Xây dựng Đảng vững mạnh từ cơ sở

Kỳ 1: Khó… nhưng không thể không làm!

Đến ngày 31-12-2020, toàn Đảng có 51.988 TCCSĐ với hơn 5,2 triệu đảng viên. Cùng với quá trình phát triển đất nước, số lượng, mô hình TCCSĐ tiếp tục được sắp xếp, hoàn thiện, điều chỉnh về quy mô, hình thức tổ chức và phương thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu, góp phần vào việc lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, ở những địa bàn khó khăn, đặc thù như vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo… địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế - xã hội chưa phát triển, việc xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đảng viên đặt ra nhiều vấn đề. Khó… nhưng không thể không làm! Bởi việc kiện toàn, củng cố TCCSĐ ở những địa bàn này nhằm bảo đảm yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Ðảng, từ đó góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Toàn cảnh Hội nghị BCH Trung ương lần thứ năm (khoá XIII)

Toàn cảnh Hội nghị BCH Trung ương lần thứ năm (khoá XIII).

Xoá “trắng”, giảm “ghép”, tăng “độc lập”

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn quan tâm, chú trọng công tác xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt. Nghị quyết Đại hội X của Đảng (năm 2006) xác định: Phải dồn sức xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ. Tiếp đó ngày 2-2-2008, BCH Trung ương (khoá X) ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: TCCSĐ là nền tảng của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với dân, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Nghị quyết đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của TCCSĐ; củng cố, kiện toàn, sắp xếp TCCSĐ đồng bộ với hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Đến năm 2018, Bộ Chính trị chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ban hành Kết luận số 38-KL/TW ngày 13-11-2018 khẳng định những kết quả quan trọng đã đạt được; yêu cầu các cấp uỷ đảng cụ thể hoá, phân công cấp uỷ viên theo dõi, phụ trách cơ sở với phương chậm “Cấp uỷ cấp tỉnh nắm đến TCCSĐ; cấp uỷ cấp huyện nắm đến chi bộ; đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình”. Từ Nghị quyết Đại hội X đến Nghị quyết Đại hội XI, XII, Đảng luôn đặt ra yêu cầu phải quan tâm xây dựng, củng cố TCCSĐ, nâng cao năng lực, sức chiến dấu, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở, nâng cao chất lượng đảng viên, nhất là tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, tính tiên phong, gương mẫu. Và mới đây, tại Hội nghị Hội nghị Trung ương lần thứ năm (khoá XIII), BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16-6-2022 về tăng cường củng cố xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Như thế, có thể thấy nhiệm vụ củng cố, xây dựng TCCSĐ là nhiệm vụ thường xuyên, yêu cầu cần thiết được Đảng lãnh đạo chú trọng thực hiện qua mọi thời kỳ. Trong khi đó, theo khảo sát, trước nhiệm kỳ 2015-2020, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Ðiện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và một số huyện miền núi của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An… vẫn còn hàng trăm thôn, bản, đơn vị ở vùng biên giới không có đảng viên và chi bộ, có nơi do số đảng viên ít, cho nên phải sinh hoạt chi bộ ghép. Thực trạng này dẫn đến sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ nơi đây còn yếu. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm củng cố chất lượng hoạt động của các TCCSĐ ở các địa bàn khó khăn, cấp ủy ở các địa phương, đơn vị đã cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, quá trình triển khai thực hiện bài bản, đến nay, về cơ bản, các địa bàn khó khăn không còn bản "trắng" đảng viên, "trắng" chi bộ, cũng như giảm tình trạng sinh hoạt chi bộ ghép.

Năm 2008, toàn tỉnh Thanh Hoá có 47 chi bộ sinh hoạt ghép và 21 thôn, bản “trắng” đảng viên. Trước tình hình đó, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã xây dựng Đề án số 2023-ĐA/BTCTU ngày 28-3-2010 về “Phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa từ nay đến hết năm 2013”. Ngày 20-10-2010 BTV Tỉnh uỷ đã ban hành Kết luận số 50-KL/TU về phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Với sự quyết liệt, vào cuộc của cấp uỷ các cấp, sau gần 4 năm thực hiện, đến tháng 3-2014 toàn tỉnh đã xoá toàn bộ số thôn, bản “trắng đảng viên và “ghép chi bộ. Song, sau một thời gian đã xuất hiện trở lại 2 thôn "trắng" đảng viên và 7 chi bộ thôn, bản sinh hoạt ghép. Vì vậy, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 854-CV/TU, ngày 15-5-2018 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo phấn đấu đến hết tháng 8-2018, không còn thôn, tổ dân phố không có chi bộ đảng. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh không còn thôn, tổ dân phố không có đảng viên. Hành trình xoá bản “trắng” đảng viên là câu chuyện dài, và có lẽ với những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này, khó có thể quên câu chuyện gỡ khó nơi huyện nghèo miền núi Mường Lát.

Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, Mường Lát có gần 110km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, hơn 90% đồng bào DTTS, trong đó có 26 bản đồng bào người H'Mông sống nơi rừng sâu, núi cao, giao thông cách trở, trình độ dân trí thấp, đời sống hết sức khó khăn, ảnh hưởng lớn đến công tác xây dựng Đảng. Từ năm 2010 trở về trước, cả 26 bản đồng bào người H'Mông đều “trắng đảng viên. Khó có thể kể hết những gian truân, khó khăn của những cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng khi thực hiện nhiệm vụ xoá “trắng” đảng viên đối với 26 bản đồng bào người Mông. Mọi thứ dường như bắt đâu từ con số 0, nhiều vấn đề nan giải đặt ra từ trình độ, nhận thức của bà con, thói quen di cư hằng năm, tiêu chuẩn kết nạp cũng như là việc thực hiện các quy trình kết nạp đảng. Theo đó, bà con đồng bào người Mông ở 26 bản này đều di cư từ các tỉnh phía Bắc đến, việc xác minh lý lịch cho bà con vô cùng vất vả. Thậm chí, có nhiều trường hợp xác minh tới 4 - 5 lần nhưng vẫn không thành công do nhiều người khai sai về tên, tuổi, địa chỉ. Mặt khác, do thói quen di cư nên nhiều quần chúng ưu tú ở các bản đồng bào người Mông của địa phương dù đã trải qua quá trình bồi dưỡng, định hướng vẫn không thể kết nạp vào Đảng. Thêm nữa, Điều lệ Đảng quy định về tiêu chuẩn kết nạp đảng viên mới, đối tượng kết nạp đảng phải học hết bậc THCS, không vi phạm chính sách dân số (không sinh con thứ 3) trong khi hầu hết bà con không biết chữ, phần lớn các gia đình đều có 5 - 7 người con.

Năm 2009, thực hiện chủ trương xóa bản “trắng” đảng viên của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5 (Quân khu 4) đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền xã Tam Chung, huyện Mường Lát và Bộ Chỉ huy Quân sự Thanh Hóa tuyển chọn một số con em người dân tộc Mông nhập ngũ, từ đó bồi dưỡng kết nạp đảng viên, làm nòng cốt xây dựng, phát triển đảng viên sau này. Từ hạt nhân là người đầu tiên trong bản được kết nạp vào Đảng, Giàng A Chống đã giúp đỡ, kèm cặp hơn 10 quần chúng ưu tú trong bản, lần lượt được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cùng với đó, cấp uỷ ở đây đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như làm tốt công tác bồi dưỡng trình độ, lý luận chính trị, bổ túc văn hóa cho đồng bào người Mông, trong đó ưu tiên những quần chúng thuộc quy hoạch nguồn cán bộ; tích cực tuyên truyền về việc không di dịch tự do, bỏ các hủ tục lạc hậu… đã dần làm thay đổi dần phong tục tập quán lạc hậu của người dân, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, công tác phát triển đảng viên ở các bản này cũng thuận lợi hơn trước. Đến nay 26 bản đồng bào người Mông đã xóa 100% bản “trắng” đảng viên và không còn tình trạng chi bộ sinh hoạt ghép. Mường Lát đã xoá bản “trắng” đảng viên, chi bộ, nhưng việc xoá đói, giảm nghèo, xoá bỏ hủ tục lạc hậu thì vẫn còn lâu dài. Không ai khác, chính các đảng viên, cơ sở đảng sẽ là hạt nhân đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ này.

Do địa bàn xa, đi lại khó khăn, thôn xa nhất của tỉnh Bắc Kạn cách trung tâm xã khoảng trên 18km đi bộ, có thôn đường xe máy chỉ đi được mùa khô, việc kết nạp đảng viên có nhiều khó khăn, nhiều chi bộ không có đảng viên, phải sinh hoạt ghép. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án 05-ĐA/TCTU ngày 20-3-2014 về công tác phát triển đảng viên, chia tách chi bộ sinh hoạt ghép giai đoạn 2014-2015. Trước đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tổ chức khảo sát thực tiễn công tác phát triển đảng viên và chia tách chi bộ sinh hoạt ghép, tổ chức hội thảo để đánh giá khó khăn, vướng mắc, xác định rõ nguyên nhân để tìm giải pháp hiệu quả. Ban Tổ chức các huyện, thành ủy đã phối hợp với các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố xây dựng kế hoạch mở lớp nhận thức về Đảng tại xã, cụm xã. Huyện Chợ Mới, Pác Nặm đã mở lớp tại thôn chưa có đảng viên và có hình thức phù hợp trong việc tổ chức viết bài kiểm tra nhận thức về Đảng, tạo điều kiện cho quần chúng là người DTTS có hoàn cảnh khó khăn tham gia học tập. Với nhiều biện pháp linh hoạt, việc chia tách chi bộ sinh hoạt ghép đạt được kết quả tích cực, số chi bộ thôn sinh hoạt ghép giảm từ 101 chi bộ với 214 thôn (năm 2015) còn 53 chi bộ với 111 thôn (tháng 9-2019). Đến tháng 11-2021, có 1.253 trong tổng số 1.280 chi bộ thôn sinh hoạt độc lập, toàn tỉnh Bắc Kạn không còn thôn, bản trắng đảng viên. Chất lượng hoạt động chi bộ sau chia tách có chuyển biến tích cực; phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, dân chủ trong Đảng và trong xã hội được mở rộng hơn.

Việc xoá “trắng”, giảm “ghép”, tăng “độc lập” ở địa bàn vùng sâu, xa khó hay dễ? Chắc chắn câu trả lời là rất khó. Thực trạng nêu trên của Mường Lát (Thanh Hoá), Bắc Kạn cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trên hành trình xoá “trắng”, giảm “ghép”, tăng “độc lâp”. Để giải quyết tức thì những bất cập nêu trên là điều không thể, mà cần có thời gian và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước những khó khăn đặt ra, mỗi cấp uỷ có cách thức, giải pháp khác nhau nhưng đều chung ý chí hành động và đích đến là tăng năng lực lãnh đạo toàn diện cho Đảng. Vấn đề đặt ra sau xoá “trắng”, làm sao để có nhiều mô hình sinh kế nào đó có thể đủ làm thay đổi cuộc sống của bà con, để những đảng viên không phải ly hương đến với những vùng đất khách quê người, để các chi bộ không phải đứng trước nguy cơ “tái trắng”? Bài toán dù khó mấy nhưng khi cấp uỷ, đảng viên quyết tâm, tiên phong, cả hệ thống chính trị vào cuộc, tin rằng không thể không tìm được lời giải.

Yên dân, yên địa bàn, yên biên giới

Những năm gần đây, diện mạo ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo của nước ta có sự thay đổi tích cực, cuộc sống nhân dân khởi sắc, thế trận quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Có được những thành quả đó nhờ Đảng, Nhà nước đã có những chính sách ưu tiên đặc biệt đầu tư cho vùng đặc thù. Cùng với đó, cấp uỷ địa phương các cấp đã có nhiều biện pháp để củng cố hệ thống chính trị nơi đây, trong đó chủ trương tăng cường cán bộ đồn biên phòng về giữ vị trí chủ chốt ở cấp huyện, xã, phường biên giới, hải đảo đã và đang phát huy hiệu quả.

Tỉnh Quảng Ninh có 14 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó 11 huyện, thị xã, thành phố biên giới, hải đảo. Khu vực biên giới, biển đảo có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nhất là về quốc phòng - an ninh với 87 xã, phường; trong đó, 16 xã, phường biên giới đất liền có 161 thôn, bản, khu phố với trên trên 90.000 người, 177 cột mốc biên giới; 71 xã, phường biên giới biển, hải đảo có 576 thôn, bản, khu phố với trên 520.000 người. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, BTV Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với 5 huyện, thành ủy biên giới, hải đảo (huyện Bình Liêu, Hải Hà, Cô Tô, Vân Đồn và TP. Móng Cái) quán triệt, triển khai thực hiện Đề án số 174-ĐA/TU, ngày 21-3-2016 của BTV Tỉnh ủy về thí điểm chỉ định bổ sung đồng chí đồn trưởng hoặc chính trị viên đồn biên phòng tham gia cấp ủy các huyện, thành phố biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020. 

Ngày 27-6-2017, BTV Tỉnh ủy đã ban hành các quyết định chỉ định, tăng thêm 5 đồng chí (3 đồn trưởng, 2 chính trị viên đồn biên phòng) tham gia cấp ủy các huyện, thành ủy biên giới, biển đảo. Đồng thời, ban hành Quy định số 11-QĐ/TU, ngày 26-9-2017 quy định về chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ của cán bộ đồn biên phòng tham gia BCH đảng bộ huyện, thành phố biên giới, biển đảo. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn phù hợp thực tiễn nhưng việc thực hiện không hề dễ dàng. Các đồng chí cán bộ đồn biên phòng được chỉ định tăng thêm tham gia cấp ủy các huyện ủy, thành ủy được lựa chọn kỹ, có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm, phải thực sự là những cán bộ dám nghĩ, dám làm, nhiệt huyết và nỗ lực lớn mới có thể hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Sau một thời gian thực hiện, chủ trương này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Các chiến sỹ mang quân hàm xanh đã bám cơ sở, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở địa bàn biên giới, hải đảo đầy đủ, kịp thời, chính xác, nhất là ở các xã biên giới, hải đảo xa trung tâm hành chính huyện, thành phố để có thể tham mưu đúng, trúng cho cấp ủy xây dựng chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, hải đảo; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh và các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, hải đảo. Do đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng trên địa bàn biên giới, hải đảo sát sao hơn; chất lượng hoạt động của các mô hình bến cảng tự quản tại xã Thanh Lân, huyện Cô Tô; tự quản đường biên cột mốc tại xã Đồng Văn, Bình Liêu; công tác “Dân vận khéo” trong đồng bào Công giáo tại TP. Móng Cái được nâng cao.

Thực hiện chủ trương này, BTV Tỉnh ủy Thanh Hoá quyết định chỉ định 4 đồng chí tham gia BCH huyện, thị xã khu vực biên giới, vùng biển của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 (Đồn Pù Nhi, huyện Mường Lát; Đồn Tam Thanh, huyện Quan Sơn; Đồn Bát Mọt, huyện Thường Xuân; Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn). Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã duy trì thực hiện 55 lượt cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường giữ chức phó bí thư đảng ủy xã, thị trấn biên giới. Theo đó, huyện Mường Lát 22 lượt cán bộ, huyện Quan Sơn 22 lượt cán bộ, huyện Thường Xuân 5 lượt cán bộ, huyện Lang Chánh 4 lượt cán bộ, huyện Quan Hóa 2 lượt cán bộ. Hiện nay, có 33 cán bộ bộ đội biên phòng tham gia cấp ủy cấp xã có biên giới, hải đảo. Lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ cơ sở thực hiện tốt mô hình “Đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản các xã biên giới” và “Đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”. Trong giai đoạn 2010-2020, có 55 lượt đảng viên tăng cường tham gia củng cố 18 chi bộ thôn, bản biên giới; phân công 761 cán bộ, đảng viên đồn biên phòng phụ trách giúp đỡ 3.600 gia đình ở khu vực biên giới.

Báo cáo công tác xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung ương 5 cho biết: Đến nay, cả nước có 645 cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp uỷ cấp xã có biên giới, hải đảo (cấp huyện 171 đồng chí; cấp xã 474 đồng chí); 2.653 đảng viên là cán bộ đồn biên phòng giới thiệu về sinh hoạt tại chi bộ các thôn, bản biên giới; 9.961 cán bộ đồn biên phòng phụ trách 42.247 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Không thể kể hết những cái tên, những tấm gương chiến sĩ mang quân hàm xanh đã góp phần thay đổi da thịt các vùng biên giới, hải đảo xa xôi. Giờ đây, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các anh, những em nhỏ được đến trường, bà con được lao động, sản xuất, đời sống vật chất thay đổi, được sinh hoạt văn hoá lành mạnh. Niềm vui thắp đầy lên qua ánh mắt của những bà con dân bản, nơi trước đây quanh năm cái đói, hủ tục đeo bám.

Xoá “trắng”, giảm “ghép”, tăng “độc lập”, tiến tới tập trung nâng cao chất lượng và tính bền vững của các chi bộ độc lập; củng cố TCCSĐ ở những địa bàn khó khăn, vùng đặc thù là dấu ấn đạt được trong quá trình xây dựng nền tảng của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của hạt nhân chính trị ở cơ sở. Thực tế đã khẳng định, xây dựng chi bộ thôn, bản vững mạnh là yếu tố tiên quyết để yên dân, yên địa bàn, yên biên giới. Đây là chủ trương đúng đắn phù hợp thực tiễn, vừa là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

(Còn nữa...)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất