Quảng Bình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ủy ban kiểm tra cấp ủy huyện
Trong những năm qua, ủy ban kiểm tra (UBKT) cấp ủy cấp huyện ở tỉnh Quảng Bình đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát (KT, GS) theo Điều lệ Đảng quy định, nhiệm vụ do cấp ủy giao và tham mưu cho cấp ủy thực hiện nhiệm vụ KT, GS; góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; ngăn chặn và xử lý kịp thời những tiêu cực đồng thời phát huy mặt tích cực, nâng cao uy tín, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng; thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số cấp ủy cấp huyện mặc dù nhận thức được vị trí, vai trò của công tác KT, GS nhưng chưa biến thành hành động cụ thể, chưa thực sự quan tâm lãnh đạo và thực hiện đúng quy trình, phương pháp của công tác KT, GS hoặc có lãnh đạo thực hiện KT, GS nhưng thiếu trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, một số UBKT cấp ủy cấp huyện có những hạn chế (cả về nội dung, phương pháp hoạt động), lúng túng, bị động khi kiểm tra những đảng viên có chức vụ, những vụ việc phức tạp; một số cán bộ làm công tác KT, GS còn nhiều bất cập về trình độ, năng lực, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về công tác KT, GS mà chỉ bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn nên chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ KT, GS của UBKT cấp ủy cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được hình thành từ rất nhiều nguồn với chuyên môn, nghiệp vụ rất khác nhau. Số đông cán bộ KT yên tâm với nhiệm vụ, song có những cán bộ có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ về UBKT được một thời gian lại xin chuyển đi nơi khác làm cho đội ngũ cán bộ KT, GS chắp vá, thiếu ổn định. Đội ngũ cán bộ làm công tác KT, GS luôn bị thay đổi sau mỗi kỳ đại hội đảng bộ các cấp trong khi đòi hỏi yêu cầu của công tác KT, GS của Đảng là phải chuyên sâu, hiểu biết nhiều lĩnh vực và phải có kinh nghiệm nghề nghiệp. Số thành viên kiêm chức do bận nhiều công việc chuyên môn nên dành ít thời gian và tâm huyết cho công tác KT, GS. Trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ cán bộ kiểm tra về các lĩnh vực như pháp luật, quản lý kinh tế, tài chính so với yêu cầu hiện nay còn nhiều bất cập. Bên cạnh số đông cán bộ kiểm tra vững vàng bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh làm rõ đúng sai thì còn một bộ phận nhỏ cán bộ kiểm tra có tâm lý nể nang, ngại va chạm, nhất là trước các vụ việc liên quan đến cấp ủy viên, đảng viên có chức vụ... Những điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của UBKT cấp ủy cấp huyện.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác KT, GS của UBKT cấp ủy cấp huyện ở tỉnh Quảng Bình hiện nay, cần có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy, UBKT cấp ủy cấp trên, quyết tâm phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của từng cán bộ KT, GS và có cơ chế, chế độ chính sách hợp lý đối với cán bộ làm công tác KT, GS.

Thứ nhất, cấp ủy, UBKT cấp ủy cấp huyện cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra bảo đảm chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để có đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh, đòi hỏi cán bộ làm công tác KT, GS phải có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có kiến thức tổng hợp về mọi mặt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, nắm vững pháp luật, quản lý kinh tế, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng và phải có bản lĩnh nghề nghiệp.

Cấp ủy, UBKT cấp ủy cấp huyện cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, văn hóa, pháp luật cho đội ngũ cán bộ KT, GS bằng nhiều hình thức phù hợp. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về tình hình thế giới và trong nước cho đội ngũ cán bộ làm công tác KT, GS để đội ngũ này nắm bắt được kịp thời diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, trong Đảng và ngoài xã hội tác động đến sự lãnh đạo của Đảng nói chung và hoạt động công tác KT, GS nói riêng. Cán bộ KT, GS phải được bồi dưỡng cơ bản, có hệ thống về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; bởi đây là loại kiến thức trang bị thế giới quan và phương pháp luận cho cán bộ nói chung, cán bộ KT, GS nói riêng. Cần coi trọng cả hai phương thức đào tạo tập trung và tại chức. Những cán bộ trẻ trong diện quy hoạch phải cử đi đào tạo tập trung tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh về chuyên ngành KT, GS. Cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách UBKT tuổi cao nên cử đi đào tạo tại chức. Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra qua công việc, qua thực tiễn công tác tại địa phương. Đối với những cán bộ được cử đi đào tạo tập trung thì định kỳ nắm thông tin về việc tu dưỡng, rèn luyện, học tập của họ qua các kênh thông tin cần thiết.

Cấp ủy, UBKT cấp ủy cấp huyện quản lý chặt chẽ và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc cán bộ KT thực hiện đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Kết thúc mỗi cuộc KT, GS cần rút kinh nghiệm, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu của từng người để động viên và có biện pháp giúp đỡ cán bộ vươn lên, tỏ rõ bản lĩnh của mình. Hằng năm, khi phân tích kết quả thực hiện nhiệm vụ, có nhận xét, đánh giá về phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ công tác, đạo đức lối sống, bản lĩnh của từng cán bộ KT, GS qua đó có biện pháp trau dồi, rèn luyện phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác của mỗi người.

Thứ hai, cùng với quá trình đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ KT, GS thì người làm công tác KT, GS phải luôn luôn tự học tập, phấn đấu, đúc rút kinh nghiệm để có trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với công tác KT, GS.

Trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, ngoài phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng thì người cán bộ làm công tác KT, GS cần có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, liêm khiết, công minh, chính trực và có dũng khí đấu tranh kiên quyết với những việc làm sai trái; nhất là trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và quan liêu, nhưng cần giàu lòng nhân ái. Vì vậy, “đức và tài”, “hồng và chuyên” luôn phải được coi trọng, bổ sung cho nhau, không được xem nhẹ mặt nào. Ngoài ra, người cán bộ kiểm tra phải tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, bản lĩnh, tính chiến đấu, đạo đức, lối sống, cách ứng xử, tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được phân công. Nội dung, kiến thức mà những cán bộ làm công tác KT, GS phải tiếp thu rất phong phú, toàn diện, bao gồm kiến thức lý luận, công tác đảng, công tác tổ chức, quản lý nhà nước, pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn... V.I.Lênin chỉ rõ: họ cũng có nhiệm vụ phải học lý luận, nghĩa là lý luận về tổ chức công tác mà họ có ý định chuyên làm; họ cũng sẽ phải thực tập dưới sự lãnh đạo hoặc của những đồng chí có kinh nghiệm, hoặc của những giáo sư các viện nghiên cứu cao cấp về tổ chức lao động. Người cán bộ KT, GS không chỉ được đào tạo trên sách vở “hoạt động thuần túy học viện”, mà họ còn phải “... chuẩn bị đi săn, tôi không nói là săn bọn ăn cắp, mà là săn một hạng người cũng đại loại như thế...”. Điều này đòi hỏi cán bộ làm công tác KT, GS phải xây dựng, rèn luyện tác phong công tác, lề lối làm việc khoa học, dân chủ, nắm tình hình để tiên lượng, đề xuất, kiến nghị với UBKT cấp ủy những khó khăn, vướng mắc, những khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra vi phạm.

Công tác KT, GS đòi hỏi người cán bộ phải nắm vững nguyên tắc, phương pháp, quy trình và các bước tiến hành KT, GS. Một khi cán bộ KT, GS càng thành thạo, nắm vững nghiệp vụ thì họ luôn ở thế và lại càng chủ động, tự tin và tiến hành hoạt động KT, GS có hiệu quả. Khi xem xét vụ việc, cán bộ KT, GS phải căn cứ thực tế tình hình và điều kiện của tổ chức đảng và đảng viên được KT, GS với thái độ khách quan, vô tư, không vì sức ép nào đó mà có thái độ thiên lệch, không đúng bản chất sự việc. Công tác KT, GS là công tác đảng, do đó khi tiến hành KT, GS phải giữ đúng tính chất công tác đảng, phải thông qua sinh hoạt đảng và lấy tự phê bình và phê bình làm biện pháp chính yếu. Được "định vị" bởi nguyên tắc và tính chất đó nên cán bộ kiểm tra cần tích hợp, rèn luyện và chuẩn xác trong các tác nghiệp khi tiến hành KT, GS. Chẳng hạn như biết tác động khêu gợi để đối tượng tự giác, đi thẳng vào vấn đề, lập luận sắc bén với những chứng cứ vững chắc để đối tượng thừa nhận khuyết điểm; bình tĩnh, tự tin, không quy chụp, không nóng nảy dễ đi tới đuối lý, bị động. Mỗi cán bộ kiểm tra cần tạo cho mình tác phong thẳng thắn, trung thực, bao dung, tôn trọng lẽ phải; linh hoạt, sáng tạo theo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và có quan điểm lịch sử cụ thể. Trên cơ sở chất lượng đội ngũ cán bộ KT, GS của từng đảng bộ huyện, thành phố, UBKT cấp ủy cấp huyện cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giúp cán bộ làm công tác này nắm vững kiến thức, nghiệp vụ. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, UBKT cấp huyện, đội ngũ cán bộ kiểm tra trong mỗi đảng bộ cần thấu suốt chỉ dẫn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về làm việc với UBKT Trung ương (ngày 16-9-2011): Tôi cũng chưa hình dung được Đảng ta sẽ như thế nào nếu không có hoạt động KT của các cấp ủy đảng và UBKT các cấp... mỗi cán bộ làm công tác KT phải có dũng khí đấu tranh, thật sự công tâm, khách quan, chính trực, và hơn ai hết, phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được người khác, không kỷ luật được người khác.

Thứ ba, cần có chính sách thu hút những người có đức và có thực tài về lĩnh vực KT, GS vào làm công tác KT, GS.

Nhận rõ tính bức bách về xây dựng đội ngũ cán bộ KT trước yêu cầu mới, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X chủ trương: Thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác KT; chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ KT từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ KT các cấp. Có chính sách thỏa đáng về nhà ở, chế độ đãi ngộ, phụ cấp nghề... để thu hút những cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực, tâm huyết, bản lĩnh về làm công tác KT.

Cán bộ làm công tác KT, GS cũng như cán bộ làm ở ngành nghề khác đều chịu sự chi phối, tác động của quy luật lợi ích. Xuất phát từ tính chất đặc biệt của ngành, V.I.Lênin đã chỉ rõ: Họ sẽ phải có năng lực công tác cao, phải được thanh tra một cách cẩn thận, phải là người đặc biệt tin cẩn, và sẽ được hưởng lương cao giúp cho họ thoát khỏi hoàn cảnh thật sự là khốn khổ (nếu không phải là hơn thế) như hoàn cảnh hiện thời của những viên chức trong Bộ dân ủy thanh tra công nông.

Đổi mới chính sách đãi ngộ thích hợp là một trong những yếu tố cơ bản quyết định đến chất lượng và hiệu quả của đội ngũ cán bộ làm công tác KT, GS. Bởi lẽ, phần lớn cán bộ làm công tác đảng nói chung và công tác KT, GS nói riêng có mức thu nhập tương đối thấp so với các ngành khác. Do đó, cấp ủy cần có phương hướng và kế hoạch nâng cao cuộc sống cả vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ KT, GS để họ có điều kiện nhất định nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và toàn tâm toàn lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ KT, GS, cấp ủy, UBKT cấp ủy cấp huyện cần sử dụng tốt đội ngũ này đúng người, đúng việc, đúng sở trường từng cán bộ, nhất là khi tác nghiệp nhiệm vụ KT, GS đối với từng lĩnh vực cụ thể, biết phát huy trí tuệ của cả tập thể và đối xử với họ một cách thật sự dân chủ để hình thành và phát triển văn hóa kiểm tra của Đảng. Trước hết là văn hóa trong cơ quan kiểm tra nhằm tạo ra môi trường, bầu không khí thân thiện, đồng thuận và các điều kiện tốt nhất cho cán bộ làm công tác KT, GS hoạt động có hiệu quả.

Cấp ủy, UBKT cấp ủy cấp huyện cần quan tâm đến củng cố tổ chức, kiện toàn bộ máy làm công tác KT, GS; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ KT, GS là rất cần thiết và quan trọng. Mỗi một cán bộ làm công tác KT, GS phải tránh xa sự đố kỵ, ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân; cố gắng phấn đấu không ngừng để nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất