Từ công nhân trở thành lãnh đạo
Tính từ năm 2011 đến cuối năm 2017, toàn TP đã có 26 cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm cấp trưởng, phó phòng, bí thư, chủ tịch UBND phường - xã - thị trấn… có xuất thân từ công nhân.
Triển khai Nghị quyết số 20 năm 2008 của Bộ Chính trị (về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa), lãnh đạo Thành ủy TPHCM đã có nhiều sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Đây cũng là chương trình được lãnh đạo Thành ủy TPHCM xác định mang tính đột phá trong việc tạo nguồn cán bộ trẻ cho TP. Tính từ năm 2011 đến cuối năm 2017, toàn TP đã có 26 cán bộ từ chương trình này được đề bạt, bổ nhiệm cấp trưởng, phó phòng, bí thư, chủ tịch UBND phường - xã - thị trấn…
Cơ duyên
Năm 2009, Võ Thanh Diệu (sinh năm 1986, ở huyện Củ Chi) là cán bộ công đoàn chuyên trách, được Ban Quản lý các khu Chế xuất và Công nghiệp TPHCM (Hepza) phân công phụ trách theo dõi các vấn đề về công đoàn tại một công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc ở huyện Củ Chi. Thực hiện nhiệm vụ này, Diệu luôn chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm của công nhân nên đã tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, bức xúc của công nhân. Chính vì vậy, dù công ty này có hơn 3.000 công nhân nhưng các vấn đề về suất ăn, chuyện o ép làm thêm giờ… hầu như không xảy ra tại đây. Điều này góp phần đảm bảo công ty hoạt động ổn định và phát triển, từ đó thu nhập của công nhân cũng được cải thiện.
Năm 2011, lần đầu tiên Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM trực tiếp đến các công ty có đông công nhân để lựa chọn các gương mặt ưu tú đưa vào chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Cùng tuyển chọn vào chương trình này còn có cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý các phân xưởng, dây chuyền sản xuất; cán bộ ban chấp hành công đoàn, đoàn thanh niên. Ứng viên là công nhân, dưới 30 tuổi, tốt nghiệp đại học... Và nữ cán bộ Võ Thanh Diệu đã được tiến cử tham gia chương trình.
Cũng xuất thân từ công nhân, Dương Quang Trí (sinh năm 1983, ở quận Bình Tân) là chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin, viễn thông của Điện lực Bình Phú (thuộc Tổng công ty Điện lực TPHCM). Trí làm việc tại đơn vị này từ năm 2008. Với những thành tích xuất sắc trong công việc, Trí được bình chọn là chiến sĩ thi đua cơ sở trong nhiều năm. Cũng từ các thành tích trong lao động, cuối năm 2012, Trí được giới thiệu tham gia chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân của Thành ủy TPHCM.
Tuy vậy, khi được chọn tham gia chương trình, ban đầu Diệu và Trí cũng như các bạn trẻ khác đều có những băn khoăn, lo ngại riêng. Họ có lẫn một chút tự ti về xuất thân với nỗi lo lớn về trình độ chuyên môn liệu có đáp ứng với công việc hoàn toàn mới này? Nhưng qua sự động viên và chia sẻ của lãnh đạo công ty, của đồng nghiệp, người thân, các bạn đã đăng ký tham gia chương trình và vượt qua cuộc phỏng vấn xét tuyển để bắt đầu cuộc hành trình mới…
Phấn đấu và cống hiến
Sau khi vượt qua kỳ phỏng vấn sát hạch, Diệu và Trí cũng như những trường hợp khác được cử đi học lý luận chính trị, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản về kiến thức quản lý nhà nước, công tác Đảng. Như trường hợp của Võ Thanh Diệu, sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, Diệu bày tỏ nguyện vọng được về địa phương cống hiến. Tháng 9-2012, Diệu được phân công về công tác tại Văn phòng Huyện ủy huyện Củ Chi. Dù là “lính mới” nhưng Diệu nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt vấn đề và có các tham mưu, đề xuất chuẩn xác, được lãnh đạo huyện đánh giá cao. Do đó, cuối năm 2012, Diệu được điều động, phân công về giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung, phụ trách lĩnh vực kinh tế - hành chính. Hai năm sau, Diệu được phân công thêm lĩnh vực đất đai, quản lý đô thị.
Xã Tân Phú Trung có diện tích khá rộng, cũng là địa bàn phức tạp về lĩnh vực đất đai, quản lý đô thị khi giáp ranh với huyện Hóc Môn và tỉnh Long An. Tuy nhiên, bằng sự kiên quyết, nhiều trường hợp vi phạm trật tự đã được Diệu tham mưu, đề xuất với Đảng ủy - UBND xã chỉ đạo và ra quyết định cưỡng chế. Chính sự nghiêm minh trong điều hành này nên tình trạng vi phạm trật tự về xây dựng, đô thị ở xã Tân Phú Trung đã được chấn chỉnh đáng kể. Với sự nhiệt huyết, trăn trở của tuổi trẻ, Diệu cũng chỉ đạo cán bộ khi giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực phải luôn niềm nở với dân. Cách làm này đã góp phần thay đổi cái nhìn của người dân đối với cán bộ xã nên được Huyện ủy, UBND huyện ghi nhận, đánh giá cao. “Bên cạnh sự tập trung cho công việc, tôi cũng phải tự đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn. Tôi đã hoàn tất chương trình học thạc sĩ và đang chờ nhận bằng”, Diệu hồ hởi cho biết. Với Diệu cũng như các cán bộ khác, chương trình này của Thành ủy đã phần nào làm thay đổi suy nghĩ của một số người khi cho rằng “công nhân chỉ biết máy móc, làm việc tay chân”!
Trong khi đó, năm 2014, Dương Quang Trí được phân công về Ban Tổ chức Quận ủy quận 6. Mặc dù được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức, đào tạo lý luận chính trị nhưng ở công việc, môi trường mới hoàn toàn, thời gian đầu Trí cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng điều đó lại càng thôi thúc Trí quyết tâm tự trang bị, nâng cao trình độ chuyên môn và phấn đấu hơn nữa để đáp ứng tốt yêu cầu của công việc. Hiện nay Trí đang học năm 4 cử nhân Luật hệ văn bằng 2.
Một trong những thành tích tiêu biểu của Trí cùng đồng nghiệp trong Ban Tổ chức Quận ủy quận 6 là tham mưu quận ủy về công tác tổ chức xây dựng đảng. Trong đó, Trí nhiều lần đề xuất các giải pháp, cách làm hay để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu trước hạn trong công tác giới thiệu cán bộ thuộc 3 chương trình của Thành ủy TPHCM. Kết quả này đã đóng góp vào thành tích chung của quận, được Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM ghi nhận, đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác đào tạo, quy hoạch; đặc biệt là công tác giới thiệu và tiếp nhận cán bộ thuộc 3 chương trình. Luôn đạt hiệu quả cao trong công việc nên cuối năm 2016, Trí được bổ nhiệm giữ chức Phó ban Tổ chức Quận ủy quận 6.
Theo Ban Tổ chức Thành ủy, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW (năm 2008) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã xây dựng chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Đến nay, TPHCM tuyển chọn khoảng 135 cán bộ, gồm hơn 50 sinh viên và còn lại là công nhân. Các trường hợp này được đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý hành chính nhà nước, lý luận chính trị; các kỹ năng, nghiệp vụ về công tác Đảng, quản lý nhà nước… rồi bố trí về các phường - xã - thị trấn, phòng ban của quận - huyện, sở - ngành. Tính đến cuối năm 2017, có 26 trường hợp được đề bạt, bổ nhiệm trưởng, phó phòng, bí thư, chủ tịch UBND các phường - xã - thị trấn.
Cũng theo đánh giá của Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý từ công nhân ngày càng đi vào chiều sâu. Dù số lượng cán bộ trẻ là công nhân trong chương trình còn ít, song kết quả đạt được đã tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nguồn cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.
18 cán bộ xuất thân từ công nhân vào nguồn quy hoạch Thành ủy viên
Thực hiện chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động TPHCM (LĐLĐ TP) đã xây dựng kế hoạch triển khai đến công đoàn cấp trên trực tiếp và công đoàn cơ sở trực thuộc.
Hiện nay, LĐLĐ TP có 4 cán bộ từ chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, được bố trí làm cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên cơ sở. Trong số này, có 3 cán bộ giữ các vị trí chủ chốt tại LĐLĐ quận - huyện. Ngoài ra, Đảng đoàn LĐLĐ TP cũng rà soát và giới thiệu 18 cán bộ xuất thân từ công nhân vào nguồn quy hoạch Thành ủy viên nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Nữ Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) Võ Thanh Diệu đang triển khai công việc.
Đột phá tạo nguồn cán bộ trẻ
Hơn 10 năm trước, Thành ủy TPHCM đã xây dựng chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi và chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhằm đáp ứng nguồn nhân sự trẻ có năng lực phục vụ TP. Có thể nói, đây là chương trình sáng tạo của Đảng bộ TPHCM và được đánh giá cao trong cả nước.
Săn lùng sinh viên giỏi
Phó Chủ tịch UBND phường 3 quận 6 Phạm Ngọc Tuấn (sinh năm 1985) là một trường hợp trong chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi của TP. Năm 2010, qua thông tin công khai ở phường, Tuấn xin vào thực tập tại UBND quận 6. Sau khi tốt nghiệp đại học, Tuấn được chọn vào chương trình rồi được bố trí về Văn phòng UBND quận 6 công tác.
Nhiều sáng kiến phục vụ người dân tốt hơn
Sở Tư pháp TPHCM có 15 cán bộ được đào tạo từ chương trình này, trong đó có 2 trường hợp hiện là phó giám đốc sở, 6 cán bộ cấp trưởng phòng…
Sở Tư pháp cũng là đơn vị điển hình trong việc bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo, thường giao các cán bộ này tham mưu nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ quan trọng, phức tạp. Đặc biệt, đối với 7 cán bộ đào tạo toàn phần ở nước ngoài có trình độ ngoại ngữ tốt, am hiểu về pháp luật quốc tế thì được bố trí ở các mảng tư vấn pháp lý, để tham mưu UBND TP trong các vụ việc liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài hoặc tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế.
Đánh giá chung, đội ngũ cán bộ từ chương trình này có khả năng tư duy tốt, thể hiện sự nổi trội trong công tác. Từ đó, nhiều sáng kiến được hình thành, góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ của người dân.
Tại đây, Tuấn có nhiều đóng góp tích cực, trong đó phải kể đến việc Tuấn và các đồng nghiệp cùng tham mưu, đề xuất giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện một số thủ tục tư pháp cho người dân. Đến giữa năm 2016, Tuấn được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND phường 3. Được giao phụ trách khối văn xã tại phường có đông đảo bà con người Hoa sinh sống với hoàn cảnh đa phần còn nhiều khó khăn, Tuấn tham gia chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở phường, từ 17,7% (cao nhất quận) xuống còn 5,56% hộ cận nghèo và xóa được hộ nghèo. Tuấn là một trong số 32 cán bộ thuộc chương trình quy hoạch cán bộ trẻ của quận.
Theo Bí thư Quận ủy quận 6 Lê Minh Tân, từ nhiều nhiệm kỳ qua, cấp ủy quận 6 luôn nhận thức quy hoạch cán bộ trẻ là công tác rất quan trọng nên đã có sự quan tâm, đầu tư lớn. Một trong những giải pháp khá hữu hiệu là không ngừng “săn lùng” sinh viên khá, giỏi qua việc tuyên truyền sâu rộng trong đảng viên và nhân dân; niêm yết tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn sinh viên tại các cơ quan, đơn vị, trụ sở UBND phường, khu phố. Song song đó, quận thường xuyên theo dõi các công chức trẻ đủ tiêu chuẩn để giới thiệu bổ sung vào chương trình.
“Đặc biệt, Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo đưa nội dung thực hiện công tác phát hiện, tạo nguồn hiệu quả là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm của cơ sở đảng”, đồng chí Lê Minh Tân cho biết.
Tương tự, ở huyện Nhà Bè, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Lưu cho biết sau hơn 10 năm thực hiện công tác tạo nguồn quy hoạch cán bộ trẻ, Huyện ủy đã công nhận 87 cán bộ nguồn. Đến nay đã có 37 cán bộ, công chức được đề bạt, bổ nhiệm.
Cùng là khu vực ngoại thành, đặc biệt từ khi xã Tân Thông Hội được Trung ương chọn thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới (năm 2009), Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Củ Chi càng nhận thức sâu sắc hơn đến công tác tạo nguồn cán bộ.
“Đây là yếu tố tiên quyết đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Củ Chi Lê Thanh Phong nhớ lại.
Tính đến hết tháng 4-2018, huyện đã tiếp nhận 57 cán bộ trẻ có triển vọng phát triển tốt và đã bố trí 12 trường hợp giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Đánh giá chung về chương trình trên, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM khẳng định Thành ủy luôn quán triệt đến các tổ chức đảng việc phát hiện, tiến cử và bồi dưỡng, đào tạo sinh viên; cán bộ trẻ ưu tú; nhằm tạo nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị. Hơn 10 năm qua, TPHCM đã xét đưa vào chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi đối với hơn 1.520 trường hợp là sinh viên (không quá 25 tuổi) có học lực khá, giỏi; cán bộ, công chức, viên chức (không quá 27 tuổi) có chiều hướng phát triển tốt.
Hiện nay chương trình còn khoảng 900 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác, trong đó có 424 cán bộ trẻ (47,16%) được đề bạt, bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó phòng ban các sở - ngành, quận - huyện, bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND phường - xã - thị trấn; 67 cán bộ tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở. Đặc biệt, có 7 cán bộ được bổ nhiệm các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và có người trở thành nguồn quy hoạch của Trung ương.
“Quả ngọt” từ chương trình
Từ nguồn cán bộ trẻ, Thành ủy TPHCM tiếp tục đề ra chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Việc lựa chọn ngành đào tạo tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế, đô thị, thương mại quốc tế, hành chính, khoa học công nghệ… Đến nay, chương trình đã cử đi đào tạo 87 tiến sĩ, 755 thạc sĩ, trong đó có gần 340 trường hợp được đào tạo ở nước ngoài.
“Quả ngọt” từ chương trình này đã mang lại gần 260 cán bộ có năng lực được bổ nhiệm làm trưởng, phó phòng sở - ngành, quận - huyện; khoảng 35 cán bộ được đề bạt chức danh lãnh đạo chủ chốt sở - ngành, quận - huyện... Đơn cử như Lâm Đình Thắng (sinh năm 1981, tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Quản trị nguồn nhân lực tại Australia) là đại biểu Quốc hội, được Thành ủy điều động giữ chức vụ Phó Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh.
Trên 90% có chiều hướng phát triển tốt
Theo Ban Tổ chức Thành ủy, hàng năm có trên 90% cán bộ thuộc 2 chương trình trên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và có chiều hướng phát triển tốt. Nhiều cán bộ trẻ thể hiện được năng lực trong công tác, được bầu vào cấp ủy các cấp, được bổ nhiệm các chức danh chủ chốt, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2015-2020, có 1 cán bộ là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, 9 cán bộ là Thành ủy viên, gần 140 trường hợp tham gia Ban Thường vụ Quận ủy - Huyện ủy và cấp ủy cấp trên cơ sở …
Theo Ban Tổ chức Thành ủy, cùng với chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ trẻ và chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ là cách làm đột phá của Thành ủy TPHCM, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Song mặt hạn chế là đội ngũ cán bộ nguồn quy hoạch trẻ ở các ngành khoa học - công nghệ mũi nhọn vẫn chưa đáp ứng so với kế hoạch.
Trước đó, Vũ Anh Khoa (sinh năm 1983) đã được UBND TP bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND quận 10. Anh Khoa cũng là một tấm gương được nhiều bạn trẻ nhắc đến, khi trúng cử vào Ban Thường vụ Quận ủy quận 10 ở tuổi 27 - là một trong những Quận ủy viên trẻ nhất TPHCM tại thời điểm đó. Vũ Anh Khoa tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế ở nước ngoài, nằm trong chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đợt đầu tiên của TPHCM. Về nước, Khoa trở thành cán bộ của Thành đoàn TPHCM. Không lâu sau, anh làm Bí thư Quận đoàn 10, rồi được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kinh tế quận 10 ở tuổi 27; sau đó làm Bí thư Đảng ủy phường 11 (quận 10) rồi Phó Chủ tịch UBND quận 10 như hiện nay…
Cùng là “đồng môn” của chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tháng 4-2018, Nguyễn Quốc Dương (sinh năm 1978) được bổ sung vào Ban Thường vụ Quận ủy quận 6 nhiệm kỳ 2015-2020. Dương hiện là Bí thư Đảng ủy phường 2, quận 6. Hầu hết, những cán bộ của chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đều thể hiện năng lực tốt ở vị trí được phân công. Điển hình, trước khi về phường 2, Dương được phân công làm Bí thư Đảng ủy phường 5, quận 6 vào thời điểm phường “đội sổ” trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (lúc đó là Chỉ thị 03-CT/TW và hiện nay là Chỉ thị 05-CT/TW). Nhận nhiệm vụ, Dương chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện các giải pháp thiết lập trật tự kỷ cương, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải có chương trình, kế hoạch cụ thể và không được để người dân phải đến phường quá 2 lần đối với 1 hồ sơ vụ việc.
Đồng thời, tổ chức đối thoại định kỳ với người dân (thời điểm đó, TPHCM không tổ chức HĐND cấp phường)... Bên cạnh đó, khi phát hiện cán bộ ở phường có sai phạm thì dứt khoát xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm. Không lâu sau, phường 5 trở thành đơn vị điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sau này, được phân công về phường 2, Dương tiếp tục phát huy, cùng với cán bộ, công chức, viên chức của phường kéo giảm phạm pháp hình sự 48% so với năm 2016 và từ đầu năm đến nay, trên địa bàn chưa xảy ra vụ phạm pháp hình sự nào…
Hay như Vũ Anh Khoa cũng để lại những dấu ấn rõ nét tại những nơi mình từng công tác. Đó là việc tham mưu cho quận giải quyết liên thông hồ sơ đăng ký kinh doanh và mã số thuế đối với hộ kinh doanh cá thể (khi công tác ở Phòng Kinh tế quận 10) hay chỉ đạo, vận động người dân tham gia lắp đặt camera an ninh ở tất cả các khu phố ở phường 11 (khi làm Bí thư Đảng ủy phường).
Trên cương vị mới, Khoa tiếp tục có giải pháp cụ thể, góp phần chấm dứt sự khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của quận. Đồng thời, Khoa cụ thể hóa cam kết về việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, hiện đại phục vụ người dân. Đến nay, quận đã xây được 3 nhà vệ sinh công cộng và tiếp tục tăng thêm số lượng mà ngân sách không phải tốn kinh phí cho việc xây dựng, sửa chữa hay vận hành…
Nguồn: Báo SGGP