Trong điều kiện phát triển của in-tơ-nét và mạng xã hội, nhiều thông tin tác động, chi phối, ảnh hưởng đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm, hành vi của cán bộ, chiến sỹ. Nếu không có biện pháp quản lý, giáo dục, định hướng phù hợp, kịp thời; nếu cán bộ, chiến sỹ không có được bản lĩnh chính trị vững vàng thì rất dễ xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Để kịp thời nhận diện, đấu tranh, phòng ngừa các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thời gian qua, BTV Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sỹ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với một số mô hình sau.
Hoạt động của Lực lượng 47
Lực lượng 47 được thành lập theo Chỉ thị số 47/CT-CT ngày 8-1-2016 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách của Quân đội trong đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Lực lượng này được tổ chức từ cấp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đến các đơn vị cơ sở, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo 35 Bộ đội Biên phòng tỉnh và cấp ủy các đơn vị trực thuộc.
Nhiệm vụ của Lực lượng là thông qua các chuyên mục, website, blog, facebook đăng tải các tin bài, bình luận ủng hộ những quan điểm đúng đắn, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trên các phương tiện truyền thông, trên in-tơ-nét. Sử dụng các tài khoản cá nhân để “kết bạn” và chia sẻ, lan tỏa các tin bài, hình ảnh có nội dung tốt. Thường xuyên “bám mạng” để nắm tình hình dư luận xã hội, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân, kịp thời tham mưu và đấu tranh với các tư tưởng lệch lạc, dư luận sai trái; gỡ bỏ, triệt phá các tài khoản phản động, tiêu cực.
Hoạt động của Lực lượng 47 những năm qua đã góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cho cán bộ, chiến sỹ trước những âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp, cán bộ công tác tại những bộ phận trọng yếu, cơ mật, không để các thế lực thù địch lôi kéo cán bộ, chiến sỹ ta…
Lực lượng còn chủ động nghiên cứu, dự báo tình hình về âm mưu, phương thức hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy các cấp các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, đồng thời định hướng công tác tuyên truyền, ổn định tình hình đơn vị, địa bàn đóng quân.
Hoạt động của Tổ Bảo vệ nội bộ
Được thành lập ở cấp chi, đảng bộ cơ sở, hoạt động dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo của đồng chí bí thư cấp ủy, hằng tháng tổ chức sinh hoạt, giao ban theo quy định, khi có vụ việc đột xuất xảy ra, có trách nhiệm phản ánh, báo cáo kịp thời, đồng thời phải được đăng ký, cập nhật trong Sổ ghi chép của các thành viên (gọi là chiến sỹ bảo vệ).
Nhiệm vụ của các chiến sỹ bảo vệ là bám sát hoạt động của các tổ, bộ phận công tác, nắm chắc mọi tình hình liên quan đến nội bộ, việc thực hiện các chế độ, chính sách, các quy định về giữ gìn bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, bảo đảm an ninh, an toàn trong cơ quan, đơn vị, kịp thời phát hiện những sơ hở, sai sót, đề xuất các biện pháp xử lý, khắc phục với cấp ủy và bí thư cấp ủy.
Sinh hoạt của Tổ 3 người
Tổ 3 người là nhóm hoạt động, công tác, sinh hoạt tư tưởng, tình cảm có tính quần chúng rộng rãi nhằm giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, công tác, sinh hoạt hằng ngày; tự quản về chính trị, tư tưởng, tương trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ công tác, học tập và đời sống. Hình thức sinh hoạt: Trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ, sau khi ăn cơm, trước khi sinh hoạt đơn vị…, thời gian 10-15 phút của mỗi người. Sau khi sinh hoạt, Tổ trưởng tổng hợp nội dung, báo cáo chỉ huy đơn vị nắm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc tâm tư, nguyện vọng của các thành viên trong tổ.
Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo thành lập 283 tổ tại Cơ quan Bộ Chỉ huy, các đồn Biên phòng và các tiểu đoàn huấn luyện - cơ động, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị.
Những năm qua, hoạt động của Tổ 3 người đã đem lại nhiều kết quả tích cực, trở thành mắt xích quan trọng giúp cho cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư tưởng, tình cảm, hoàn cảnh của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, nhất là những biểu hiện thiếu lành mạnh, tiêu cực, những tư tưởng, nhận thức lệch lạc, sai trái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, phòng ngừa.
Đối thoại dân chủ giữa cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đến các cơ quan, đơn vị cơ sở và cán bộ, đảng viên, chiến sỹ
Đây là cách làm nhằm cụ thể hóa các nội dung, hình thức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nòng cốt là Hội đồng quân nhân, một tổ chức đại diện cho mọi quân nhân trong đơn vị, giám sát thực hiện dân chủ trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế và đời sống. Thực hiện cơ chế này, hằng tháng, cấp ủy, chỉ huy các phòng chức năng, cơ quan Bộ Chỉ huy, các đồn Biên phòng và tiểu đoàn huấn luyện - cơ động tổ chức đối thoại với cán bộ, chiến sỹ, đảng viên. Hằng qúy, BTV Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh phân công các đồng chí trong BTV, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phụ trách các chuyên ngành, các cơ quan, đơn vị và địa bàn, trực tiếp dự sinh hoạt, đối thoại dân chủ với cán bộ, chiến sỹ, đảng viên.
Trong năm 2021, cấp ủy, BTV Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức 52 cuộc đối thoại dân chủ với cán bộ, đảng viên, chiến sỹ tại các cơ quan, đơn vị cơ sở. Đối thoại đã tạo ra bầu không khí tươi vui, phấn khởi, thân thiện, gần gũi, tin tưởng, đoàn kết giữa chỉ huy các cấp với cán bộ, chiến sỹ; giúp cấp ủy, chỉ huy nắm được tâm tư, tình cảm cũng như những kiến nghị, đề xuất để kịp thời xử lý, uốn nắn, chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện nhận thức lệch lạc, tư tưởng chưa đồng thuận, hành vi tiêu cực, sai trái, góp phần đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Mô hình cơ quan, đơn vị “5 an toàn”, mẫu hình quân nhân “5 nhanh, 5 chắc”.
Cơ quan, đơn vị “5 an toàn” gồm: An toàn về chính trị nội bộ; an toàn trong tham gia giao thông, an toàn lao động; an toàn trong quản lý vũ khí, phòng, chống cháy nổ; an toàn trong huấn luyện, diễn tập; vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe bộ đội. Trong đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đặc biệt coi trọng an toàn về chính trị nội bộ. Cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, đảng viên, chiến sỹ phải luôn luôn quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chấp hành nghiêm các nguyên tắc, quy định trong công tác, luôn đề cao tinh thần tự quản, tự rèn mọi lúc, mọi nơi; chấp hành các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự. Tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ luật, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Quân nhân “5 nhanh” gồm: Tư duy nhanh; diễn đạt nhanh; tác phong sinh hoạt nhanh; tác phong làm việc nhanh; hoàn thành nhiệm vụ nhanh. Quân nhân “5 chắc” gồm: Lập trường tư tưởng vững chắc; nói năng chắc chắn; hành động chắc chắn; đoàn kết nội bộ vững chắc; xây dựng gia đình vững chắc. Trong “5 chắc”, lập trường tư tưởng vững chắc đặc biệt được coi trọng. Mọi cán bộ, chiến sỹ, đảng viên luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, không hoang mang, dao động trước mọi khó khăn, thử thách cũng như trước mọi diễn biến của tình hình; yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, với lực lượng, có chính kiến, thái độ rõ ràng, nghiêm túc với bản thân, không nghiêng ngả, không a dua, nghe theo những lời xúi giục, gièm pha của người khác trong công việc và trong đời tư.
Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã làm tốt việc đổi mới nội dung giáo dục chính trị, bám sát cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, gian khổ; cung cấp, truyền đạt những thông tin theo nguồn tin chính thống, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp của đất nước, quân đội, địa phương, nâng cao khả năng “tự bảo vệ” của cán bộ, đảng viên trước tác động tiêu cực từ bên ngoài, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.
Mô hình Tổ thông tin tuyên truyền
Từ yêu cầu nhiệm vụ công tác thông tin truyền thông và thông tin đối ngoại ở khu vực biên giới, từ năm 2019, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn quyết định thành lập 21 Tổ Thông tin truyền thông của các đồn Biên phòng và các xã, thị trấn biên giới, mỗi tổ có từ 5 đến 9 thành viên, do đồng chí chính trị viên đồn Biên phòng làm tổ trưởng, đồng chí phó chủ tịch UBND xã, thị trấn biên giới, phụ trách tư pháp làm tổ phó; thành viên là cán bộ, nhân viên Đội Vận động quần chúng Biên phòng, công chức văn hóa, tư pháp, tuyên truyền viên pháp luật của xã. Đây là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, hằng tháng chịu trách nhiệm biên tập các bản tin, như:
1) Bản tin về chính sách mới: Các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, các chương trình, mục tiêu, kế hoạch về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
2) Bản tin về an ninh trật tự: Tập hợp, phản ánh về tình hình và hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, các hành vi vi phạm pháp luật, mất an toàn giao thông, các vụ việc gây mất an ninh trật tự trên địa bàn; trách nhiệm của người dân trong phối hợp, giúp đỡ các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết.
3) Bản tin về kinh tế, văn hóa, xã hội: Tập hợp, phản ánh kết quả thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; kết quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở như nhà văn hóa, thư viện, tủ sách, ngăn sách pháp luật; khuyến khích, động viên người dân đến nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao văn hóa đọc; nêu gương “người tốt”, “việc tốt” trong các lĩnh vực, các mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
4) Bản tin về an ninh biên giới: Tập hợp, phản ánh về kết quả quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, phát quang đường tuần tra, đường thông tầm nhìn biên giới; kết quả tuần tra biên giới của lực lượng Bộ đội Biên phòng, lực lượng Dân quân, Công an, đoàn thanh niên và sự tham gia của nhân dân; nêu gương, biểu dương kết quả, thành tích của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Các bản tin được Tổ Thông tin tuyên truyền phổ biến trực tiếp trong các cuộc họp tập trung của các xã, thị trấn biên giới hoặc phát trên hệ thống loa truyền thanh của các thôn, bản, khu dân cư, khu vực cửa khẩu, thời lượng 25-30 phút và in thành tờ rơi để phát đến người dân.
Thực tiễn cho thấy, việc thành lập Tổ Thông tin tuyên truyền của các đồn Biên phòng và các xã, thị trấn biên giới là một cách làm sáng tạo, mô hình hay, hiệu quả, phù hợp với thực tế hiện nay ở khu vực biên giới. Nó góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình đời sống xã hội, cập nhật thông tin, định hướng dư luận, nâng cao ý thức, trách nhiệm và tinh thần cảnh giác cho người dân, góp phần đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả trước những luận điệu tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch; phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó, nó còn tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức, sự đồng thuận, nhất trí cao trong cộng đồng dân cư, tạo lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống dân nhân, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện trong tình hình mới.
Minh Anh