Mặc dù đã có nhiều văn bản xác định nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhưng tình trạng cấp ủy đảng bao biện, làm thay cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả. Cho dù các loại hình tổ chức đảng đều có quy định về chức năng, nhiệm vụ nhưng việc cụ thể nó trong các quy chế hoạt động giữa cấp ủy với các thủ trưởng cơ quan, đơn vị còn ít được đề cập hoặc còn chung chung. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân dẫn đến sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân(1).
Vì vậy, việc “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị”(2) đã được xác định là một trong ba nhiệm vụ cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Bài viết này xin đề cập một số vấn đề về mối quan hệ của cấp ủy đảng với người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị - một mắt xích quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội
Thứ nhất, về chủ thể của các mối quan hệ
Chủ thể của các mối quan hệ với người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị là cấp ủy, là ban thường vụ, thường trực (bí thư, các phó bí thư), chi bộ, đảng đoàn, ban cán sự đảng.
Theo quy định của Điều lệ Đảng, cấp ủy đảng do đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên bầu ra, là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội, triển khai thực hiện nghi quyết đại hội đảng bộ, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên. Ban thường vụ do cấp ủy bầu ra để lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ, chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cùng cấp và cấp trên; quyết định những vấn đề về chủ trương, tổ chức, cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của cấp ủy. Thường trực cấp ủy (bí thư, các phó bí thư) do cấp ủy bầu trong số ủy viên ban thường vụ, chỉ đạo kiểm tra thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, của ban thường vụ và cấp ủy cấp trên; giải quyết công việc hằng ngày của đảng bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của ban thường vụ. Riêng ở chi bộ chỉ có bí thư, phó bí thư, thậm chí chỉ có bí thư thì chủ thể lãnh đạo vẫn là tập thể chi bộ. Cũng theo quy định của Đảng, chủ thể lãnh đạo còn có đảng đoàn, ban cán sự đảng được cấp ủy chỉ định ở một số cơ quan chính quyền, đoàn thể.
Chủ thể trong các mối quan hệ của người đúng đầu cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội với cấp ủy là các tập thể lãnh đạo (UBND, HĐND, MTTQ, ban chấp hành, ban thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội, thủ trưởng cơ quan nơi thực hiện chế độ thủ trưởng.
Thứ hai, về người đại diện cho chủ thể trong các mối quan hệ
Trong thực tế, mối quan hệ giữa Đảng với chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp thường được cụ thể hóa qua quy chế làm việc của cấp ủy (cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy), chi ủy, chi bộ hoặc ban cán sự đảng, đảng đoàn. Các mối quan hệ nêu trong quy chế được thực thi thông qua người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng, cơ quan, đơn vị.
Bí thư cấp ủy là người đứng đầu cấp ủy nhưng không phải là thủ trưởng của cấp ủy đảng mà chỉ với tư cách là người thay mặt cấp ủy; các phó bí thư cũng vậy, chỉ là người được thay mặt cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, trong đó có những vấn đề có liên quan đến tổ chức, cá nhân người đứng đầu cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội.
Chủ tịch là “người đứng đầu” UBND, HĐND, UBMTTQ và trưởng các đoàn thể chính tri-xã hội cũng với tư cách là người thay mặt tổ chức đó (chứ không phải là thủ trưởng) thực hiện mối quan hệ với cấp ủy trong vai trò là bí thư đảng đoàn, ban cán sự đảng hoặc bí thư cấp ủy trực thuộc (nơi không thành lập ban cán sự đảng, đảng đoàn). Thủ trưởng của cơ quan sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, kể cả các cơ quan tham mưu, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy đảng (nơi thực hiện chế độ thủ trưởng), không “đại diện”, “thay mặt” cho cơ quan, tổ chức nên trong mối quan hệ với cấp ủy là tư cách cấp ủy viên hoặc chỉ là đảng viên.
Thứ ba, về thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, thẩm quyền và trách nhiệm thuộc về cấp ủy nhưng do không thể thường xuyên xử lý công việc hằng ngày được nên phải phân công cho ban thường vụ, thường trực, thậm chí cho từng cấp ủy viên, trong đó có bí thư, phó bí thư cấp ủy phụ trách. Trong nhiều trường hợp, nhất là công tác cán bộ, cấp ủy còn thực hiện phân cấp quản lý, gắn trách nhiệm của cấp ủy và thủ trưởng đơn vị cấp dưới. Cấp trên tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, giúp cấp dưới thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, theo đó, công việc được giải quyết nhanh chóng và chính xác hơn.
Việc xác định quyền và trách nhiệm cần đảm bảo đúng nguyên tắc, dân chủ, công khai và quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đấy. Tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân nhất là người đứng đầu là biện pháp thiết thực để thực hiện “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Theo đó, cần cụ thể hóa nhiệm vụ của các thành viên trong thường trực cấp ủy, trước hết là của bí thư. Như vậy, có thể xác định quyền và trách nhiệm của bí thư là: ban hành các quyết định, nhằm giải quyết các công việc hằng ngày của tổ chức đảng; dự thảo nội dung cho các kỳ họp của ban thường vụ, của cấp ủy, báo cáo kiểm điểm trong mỗi kỳ họp cấp ủy, ban thường vụ. Khi thực hiện nhiệm vụ chủ trì xây đựng kế hoạch, triển khai việc thực hiện nghị quyết thì đồng thời phải xác định quyền đề xuất với ban thường vụ các phương án để cấp ủy bàn bạc, lựa chọn và chịu trách nhiệm cá nhân nếu đề xuất đó thiếu khách quan, công tâm. Việc thí điểm giao quyền cho bí thư giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ cũng là một trong những việc làm thiết thực để thực hiện trao quyền và trách nhiệm cụ thể hơn cho bí thư. Tuy vậy, không thể “đổ” tất cả mọi việc cho bí thư mà mỗi cấp ủy viên cần được giao nhiệm vụ thực hiện công việc cụ thể của cấp ủy. Tập thể cấp ủy, ban thường vụ nếu ban hành quyết định sai lầm đến mức phải kỷ luật thì không chỉ xử lý kỷ luật tập thể mà phải đồng thời kỷ luật từng thành viên (trừ những đồng chí từng có ý kiến không tán thành). Có như vậy mới khắc phục được tình trạng nể nang, “mũ ni che tai”, thực chất là cơ hội chính trị, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh đang tồn tại ở không ít tổ chức đảng hiện nay.
Thứ tư, về thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị
Đối với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị-xã hội, mối quan hệ với cấp ủy được xác định thông qua đảng đoàn và ban cán sự đảng; nơi không thành lập đảng đoàn, ban cán sự đảng thì thông qua cấp ủy trực thuộc, chi bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị với tư cách là cấp ủy viên hoặc đảng viên. Như vậy, về nguyên tắc, mối quan hệ giữa cấp ủy với các cơ quan, đơn vị là mối quan hệ giữa các tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong hệ thống chính trị. Đó là một trong những phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng và là nội dung quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ: “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.
Điều đặc biệt cần chú ý là tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên; không quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Nghị quyết của cấp ủy đảng có hiệu lực trong toàn bộ hệ thống tổ chức đảng trực thuộc mà đảng viên ở bất cứ cương vị nào cũng phải triển khai thực hiện trên lĩnh vực công tác của từng cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, cũng có quyết định của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy chỉ với yêu cầu đề xuất, giới thiệu nếu vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội. Đảng giữ đúng vai trò định hướng, không làm thay các tổ chức trong hệ thống chính trị, tôn trọng và phát huy quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Thứ năm, thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị
Trong một số nghị quyết của Đảng cũng như quy định của Nhà nước đều yêu cầu làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cần xác định rõ hơn mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo và phục tùng nhằm tránh tệ quan liêu, độc đoán, bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo; biểu hiện vô tổ chức, vô kỷ luật, thoát ly sự lãnh đạo của cấp ủy, của người đứng đầu cấp ủy.
Người đứng đầu cấp ủy trong mối quan hệ với cấp ủy vừa là sự phục tùng sự phân công của cấp ủy, vừa là người được thay mặt cấp ủy, ban thường vụ chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc thực hiện nghị quyết của cấp ủy, có quyền quyết định các công việc nội bộ đảng theo đúng thẩm quyền, đúng nguyên tắc, trình tự quy định của Đảng, không được quyền ban hành những quyết định trái với chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của tập thể cấp ủy; không được chỉ đạo theo quan điểm cá nhân, lợi dụng danh nghĩa cấp ủy đảng để ép thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải thực hiện.
Người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy với tư cách là cấp ủy viên, đảng viên, nói và làm theo nghị quyết của Đảng, của cấp ủy, kể cả khi ý kiến của mình khác với nghị quyết của cấp ủy. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp ủy quyết định trái với quy định của Nhà nước thì phải kiên quyết bảo lưu ý kiến và vẫn quyết định theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về quyết định đó. Đồng thời báo cáo lên cấp ủy và cơ quan quản lý cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.
Để phát huy dân chủ và tăng trách nhiệm của người đứng đầu, Đảng ta chủ trương thí điểm giao quyền cho cấp trưởng lựa chọn, giới thiệu, đề cử cấp phó trên cơ sở tăng cường xây dựng, thực hiện quy chế, quy trình dân chủ và tăng cường sự kiểm tra, hướng dẫn của cấp trên, sự giám sát của nhân dân và chất vấn trong mỗi kỳ họp cấp ủy.
Thứ sáu, quy chế hóa, quy trình hóa các mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với người đứng đầu cơ quan, đơn vị
Cần cải cách thủ tục hành chính trong Đảng theo hướng quy chế hóa, quy trình hóa các mối quan hệ của cấp ủy với các tổ chức, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu các tổ chức nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Quy chế làm việc của cấp ủy là văn bản do cấp ủy ban hành (thường là ngay sau đại hội) nhằm cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của cấp trên thành chế độ hoạt động của cấp ủy đảng. Nội dung quy chế thường là xác định rõ vai trò, nhiệm vụ trên từng mặt công tác của cấp ủy, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy và từng cấp ủy viên, cũng như mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội. Thực tế cho thấy, chất lượng các quy chế hiện nay còn thấp, nhiều nội dung không được đề cập đầy đủ, cụ thể, rõ ràng. Do nhiều cách hiểu khác nhau về vai trò lãnh đạo của cấp ủy, nên trong quá trình điều hành vẫn xảy ra tình trạng bí thư “can thiệp” quá sâu vào công tác chuyên môn, sa vào độc đoán, chuyên quyền, làm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị (nếu không đồng thời là bí thư cấp uỷ) thụ động, thiếu quyết đoán, không dám thực hiện đúng thẩm quyền của mình hoặc bị hạn chế, ức chế. Như vậy, ngoài các quy định về chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, cần xây dựng chương trình làm việc khoa học, thiết thực, qua đó đổi mới lề lối làm việc, cải tiến, nâng cao chất lượng công tác và phát huy vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Quy trình công tác cũng là một nội dung quan trọng trong cụ thể hóa quy chế làm việc của cấp ủy. Đó là các văn bản quy định lề lối làm việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau và nhiều nội dung khác nhau như quy trình xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết; quy trình công tác đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo cán bộ; quy trình về công tác kiểm tra, giám sát… Quy trình công tác cần xác định rõ người chịu trách nhiệm chính, người tham gia, cách thức tiến hành, hiệu quả công việc và thời gian hoàn thành. Đối với những vấn đề lớn cần có sự lãnh đạo của cấp ủy thì cũng phải xây dựng quy trình do thủ trưởng đơn vị đề xuất với cấp ủy, ban thường vụ hay thường trực cấp ủy để tranh thủ tập thể lãnh đạo trước khi ban hành quyết định hoặc đề nghị cấp trên ban hành quyết định theo thẩm quyền. Cấp ủy là người ban hành quy chế, phải có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, nếu xét thấy cần thì kịp thời bổ sung, sửa đổi, không nhất thiết phải chờ hết nhiệm kỳ.
--------------------------
(1, 2) Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI).
TS. Nguyễn Minh Tuấn
Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh