Kỳ 2: Nhiệm vụ cũ, yêu cầu mới
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ không phải là nhiệm vụ mới, nhưng luôn là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Nếu chi bộ là “gốc rễ của Đảng”, thì sinh hoạt chi bộ là một trong những hoạt động chủ yếu, có tác động trực tiếp đến quá trình lãnh đạo của Đảng. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của công tác xây dựng Đảng, cấp uỷ các địa phương đã luôn nỗ lực, đổi mới phương pháp, cách làm để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Sinh hoạt điểm, mẫu và những vấn đề dân cần, dân muốn
Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc” và xem đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm giáo dục đạo đức cán bộ, đảng viên nói riêng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, góp phần tăng cường sức chiến đấu của Đảng. Thế nhưng, trên thực tế, một số cấp uỷ chưa thực sự nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của việc sinh hoạt chi bộ, nhất là ở những chi bộ nông thôn. Nhiều buổi sinh hoạt còn hình thức, do vậy các đảng viên không quán triệt được tinh thần các chủ trương của đảng ủy cấp trên, không nắm được tình hình triển khai công việc cụ thể của chi bộ, cấp ủy; bí thư cũng không nắm được tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tâm lý của đảng viên, không đề ra được các giải pháp cụ thể cho những vấn đề tồn tại của chi bộ.
Từ sau khi thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, chất lượng sinh hoạt chi bộ thực sự có những chuyển biến tích cực với những cách làm mới. Nếu như trước đây, việc phân công cấp uỷ viên các cấp phụ trách các chi bộ mới chỉ được thực hiện ở một số đảng bộ, thì nay với phương châm “cấp uỷ cấp tỉnh nắm đến TCCSĐ; cấp uỷ cấp huyện nắm đến chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở; đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình”, nhiều BTV tỉnh uỷ, thành uỷ ban hành kế hoạch và phân công từng đồng chí tỉnh uỷ viên tham dự sinh hoạt với cơ sở, nêu cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên cấp uỷ trong việc nắm bắt, sâu sát tình hình, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở. Hầu hết cấp uỷ cấp huyện ban hành quy định và phân công uỷ viên BTV, cấp uỷ viên phụ trách các TCCSĐ, dự sinh hoạt chi bộ hằng tháng; lập tổ dự sinh hoạt chi bộ để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong công tác xây dựng Đảng cho các chi bộ, tích cực tham gia ý kiến giúp các chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở.
Nhớ lại thời điểm năm 2016, Ngam La (Yên Minh, Hà Giang) là xã có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, đời sống của người dân vẫn tồn tại nhiều phong tục, tập quán cũ... Toàn xã có 636 hộ dân, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 63,99%. Dân tộc Dao chiếm 80% dân số. Sau khi được cấp uỷ cấp trên chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong sinh hoạt ở các chi bộ thôn dẫn đến chưa phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, BCH Đảng bộ xã đã họp bàn và đi đến thống nhất xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện sinh hoạt “Chi bộ mẫu luân phiên” đối với 18 chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã. Theo đó, căn cứ vị trí địa lý và các yếu tố khác, xã Ngam La đã chia các chi bộ thành 3 cụm để tổ chức sinh hoạt luân phiên trong cụm, trong đó có 2 cụm chi bộ nông thôn và 1 cụm chi bộ cơ quan. Mỗi tháng một lần, thay phiên nhau, một chi bộ tổ chức sinh hoạt “Chi bộ mẫu luân phiên” với sự tham dự của đồng chí ủy viên BTV Đảng ủy xã phụ trách chi bộ và đại diện các chi bộ trong cụm. Sau khi kết thúc, chi bộ tổ chức sinh hoạt sẽ được nghe nhận xét, đánh giá về những tồn tại, yếu kém, được chia sẻ kinh nghiệm điều hành, tổ chức sinh hoạt từ các chi bộ bạn. Qua đó, các chi bộ cùng đúc rút những kinh nghiệm và cách làm tốt nhất cho chi bộ mình.
Kết quả thấy rõ nhất sau khi thực hiện “chi bộ mẫu luân phiên” đó là việc triển khai phân công nhiệm vụ cho các cấp uỷ viên và đảng viên không còn chung chung, không cụ thể như trước. Các đảng viên được giao nhiệm vụ cụ thể, có đánh giá, chỉ rõ tồn tại, phương hướng khắc phục hiệu quả. Sau một thời gian thực hiện, Huyện ủy Yên Minh đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện sinh hoạt “Chi bộ mẫu luân phiên” của xã Ngam La và ban hành kế hoạch nhân rộng cách làm này triển khai ra toàn huyện.
Không chỉ có Yên Minh và một số huyện ở Hà Giang, mô hình chi bộ sinh hoạt điểm, mẫu cũng đã và đang được triển khai và phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương khác như Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Tiền Giang, Bạc Liêu…
Thực tiễn cho thấy, gỡ nút thắt quan trọng cho việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ chính là những nội dung, vấn đề được chi bộ đưa ra bàn thảo. Về Hà Tĩnh những ngày cuối thu, nắng vàng rót mật trên những cung đường nông thôn mới kiểu mẫu vẽ lên bức tranh thu thật đẹp. Những năm trước đây, Hà Tĩnh vẫn là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, giờ đây bức tranh kinh tế - xã hội, đời sống người dân đã dần thay đổi. Đặc biệt, Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngày 16-12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2114/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025. Với người dân Hà Tĩnh, khi xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào cách mạng sôi nổi khắp các ngõ, xóm, vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện rõ nét, gần gũi với hình ảnh những cán bộ, đảng viên tiên phong trong mọi phong trào, những bí thư chi bộ tâm huyết, trách nhiệm trong những buổi sinh hoạt chi bộ. Cấp uỷ chi bộ đã thay đổi tư duy từ chỗ thường bàn những cái mình đang có sang bàn, thảo luận những điều người dân cần, đi thẳng vào các vấn đề của cuộc sống. Bởi xác định rõ việc gì có lợi cho dân phải cố gắng làm, nên những vấn đề có ý nghĩa thiết thực gắn với dân sinh lúc này như giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà văn hoá, đường liên thôn, vệ sinh môi trường, mô hình kinh tế - xã hội hiệu quả đã đi từ sinh hoạt chi bộ ra thực tiễn cuộc sống một cách tự nhiên nhất, tạo được sự quan tâm, đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân và là lực đẩy quan trọng để Hà Tĩnh vươn mình thay đổi như hôm nay.
Trước yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng Đảng, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6-12-2021 về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới". Quận ủy Hoàng Mai là một trong những địa phương triển khai sớm và bước đầu mang lại kết quả tích cực. Theo đó, Quận uỷ đã nghiên cứu, khẩn trương xây dựng Kế hoạch số 84-KH/QU để cụ thể hóa, triển khai Đề án 11 trong toàn Đảng bộ quận. Một trong sáu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Đề án 11 của Thành ủy là phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả sinh hoạt chi bộ, Quận ủy Hoàng Mai đã cụ thể hóa, định hướng nội dung sinh hoạt cho các loại hình chi bộ. Trên cơ sở đó, các chi bộ sẽ lựa chọn những nội dung sinh hoạt phù hợp, bám sát nhiệm vụ của quận và của từng cơ quan, đơn vị.
Không còn những buổi sinh hoạt chi bộ hình thức, theo lối mòn, thời gian gần đây những buổi sinh hoạt tại một số chi bộ trực thuộc Đảng uỷ phường Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn được cán bộ, đảng viên quan tâm. Đó là bởi cấp uỷ các chi bộ đã lựa chọn, chuẩn bị kỹ chuyên đề sinh hoạt, đổi mới phương pháp sinh hoạt, chú trọng bàn bạc, thảo luận những vấn đề sát thực tiễn, những vấn đề đang được người dân quan tâm trong cuộc sống hằng ngày. Chi bộ 7 trao đổi chuyên đề "Công tác phòng cháy, chữa cháy tại chỗ trên địa bàn dân cư số 7, thực trạng và giải pháp". Chi bộ 3 bàn về chủ đề hỗ trợ kiến thức cho các em học sinh sau thời gian dài học trực tuyến do dịch bệnh. Theo đó, đoàn thanh niên cùng các bạn sinh viên đứng ra làm gia sư kết hợp tổ chức các hoạt động giải trí, giao lưu và tăng cường kỹ năng sống miễn phí cho các em học sinh trong dịp hè. Tại Chi bộ 10, ngoài việc trao đổi, thảo luận về biện pháp phòng cháy, các đảng viên còn thực hành phương pháp chữa cháy và quy trình xử lý sự cố cháy để thông qua đó, mỗi đảng viên sẽ là nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy; hướng dẫn kỹ năng sử dụng bình chữa cháy, đồng thời vận động mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất một bình chữa cháy...
Đồng chí Đặng Thị Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy phường Mai Động cho biết: Thực hiện Đề án 11-ĐA/TU của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch 84-KH/QU của Quận ủy Hoàng Mai, Đảng ủy phường đã lựa chọn 3 chi bộ tiến hành làm điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Đến nay, các chi bộ đều tiến hành xây dựng chuyên đề sinh hoạt sát với tình hình cơ sở. Những vấn đề dân sinh cần giải quyết đều được lựa chọn làm nội dung sinh hoạt chi bộ.
Có thể khẳng định, nhờ đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt chi bộ, lựa chọn đúng và trúng vấn đề đưa ra bàn thảo nên đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân, được nhân dân ủng hộ, thông qua đó uy tín của tổ chức đảng được nâng lên; sự gắn kết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân cũng được tăng cường, cùng chung tay thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.
Giải pháp nào cho chi bộ có đông đảng viên
Hiện nay, do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ nên quy mô dân số, số lượng đảng viên tại các khu phố tăng nhanh. Bên cạnh đó, thực hiện việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố và sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp ở các địa phương trong thời gian qua cho thấy, số chi bộ đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận giảm khá nhiều. Tuy nhiên, số lượng đảng viên tại các chi bộ mới sáp nhập, kiện toàn lại tăng lên hình thành các chi bộ có số đảng viên rất đông.
Thực tế cho thấy, chi bộ đông đảng viên có nhiều thuận lợi trong việc triển khai công việc, phát động các phong trào thi đua để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng tại đơn vị, khu dân cư. Tuy nhiên, chi bộ đông đảng viên có nhiều khó khăn đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bình quân tuổi đời, tuổi đảng của đảng viên ở các chi bộ khu dân cư, tổ dân phố cao, sức khỏe yếu; nhiều chi bộ có đến 30%-40% đảng viên cao tuổi. Bởi vậy, ở những chi bộ đông đảng viên, để triệu tập được đông đủ đảng viên sinh hoạt đã khó, việc phân công công tác, quản lý đảng viên lại càng khó hơn. chi ủy cũng khó sâu sát đến từng đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Sau sáp nhập, cơ sở vật chất cho hoạt động của xóm, khu dân cư mới vẫn còn nhiều khó khăn. Đa số các xóm mới đều phải sử dụng lại nhà văn hóa của xóm cũ làm nơi sinh hoạt, nhiều nhà văn hóa không đủ sức chứa cho các đảng viên có thể thoải mái ngồi sinh hoạt chi bộ. Vậy nên những đảng viên đến sau thường sẽ phải kê ghế ngồi ngoài hè, ngoài sân; rất vất vả và khó khăn trong việc tiếp thu, phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ. Quá đông, khó quản lý nên có hiện tượng một số đảng viên sinh hoạt giữa chừng bỏ về hoặc chỉ đến điểm danh rồi về. Mặt khác, ở các chi bộ khu dân cư đông đảng viên thường sẽ nhiều thành phần, từ người lao động đến đoàn viên thanh niên, cán bộ hưu trí; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị khác nhau cũng tạo ra tâm lý e ngại, né tránh, đùn đẩy trong phát biểu ý kiến. Điều này gây khó cho việc phát huy năng lực, sở trường, tinh thần xây dựng chi bộ của đảng viên.
Có thể thấy, thực tiễn cuộc sống luôn luôn phát triển và phát sinh những vấn đề mới, và ở từng thời điểm khác nhau, địa phương khác nhau, mỗi loại hình TCCSĐ khác nhau, căn cứ tình hình thực tế đòi hỏi các cấp uỷ đảng có những bài giải khác nhau. Trước những khó khăn đặt ra đối với các chi bộ đông đảng viên, mỗi chi bộ lại có cách thức vận hành, hoạt động khác nhau. Có nơi vẫn sinh hoạt tập trung, tổ trưởng tổ đảng chỉ quản lý quân số đảng viên, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ; có nơi các tổ đảng lại sinh hoạt như một chi bộ độc lập, tổ trưởng tổ đảng có nhiệm vụ như bí thư chi bộ trừ những nội dung quan trọng như kết nạp đảng viên, chuyển đảng viên chính thức, đề nghị xóa tên đảng viên… Việc thí điểm đổi mới hình thức sinh hoạt theo từng tổ đảng bước đầu đã khắc phục một số khó khăn, bất cập đối với các chi bộ ở khu dân cư có đông đảng viên.
Hoà Bình là tỉnh miền núi, dân cư sống thưa thớt, sau sáp nhập xóm, tổ dân phố, nhiều xóm, khu dân cư mới có diện tích rộng, đảng viên đông lại sống rải rác gây không ít khó khăn trong công tác quản lý đảng viên. Tính đến ngày 15-7-2022, toàn tỉnh có 3.181 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận. Trong đó, 138 chi bộ có 50 - 100 đảng viên (136 chi bộ khu dân cư, 2 chi bộ ở đơn vị sự nghiệp). Đặc biệt, có 3 chi bộ khu dân cư có trên 100 đảng viên là chi bộ tiểu khu Liên Phương, trực thuộc Đảng bộ thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) với 109 đảng viên; chi bộ khu Sào, trực thuộc Đảng bộ thị trấn Bo (Kim Bôi) với 178 đảng viên và chi bộ tiểu khu 12 trực thuộc Đảng bộ thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) với 145 đảng viên.
Với tình hình số lượng đảng viên đông, để thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động của chi bộ, chi bộ khu Sào đã chia thành 8 tổ đảng và tiến hành sinh hoạt theo tổ đảng từ khi dịch COVID-19 diễn ra và duy trì cho đến nay. Theo đó, tổ đảng ít nhất có 11 đảng viên, tổ đông nhất 33 đảng viên. Trong quá trình hoạt động, khi các tổ đảng tổ chức sinh hoạt, các tổ trưởng tổ đảng phải thực hiện nhiệm vụ như là đồng chí bí thư chi bộ và đồng chí bí thư chi bộ thực hiện nhiệm vụ gần như một bí thư đảng bộ cơ sở. Chi ủy tổ chức cuộc họp chi ủy mở rộng, mời tất cả các đồng chí tổ trưởng tổ đảng, trưởng đoàn thể của khu tham dự để cùng họp bàn, thống nhất các vấn đề của một cuộc sinh hoạt chi bộ như xây dựng dự thảo báo cáo, đánh giá nhiệm vụ công tác tháng trước; phương hướng, nhiệm vụ của tháng tới... để làm căn cứ cho các tổ đảng tiến hành sinh hoạt. Các đồng chí chi ủy viên sẽ phân công nhau dự sinh hoạt của các tổ đảng. Sau sinh hoạt các tổ đảng có biên bản sinh hoạt tổ đảng (như biên bản sinh hoạt chi bộ) gửi về chi bộ. Sau khi tất cả các tổ đảng sinh hoạt xong, chi ủy sẽ hoàn thiện báo cáo chính trị của chi bộ để báo cáo về Đảng ủy thị trấn. Triển khai mô hình sinh hoạt này, dù đội ngũ cấp uỷ và tổ trưởng tổ đảng vất vả hơn nhưng được đánh giá có chất lượng hơn so với sinh hoạt tập trung nên hiện vẫn tiếp tục được chi bộ khu Sào duy trì.
Tương tự Hoà Bình, nhằm khắc phục những khó khăn trong sinh hoạt ở các chi bộ động đảng viên, BTV Tỉnh ủy Trà Vinh có Công văn số 128-CV/TU, ngày 17-6-2021 về “việc thực hiện thí điểm mô hình sinh hoạt tổ đảng thay cho sinh hoạt chi bộ hằng tháng đối với những chi bộ có đông đảng viên, chia thành nhiều tổ đảng”. Đảng bộ TP. Trà Vinh là 1 trong 3 đảng bộ được BTV Tỉnh ủy chọn làm điểm chỉ đạo. BTV Thành uỷ Trà Vinh chọn Chi bộ Khóm 8 (Phường 7) làm điểm chỉ đạo thực hiện mô hình. Theo đó, Chi bộ Khóm 8 là một trong những chi bộ có số lượng đảng viên khá đông với 96 đảng viên (chiếm 14,59% tổng số đảng viên Đảng bộ Phường 7); trong đó có 35 đảng viên miễn sinh hoạt, đi làm ăn xa. Đảng ủy Phường 7 chỉ đạo Chi bộ Khóm 8 thành lập 33 tổ đảng (tổ đảng 1 có 28 đảng viên, tổ đảng 2 có 34 đảng viên, tổ đảng 3 có 31 đảng viên); phân công 3 đồng chí đảng ủy viên chỉ đạo, dự sinh hoạt với các tổ đảng.
Trước ngày sinh hoạt tổ đảng, chi ủy họp phân công chuẩn bị đầy đủ nội dung, thống nhất các nội dung sinh hoạt để các tổ đảng triển khai thực hiện. Các tổ đảng bám sát nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng, các hướng dẫn của Trung ương, của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thực hiện đầy đủ các bước nội dung sinh hoạt chi bộ theo hướng dẫn. Với số lượng đảng viên ít hơn, việc khuyến khích các đảng viên phát biểu đóng góp ý kiến thực hiện có hiệu quả. Nhiều đảng viên, nhất là đảng viên trẻ trở nên gần gũi, mạnh dạn hơn trong phát biểu ý kiến đóng góp cho chi ủy, chi bộ. Nhờ vậy, tỷ lệ đảng viên phát biểu ý kiến cao hơn, đảng viên dự sinh hoạt cũng nhiều hơn so với trước đây.
Qua 1 năm thực hiện thí điểm mô hình “Sinh hoạt tổ đảng thay cho sinh hoạt chi bộ hằng tháng đối với những chi bộ có đông đảng viên, chia thành nhiều tổ đảng”, chủ trương này được đảng viên trong chi bộ đồng tình, nhất trí cao. Với những kết quả tích cực bước đầu có thể thấy đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; nỗ lực khắc phục những hạn chế của chi bộ đông đảng viên. Thành ủy TP. Trà Vinh đã chỉ đạo rút kinh nghiệm và đề xuất Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình này.
Tình trạng trên của Hòa Bình, Trà Vinh cũng là thực trang đang diễn ra ở nhiều chi bộ đông đảng viên ở các địa phương. Đây là hoạt động mới nên cần có chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, hướng dẫn cụ thể về cách thức, mô hình hoạt động, các biểu mẫu sao cho phù hợp, hiệu quả, tránh không vi phạm các quy định hiện hành của Đảng. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, năng cao chất lượng tổ trưởng tổ đảng; tăng cường bồi dưỡng, tọa đàm về kỹ năng chuẩn bị, điều hành sinh hoạt tổ đảng. Chế độ, chính sách cho đội ngũ cấp ủy, tổ trưởng tổ đảng cần được quan tâm thỏa đáng. Việc phát huy vai trò tổ đảng dù có những kết quả tích cực, song các địa phương đều cho rằng, vai trò tích cực của tổ đảng vẫn không thể khắc phục triệt để các hạn chế của chi bộ đông đảng viên. Trong thời gian tới, cần có những nghiên cứu các giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ đông đảng viên.
Hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới vừa là thách thức những cũng đồng thời là cơ hội để cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ thể hiện bản lĩnh, năng lực và trí tuệ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Rõ ràng, ở đâu người đứng đầu cấp uỷ, chi bộ nêu gương, quyết liệt trong hành động, có dấu ấn lớn, phát huy được vai trò của cán bộ, đảng viên, ở đó chi bộ, cấp uỷ sẽ lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Diệp Chi