Tỉnh Sóc Trăng thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở cuối hạ lưu sông Hậu; có diện tích tự nhiên 3.312 km2, với 72 km bờ biển; dân số hơn 1,3 triệu người, dân tộc thiểu số chiếm gần 36%, trong đó, dân tộc Khmer chiếm 30,71% (đông nhất cả nước với trên 400.000 người). Đảng bộ tỉnh, tính đến 31-12-2021, có 15 đảng bộ cấp trên cơ sở, 651 tổ chức cơ sở đảng (tăng 34 tổ chức cơ sở đảng so năm 2016), 37 đảng bộ bộ phận, 2.155 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở. Toàn tỉnh có 46.804 đảng viên (tăng 7.186 đảng viên so năm 2016); trong đó, có 15.491 đảng viên nữ (33,01%), 9.021 đảng viên là người dân tộc thiểu số (19,27%); 3.021 đảng viên có tôn giáo (6,45%).
|
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
|
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 11-11-2016, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Nghị quyết đã được các cấp uỷ triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Các cấp uỷ và tổ chức đảng luôn quan tâm đổi mới và thực hiện có hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII và XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo định rõ những nội dung đột phá, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.
Các cấp uỷ thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn, sắp xếp mô hình TCCSĐ. Giai đoạn 2016-2021, đã tập trung kiện toàn TCCSĐ, thành lập mới 66 TCCSĐ, giải thể 38 TCCSĐ; thành lập 5 TCCSĐ trong đơn vị kinh tế tư nhân. Sau sắp xếp lại, hoạt động của các chi bộ, đảng bộ cơ sở dần ổn định, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các cấp uỷ cơ sở quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở; trọng tâm là xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp uỷ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Cấp uỷ cấp huyện ban hành quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm các đồng chí uỷ viên ban thường vụ, cấp uỷ viên phụ trách các TCCSĐ; định kỳ hoặc đột xuất, đồng chí bí thư cấp uỷ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân; phân công cấp uỷ viên dự sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Qua đó, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong công tác xây dựng tổ chức đảng. Cấp uỷ cấp trên duy trì phân công cấp uỷ viên theo dõi, chỉ đạo, trực tiếp dự chỉ đạo các cuộc họp đảng uỷ, chi uỷ và dự sinh hoạt chi bộ. Công tác đánh giá, xếp loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên được quan tâm chỉ đạo, ngày càng đi vào nền nếp thông qua kết quả thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá cụ thể, thực chất hơn. Bình quân hằng năm có 95,18% TCCSĐ và 96,98% chi bộ được đánh giá, xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; 89,45% đảng viên được đánh giá, xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.
Các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Sau mỗi kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo ban thường vụ cấp uỷ huyện và tương đương mở lớp tập huấn ngắn hạn để bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác của cấp uỷ, bí thư chi bộ, nội dung, quy trình sinh hoạt chi uỷ, chi bộ… Qua đó, giúp cấp uỷ, bí thư chi bộ thực hiện khá tốt nội dung, quy trình sinh hoạt chi bộ; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đảng xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp uỷ.
Công tác quy hoạch cán bộ được chú trọng, thực hiện theo phương châm “mở” và “động”, kết hợp hài hoà 3 độ tuổi, có tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ, dân tộc cao hơn so với yêu cầu cơ cấu và bảo đảm theo quy định. Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử bảo đảm 5 bước đối với nguồn nhân sự tại chỗ. Cán bộ được bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử hầu hết đều phát huy được trình độ chuyên môn, năng lực công tác. Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, công khai, công tâm và dân chủ; thực hiện luân chuyển các đồng chí có trình độ, năng lực, phẩm chất để tạo điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường công tác. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành đã cử 3.201 cán bộ tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị, 357 cán bộ đi đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng quản lý nhà nước cho 4.055 cán bộ, công chức. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh có 18.968 người trình độ đại học (71,54%); 1.328 người trình độ thạc sĩ (5,01%, vượt 2,35% chỉ tiêu Nghị quyết); 31 người trình độ tiến sĩ (0,12%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết); cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt 98,41% và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 87,32% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết).
|
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao Quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cho Ban Thường vụ thị xã Vĩnh Châu (thị xã có đông đồng bào Khmer của tỉnh Sóc Trăng).
|
Công tác phát triển đảng viên được các cấp uỷ, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, đơn vị. Định kỳ hằng năm, các cấp uỷ đề ra chỉ tiêu kết nạp đảng viên; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng; quan tâm phát triển đảng viên là đội ngũ trí thức, người lao động trong các thành phần kinh tế, cán bộ khoa học - kỹ thuật, đoàn viên, hội viên ở khu dân cư, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Do đó, công tác kết nạp đảng viên mới có chuyển biến tích cực, nhất là công tác phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp uỷ đã kết nạp 10.146 đảng viên; trong đó, 4.798 đảng viên nữ (47,29%); 2.345 đảng viên là người dân tộc thiểu số (23,11%); 857 đảng viên là người có đạo (8,45%).
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống với hơn 362.000 người, chiếm gần 31% dân số, có 52/109 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào Khmer. Trong thời gian qua, thấy rõ vai trò quan trọng, nòng cốt của cán bộ, đảng viên dân tộc Khmer đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đề cập công tác xây dựng và phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số như: Nghị quyết về “phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030”; Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện đề án “Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo đến năm 2020”; Nghị quyết về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”…
Theo đó, công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trong vùng đông bào Khmer được quan tâm đúng mức. Nếu trước đây, nhiều ấp, khóm trên địa bàn của tỉnh ít có đảng viên là người Khmer, thì hiện nay công tác tạo nguồn phát triển đảng viên là người Khmer không chỉ đạt chỉ tiêu, mà còn nâng cao dần về chất lượng. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh đã kết nạp được 11.895 đảng viên, trong đó có 2.248 đảng viên dân tộc Khmer. Hằng năm, tỷ lệ tổ chức đảng và đảng viên trong vùng có đông đồng bào Khmer được xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 85%. Công tác quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ người Khmer có nhiều chuyển biến về nội dung và phương pháp, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người Khmer trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Toàn tỉnh có gần 5.000 cán bộ, công chức, viên chức dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ gần 19% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; có hơn 400 cán bộ, công chức, viên chức dân tộc Khmer giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp. Hiện nay, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy cơ sở trong vùng đồng bào Khmer đã đáp ứng yêu cầu; khả năng nắm tình hình, vận dụng chủ trương của cấp trên vào điều kiện thực tế ngày càng nâng lên. Theo đó, tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững, đồng bào Khmer tin tưởng vào chủ trương của Đảng, an tâm lao động, sản xuất nâng cao đời sống.
T.S