bộ, công chức chất lượng cao cho cả hệ thống chính trị trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Rút kinh nghiệm các lớp đào tạo cán bộ nguồn các nhiệm kỳ trước, việc tổ chức các lớp nguồn nhiệm kỳ này chú ý cả “đầu vào” và “đầu ra”. Đặc biệt, trong quá trình đào tạo, cùng với các bài giảng lý thuyết, học viên còn được các đồng chí bí thư quận, huyện ủy trực tiếp trao đổi kinh nghiệm. Theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, các học viên đã được tiếp cận những kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, kỹ năng giải quyết tình huống cụ thể, như cách thức triển khai 9 bước trong quy trình thực hiện giải phóng mặt bằng ở cơ sở; cách xử lý đảng viên vi phạm; quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên...

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các lớp cán bộ nguồn được thực hiện một cách bài bản từ xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo; quản lý, đánh giá nghiêm túc, sát thực tế kết quả học tập, đề cao ý thức rèn luyện của học viên, đến việc thực hiện các chế độ, chính sách và phân công công tác đối với các học viên.

Với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, công tác đào tạo cán bộ nguồn của Đảng bộ Thành phố khóa XV bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ. Từ giữa năm 2011 đến nay, Thành ủy đã tổ chức 8 lớp cán bộ nguồn (5 lớp dành cho cán bộ các ban đảng và 3 lớp cán bộ nguồn cơ sở), với khoảng 800 học viên. Đầu vào của những lớp này đều là sinh viên chính quy đã tốt nghiệp loại khá, giỏi của các trường đại học. Nửa cuối năm 2013, 2 lớp cán bộ nguồn ngành kiểm tra và tuyên giáo đã hoàn thành chương trình khóa học, với gần 200 học viên được phân công về làm việc ở các xã, phường, thị trấn. Qua nắm bắt tình hình từ các địa phương, số học viên mới nhận nhiệm vụ đều được đánh giá cao về khả năng tiếp cận, đáp ứng yêu cầu công việc.

Mặc dù số lượng cán bộ được đào tạo qua các lớp nguồn chưa nhiều, kết quả mới chỉ là bước đầu, song có thể khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược trong công tác cán bộ của Thành uỷ. Từ thực tiễn công tác đào tạo cán bộ nguồn thời gian qua, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm:

Một là, công tác đào tạo cán bộ nguồn cần xuất phát từ thực trạng đội ngũ cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, khoa học, thống nhất từ chủ trương đến biện pháp, cách thức triển khai, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Chú trọng làm tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác tuyên truyền tạo đồng thuận, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và học viên trong quá trình thực hiện.

Hai là, việc đào tạo cán bộ nguồn phải bảo đảm chặt chẽ từ khâu lựa chọn đối tượng đầu vào, đến việc chuẩn bị kỹ về nội dung, chương trình, kết hợp giữa đào tạo tập trung với nghiên cứu thực tiễn ở cơ sở, giúp học viên sau khi tốt nghiệp có kiến thức nghề nghiệp, năng lực thực tiễn cần thiết, có thể tiếp nhận ngay và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đối tượng tuyển chọn chiêu sinh phải đáp ứng những yêu cầu về trình độ, về độ tuổi, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu của lĩnh vực nghề nghiệp được đào tạo, đó là những thí sinh tốt nghiệp đại học công lập loại khá hệ chính quy, có trình độ ngoại ngữ, tin học, ưu tiên sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, thạc sỹ, tiến sỹ... Chương trình đào tạo phù hợp với đối tượng và mục tiêu đề ra, học viên được đào tạo tập trung mỗi khóa từ 16 đến 24 tháng và đã công tác 2 năm tại cơ sở.

Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách thống nhất, bảo đảm thực hiện tốt quyền lợi và xác định rõ trách nhiệm của học viên. Học viên các lớp nguồn của Thành phố được hỗ trợ 100% kinh phí học tập, được hỗ trợ tiền ăn, bố trí chỗ ở (đối với học viên ở xa) và kinh phí hằng tháng tương đương mức lương công chức tập sự; tốt nghiệp được cấp bằng về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành và các chứng chỉ khác. Nếu công tác tại cơ sở được ký hợp đồng lao động và tuyển dụng chính thức sau 1 năm công tác, được hưởng lương, đóng BHXH theo quy định và phụ cấp đặc thù đi cơ sở.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm với vị thế Thủ đô, thời gian tới Thành ủy Hà Nội xác định công tác ĐT, BDCB tập trung vào một số nội dung sau:

Tiếp tục rà soát, đánh giá đúng thực trạng số lượng, chất lượng, cơ cấu, chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của đội ngũ cán bộ, làm tốt công tác dự báo, xác định nhu cầu bổ sung cán bộ giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện Đề án đào tạo cán bộ nguồn lãnh đạo, quản lý (giai đoạn 2015-2020) đã được Thành uỷ phê duyệt. Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, nhất là nguồn cán bộ trẻ, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2011-2020. Xây dựng kế hoạch đào tạo đối với từng đối tượng cán bộ, công chức nguồn cụ thể, quy định chi tiết, phù hợp về đối tượng; điều kiện, tiêu chuẩn; nội dung, chương trình; thời gian, phương thức đào tạo; quyền lợi và nghĩa vụ của học viên...

Tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách, khuyến khích, thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá, giỏi và người có trình độ sau đại học tham gia các lớp nguồn. Tập trung đầu tư xây dựng, đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng chuyên môn, kiến thức thực tiễn cho đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; mở rộng hợp tác, liên kết trong công tác đào tạo cán bộ nguồn.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức đào tạo để kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, giải quyết các khó khăn, bất cập phát sinh trong quá trình đào tạo cán bộ nguồn. Định kỳ kiểm tra, giám sát việc đào tạo, sử dụng cán bộ nguồn và đánh giá chất lượng, hiệu quả sử dụng, triển vọng phát triển của cán bộ nguồn sau đào tạo.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất