Đảng bộ TP. Lạng Sơn phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong nhận diện, đấu tranh, phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị triển khai các nội dung về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quán triệt Nghị quyết số 40-NQ/TU ngày 5-8-2021 của BTV Tỉnh ủy Lạng Sơn “Về xây dựng và phát triển TP. Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050”.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài. Nhận thức được mức độ nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và trong cán bộ, đảng viên, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy Lạng Sơn về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ TP. Lạng Sơn đã cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo, đề ra những giải pháp thiết thực, trong đó có nội dung đề cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng.

Ngay khi BCH Trung ương (khóa XIII) ban hành Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Thành ủy Lạng Sơn đã chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai học tập nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu xây dựng Kế hoạch số 83-KH/TU ngày 21-2-2022 thực hiện Kết luận số 21-KL/T, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị với lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể. Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu xây dựng Kế hoạch tổ chức nghiên cứu, quán triệt Kết luận số 21-KL/TW, chỉ đạo tổ chức triển khai đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị sâu rộng từ thành phố đến cơ sở với chủ đề “Tự soi, tự sửa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.

Định kỳ hằng năm, Thành ủy chỉ đạo duy trì thường xuyên việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với nhân dân để nắm tình hình và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, bức xúc. Thực hiện Quyết định số 320-QĐ/TU ngày 13-6-2016 của BTV Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, Thành ủy Lạng Sơn đã xây dựng Kế hoạch, tổ chức 6 hội nghị đối thoại; chỉ đạo đảng ủy các phường, xã xây dựng hế hoạch và tổ chức đối thoại theo đúng quy định; tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để kịp thời xử lý, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân. Thành ủy đã thực hiện nghiêm túc quy chế tiếp công dân: Bí thư Thành ủy trực tiếp tiếp công dân định kỳ vào ngày 16 hằng tháng, đối thoại với công dân khi cần thiết và theo định kỳ 1 lần/năm; Chủ tịch HĐND TP. Lạng Sơn trực tiếp tiếp công dân định kỳ vào ngày đầu tiên của tháng đầu quý; Chủ tịch UBND thành phố tiếp công dân định kỳ vào ngày 1 và 16 hằng tháng.

Đối với các lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, những vấn đề mà nhân dân, dư luận quan tâm hoặc báo chí phản ánh đều được các cấp ủy, chính quyền kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xử lý và định hướng thông tin, định hướng dư luận, góp phần ổn định tình hình, tư tưởng, tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong nội bộ và nhân dân. Định kỳ hằng năm, Thường trực Thành ủy tổ chức gặp gỡ các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, thành phố qua các thời kỳ để cung cấp thông tin và nghe những ý kiến đóng góp về việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng…

Để phát huy tốt vai trò của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thực hiện thông qua việc giới thiệu, lấy ý kiến góp ý nơi cư trú, nơi công tác đối với cán bộ, đảng viên hằng năm, lấy ý kiến nhận xét trong công tác cán bộ; lắng nghe ý kiến của cán bộ lãnh đạo, quản lý tiền nhiệm hoặc dư luận xã hội để có sự phân tích, xem xét thấu đáo. Nhờ vậy, khi triển khai các chương trình, chủ trương, dự án quan trọng của thành phố như việc thực hiện các đề án phát triển du lịch, kinh tế, các dự án giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị…, đều xin ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, thành phố nghỉ hưu trên địa bàn, của đội ngũ trí thức am hiểu sâu về quy hoạch - kiến trúc, quản lý xây dựng, quản lý đô thị, về văn hóa bản địa…

Công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, hoạt động quản lý, điều hành để nhân dân biết, giám sát; tổ chức cho nhân dân bàn bạc, thảo luận, góp ý hoặc tham vấn ý kiến của nhân dân, khuyến khích người dân phát hiện, phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tham gia góp ý về đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên… Cách làm này nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân bởi đã tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, ví dụ như việc nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn… Những trường hợp vi phạm do nhân dân phát hiện, phản ánh đều được các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xem xét, xử lý nghiêm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, vai trò kiểm tra, giám sát của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên cấp dưới được Thành ủy Lạng Sơn coi trọng. Người đứng đầu cần phải kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp dưới và kiểm tra, giám sát đối với cả chính bản thân họ.

Sau thành công của đại hội đảng bộ các cấp, một trong những công việc “then chốt của then chốt” là sắp xếp, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chủ động, trực tiếp kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc và cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay từ khi nhận nhiệm vụ, không được “khoán trắng” công tác kiểm tra, giám sát cho cơ quan thanh tra, ủy ban kiểm tra cấp ủy cùng cấp. Từ thực tiễn của Thành ủy Lạng Sơn cho thấy, nếu thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, nền nếp, cách làm này sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, khắc phục được hiện tượng “tham nhũng quyền lực”, “lợi ích nhóm”.

Định kỳ hằng năm hoặc khi có yêu cầu đột xuất, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải báo cáo kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình cũng như việc gương mẫu rèn luyện về tư cách, phẩm chất đạo đức của người đảng viên, trong đó có việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và việc tham gia trực tiếp vào công tác này. Hằng năm, Thành ủy Lạng Sơn đều tổ chức kiểm tra, giám sát chuyên đề từ 8 đến 10 TCCSĐ và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của các TCCSĐ đó trên tất cả các lĩnh vực. Công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, góp phần phát hiện, ngăn ngừa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, thiếu sót, sai phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.

Thời gian tới, để phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong việc nâng cao hiệu quả nhận diện, đấu tranh, phòng ngừa những biển hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên, Đảng bộ TP. Lạng Sơn sẽ thực hiện tốt một số giải pháp sau:

1. Cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lấy việc giữ vững bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, đất nước, Nhân dân là mục tiêu giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng để khi đối mặt với những khó khăn, thách thức, đứng trước những cám dỗ vật chất, tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường hay những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cán bộ, đảng viên vẫn kiên định, vững vàng, không hoang mang, dao động, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu.

2. Ttiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tổ chức có hiệu quả việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác quản lý cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái ngay từ khi mới manh nha; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.

3. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu và nghiêm túc “tự soi”, “tự sửa” để làm gương cho cấp dưới noi theo. Tăng cường chế độ trách nhiệm trong Đảng, quán triệt và thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; lấy kết quả hoạt động thực tiễn làm tiêu chí cơ bản để đánh giá phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên. Tiến hành tốt công tác kiểm tra, giám sát sẽ góp phần quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên mọi lúc, mọi nơi; phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng.

4. Tăng cường đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần loại trừ những yếu tố nguy cơ thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 35 thành phố và cơ sở; tập trung đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch bằng những luận cứ khoa học, có sức thuyết phục cao, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, đường lối lãnh đạo của Đảng và thành quả của chế độ XHCN; đồng thời nâng cao nhận thức chính trị, lập trường tư tưởng, tinh thần cảnh giác, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên đối với Đảng và tương lai của đất nước, dân tộc.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất