Đảng bộ Hậu Giang coi trọng công tác luân chuyển và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Hậu Giang là tỉnh mới, khi chia tách các lĩnh vực đều có xuất phát điểm thấp so với các tỉnh, thành lân cận; được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân, những năm qua Hậu Giang đã đạt nhiều thành tựu. Một trong những nhân tố dẫn đến thành tựu của Hậu Giang là Đảng bộ luôn quan tâm công tác xây dựng đảng vững mạnh, lãnh đạo phát triển kinh tế -xã hội; trong đó, coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo gắn với điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ các cấp.

Về công tác luân chuyển cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về công tác cán bộ giai đoạn 2010 -2015 và Kế hoạch số 09-KH/TU ngày 19-3-2012 về luân chuyển và điều động cán bộ nhiệm kỳ 2010-2015, kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các sở, ban ngành của tỉnh và các huyện  và xã đã luân chuyển được hơn 70 cán bộ trong diện quy hoạch, cụ thể:

Luân chuyển cán bộ phó sở, ban, ngành tỉnh xuống huyện, thị, thành phố 6 đồng chí, giữ chức vụ phó bí thư huyện ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện; phó chủ nhiệm UBKT huyện uỷ (huyện Long Mỹ: 2, Châu Thành: 2, Phụng Hiệp: 1, Vị Thuỷ: 1).

Luân chuyển cán bộ trưởng, phó phòng sở, ban, ngành tỉnh xuống xã, phường, thị trấn 8 đồng chí, giữ chức vụ bí thư, chủ tịch UBND xã (xã Nhơn Nghĩa A, Trường Long Tây và Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A: 3; thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành: 1; xã Hiệp Lơi, thị xã Ngã Bảy: 1; xã Hỏa Lựu và Phường I, thành phố Vị Thanh: 2; xã Phương Bình, Phụng Hiệp: 1); đến nay đã điều động về tỉnh 2 đồng chí.

Luân chuyển huyện, thị, thành phố về tỉnh 2 đồng chí, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nội vụ: 1, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 1.

Huyện, thị, thành phố luân chuyển xuống xã, phường, thị trấn 40 đồng chí, giữ chức vụ bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã. Xã, phường, thị trấn luân chuyển về huyện, thị, thành phố 8 đồng chí, giữ chức vụ trưởng, phó phòng. Luân chuyển giữa các phòng, ban ngành cấp huyện, thị, thành phố 10 đồng chí.

Công tác luân chuyển cán bộ đã tạo được sự thống nhất cao các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy và khẳng định đây là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ, thực sự đem lại những chuyển biến tích cực phù hợp với yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn.

Đối với các đồng chí được luân chuyển về huyện, thị, thành và xã, phường, thị trấn và ngược lại hằng năm đều được cấp ủy địa phương và Tỉnh ủy nhận xét, đánh giá; các đồng chí được luân chuyển chấp hành nghiêm sự phân công của Đảng, tư tưởng vững vàng, không ngại khó khăn. Khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín về công tác cán bộ, từng bước trẻ hóa gắn với chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ được tuyển chọn để luân chuyển là cán bộ nằm trong quy hoạch, có triển vọng phát triển.

Tuy nhiên, do công tác luân chuyển cán bộ là một khâu tương đối khó, nhạy cảm đòi hỏi phải thực hiện thận trọng, đúng quy trình, chuẩn bị tốt cả nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến, do đó công tác luân chuyển cán bộ vẫn còn một số hạn chế: một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng mục đích, yêu cầu của công tác luân chuyển cán bộ, còn nhầm lẫn giữa luân chuyển cán bộ với điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ (luân chuyển cán bộ chưa đạt chuẩn về trình độ chính trị hoặc chuyên môn). Khâu đánh giá cán bộ trước khi luân chuyển ở một số đơn vị còn mang tính chủ quan, cảm tính, dẫn đến một số nơi luân chuyển hiệu quả không cao phải điều động trở về đơn vị cũ sớm hơn thời gian quy định (trong đó tỉnh có 1 đồng chí).

Một số cán bộ được luân chuyển bước đầu còn chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ, môi trường làm việc mới nên chưa thật sự an tâm công tác ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung, hiệu quả công việc chưa cao; sự hòa đồng, gần gũi còn hạn chế, có biểu hiện bảo thủ, giữ mình, ngại va chạm.

Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, căn cứ theo Kế hoạch số 10 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Hậu Giang; tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đào tạo, bồi dưỡng được 2.717 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó các lớp về lý luận chính trị - hành chính (trung cấp lý luận chính trị-hành chính 21 lớp với 1.828 đồng chí, so với kế hoạch đề ra đạt 111,25%; cao cấp lý luận chính trị-hành chính 562 đồng chí đạt 102,1%; đại học chuyên môn 3 lớp với 303 đồng chí; đào tạo sau đại học 24 (thạc sĩ 18 đồng chí, tiến sĩ 3 đồng chí và 1 đồng chí chuyên khoa 2).

So với mục tiêu của nghị quyết đề ra, đến nay cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý, cán bộ trưởng, phó phòng cấp tỉnh, huyện đều đạt về trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, cụ thể như sau:

Cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý hiện có 282 đồng chí (giám đốc, phó giám đốc, trưởng, phó và tương đương các sở, ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể tỉnh; bí thư, phó thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND các huyện, thị, thành và tương đương): Về trình độ chuyên môn: đại học và sau đại học 276 đồng chí (sau đại học 33 đồng chí). Trình độ lý luận chính trị: cử nhân, cao cấp 256 đồng chí, đạt 90,78%. Hiện có 33 đồng chí đạt trình độ trên chuẩn, chiếm 11,70% (chỉ tiêu Nghị quyết đề ra từ 20-25%).

Cán bộ trưởng, phó phòng, ban và tương đương thuộc sở, ban ngành tỉnh, huyện, thị, thành phố có 919 đồng chí: Về trình độ chuyên môn: đại học và sau đại học 869 đồng chí (sau đại học 136 đồng chí). Trình độ lý luận chính trị: cử nhân, cao cấp 383 đồng chí.

Tuy nhiên, trong những năm qua đội ngũ cán bộ, công chức chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định; một mặt do chỉ tiêu trên phân bổ số lượng đào tạo có hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo cán bộ ở địa phương (nhất là cao cấp lý luận chính trị), mặt khác trình độ chuyên môn không đồng đều do thời gian qua đào tạo ngành thừa, ngành thiếu không tập trung vào những ngành mũi nhọn của địa phương từ đó dẫn đến việc sắp xếp, bố trí cán bộ gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế của Hậu Giang, rút ra một số những kinh nghiệm

Thứ nhất, thực hiện công tác cán bộ phải gắn chặt với công tác xây dựng đảng và công tác chính trị tư tưởng. Các cấp uỷ đảng phải chỉ đạo thực hiện tốt việc nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, kế hoạch nhằm làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, cấp uỷ thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng cán bộ theo trách nhiệm, quyền hạn được phân cấp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ, sơ kết, tổng kết kịp thời, đánh giá đúng tình hình, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề ra những giải pháp phù hợp, nhằm tạo chuyển biến mới trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Thứ ba, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy chế, quy trình về công tác cán bộ; phát huy dân chủ, công khai, gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Trong các nội dung của công tác cán bộ cần coi trọng khâu đánh giá cán bộ, lấy quy hoạch cán bộ làm cơ sở để thực hiện chiến lược cán bộ.

Thứ tư, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ đối với cán bộ theo quy định; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế địa phương, đơn vị nhằm khuyến khích, động viên, tạo động lực thúc đẩy cán bộ phấn đấu, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ năm, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong các tổ chức đảng, các cơ quan chính quyền, các đoàn thể và quần chúng nhân dân, thông qua đó củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, sàng lọc cán bộ đảng viên, kịp thời phát hiện nhân tố mới, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Thứ sáu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo kế hoạch, gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, coi trọng đào tạo cán bộ có đạo đức, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Sông Hậu

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất