Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở Quảng Nam
Ban điều hành Đề án 500 (Quảng Nam) đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Về chất lượng đội ngũ CB, CC các cấp:

Cấp tỉnh, huyện: Quảng Nam có 5.750 CB, CC làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan đảng và các tổ chức chính trị - xã hội. Về trình độ chuyên môn, sau đại học chiếm 1,8 %; đại học 63,9%; cao đẳng 8,5%; trung cấp 19,8%; trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo gần 1,2%. Về trình độ lý luận chính trị, cao cấp 22,6%; trung cấp 27,5%; sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo gần 47%.

Về đội ngũ viên chức, trình độ chuyên môn sau đại học 1,3%; đại học 42,2%; cao đẳng 33,4%; trung cấp 18,6% và chưa qua đào tạo 5,4%. Về trình độ lý luận chính trị, cao cấp 1%; trung cấp 4,3%.

Trình độ chuyên môn của đội ngũ CB, CC cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản đạt yêu cầu so với tiêu chuẩn ngạch, bậc công chức, viên chức. CB, CC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng cấp huyện và tương đương trở lên có trình độ chuyên môn đại học, sau đại học và cao cấp lý luận chính trị chiếm tỷ lệ cao (85,3% đại học, sau đại học và 61,5% cao cấp, cử nhân chính trị),

Cấp xã: Trong tổng số 4.547 CB, CC cấp xã có 2.518 cán bộ và 2.029 công chức. CB, CC cấp xã đạt chuẩn về văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị chiếm tỷ lệ cao (đạt chuẩn về văn hóa có 83,4%; chuyên môn có 72,3%; lý luận chính trị có 73,6%). Cán bộ có trình độ đào tạo đại học ngày càng tăng.

Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ CB, CC ở Quảng Nam còn một số hạn chế: Trình độ đào tạo sau đại học của đội ngũ CB, CC cấp huyện, tỉnh chiếm tỷ lệ thấp; chưa xây dựng được đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đội ngũ cán bộ giỏi ở một số lĩnh vực quản lý nhà nước. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ CB, CC chưa cao; kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ quản lý nhà nước còn hạn chế. Một bộ phận CB, CC chậm đổi mới tư duy, thiếu chủ động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ. Đội ngũ CB, CC cấp xã chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, nhất là đối với cán bộ chuyên trách; phần lớn công chức cấp xã làm việc không theo chuyên môn được đào tạo. Điều hành và xử lý công việc còn lúng túng; nhiều CB, CC cấp xã chưa thật sự tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân.

Trước thực trạng đó, các ban ngành của tỉnh Quảng Nam đã chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB, CC. Trong giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng được 35.330 lượt CB, CC, tăng 131% so với giai đoạn 2001-2005. Trong đó, số lượt CB, CC được đào tạo lý luận chính trị trình độ cao cấp, trung cấp 4.450; đào tạo sau đại học 377; đào tạo trình độ đại học 985; đào tạo trình độ trung cấp 923; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính 1.557; bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ 24.486.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đã từng bước nâng cao trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ CB, CC, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC ở Quảng Nam còn một số hạn chế: Đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với quy hoạch cán bộ; chưa quan tâm đúng mức đến đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm và đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo quản lý đương chức. Công tác quy hoạch và tổ chức đào tạo xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về quản lý nhà nước chưa được chú trọng. Hệ thống cơ sở đào tạo chưa đủ mạnh, cơ sở vật chất trang bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu. Đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CB, CC còn hạn chế về năng lực, nhất là về kiến thức, kinh nghiệm quản lý nhà nước và phương pháp giảng dạy. Chương trình, tài liệu giảng dạy lạc hậu, chậm đổi mới. Chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng chưa cao…

Từ thực trạng trên, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XX đã nhấn mạnh: “đổi mới mạnh mẽ, đột phá về công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ CB,CC từ tỉnh đến cơ sở đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý, vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, có năng lực và trình độ, thật sự có tâm và có tầm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…”. Để nâng cao chất lượng đào tạo CB, CC, Tỉnh ủy Quảng Nam xác định một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ CB, CC. Từ đó thống nhất trong công tác chỉ đạo, tham mưu và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng CB, CC trong toàn tỉnh. Quán triệt và nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đề cao tinh thần học tập và tự học tập của CB, CC; xác định rõ việc học tập đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ quy định cho các ngạch, chức danh lãnh đạo, quản lý; học tập, rèn luyện để thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ, công vụ được giao. Các cấp, các ngành tạo điều kiện và hỗ trợ cho CB, CC được trang bị các kiến thức, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.

Hai là, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với bố trí, sử dụng sau đào tạo và phải theo chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ trong từng thời kỳ; xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu có năng lực đề xuất, xây dựng các chính sách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, mỗi địa phương, đơn vị xây dựng chiến lược và quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng CB, CC của địa phương, đơn vị mình. Cần xây dựng quy hoạch đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học ở trong và ngoài nước; quy hoạch đào tạo lý luận chính trị. Thực hiện các đợt bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh lãnh đạo, quản lý và bồi dưỡng tối thiểu bắt buộc hằng năm đối với CB, CC.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo, bồi dưỡng có đủ năng lực tham mưu, quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CB, CC. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trang bị kỹ năng, phương pháp điều hành cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, nhất là các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố. Xây dựng đội ngũ giảng viên có cơ cấu hợp lý, có trình độ lý luận, kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm quản lý nhà nước. Tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, giảng viên kiêm chức. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố.

Bốn là, rà soát cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ cho CB, CC đi học để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách của tỉnh. Đồng thời tăng cường đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng CB, CC; thu hút và đa dạng hóa nguồn kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng.

Năm là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển dụng CB, CC, lựa chọn đúng những ứng viên có năng lực làm việc. Cải tiến công tác đánh giá CB, CC theo hướng gắn với chất lượng, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất