Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân
Lãnh đạo Ban Tổ chức Quận ủy quận 10 trao đổi công việc với các cán bộ trẻ xuất thân từ công nhân.

Nhằm mục tiêu tuyển chọn công nhân, cán bộ quản lý, cán bộ ban chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội tại các doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành kỹ thuật để quy hoạch, đào tạo, rèn luyện trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp quận, huyện; cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước cấp thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân (sau đây gọi tắt là Chương trình công nhân). Chương trình được triển khai thực hiện từ cuối năm 2010. Xác định đây là một trong những Chương trình đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã quan tâm chỉ đạo và có những cơ chế, chính sách, chủ trương phù hợp khi triển khai thực hiện Chương trình.

Theo chương trình này, TP Hồ Chí Minh tuyển chọn từ công nhân trực tiếp sản xuất, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý các phân xưởng, dây chuyền sản xuất, cán bộ ban chấp hành công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu khác và sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành kỹ thuật. Họ được đào tạo, rèn luyện để trở thành cán bộ lãnh đạo quản lý cấp quận, huyện, cơ quan đảng, đoàn thể, cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp thành phố.

Chia sẻ với đại biểu công nhân, lao động, ông Lê Thanh Hải – Nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhận định, hơn 100 cán bộ trẻ được sắp xếp vị trí công việc trong đợt 1 cho thấy nỗ lực bước đầu của thành phố trong công tác đào tạo cán bộ nguồn cho thành phố xuất phát từ giai cấp công nhân. Đối với nguồn cán bộ được tuyển chọn từ công nhân các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN), ông Trần Văn Cường – Phó Bí thư Đảng ủy các KCX-KCN thành phố (HEPZA) cho biết, hiện đơn vị quản lý trên 1.200 dự án, với 270.000 công nhân, trong đó chủ yếu là công nhân từ các tỉnh, với trình độ đại học chiếm khoảng 9,75%.

Thời gian qua, HEPZA đã giới thiệu 12 trường hợp, trong đó có 10 trường hợp được chọn. Chủ trương của thành phố là hết sức nhất quán, nhưng cũng là một cách làm chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, từ chủ trương, bước đầu thành phố đã xây dựng thành chương trình cụ thể, có cơ chế, chính sách để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng một lực lượng cán bộ nguồn có chất lượng cho tương lai TP. Hồ Chí Minh và cả nước. Tính từ năm 2011 đến cuối năm 2017, toàn TP. Hồ Chí Minh đã tuyển chọn được khoảng 135 cán bộ, gồm hơn 50 sinh viên, còn lại là công nhân. Các trường hợp này được đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý hành chính Nhà nước, lý luận chính trị; các kỹ năng, nghiệp vụ về công tác Đảng, quản lý Nhà nước… rồi bố trí về các phường, xã, thị trấn, phòng, ban của quận, huyện, sở, ngành. Đến cuối năm 2017, 26 cán bộ đã được đề bạt, bổ nhiệm cấp trưởng, phó phòng, bí thư, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.  

Thực hiện Chương trình, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh (LĐLĐ TP) đã xây dựng kế hoạch triển khai đến công đoàn cấp trên trực tiếp và công đoàn cơ sở trực thuộc. Hiện nay, LĐLĐ TP có 4 cán bộ từ chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, được bố trí làm cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên cơ sở. Trong số này, có 3 cán bộ giữ các vị trí chủ chốt tại LĐLĐ quận - huyện. Ngoài ra, Đảng đoàn LĐLĐ TP cũng rà soát và giới thiệu 18 cán bộ xuất thân từ công nhân vào nguồn quy hoạch Thành ủy viên nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Thực hiện Kết luận số 22-KL/TU ngày 04 tháng 8 năm 2011 của tập thể Thường trực Thành ủy về chính sách đối với ứng viên tham gia Chương trình công nhân, cán bộ thuộc Chương trình được ký hợp đồng lao động trong biên chế dự trữ của Ban Tổ chức Thành ủy, chuyển xếp lương tương đương từ hệ số lương khu vực doanh nghiệp sang ngạch chuyên viên khu vực hành chính sự nghiệp và thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đúng quy định. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Ban Tổ chức Thành ủy thực hiện xét tuyển công chức, bổ nhiệm ngạch lương phù hợp với nhiệm vụ (1) và điều động về các cơ quan, đơn vị để tiếp tục công tác. Tuy nhiên, từ tháng 5 năm 2013 đến nay, cán bộ Chương trình không được cử đào tạo cao cấp lý luận chính trị (2), do đó, cán bộ sau khi xét tuyển vào Chương trình đạt kết quả được bố trí công tác về các quận, huyện; được ký hợp đồng và hưởng lương biên chế dự phòng của quận, huyện (3) (trong thời gian chờ thi tuyển công chức) và được đơn vị tạo điều kiện cử đi đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh đã bị Bộ Nội vụ “tuýt còi”, nhắc nhở, trong đó có nhấn mạnh nội dung: “Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính”. Ngoài ra, trong năm 2015, Ban Tổ chức Thành ủy đã cử 10 cán bộ đi đào tạo hệ cử nhân chính trị chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước của Học viện Báo chí và tuyên truyền.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, Chương trình quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý từ công nhân ngày càng đi vào chiều sâu. Dù số lượng cán bộ trẻ là công nhân trong chương trình còn ít song kết quả đạt được đã tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nguồn cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Đây là một cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn ở các đô thị lớn cũng như những tỉnh, thành có lực lượng công nhân đông của nước ta. Chương trình này của Thành ủy đã phần nào làm thay đổi suy nghĩ của một số người khi cho rằng “công nhân chỉ biết máy móc, làm việc tay chân”. Với những thành công bước đầu, Chương trình quy hoạch, tạo nguồn cán bộ từ công nhân của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh sẽ là một cách làm xứng đáng để nhiều địa phương trong cả nước nghiên cứu, học tập.


-------------
(1): 26 cán bộ Chương trình được xét tuyển công chức.
(2): do không đảm bảo tiêu chuẩn theo Công văn 4741-CV/BTCTW ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Ban Tổ chức Trung ương
(3): Từ năm 2015 cán bộ Chương trình sau khi được bố trí về quận, huyện công tác được hỗ trợ bù thu nhập mỗi tháng 1 triệu đồng và được thực hiện trong vòng 4 năm; được hỗ trợ kinh phí tự đào tạo chuyên môn (văn bằng 2, thạc sĩ) và ngoại ngữ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất