Theo đó, thẩm quyền quyết định bổ nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị ở tỉnh là ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị (nơi không lập ban cán sự đảng, đảng đoàn); đối với các huyện, thành phố và Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh là tập thể ban thường vụ.
Đối tượng tham gia dự nguồn bổ nhiệm là cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong phạm vi cơ quan, đơn vị quản lý.
Về tiêu chuẩn bổ nhiệm: ngoài các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sức khỏe; cán bộ, công chức, viên chức được xem xét bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng phải bảo đảm các tiêu chuẩn: có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; lý luận chính trị từ trung cấp và tương đương trở lên; ngoại ngữ từ trình độ A trở lên; tin học từ trình độ B trở lên. Là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam. Có hiểu biết sâu về lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của phòng; có khả năng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, hướng dẫn kiểm tra và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ mà mình đảm nhận; có phương pháp và phong cách làm việc dân chủ, khoa học.
Tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 50 tuổi (đối với nam) và không quá 45 tuổi (đối với nữ). Những cán bộ có thành tích đặc biệt xuất sắc được xem xét bổ nhiệm vượt cấp (bổ nhiệm trưởng phòng không qua phó trưởng phòng).
Quy trình thực hiện gồm 7 bước:
1. Xây dựng đề án bổ nhiệm, kiện toàn cán bộ và dự kiến nhân sự.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị (hoặc thường trực cấp ủy) thống nhất chủ trương bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của cơ quan, đơn vị…và chỉ đạo xây dựng đề án bổ nhiệm, kiện toàn cán bộ, dự kiến nhân sự. Đối với cán bộ thuộc UBND huyện, thành phố trước khi báo cáo thường trực cấp ủy phải báo cáo lãnh đạo UBND huyện, thành phố. Nguồn nhân sự lấy trong quy hoạch của cơ quan, đơn vị, đối với cấp huyện thì thuộc phạm vi quản lý của huyện ủy, thành ủy. Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị (hoặc thường trực cấp ủy) nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, khả năng và triển vọng phát triển… từng cán bộ trong quy hoạch.
Căn cứ vào đề án, nguồn nhân sự, kết quả đánh giá cán bộ, người đứng đầu cùng tập thể lãnh đạo và cấp ủy (hoặc bí thư cấp ủy cùng tập thể thường trực) thảo luận, thống nhất dự kiến nhân sự để xem xét bổ nhiệm.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị (hoặc thường trực cấp ủy) có thể thăm dò giới thiệu bằng hình thức tiến cử đối với trường hợp chưa rõ nhân sự. Bổ nhiệm 1 chức danh phải chọn 2 nhân sự trở lên. Trường hợp đặc biệt chỉ có 1 nhân sự thì trước khi thực hiện quy trình tiếp theo phải báo cáo bằng văn bản và được sự đồng ý của Ban tổ chức tỉnh ủy (đối với các cơ quan Đảng, đoàn thể, mặt trận tổ quốc); của Sở Nội vụ (đối với các cơ quan thuộc khối nhà nước).
Sau khi thống nhất dự kiến nguồn nhân sự, lãnh đạo cơ quan, đơn vị (hoặc thường trực cấp ủy) thông báo cho nhân sự biết.
2. Giao chuẩn bị đề án hoặc chương trình hành động cho cán bộ.
Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị (hoặc thường trực cấp ủy) giao cho cán bộ chuẩn bị đề án hoặc chương trình hành động (thời gian là 30 ngày làm việc).
3. Lấy phiếu tín nhiệm ở cơ quan, đơn vị.
Đối với việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở các cơ quan, đơn vị ở tỉnh: Nơi có dưới 30 cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng không thời hạn thì lấy tín nhiệm trong toàn thể cơ quan, đơn vị. Nơi có từ 30 cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng không thời hạn trở lên thì lấy tín nhiệm ở hội nghị cán bộ mở rộng, thành phần gồm: tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan; trưởng, phó các phòng, các đoàn thể của cơ quan, đơn vị; toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong phòng có cán bộ bổ nhiệm.
Đối với việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở các huyện, thành phố: tổ chức hội nghị cán bộ mở rộng, thành phần gồm: lãnh đạo, cấp ủy và toàn thể cán bộ, công chức trong phòng có cán bộ bổ nhiệm; trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể thuộc huyện, thành phố.
Tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm: (1) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị báo cáo đề án kiện toàn, bổ nhiệm cán bộ, danh sách dự kiến nhân sự của lãnh đạo (ở các huyện, thành phố thì thường trực cấp ủy ủy quyền cho đồng chí trưởng ban tổ chức cấp ủy báo cáo đề án bổ nhiệm, kiện toàn cán bộ, danh sách nhân sự dự kiến của thường trực cấp ủy). (2) Cán bộ báo cáo đề án hoặc chương trình hành động. (3) Hội nghị sẽ nêu câu hỏi để cán bộ trả lời những vấn đề cần làm rõ. (4) Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín: đồng ý hay không đồng ý.
4. Hiệp y hoặc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan: Ban tổ chức Tỉnh ủy (đối với các cơ quan khối Đảng, đoàn thể); Sở Nội vụ (đối với cơ quan thuộc khối nhà nước) và ủy ban kiểm tra huyện ủy, thành ủy.
5. Đánh giá đề án hoặc chương trình hành động của nhân sự.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị (hoặc bí thư cấp ủy) quyết định thành lập Hội đồng đánh giá. Hội đồng đánh giá của các cơ quan, đơn vị ở tỉnh gồm 5-7 thành viên: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị là chủ tịch hội đồng; các ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là thành viên (ở các đảng ủy khối là các đồng chí ủy viên ban thường vụ chuyên trách); các thành viên khác do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định.
Hội đồng đánh giá ở các huyện, thành phố gồm 11-13 thành viên: Bí thư cấp ủy là chủ tịch hội đồng; chủ tịch UBND, các phó bí thư cấp ủy là phó chủ tịch hội đồng; các ủy viên ban thường vụ, đồng chí phó chủ tịch phụ trách phòng có nhân sự bổ nhiệm tham gia là thành viên; các thành viên khác do thường trực cấp ủy quyết định.
Nội dung họp Hội đồng đánh giá: (1) Chủ tịch Hội đồng nêu mục đích yêu cầu, chương trình, phương pháp làm việc của Hội đồng. (2) Cán bộ được dự kiến bổ nhiệm báo cáo đề án hoặc chương trình hành động trước Hội đồng. (3) các thành viên của Hội đồng nêu câu hỏi và yêu cầu cán bộ làm rõ thêm những vấn đề trong đề án hoặc dhương trình hành động của cán bộ. (4) Hội đồng thảo luận, thống nhất, đánh giá kết quả bằng hình thức bỏ phiếu kín: đạt yêu cầu hoặc không đạt yêu cầu.
6. Tập thể lãnh đạo thảo luận, quyết định
Bộ phận tổ chức cán bộ (hoặc trưởng ban tổ chức cấp ủy) tổng hợp hồ sơ, lý lịch, kết quả tín nhiệm, kết quả bảo vệ đề án hoặc chương trình hành động, văn bản hiệp y của ban tổ chức tỉnh ủy (sở nội vụ) hoặc ý kiến của ủy ban kiểm tra huyện ủy, thành ủy và những thông tin cần thiết khác về cán bộ, báo cáo tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị (hoặc ban thường vụ cấp ủy). Tập thể lãnh đạo cơ quan đơn vị (hoặc ban thường vụ) thảo luận, thống nhất và quyết định bổ nhiệm cán bộ bằng hình thức bỏ phiếu kín: cán bộ được trên 50% số thành viên trong tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị (hoặc số ủy viên ban thường vụ cấp ủy) nhất trí giới thiệu thì được bổ nhiệm. Trường hợp hai cán bộ có số phiếu giới thiệu ngang nhau và được 50% số thành viên nhất trí giới thiệu thì bổ nhiệm nhân sự do người đứng đầu cơ quan, đơn vị (người đứng đầu cấp ủy) giới thiệu.
7. Ra quyết định hoặc thông báo bổ nhiệm
Sau 7 ngày kể từ khi có quyết định bổ nhiệm cán bộ của tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị (hoặc ban thường vụ cấp ủy) mà không có đơn thư phải giải quyết theo quy định của Đảng và Nhà nước thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị ký quyết định bổ nhiệm. Ở các huyện, thành phố thì bí thư cấp ủy ký quyết định bổ nhiệm hoặc thông báo chủ trương bổ nhiệm (đối với cán bộ thuộc UBND).
Bảo Yến (tổng hợp)