Đánh giá cán bộ thông qua lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Đ/c Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội

Thời gian qua, công tác đánh giá cán bộ đã được quan tâm thực hiện, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, có sự liên thông trong Đảng, mặt trận, đoàn thể với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan dân cử. Đánh giá cán bộ đã cơ bản bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí, bảo đảm gắn kết giữa thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các văn bản của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ. Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm Quốc hội, HĐND thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân, thay mặt nhân dân giám sát người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết để cống hiến, nâng cao hiệu quả công việc. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm làm cơ sở, căn cứ để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Ngay sau khi có chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21-11-2012, Quốc hội, HĐND các cấp đã hai lần thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm (năm 2013 và 2014). Tại Quốc hội, đã có 47 người được lấy phiếu tín nhiệm trong năm 2013 và 50 người trong năm 2014. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội năm 2013: 18 người có tỷ lệ “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên (38,3%); 34 người “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” từ 50% trở lên (72,4%); không có người “tín nhiệm thấp” từ 50% trở lên; 16 người “tín nhiệm thấp” từ 10% đến dưới 50% (34%). Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội năm 2014: 25 người có tỷ lệ “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên (50%); không có ai “tín nhiệm thấp” từ 50% trở lên; 17 người “tín nhiệm thấp” từ 10% đến dưới 50% (34%). Kết quả cho thấy, ở lần lấy phiếu sau, số người có tỷ lệ “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên đã tăng 11,7%. Năm 2013, HĐND cấp tỉnh đã hoàn thành lấy phiếu tín nhiệm đối với 907 người, HĐND cấp huyện là 6.664 và ở HĐND cấp xã là 58.488 người. Kết quả triển khai lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, HĐND trong cả nước đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã phát huy tác dụng tốt, thu hút sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước. Đây thực sự là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét mức độ tín nhiệm và đánh giá cán bộ chính xác hơn.

Để tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và rút kinh nghiệm cho những lần lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo, ngày 28-11-2014 Quốc hội đã có Nghị quyết số 85/2014/QH13 với những sửa đổi, bổ sung quan trọng về phạm vi, đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm (chuyển từ định kỳ hằng năm, bắt đầu từ năm thứ hai của nhiệm kỳ sang lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ) và hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Đối với mức độ lấy phiếu tín nhiệm vẫn gồm 3 mức là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Tiếp đó, Quốc hội đã luật hóa quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, xác định cụ thể phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, trình tự và hệ quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND. Các vấn đề về thời hạn, thời điểm, quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội. Căn cứ vào các văn bản pháp lý này, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Quốc hội, HĐND các cấp sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2018. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này, cần tập trung vào những giải pháp, kiến nghị sau:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát để hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, đúng quy định, dân chủ, khách quan, công tâm, thực chất, đạt mục đích, yêu cầu đặt ra, không hình thức, duy tình. Quốc hội, HĐND các cấp phải thực hiện tốt công tác chuẩn bị, nhất là bảo đảm về phương tiện kỹ thuật và phân công tổ chức thực hiện. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh việc vận động, lôi kéo hoặc có hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Căn cứ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm quy định theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 85/2014/QH13. Trường hợp cần thiết thì đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn để xác định cụ thể đối tượng, thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm cũng như xác định các mức tín nhiệm phù hợp với từng chức danh lãnh đạo, quản lý...

Thứ ba, các vị đại biểu Quốc hội, HĐND phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm thay mặt cử tri, thay mặt nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm đối với người được Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Do đó, mỗi đại biểu phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác mức độ tín nhiệm của mình đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Muốn vậy, đại biểu phải thực sự lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, dành thời gian nghiên cứu báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm, báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam, lắng nghe, sàng lọc thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội một cách cẩn trọng.

Thứ tư, người được lấy phiếu tín nhiệm phải chuẩn bị báo cáo về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và phẩm chất, đạo đức, lối sống một cách trung thực, khách quan. Thực hiện công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, đồng thời phải trả lời nghiêm túc, đầy đủ, trung thực những vấn đề mà đại biểu Quốc hội, HĐND nêu. Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), người được lấy phiếu có trách nhiệm kiểm điểm, đánh giá về việc có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong báo cáo bằng văn bản của mình gửi Quốc hội, HĐND để làm căn cứ cho đại biểu Quốc hội, HĐND đánh giá mức độ tín nhiệm.

Thứ năm, cần có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, chẳng hạn thông tin về kết quả kiểm phiếu. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình “hậu lấy phiếu tín nhiệm” để theo dõi, đánh giá việc khắc phục những thiếu sót, hạn chế của người được lấy phiếu tín nhiệm, báo cáo với Quốc hội, HĐND trong lần lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo.

Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo của Quốc hội, HĐND các cấp thời gian qua để tiến tới mô hình cơ quan dân cử chuyên nghiệp, chuyển từ tham luận sang thảo luận, tranh luận, công tác lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong năm 2018 sẽ tạo thêm kênh thông tin quan trọng cho công tác đánh giá cán bộ.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất