Nguyễn Hữu Thọ - Một ngọn cờ tiêu biểu của khối đại đoàn kết dân tộc
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại Tổng hành dinh kháng chiến miền Nam

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bí danh Ba Nghĩa, sinh ngày 10-7-1910 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An trong một gia đình công chức. Thân phụ là cụ Nguyễn Hữu Tuấn, một trí thức yêu nước, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Phòng, một người phụ nữ hiền hậu.

Cách mạng Tháng Tám thành công, là một trí thức yêu nước, luật sư Nguyễn Hữu Thọ hết lòng phục vụ Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Luật sư nói: “Sự kiện lịch sử trọng đại đó đã làm thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của tôi. Nói một cách khác: Cách mạng đã đổi đời cho tôi”.... Khi ở cương vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông là ngọn cờ hội tụ trí tuệ các tầng lớp nhân dân, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, làm cho Mặt trận có bước phát triển mới trong hệ thống chính trị, đóng góp cho khối Đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng đất nước.

 

Học để làm việc có ích cho nước, cho dân

Năm 1921, mới 11 tuổi, đang học tiểu học, Nguyễn Hữu Thọ một mình xuống tàu thủy rời cảng Sài Gòn sang Pháp du học. Sau 7 năm học ở trường Trung học Mignet, năm 1928, Nguyễn Hữu Thọ được nhận vào học tại khoa Luật trường Đại học Luật khoa và Văn khoa Aix en Provence ở miền Nam nước Pháp. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương luôn thường trực trong lòng và luôn trăn trở vì sao quê hương mình còn nghèo quá, đồng bào mình còn khổ quá, đã thôi thúc Nguyễn Hữu Thọ học giỏi, đem hiểu biết làm một điều gì đó có ích cho nước, cho dân. Ngày 5-9-1932, Nguyễn Hữu Thọ nhận tấm bằng cử nhân Luật loại xuất sắc. Ông J.Duchene, một bạn học người Pháp thời phổ thông đã nhận xét: “Anh Thọ là một học sinh rất thông minh và chăm chỉ, học giỏi. Tính hiền lành, cởi mở và chân tình, đối xử với bạn bè rất tốt, nên được nhiều người yêu mến”.

Tháng 5-1933, Nguyễn Hữu Thọ rời nước Pháp trở về quê hương. Khởi đầu, làm luật sư tập sự tại văn phòng của một luật sư người Pháp có tư tưởng dân chủ tiến bộ ở Nam Kỳ. Sau 5 năm tập sự, năm 1939, vượt qua kỳ sát hạch các Luật sư đoàn và trở thành một luật sư thực thụ. Nguyễn Hữu Thọ lập Văn phòng luật sư riêng ở Mỹ Tho - nơi gia đình đang sinh sống. Ít năm sau, Nguyễn Hữu Thọ lập thêm nhiều Văn phòng luật sư ở Vĩnh Long, Cần Thơ. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn đứng về phía quần chúng, bênh vực lẽ phải, bảo vệ đồng bào mình trước những áp bức bóc lột tàn bạo của kẻ thù, được nhân dân tín nhiệm, đồng sự mến phục. 30 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ trở thành một luật sư danh tiếng.

Một trí thức yêu nước

Thực dân Pháp trở lại tái chiếm Nam Bộ. Năm 1947, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ dứt khoát từ bỏ vị trí Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long do chính quyền thực dân bổ nhiệm, dấn thân vào con đường mới - con đường phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Luật sư dùng kiến thức nghề nghiệp đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước không may bị bắt, tích cực vận động trí thức và sinh viên, học sinh đấu tranh đòi hòa bình, chống chiến tranh xâm lược. Ngày 16-10-1949, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đó là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của một trí thức yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản và trở thành ngọn cờ đoàn kết dân tộc rất có uy tín trong việc tập hợp mọi lực lượng yêu nước chống kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ  trong 30 năm.

Trong quá trình hoạt động, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị địch bắt nhiều lần: Ngày 19-3-1950, tham gia cuộc biểu tình tuần hành phản đối sự can thiệp của Mỹ thì ông bị bắt và bị giam ở khám lớn Sài Gòn. Nhưng trước sự đấu tranh phản đối của đồng bào ta, ngày 28-3 chúng phải trả tự do cho ông. Ngày 13-4-1950, ông lại bị bắt giam ở Sài Gòn, đến  tháng 6-1950, bị đày ra bản Giắng, huyện Mường Tè thuộc tỉnh Lai Châu “rừng thiêng nước độc” miền núi Tây Bắc xa xôi. Đến tháng 11-1952, đồng chí bị đưa về an trí ở Sơn Tây. Khi được trả tự do, đồng chí trở về Sài Gòn tiếp tục hoạt động. Trước tòa, đồng chí biện hộ cho những cán bộ kháng chiến bị địch bắt như đồng chí Đỗ Duy Liên, đồng chí Nguyễn Thị Bình. Tham gia thành lập Phong trào Bảo vệ hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia tổ chức cuộc biểu tình chào mừng hòa bình ở trung tâm Sài Gòn. Ngày 15-11-1954, đồng chí bị địch bắt và bị giam ở khám Chí Hòa. Đầu năm 1955, bị đưa ra an trí ở Hải Phòng, rồi 23 - 4 - 1955 lại bị đưa về Sài Gòn. Từ năm 1955 - 1961, bị an trí ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Một ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc

Sau phong trào Đồng khởi, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cần tập hợp lực lượng. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn bị quản thúc ở Phú Yên. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy vai trò của vị Luật sư này trong nhiệm vụ tập hợp lực lượng yêu nước của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN). Vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Tỉnh uỷ Phú Yên phải tìm cách giải thoát “ông Hòa Bình” tức Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Và cuộc giải thoát được phối hợp thực hiện thành công. Ngày 30-10-1961, sau hơn 6 năm bị giam lỏng ở vùng núi rừng Tuy Hòa, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được quân và dân Phú Yên giải thoát, đưa về căn cứ Tỉnh ủy Phú Yên. Đầu năm 1962, ông được đưa về chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). MTDTGPMN thành lập ngày 20-12-1960, nhưng vị trí người đứng đầu còn chờ. Đại hội lần thứ nhất MTDTGPMN họp ngày 16-2-1962, như ý nguyện của Bác Hồ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng. Hơn 13 năm ở cương vị Chủ tịch MTDTGPMN, với uy tín rộng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, lãnh đạo đồng bào, chiến sĩ miền Nam, sát cánh với đồng bào, chiến sĩ miền Bắc, được sự ủng hộ to lớn của bạn bè quốc tế, kể cả nhân dân Mỹ, đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày toàn thắng.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm bầu vào nhiều chức vụ quan trọng: Đại biểu Quốc hội khóa 6, 7, 8, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Ở cương vị công tác nào, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng hoạt động tích cực, có hiệu quả. Bằng kiến thức chuyên môn luật học, ông đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Hiến pháp mới, xây dựng pháp luật, xây dựng Bộ Luật Dân sự, xây dựng Nhà nước Việt Nam... Khi ở cương vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là ngọn cờ  hội tụ trí tuệ các tầng lớp nhân dân, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, làm cho Mặt trận có bước phát triển mới trong hệ thống chính trị, đóng góp cho khối Đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng đất nước.

Với sự cống hiến to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và công cuộc xây dựng đất nước trong thời bình, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ những phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương kháng chiến, Huy chương Vì sự nghiệp đoàn kết toàn dân.

Đồng chí được Hội đồng Hòa bình thế giới tặng thưởng Huân chương Joliot Curie. Nhà nước Liên Xô tặng Giải thưởng Quốc tế Lê-nin và Huân chương Vì sự nghiệp củng cố hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Nhà nước Cu-ba tặng Huân chương Đoàn kết chiến đấu. Nhà nước Bungari tặng Giải thưởng Đimitrôp.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, từng là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đã có bài viết “Nguyễn Hữu Thọ, một nhà yêu nước lớn”... có đoạn: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại, đã hy sinh cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhân dân Việt Nam ta đời đời nhớ mãi người con Việt Nam anh hùng”.

(Nguồn: Báo Đại Đoàn kết)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất