Thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã tập trung chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, rà soát, điều chỉnh bổ sung qui hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, các ngành và huyện, thành phố, chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn các cấp các ngành lập qui hoạch và kế hoạch luân chuyển cán bộ. Toàn tỉnh đã luân chuyển được 949 cán bộ, trong đó, cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý là 119 đồng chí (có 127 lượt cán bộ được luân chuyển từ 2 đến 3 lần giữ các chức vụ khác nhau theo hướng phát triển). Cán bộ được luân chuyển do huyện, thành ủy quản lý 343 đồng chí; cán bộ do các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh quản lý 487 đồng chí. Số cán bộ lãnh đạo quản lý luân chuyển từ tỉnh lên các bộ, ngành Trung ương 15 đồng chí, từ tỉnh về huyện 19 đồng chí; từ huyện lên tỉnh 51 đồng chí; từ huyện về xã phường 17 đồng chí; từ xã phường lên huyện, thành phố 64 đồng chí; từ ngành này sang ngành khác 304 đồng chí; luân chuyển giữa các phòng, ban và tương đương trong đơn vị 487 đồng chí.
Trong số cán bộ được luân chuyển về huyện, thành phố giữ các chức vụ chủ chốt: làm bí thư huyện, thành ủy 10 đồng chí, phó bí thư huyện, thành ủy 6 đồng chí, chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện, thành phố 4 đồng chí, luân chuyển cán bộ chủ chốt của huyện, thành phố về giữ các chức vụ chủ chốt các ngành của tỉnh gồm 8 đồng chí trưởng ngành, 7 đồng chí là phó ngành. Trong số cán bộ được luân chuyển có 54 đồng chí được luân chuyển từ khối đảng, đoàn thể sang khối quản lý nhà nước, 55 đồng chí từ khối quản lý nhà nước sang khối đảng, đoàn thể.
Thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng đề án luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2008-2015, đặt ra mục tiêu đến năm 2015 các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND huyện, thành phố cơ bản không phải là người địa phương. Quá trình thực hiện đã luân chuyển 4 đồng chí làm bí thư huyện, thành uỷ, 3 đồng chí làm phó bí thư, chủ tịch UBND huyện, thành phố không phải là người địa phương.
Nhìn chung công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Thái Bình trong những năm qua được các cấp ủy chỉ đạo tích cực, chặt chẽ, có bước đi thích hợp, thể hiện ở mấy nội dung sau:
1- Coi trọng công tác qui hoạch cán bộ, trong xây dựng qui hoạch chú trọng việc đánh giá, lựa chọn cán bộ, những cán bộ được dự kiến luân chuyển phải là những cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, có sức khỏe tốt, am hiểu về kinh tế và quản lý kinh tế, về công tác đảng, công tác đoàn thể, cán bộ đó hiện tại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và có khả năng vươn lên giữ chức vụ cao hơn.
2- Làm tốt công tác chính trị tư tưởng trong đội ngũ cán bộ của địa phương, đơn vị, phổ biến quán triệt sâu sắc Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, kế hoạch luân chuyển cán bộ để mọi người biết, tạo được sự đồng thuận cao trong cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm đoàn kết nội bộ, tạo điều kiện để cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.
3. Hằng năm, cán bộ luân chuyển phải tiến hành đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, kết hợp giữa đánh giá của cấp trên quản lý cán bộ, của cán bộ đang giữ chức vụ tự đánh giá, đồng thời tổ chức cho cán bộ trong cơ quan, đơn vị, địa phương góp ý kiến. Thực tế, qua đánh giá 119 cán bộ luân chuyển thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, có 94 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 79,1%; 25 đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 20,9%; ở các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành số cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt khoảng 70-75%.
4. Cùng với luân chuyển có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Những cán bộ được luân chuyển qua thời gian thử thách phải được rà soát từng người, ai cần đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, quản lý nhà nước, lý luận chính trị được lập danh sách và được cấp ủy quản lý cán bộ phê duyệt và thông báo cho cán bộ, đơn vị, địa phương biết, tạo được sự thống nhất cao.
5. Phát huy tốt vai trò của ban tổ chức cấp uỷ các cấp trong việc hướng dẫn thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá cán bộ, làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy trong việc lựa chọn, luân chuyển cán bộ, đồng thời tổ chức tốt việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm những mặt làm được, chưa được, có kế hoạch chỉ đạo các bước tiếp theo.
Thời gian tới Tỉnh ủy Thái Bình tiếp tục chỉ đạo thực hiện những nội dung chính sau:
1. Tiếp tục quán triệt và chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ tỉnh đến cơ sở rà soát, điều chỉnh qui hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của ngành mình, cấp mình, trong đó cần xác định rõ cán bộ luân chuyển để chuẩn bị nguồn kế cận cho cấp ủy, hội đồng nhân dân các cấp khóa tới.
2. Vào dịp sơ kết 6 tháng và tổng kết năm tổ chức đánh giá đội ngũ cán bộ được luân chuyển, rút kinh nghiệm chỉ đạo tiếp.
3. Bổ sung điều chỉnh kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã luân chuyển, gắn giữa kết quả chỉ đạo thực tiễn với kiến thức lãnh đạo, quản lý.
4. Củng cố, nâng cao năng lực của ban tổ chức của cấp ủy các cấp để làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy trong việc chỉ đạo luân chuyển cán bộ.
Luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý là vấn đề hết sức quan trọng, là một chủ trương đúng đắn của Đảng để đào tạo cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn diện, vừa có kiến thức cơ bản, am hiểu thực tiễn, có phẩm chất chính trị tốt, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Tỉnh ủy Thái Bình xác định tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt, góp phần tích cực vào công tác xây dựng đảng nói chung, đặc biệt là triển khai có hiệu quả Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Nguyễn Hồng Chương