Thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức xã, phường, thị trấn ở Hưng Yên
Các sinh viên tốt nghiệp đại học về làm việc tại xã Tân Dân, huyện Khoái Châu.


Từ ban hành đến thực hiện hiệu quả Đề án

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khoá XVI (nhiệm kỳ 2005 - 2010), Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 27-4-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên ra Quyết định số 03/2009/QĐ - UBND ngày 11-3-2009 về việc ban hành Đề án “Thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức dự bị tại xã, phường, thị trấn”. Giai đoạn I của Đề án (2009 - 2010), nhờ sự phối hợp triển khai đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, tỉnh đã thu hút được 93 sinh viên tốt nghiệp đại học về cơ sở công tác. Đa số các sinh viên được tiếp nhận đều là người địa phương, dưới 30 tuổi, tốt nghiệp đại học chính quy, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chuyên môn của các chức danh được tuyển dụng, bước đầu đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.  

Trong giai đoạn II (2012 - 2015), toàn tỉnh thu hút thêm 378 sinh viên, nâng tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về cơ sở công tác lên 471. Từ những kết quả đạt được, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 1608/QĐ - UBND ngày 30-8-2012 về việc tiếp tục thực hiện giai đoạn II của Đề án với việc điều chỉnh mức trợ cấp. Kinh phí của tỉnh dành cho thực hiện giai đoạn 2 của Đề án gần 20 tỷ đồng.   

Tính đến tháng 5-2017, 289 sinh viên được thu hút về và được bổ nhiệm vào các chức danh công chức như văn phòng - thống kê, địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, tài chính - kế toán, văn hóa - xã hội, tư pháp - hộ tịch; 10 người được bố trí chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã; 89 người chưa được bổ nhiệm chức danh công chức. Một số địa phương trên địa bàn tỉnh tuyển dụng nhiều sinh viên là Ân Thi (75 người), Khoái Châu (56 người), Yên Mỹ (47 người), Phù Cừ (43 người)... 

Sau khi được tuyển dụng và phân công công tác, hầu hết các cử nhân, kỹ sư đã phát huy năng lực, trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, yên tâm công tác, nhiệt tình với công việc, có ý thức học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...  Có thể nói, Đề án đã thực sự đi vào cuộc sống, là một trong những giải pháp quan trọng để chuẩn hoá và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp uỷ, chính quyền cơ sở.  

Vẫn còn hạn chế và hướng khắc phục

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án như: Một số lãnh đạo xã chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc đổi mới, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã thông qua thu hút, sử dụng sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp đại học chính quy. Còn có tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích cá nhân trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức. Một số người có tâm lý không muốn bị lớp trẻ “vượt mặt” do cán bộ trẻ có trình độ, hoặc muốn giữ chỗ cho con, cháu mình. Sau tuyển dụng, việc bố trí sử dụng còn hạn chế, còn tình trạng bố trí công việc không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo, khiến người được tuyển dụng chưa yên tâm công tác....  

Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên, tổng số biên chế cán bộ, công chức khối xã, phường, thị trấn của tỉnh hiện có 3.344 người, trong đó, 1.605 cán bộ và 1.739 công chức. Về trình độ chuyên môn, khoảng 40% số cán bộ cấp xã có trình độ từ cao đẳng trở lên. Tỷ lệ này trong công chức cấp xã là trên 50%. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 10% số cán bộ cấp xã và hơn 2% số công chức cấp xã chưa qua đào tạo… Qua khảo sát, thống kê, trong 4 năm tới (2018-2021), tỉnh Hưng Yên sẽ có hơn 600 cán bộ, công chức cấp xã sẽ nghỉ hưu, gồm 402 cán bộ và 224 công chức. Vì thế, Hưng Yên cần có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kế cận có đủ năng lực, trình độ để tiếp nhận công việc của lớp cán bộ nghỉ hưu này.  

Ngày 08-12-2017, HĐND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 131/2017/NQ-HĐND về việc thực hiện chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức tại xã, phường, thị trấn, giai đoạn 2018 – 2021. Các chức danh công chức được tuyển dụng gồm văn phòng - thống kê; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã). Giai đoạn này có một số điểm mới trong hình thức tuyển dụng, sử dụng, quản lý như tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển, đúng quy định hiện hành của pháp luật, quy định của tỉnh và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; sáu tháng một lần, UBND cấp xã thực hiện rà soát, thống kê các chức danh công chức còn thiếu của đơn vị mình, báo cáo UBND cấp huyện để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tuyển dụng.   

Về chế độ, chính sách, sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học chính quy có nguyện vọng về cấp xã công tác, khi trúng tuyển công chức cấp xã, ngoài chế độ tiền lương được hưởng theo quy định hiện hành đối với công chức tập sự, còn được hưởng các quyền lợi sau: Trợ cấp 15% cho đủ 100% lương bậc 1, hệ số 2,34, ngạch chuyên viên (trong thời gian tập sự 12 tháng). Trợ cấp thu hút một lần 5.000.000 đồng/người (năm triệu đồng). Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành. Hết thời gian tập sự, công chức được hưởng lương và chế độ khác theo quy định hiện hành của pháp luật. Được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp tỉnh khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.  

Thời gian tới, Hưng Yên chủ trương động viên cán bộ chủ chốt cấp xã về hưu trước tuổi đối với trường hợp còn dưới 3 năm công tác để có điều kiện tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức cấp xã. Đây là một trong nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xã, phường, thị trấn trong giai đoạn hiện nay.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất