Có phải phiếu bầu, phiếu tín nhiệm luôn là một thước đo uy tín của cán bộ lãnh đạo?
Những năm gần đây, đánh giá, đề bạt cán bộ ở các cơ quan dân cử đều thông qua hiệp thương, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu bầu. Có nơi, có đơn vị đã làm tốt, nhưng không ít đơn vị có hiện tượng lợi dụng việc này để đánh đổ nhau. Mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ đảng viên có thể ví như những viên gạch, nền móng để xây dựng Đảng, góp phần tăng cường sức chiến đấu, xứng tầm với vị trí lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới. Dù chỉ có một viên gạch hoặc một đoạn móng bị hỏng thì cũng dần phá huỷ toàn bộ ngôi nhà mà bao thế hệ đảng viên hy sinh xương máu, vất vả, nhọc nhằn xây dựng lên.

Tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí P - nguyên phó trưởng ban tuyên giáo tỉnh uỷ - người cùng quê, là bạn thân tình: “Theo anh, thế nào được gọi là người lãnh đạo có uy tín hiện nay?” Anh P trả lời: “Người lãnh đạo có uy tín hiện nay là được nhiều người, chính xác hơn, là được hơn 75% số người trong cơ quan công nhận và ủng hộ”. Tôi cũng đồng tình quan điểm của anh, coi đây là một cách để đo uy tín của cán bộ lãnh đạo. Nhưng cách đó chỉ đúng với những đơn vị đoàn kết.

Uy tín của tổ chức cơ sở đảng, uy tín của người đứng đầu tổ chức đảng có một vị trí hết sức quan trọng đối với quần chúng nhân dân. Hiểu uy tín của cán bộ lãnh đạo thế nào cho đúng? Theo tôi, uy tín là một từ ghép. Uy có thể hiểu là người có uy dưới góc độ uy nghiêm, uy phong, uy nghi được toát ra từ tướng mạo, từ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, giao tiếp… Nhất là, từ những khẩu lệnh, quyết định, chỉ thị của người lãnh đạo đối với cấp dưới. Uy có thể hiểu là hình dáng bề ngoài, nó dễ che giấu những điều tiêu cực của bản thân. Tín có thể hiểu là tin - niềm tin đích thực của cấp dưới đối với người lãnh đạo. Cán bộ lãnh đạo có uy tín là người được cấp dưới tâm phục, khẩu phục. Không phải lúc nào tâm phục cũng đi cùng khẩu phục. Trong một cơ quan, một chi bộ, đảng bộ có nhiều kẻ khẩu phục bằng cách tâng bốc, nịnh bợ để làm vừa lòng lãnh đạo, nhưng trong tâm lại khinh thị, hằn học, sẵn sàng “ngáng chân” khi có thể.


Trong Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) tại Hà Nội, đồng chí Phạm Quang Nghị Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết Trung ương 4 cho thấy Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Về nội dung tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hằng năm với các chức danh cán bộ bầu cử trong Đảng và chính quyền, đồng chí Bí thư Thành uỷ nói: “Trước đây, 5 năm một lần tiến hành bầu lại, nay hằng năm lấy phiếu tín nhiệm nếu ai không đáp ứng được yêu cầu công việc thì nhiều lắm 2 năm phải thay. Thậm chí 1 năm tín nhiệm quá thấp, năng lực kém, không làm được việc cũng có thể thay ngay”. Đồng chí Phạm Quang Nghị khẳng định: “Riêng cá nhân tôi luôn sẵn sàng đánh giá theo phiếu tín nhiệm”. Quan điểm của đồng chí Phạm Quang Nghị là hoàn toàn đúng đắn. Đó là một chuẩn mực và phương pháp để đánh giá uy tín của cán bộ lãnh đạo hiện nay. Với phương pháp đó, Đảng ta phải tiến hành một cách thường xuyên, không “đánh trống bỏ dùi”. Đó là điều kiện cần, để từng bước loại trừ các viên gạch hỏng và những thanh sắt rỉ ra khỏi công trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phải cương quyết loại trừ những đảng viên, cán bộ tha hoá, biến chất để từng bước làm trong sạch Đảng. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ vì phương pháp lấy phiếu tín nhiệm chỉ đúng với một tập thể đảng trong sạch, đoàn kết, trung thực. Nó không phải là điều kiện đủ đối với một tổ chức đảng mất đoàn kết, kéo bè kéo cánh, có nhiều phần tử cơ hội, xu nịnh, có nhiều “thầy dùi”, sống “dĩ hoà vi quý”.  Những kẻ cơ hội, xu nịnh, “thầy dùi” thường kéo bè, kéo cánh để “mua phiếu”. Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, không giản đơn. Tâm có sáng thì phiếu bầu, tín nhiệm mới chính xác. Khi "bụng một bồ dao găm” thì không thể có  phiếu bầu, phiếu tín nhiệm chính xác đo uy tín của cán bộ lãnh đạo.

