Xây dựng Đảng vững mạnh từ cơ sở (tiếp theo và hết)

Kỳ 3: Gốc có vững, cây mới bền

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, dù vệ quốc hay dựng xây đất nước trong thời kỳ mới, cán bộ, đảng viên là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Uy tín, sức mạnh của Đảng thể hiện rõ ở số lượng, chất lượng đội ngũ đảng viên và các tổ chức đảng. Vì vậy, Đảng luôn xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu. Đây là 1 trong 3 bước đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, bởi “gốc có vững, cây mới bền” như lời Bác dặn.

Sức mạnh nội sinh từ đội ngũ cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ

Nếu TCCSĐ là hạt nhân chính trị ở cơ sở thì cấp ủy là linh hồn của hạt nhân chính trị đó. Thực tế quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua cho thấy, đảng bộ nào có cấp ủy, người đứng đầu chỉ đạo quyết liệt, làm tốt vai trò, trách nhiệm thì chủ trương của Đảng sớm đi vào cuộc sống; còn nếu làm cầm chừng, nghe ngóng, “giữ mình lấy phiếu”, hoặc làm cho qua chuyện để “giữ ghế” thì chủ trương đó mãi chỉ nằm trên giấy, ở trong tủ. Không ai khác, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy phải thật sự là những người nêu gương đi đầu, quyết liệt với công việc, đó sẽ là động lực, thôi thúc cán bộ, đảng viên, nhân dân làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình, khi đó không khó khăn, trở ngại nào ngăn cản địa phương, cơ quan, đơn vị ấy phát triển.

Đội ngũ cấp uỷ không chỉ có bản lĩnh chính trị, am hiểu công tác đảng mà còn phải có trình độ chuyên môn về lĩnh vực hoạt động của đơn vị, địa phương; có năng lực tổ chức, quy tụ đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; dám nghĩ, dám làm và dám hành động vì lợi ích chung. Để đổi mới, mở rộng dân chủ trong công tác bầu cử, nhằm bầu được đội ngũ cấp uỷ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Quảng Ninh đã mạnh dạn triển khai thực hiện chủ trương thí điểm trực tiếp bầu BTV, bí thư, phó bí thư cấp ủy tại đại hội đảng bộ cơ sở; bầu bí thư tại đại hội cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh bước đầu đạt kết quả tốt, được sự đồng tình, ủng hộ của đại biểu dự đại hội và quần chúng nhân dân. Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 có 355/450 (đạt 79%) đảng bộ cơ sở thực hiện chủ trương trực tiếp bầu BTV, bí thư, phó bí thư; có 17/20 (đạt 85%) đảng bộ cấp huyện thực hiện trực tiếp bầu bí thư cấp ủy tại đại hội; nhiệm kỳ 2020-2025 có 408/408 (đạt 100%) đảng bộ cơ sở tiến hành đại hội bầu trực tiếp bí thư; 19/20 đại hội đảng bộ cấp huyện tiến hành bầu cử trực tiếp bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 tại đại hội (trừ các đảng bộ quân sự địa phương); 100% bí thư cấp ủy bầu trực tiếp tại đại hội và đều có số phiếu bầu đạt tỷ lệ cao, nhiều đồng chí bí thư cấp ủy đạt 100% phiếu bầu.

BTV Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Quy định số 28-QĐ/TU ngày 25-4-2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên BTV Tỉnh ủy, ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý. Từ năm 2017, BTV Tỉnh ủy Quảng Trị đã tổ chức ký cam kết trách nhiệm của BTV và đồng chí bí thư các huyện, thị, thành uỷ, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh với BTV Tỉnh ủy về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Xác định là cách làm mới, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo không cam kết các nội dung chung chung mà định hướng “giao việc, đặt hàng” 3 - 4 đầu việc cụ thể, cấp bách nổi lên cần tập trung giải quyết gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Cách làm này tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn tỉnh và đạt kết quả rõ nét, trước hết là sự chuyển động thực sự về kỷ cương, kỷ luật, về tính chịu trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Việc xác định rõ ràng, cụ thể các nội dung cam kết với BTV Tỉnh ủy không chỉ là “chìa khóa” để các địa phương, đơn vị chọn việc, chọn điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, mà còn đánh giá đúng năng lực của cán bộ thông qua việc thực thi nhiệm vụ chính trị.

Tỉnh uỷ Tiền Giang chỉ đạo mở rộng việc lấy ý kiến giới thiệu nhân sự cấp uỷ đến đảng viên đối với những cán bộ dự kiến đề cử vào cấp uỷ có dư luận không tốt, nhằm giúp cấp uỷ đương nhiệm có nhiều thông tin để phân tích, đánh giá sát, đúng về cán bộ trước khi biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia cấp uỷ khoá mới. Ở những nơi này, BTV cấp uỷ tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến cán bộ, đảng viên, đưa ra công khai trong chi bộ, đảng bộ trước khi đại hội.

Việc đánh giá cán bộ thông qua sản phẩm công việc hay phân công nhiệm vụ cụ thể, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm được nhiều tỉnh, thành phố thực hiện. Tỉnh uỷ Hậu Giang chủ động xây dựng chương trình hành động của cấp ủy và kế hoạch hành động của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, BTV Tỉnh uỷ đã phân công cụ thể từng đồng chí: bí thư, thường trực tỉnh uỷ, trưởng ban tuyên giáo, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra, trưởng ban dân vận... chịu trách nhiệm từng công việc, nhất là những công việc có tính chất đột phá, những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm để tập trung giải quyết, xác định thời gian giải quyết dứt điểm. Từ đó đã giúp cho công tác triển khai các nghị quyết của tỉnh hoàn thành đúng thời gian, đạt chất lượng theo kế hoạch, vai trò của cấp uỷ được thể hiện cụ thể bằng hiệu quả việc thực thi công việc, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc đánh giá cán bộ như trước đây.

Tỉnh uỷ Trà Vinh ban hành công văn chỉ đạo rà soát, điều động, bố trí cán bộ có quan hệ họ hàng, bảo đảm nhân sự cấp uỷ cấp xã, phường, thị trấn khoá mới không có quan hệ người thân, gia đình là: vợ, chồng; bố, mẹ của vợ hoặc chồng; con; anh, chị, em ruột (bên vợ, bên chồng) cùng tham gia ứng cử cấp uỷ. Qua rà soát nhân sự đại hội ở các xã, phường, thị trấn, có 164 cán bộ có mối quan hệ người thân, gia đình là nhân sự ứng cử cấp uỷ. Quá trình thực hiện quy trình nhân sự, các cấp uỷ đã vận động 20 đồng chí không tham gia ứng cử; giới thiệu tái cử 44 đồng chí để sau đại hội điều động, sắp xếp lại; quyết định điều động sang đảng bộ khác 41 đồng chí, trong đó: không tiếp tục ứng cử ở đơn vị mới là 3 đồng chí, tiếp tục ứng cử ở đơn vị mới là 38 đồng chí, trúng cử 27 đồng chí, không trúng cử 11 đồng chí.

Đánh giá đúng cán bộ, chọn cho đúng người tài thực sự, có tâm, có đức, có uy tín và bố trí cho đúng việc, Thành công của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là trong công tác chuẩn bị nhân sự với tỷ lệ phiếu bầu cao là minh chứng cho thấy quá trình xây dựng đội ngũ cấp uỷ đã thực sự có những chuyển biến hiệu quả, tích cực.

Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm!

Khởi phát từ năm 2019 ở huyện Mù Cang Chải, mô hình  "Ngày cuối tuần cùng dân” đã thành nền nếp ở mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh Yên Bái. Thay vì những ngày nghỉ cuối tuần bên gia đình, từ đồng chí lãnh đạo tỉnh đến từng bí thư chi bộ thôn, bản dành thời gian về với dân, cùng bà con trực tiếp cầm cuốc xẻng tham gia làm đường làng, ngõ xóm, khai hoang ruộng nương… Việc làm này đã trở thành nét đẹp về mối quan hệ thân thiết giữa Đảng với Nhân dân, nhất là vai trò của cấp uỷ các cấp.

Với mong muốn gần dân để hiểu dân, giúp dân, củng cố thêm lòng tin yêu của người dân đối với Đảng, tập thể BTV Huyện ủy Mù Cang Chải đã bàn bạc, thảo luận cho ra đời mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”. Theo đó, từ các đồng chí Uỷ viên BTV Huyện ủy cho đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể cấp huyện, cấp xã dành ít nhất 2 ngày cuối tuần trong tháng đến với xã, bản và từng hộ dân được phân công phụ trách, giúp đỡ để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở. Nội dung tập trung vào các nhiệm vụ như thông tin các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, xóa nhà dột nát, xây dựng các tổ tự quản ở cộng đồng dân cư; vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phòng chống tảo hôn và thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường sống; xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng bản, tổ dân phố, gia đình văn hóa; nâng cao cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, truyền đạo và sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật...

Sau 6 tháng triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò tiên phong của đảng viên, mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực ở huyện miền núi đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải. Năm 2019, huyện Mù Cang Chải thực hiện có hiệu quả 57/59 nhiệm vụ, 100% chỉ tiêu, nhiệm vụ chính về kinh tế - xã hội hoàn thành và vượt kế hoạch được giao, tỷ lệ giảm nghèo cao nhất từ trước tới nay đạt 11,04%; năm 2020, tỷ lệ giảm nghèo đạt 8,54%; năm 2021, hoàn thành 40/42 chỉ tiêu chủ yếu, tỷ lệ giảm nghèo toàn huyện đạt 8,28%.

Từ Mù Cang Chải, mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân" tạo sự lan tỏa đến 9/9 huyện, thị, thành phố của Yên Bái. Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch triển khai mô hình giai đoạn 2019-2020 và giai đoạn 2021-2025. Nhờ đó, từ cuối năm 2019 đến nay mô hình này đã được các cấp uỷ nghiêm túc xây dựng, ban hành kịp thời các chương trình, kế hoạch hành động bảo đảm sát sự chỉ đạo, định hướng của Tỉnh ủy. Hình ảnh các cán bộ, đảng viên cùng lao động, lội ruộng, xây dựng đường cùng bà con là những hình ảnh đẹp có sức lan toả, thôi thúc cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đây là minh chứng sinh động cho mối quan hệ gần gũi giữa Đảng và Nhân dân, Đảng là “cơ thể sống” luôn đồng hành, hoà vào cuộc sống quần chúng, nhân dân. Các hoạt động này đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thể hiện quyết tâm của cấp uỷ trong việc giải quyết những việc khó, việc mới. Qua đây kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Triển khai mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân" ở Yên Bái đã giúp đỡ nhân dân thực hiện kiên cố hóa hơn 85km, mở mới trên 18km đường giao thông nông thôn, xây dựng 765 công trình thoát nước các loại, hỗ trợ sửa chữa và xây mới 788 nhà cho các hộ gia đình nghèo và hộ gia đình có người có công... góp phần xây dựng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII) về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ", ngày 20-5-2020, Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Quy định số 30-NQ/TU về "Giao việc đột phá, đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý". Triển khai thực hiện, có 22 đồng chí thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý được giao 52 việc trong năm 2020 và giai đoạn 2020-2025. Tại thời điểm giao việc có 5 đồng chí là bí thư huyện ủy, thành ủy; 4 đồng chí là chủ tịch UBND huyện, 13 đồng chí là giám đốc sở, ngành. Những việc được giao đều do các cá nhân lựa chọn đăng ký từ thực tiễn địa bàn, tập trung vào những việc có tính đột phá, việc mới, việc khó, việc tồn tại, cấp bách,... Các đồng chí được giao việc đã xây dựng kế hoạch thực hiện.

Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2021-2025, BTV Tỉnh ủy chủ trương mở rộng đối tượng đến các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực các huyện ủy, thành ủy. Việc đăng ký giao việc đột phá, đổi mới không chỉ cho 1 năm mà giao việc cho cả nhiệm kỳ. Việc này đã mang lại những thay đổi tích cực trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; đồng thời qua đó tạo môi trường, điều kiện cho đội ngũ cán bộ khẳng định được bản lĩnh, phẩm chất và năng lực thực sự của mình trong công tác lãnh đạo, điều hành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị; phát huy được trí tuệ, tính chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Mỗi nơi một cách làm, song khi cấp ủy và người đứng đầu quyết tâm cao, nỗ lực lớn thì cơ bản những vấn đề dù khó mấy vẫn từng bước được tháo gỡ để thực hiện được mục tiêu cuối cùng là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, củng cố và xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Không cần những đảng viên hữu danh vô thực

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại câu nói của V.I.Lê-nin: “Thà ít mà tốt”, “những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần”.

Có thể thấy, chưa bao giờ Đảng có số lượng đảng viên đông, có trình độ cao như hiện nay; nhưng về phẩm chất, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ lại đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Những đảng viên như thế nếu ở trong Đảng chỉ làm suy yếu Đảng, xói mòn niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: Chúng ta có thể chiến thắng giặc ngoại xâm, nhưng có thể thất bại trước “giặc nội xâm”. Cuộc đấu tranh chống suy thoái ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp và muôn vàn khó khăn. Vì vậy, để chiến thắng, các cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải chỉ đạo chặt chẽ và tiến hành thường xuyên, liên tục với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với những giải pháp mạnh mẽ.

Nhiệm kỳ Đại hội XII và đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật. Trong 3.200 cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng ở nhiệm kỳ Đại hội XII, có không ít cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, giữ chức vụ cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý. Thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng kết nạp và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”, có 46.489 đảng viên thuộc diện phải rà soát, sàng lọc, chiếm 0,9% tổng số đảng viên toàn Đảng (năm 2019); trong đó đã đưa ra khỏi Đảng 30.060 đảng viên không còn đủ tư cách (chiếm 0,6% tổng số đảng viên trong toàn Đảng). Từ năm 2016 đến năm 2020, có 37.071 đảng viên bị xoá tên, mỗi năm khoảng 7.414 đảng viên, chiếm 0,15% tổng số đảng viên trong toàn Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc xử lý kỷ luật, đưa ra khỏi Đảng những cán bộ vi phạm không làm "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung hay làm "chậm" sự phát triển đất nước, mà ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, rà soát, sàng lọc đảng viên đã góp phần “chỉ mặt, điểm tên” bộ phận suy thoái để đưa ra khỏi hệ thống công quyền, giữ vững ổn định chính trị, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Mất cán bộ, đảng viên là điều không ai mong muốn, nhưng mất niềm tin của nhân dân là tổn hại nghiêm trọng đến sự tồn vong của Đảng, chế độ và tương lai đất nước. Bởi vậy, dù đau xót nhưng phải thấy đây là một thắng lợi, là kết quả quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thực tiễn hoạt động của Đảng cho thấy, nhân dân giảm sút niềm tin với Đảng không phải từ đường lối, chủ trương, chính sách lớn. Điều mà nhân dân bất bình, lo lắng là Đảng đang mất dần hình ảnh đẹp từ vi phạm của những cán bộ, đảng viên. Khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, tất cả đảng viên đều ý thức được mình là chiến sĩ tiên phong, được rèn luyện, tự giác cống hiến, phục vụ nhân dân. Vì thế, nêu gương, đi đầu, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ là lẽ đương nhiên, là nhiệm vụ thường ngày của mỗi đảng viên. Vậy nên khi đảng viên suy thoái, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước là đã tự mình từ bỏ mục tiêu, lý tưởng mình đã phấn đấu. Thứ họ thiếu lớn nhất để trở thành một cán bộ, đảng viên có tâm, có tầm, hết lòng vì nước, vì dân chính là lòng tự trọng. Khi họ đã tự mình từ bỏ mục tiêu, lý tưởng và lời thề khi vào Đảng trước những cám dỗ vật chất, họ sẽ tìm mọi cách để đạt được mưu đồ cá nhân, mất vai trò, trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Do vậy, cần khẳng định rằng, số lượng đảng viên dù quan trọng, nhưng chất lượng, tiêu chuẩn đảng viên quan trọng hơn, không chỉ góp phần quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, mà còn là danh dự, uy tín, niềm tin của  Nhân dân với Đảng. 

Bác Hồ đã dạy: Trước măt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức.  Do vậy, vấn đề đặt ra là Đảng phải thường xuyên quan tâm rèn giũa, giáo dục xây dựng đội ngũ. Bởi có một thực tế, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên chưa bao giờ là dễ dàng khi một số phần tử thoái hóa biến chất đã phủ cho mình lớp vỏ khó phát hiện, có thể qua một năm mấy lần sát hạch đánh giá định kỳ của cấp ủy, cơ quan, địa phương, thậm chí còn được đánh giá hoàn thành xuất sắc, là cán bộ tiêu biểu… Bởi, việc giám sát cán bộ, đảng viên về cơ bản chỉ thông qua quan sát bề ngoài, tìm hiểu thông qua giao tiếp với cán bộ chủ chốt, ở khu dân cư, trong khi đó cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thuộc phạm trù bên trong của mỗi cá nhân, không thể hiện ra bằng hành động và hoạt động cụ thể nên đây là vấn đề trừu tượng, rất khó giám sát. Chính điều này đã khiến nhiều cán bộ, đảng viên ngày càng trượt dài hơn và số đảng viên, tổ chức đảng vi phạm, phải thi hành kỷ luật, thậm chí là kỷ luật nặng vẫn còn nhiều.

Để thực hiện có hiệu quả việc kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các tập thể, cá nhân có biểu hiện suy thoái, Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh ban hành và tổ chức thực hiện Quy định số 1374-QĐ/TU về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm tiếp thu ý kiến của nhân dân, báo chí, MTTQ Việt Nam, HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phòng chống suy thoái, tham nhũng. Từ năm 2017 đến năm 2021, Tổ công tác 1374 thành lập 18 đoàn giám sát làm việc trực tiếp với 22 tổ chức đảng; xem xét, giải quyết 277/283 thông tin phản ánh (tỷ lệ 97,88). Qua nghiên cứu, rà soát các thông tin phản ánh, Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15 vụ việc tại một số địa phương, đơn vị. Qua đó, đã xử lý kỷ luật khiển trách 4 tổ chức đảng và kỷ luật 65 đảng viên. Xử lý về mặt chính quyền: 29 trường hợp và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 12 trường hợp. Thành uỷ cũng đã triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của BTV Thành ủy về phòng, chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng bộ thành phố và phản bác các quan điểm sai trái. Một số cấp ủy đã có những giải pháp hiệu quả để thực hiện Đề án số 02 như lấy ý kiến cán bộ, đảng viên nhận diện về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện khảo sát bằng phiếu điều tra xã hội học để đánh giá thuận lợi, khó khăn và kết quả thực hiện các biện pháp trong quá trình triển khai Đề án; chỉ đạo trong sinh hoạt chi bộ phải tự rà soát, tự xác định những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cá nhân, tập thể tại địa phương, cơ quan, đơn vị để có giải pháp khắc phục.

Với những vi phạm của cán bộ, đảng viên, rõ ràng không thể mãi đổ lỗi cho cơ chế, bởi tại sao cùng một thể chế có cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đến mức phải xử lý hình sự nhưng có những cán bộ, đảng viên lại có nhiều đóng góp cho đất nước, Tổ quốc, là niềm tự hào của Đảng, Nhân dân. Người Trung Quốc có câu: “lấy pháp trị gần, lấy đức trị xa”. Hiện nay pháp luật đã xử lý khá tốt những hành vi tham nhũng, tiêu cực nhưng về lâu dài, chống tham nhũng, tiêu cực không thể chỉ dựa vào hình phạt, và cần phải phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nền tảng cốt lõi ở đây là phải tạo dựng cho được một nền công vụ liêm chính với những cán bộ, đảng viên liêm chính. Và bao giờ cũng thế, yếu tố quyết định nhất vẫn nằm ở bản thân cán bộ, đảng viên. Đã là đảng viên, phải tự giác rèn luyện, tu dưỡng đức tính liêm chính, thường xuyên “tự soi, tự sửa” để hoàn thiện bản thân, hoàn thành nhiệm vụ đảng viên ngày một tốt hơn. Chỉ có vậy, khi cán bộ nắm giữ trong tay quyền lực, khi đứng trước những cám dỗ từ tiền tài danh vọng, họ mới đủ sức mạnh nội sinh để không muốn tham nhũng và sẽ không tham nhũng.

Để giúp đội ngũ đảng viên luôn giữ vững “tính đảng”, “liêm, chính” như lời Bác dạy, công tác giáo dục chính trị tư tưởng được cấp uỷ các địa phương chú trọng với nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả. Tỉnh uỷ Bắc Giang chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; biên tập, phát hành 90.000 cuốn sổ tay “Các quy định của Đảng về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên và những điều đảng viên không được làm” trang bị đến từng đảng viên trong Đảng bộ tỉnh để học tập, nghiên cứu, thực hiện. BTV Tỉnh ủy Quảng Nam đã chỉ đạo in hơn 150.000 cuốn sổ tay đảng viên cấp cho các đảng viên sinh hoạt ở thôn, tổ dân phố. Sổ tay đảng viên gồm nhiều nội dung, trong đó có trích dẫn các nội dung nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII). Tỉnh Phú Yên tiến hành in 48.000 quyển cẩm nang, nhận diện 82 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ các cấp cho đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh để liên hệ tự soi, tự sửa. BTV Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Đề án số 05-ĐA/TU ngày 5-7-2018 về đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng bộ tỉnh. Triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 7-8-2018 về xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa, giáo dục, là nơi rèn luyện con người về tri thức, lý tưởng, phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử dân tộc, địa phương cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2018-2020.

BTV Tỉnh uỷ Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 22-3-2017 về tổ chức diễn đàn “Vai trò chi bộ đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ để triển khai thực hiện có quy mô, chất lượng trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua đối thoại tại diễn đàn để mỗi cán bộ, đảng viên, cấp uỷ đảng nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, nhận thức đầy đủ hơn 27 biểu hiện suy thoái; thể hiện quan điểm, vai trò, trách nhiệm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần giúp đảng viên tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình.

BTV Tỉnh uỷ Ninh Bình đã chỉ đạo thống nhất tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ vào sáng thứ hai của tuần đầu tháng; sau nghi thức chào cờ, là kể câu chuyện về cuộc đời hoạt động của Bác, liên hệ thực tiễn để cán bộ, đảng viên học tập và làm theo; đồng thời khen thưởng cán bộ, đảng viên có thành tích xuất sắc trong tháng, hình thành Sổ vàng ghi “Gương sáng đảng viên” ở các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo biên tập cuốn sách “128 câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh” để làm tư liệu phục vụ nội dung sinh hoạt. Đến nay, sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đã thành nền nếp, sinh động, tạo sức lan toả, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ.

Tiêu chí TCCSĐ trong sạch có nhiều, nhưng nay tiêu chí quan trọng nhất là phải được dân tin, dân yêu. Nhân dân chỉ tin, chỉ yêu khi Đảng tập hợp trong hàng ngũ của mình những đảng viên tiên phong, gương mẫu, có bản lĩnh, ý chí hành động vì dân. Hoàn cảnh xã hội đã khác trước rất nhiều. Số người vào Đảng mỗi năm không ít, nhưng làm thế nào để tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên chỉ là hiện tượng cá biệt, tạm thời. Vì con người ta lúc nào cũng vậy, bên cuộc sống áo cơm thường ngày, còn tồn tại một đời sống tinh thần, lý tưởng, ước vọng. Lịch sử oai hùng của dân tộc đã chứng tỏ: Khát vọng sống cống hiến, khát vọng vươn tới cái đẹp tinh thần cao cả, thiêng liêng là của bất cứ ai! Trả lời cho câu hỏi, xây dựng Đảng vững mạnh nên bắt đầu từ đâu, chắc chắn câu trả lời là từ TCCSĐ, đảng viên. Đây chính là “gốc”, là cội nguồn sức mạnh của Đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất