Ngày 7-9-1991, Trường Sĩ quan Chính trị - Quân sự (nay là Trường Đại học Chính trị) đã khai giảng khóa đầu tiên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội là người dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, Nhà trường đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, thực hiện nghiêm túc công tác đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội người DTTS, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở các vùng đồng bào DTTS, xây dựng quân đội vững mạnh.
Đến nay, Nhà trường đã đào tạo được 20 khóa (7 khóa cao đẳng, 13 khóa đại học), chuyên ngành xây dựng đảng và chính quyền nhà nước với 725 học viên là con em của 44 DTTS. Về kết quả học tập: 100% học viên đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ khá, giỏi của học viên cao đẳng chiếm 38,3%, đại học 54%. Đây là lực lượng cán bộ chính trị được đào tạo tập trung, có chất lượng, kịp thời bổ sung cho các cơ quan, đơn vị, địa phương vùng DTTS ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và các địa bàn chiến lược, biên giới của cả nước. Đã có nhiều đồng chí phát huy được năng lực, trở thành những cán bộ trung, cao cấp, giữ cương vị chủ chốt ở các địa phương, đơn vị, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, công tác đào tạo cán bộ chính trị DTTS vẫn còn một số hạn chế, đó là sự phối hợp giữa các lực lượng trong Nhà trường còn thiếu đồng bộ, chất lượng cán bộ chính trị DTTS còn tương đối thấp, tỷ lệ học viên tốt nghiệp khá, giỏi chưa cao. Vẫn còn một bộ phận học viên DTTS chưa chuyên tâm học tập, rèn luyện, thiếu ý chí phấn đấu, chấp hành kỉ luật chưa nghiêm, vẫn còn mặc cảm, tự ti. Khi ra trường, một số cán bộ về đơn vị công tác có biểu hiện thụ động, thiếu tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao...
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị DTTS, trong thời gian tới, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Đại học Chính trị chú trọng thực hiện nhữnǵ giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên toàn trường về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các DTTS cũng như vị trí, vai trò của công tác đào tạo cán bộ chính trị DTTS đối với sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh. Xác định rõ trách nhiệm của các lực lượng trong Nhà trường đối với công tác đào tạo cán bộ chính trị DTTS, thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để học viên DTTS học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt các mục tiêu đào tạo đề ra.
Hai là, tích cực, chủ động nâng cao chất lượng nguồn đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội là người DTTS. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân làm tốt công tác tạo nguồn đào tạo; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về tiêu chuẩn, chính sách ưu tiên, đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn đào tạo theo chế độ cử tuyển. Thu hút nguồn đào tạo có chất lượng tốt, gắn với địa chỉ sử dụng sau khi ra trường.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội người DTTS. Xây dựng mô hình, mục tiêu đào tạo theo hướng chuẩn hóa các tiêu chí về phẩm chất, trình độ kiến thức, sức khỏe và năng lực làm công tác đảng, công tác chính trị ở đại đội. Điều chỉnh tỷ lệ giữa các khối kiến thức cơ bản, cơ sở và chuyên ngành, giữa lý thuyết với thực hành, giữa trang bị kiến thức với rèn luyện tay nghề cho phù hợp với đặc điểm đối tượng đào tạo. Chú trọng trang bị kiến thức về công tác xây dựng đảng, công tác quản lý của chính quyền cơ sở, các kiến thức về dân tộc, tôn giáo, kỹ năng tiến hành công tác dân vận…
Bốn là, xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo về số lượng, chất lượng trong giảng dạy học viên DTTS. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý học viên DTTS về trình độ học vấn, kinh nghiệm quản lý, nghiệp vụ sư phạm… Quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của Nhà trường. Tăng cường phối hợp với các địa phương trong cả nước và các đơn vị trong toàn quân để đánh giá chất lượng công tác của học viên sau khi ra trường, từ đó rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đúng đắn để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chính trị DTTS trong Nhà trường.
Năm là, phát huy tinh thần tích cực, chủ động của học viên DTTS trong quá trình học tập, rèn luyện, khắc phục biểu hiện tâm lý mặc cảm, tự ty, ỷ lại. Tổ chức tốt các hoạt động ngoại khoá để giúp học viên rèn luyện phẩm chất, năng lực thực hành và tác phong công tác. Duy trì tổ chức ngày văn hóa truyền thống các dân tộc để tôn vinh và tạo điều kiện để học viên DTTS phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, tăng cường giao lưu, hòa nhập với các học viên khác trong trường.
Thượng tá, ThS. Nguyễn Văn Chất
Khoa CTĐ-CTCT, Trường Đại học Chính trị