Tôi xin nêu 2 ví dụ có thật.


Tại Đảng bộ xã N.H, thuộc huyện T.H. Đồng chí N.K.N đang giữ chức bí thư đảng uỷ, chủ tịch HĐND xã. Trong Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2011-2016, đồng chí N.K.N được tái trúng cử bí thư đảng uỷ xã N.H với 100% số phiếu bầu. Chỉ 11 tháng sau, đồng chí N.K.N được lãnh đạo Đảng, Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức giới thiệu ra ứng cử đại biểu HĐND. Trong các vòng hiệp thương đồng chí N.K.N được tín nhiệm cao, được giới thiệu tiếp tục làm chủ tịch HĐND xã. Nhưng khi bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 thì đồng chí N.K.N không trúng cử đại biểu HĐND xã. Đồng chí N.K.N là một kỹ sư nông học, một người có năng lực thực sự, có uy tín. Đồng chí đã từng làm chủ tịch UBND xã T.H hai nhiệm kỳ. Do việc chia tách xã T.H làm hai nên đồng chí N.K.N được điều vào làm bí thư đảng bộ của xã được tách chia từ tháng 7 năm 2003.    

Tại xã N.H, đồng chí T.K.T là phó chủ tịch UBND xã. Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đồng chí T.K.T được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND huyện T.H và đại biểu HĐND xã N.H, ứng cử chức chủ tịch UBND xã. Kết quả bầu cử đồng chí T.K.T trúng cử đại biểu HĐND huyện T.H và đại biểu HĐND xã N.H với số phiếu bầu trong cả hai cấp khá cao. Nhưng khi bầu các chức danh lãnh đạo xã N.H thì đồng chí T.K.T chỉ được 8/19 phiếu bầu vào chức danh chủ tịch UBND mặc dù chỉ có duy nhất đồng chí là ứng cử viên.   

Tìm hiểu nguyên nhân cho thấy, tại đó ban chấp hành đảng bộ mất đoàn kết, kéo bè kéo cánh. Có những phần tử cơ hội hữu khuynh, một vài “thầy dùi” đã vận động một số lớn cử tri thiếu hiểu biết để phục vụ mục đích đánh đổ. Đồng thời tập thể đại biểu HĐND tại đó có nhiều người thiếu bản lĩnh, không trung thực đã nghe theo một số ít cá nhân xấu làm “đục nước” để “béo cò”. Đó là những biểu hiện cơ hội, kèn cựa địa vị, mất đoàn kết mà Đảng ta cần nhanh chóng loại bỏ để làm trong sạch nội bộ. Một nguyên nhân nữa là do tình trạng “bằng mặt mà không bằng lòng”, nên trong các đợt hiệp thương, thảo luận định hướng cơ cấu thì im lặng hoặc “miệng Nam mô…”, nhưng khi bầu cử lại thò “bồ dao găm”. Những kẻ xấu đã lợi dụng kinh tế để lôi kéo những đảng viên cốt cán thiếu bản lĩnh không có chính kiến nghe theo.    

Những nơi có tình hình phức tạp như thế là do tập thể BCH đảng bộ ở nơi đó, nhất là những người đứng đầu thiếu trong sáng. Tập thể lãnh đạo chưa đủ tâm và đủ tầm để lãnh đạo đảng bộ, lãnh đạo quần chúng trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Đó là hai trường hợp trong nhiều trường hợp khác đã xảy ra trong việc bỏ phiếu bầu. Còn lấy phiếu tín nhiệm thì lại càng phức tạp hơn. Dư luận cho rằng nhiều nơi dùng  phiếu tín nhiệm để “trù úm” những người không ủng hộ mình. Việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm còn có mặt trái là người lãnh đạo, người đứng đầu phải sống “dĩ hoà vi quý” lấy  lòng cấp dưới kiếm phiếu. Họ sợ nếu nghiêm khắc, mạnh tay sẽ gây ra phản ứng của nhân viên và sẽ mất phiếu bầu.    

Việc lấy phiếu tín nhiệm trước khi đề bạt, có nơi để hợp pháp hoá, đã đem cán bộ mà cấp trên dự kiến đề bạt về một đơn vị để lấy phiếu thăm dò, trong khi nơi đó chưa biết mặt người được bỏ phiếu tín nhiệm, họ chỉ hiểu người đó qua bản lý lịch trích ngang và lời nhận xét của cấp trên. Có nơi, sau khi lấy phiếu tín nhiệm lại niêm phong phiếu và gửi lên cấp lãnh đạo cao hơn để dễ “trốn tránh trách nhiệm” và thao túng. Có nơi thì làm đúng quy trình nhưng nếu không được cấp dưới ủng hộ thì dùng “sức ép” để bầu lại… Và cũng không ít nơi do mất đoàn kết, bằng mặt không bằng lòng, dùng phiếu hạ bệ nhau. 

Tôi xin nêu một ví dụ cụ thể. Một phòng ở một huyện có 13 người gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng và 10 công chức, đều là đảng viên. Một phó phòng nghỉ hưu. Lãnh đạo huyện chỉ đạo lấy phiếu tín nhiệm để đề bạt 1 phó trưởng phòng mới. Trong hội nghị có 2 lãnh đạo phòng và 5 công chức phát biểu nhận xét. Cả 7 người đều phát biểu “khẩu phục” thạc sỹ M. Nhưng kết quả sau khi bỏ phiếu tín nhiệm thì thạc sỹ M. chỉ được 4/12 phiếu bầu. Chúng ta thấy rõ: ít nhất có 3 người “khẩu phục” nhưng tâm lại “không phục”.

Cả ba ví dụ trên cho thấy tỉ lệ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm chưa phải là điều kiện đủ để làm thước đo uy tín của người lãnh đạo hiện nay. Điều kiện cần và đủ để cho tỉ lệ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm đúng là thước đo uy tín của người lãnh đạo khi và chỉ khi tổ chức đảng ở đó đoàn kết, trung thực, có tình đồng chí, có sự đồng tâm; khi mọi người, mọi đảng viên trong cơ quan đều có tâm trong sáng, không có tư tưởng kèn cựa địa vị, không cơ hội hữu khuynh.

Phản hồi (3)

Tẩn Thanh Hương 02/07/2012

Tôi cơ bản đồng ý với tác giả bài viết.Thực tế hiện nay còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự đoàn kết, chưa thật thà phê bình và tự phê bình; còn biểu hiện bè cánh; không chịu đổi mới tư duy; còn nặng "Cơ chế nhiệm kỳ"; vv... Vấn đề là không tranh đấu, không có chương trình hoạt động phù hợp và ảnh hưởng ngay tới "nội bộ" đó thì dù có nhận được "khẩu phục" nhưng phiếu bầu vẫn thấp là điều bình thường.

Hoàng Thùy Trang 10/06/2012

Đọc bài viết về phiếu bầu phiếu tín nhiệm có phải là thươc đo uy tín của cán bộ lãnh đạo, tôi cũng tâm đắc với người viết bài này. Tôi là một đảng viên trẻ, tôi muốn thấy cách nhìn nhận về một sự công bằng trong công tác tác tổ chức cán bộ. Hiện nay tại đơnn vị tôi đang công tác tình trạng chạy chức chạy quyền vẫn còn tồn tại, lấy phiếu tín nhiệm theo quán tính, tình cảm, không xét đến thực chất năng lực trình độ và độ tuổi. Cán bộ lãnh đạo còn kéo bè kết phe để trù dập những ai không theo ý mình. Có ai đời cấp phó mà chống đối cấp trưởng một cách công khai vậy mà vẫn để loại cán bộ đó tồn tại trong bộ máy nhà nước. Tổ chúc như vậy mà căn cứ vào phiếu tín nhiệm, phiếu bầu thì e rằng không biết sẽ xãy ra chuyện gì nữa. Từ đó tư tưởng bất mãn trong bộ phận đảng viên trẻ như chúng tôi không muốn phấn đấu, vì đâu có ai xét năng lực, trình độ mà phấn đấu. Chúng tôi chỉ vì theo truyền thống cách mạng của gia đình mà phải chấp nhận thôi. Đúng là dù có bằng cấp đầy đủ, có nhiệt huyết nhưng không có bằng lòng và đúng phe thì không tồn tại được. Rất mong các cô chú, các bác lãnh đạo đảng nghiên cứu để loại bỏ những con sâu làm rầu nồi canh.

Dương Hải 08/06/2012

Bài viết rất đúng với thực tế. Những nơi nội bộ có vấn đề mất đoàn kết thì không thể lấy phiếu tín nhiệm, phiếu bầu chính xác.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất