Cần quan tâm đến chất lượng đội ngũ báo cáo viên trong việc triển khai học tập Nghị quyết Đại hội XI của Đảng
Thông báo nhanh kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và định hướng công tác tuyên truyền

Mỗi khi có nghị quyết của Đảng thì cấp ủy các cấp tổ chức các lớp học tập nghị quyết cho toàn thể cán bộ, đảng viên. Để các lớp học này đạt hiệu quả, các địa phương, các cấp thành lập Hội đồng báo cáo viên bao gồm cán bộ lãnh đạo các cấp. Việc xây dựng một đội ngũ báo cáo viên ở các cấp là điều cần thiết nhưng cũng cần nói thẳng, nói thật rằng không phải báo cáo viên nào cũng có trình độ, năng lực, sự am hiểu vấn đề, khả năng phân tích nội dung nghị quyết cũng như kỹ năng trình bày vấn đề  tốt cả. Vì thế, báo cáo viên phải là người có khả năng nói, có trình độ, trình bày vấn đề khoa học, lô-gic, dễ hiểu. Nói chung, nội dung văn bản nghị quyết thường được trình bày dưới dạng truyền khẩu, cho nên phải thừa nhận rằng không phải ai cũng có thể nói rõ ràng, mạch lạc, súc tích. Một khi nói không rõ ràng, không lô-gic thì nội dung của nghị quyết không thể đến được với người nghe trọn vẹn, đầy đủ...  

Câu chữ, từ ngữ trong nghị quyết đã được lựa chọn tối ưu về khả năng biểu đạt, nếu báo cáo viên chỉ nói theo những gì mình đọc được từ văn kiện thì hiệu quả sẽ rất thấp. Thực tế cho thấy, nhiều người vì giữ cương vị, trọng trách ở cấp này cấp kia nên được chọn làm báo cáo viên, chứ xét về năng lực truyền đạt thì không thể gọi là đạt yêu cầu. Không ít trường hợp báo cáo viên khi trình bày đã biến vấn đề thời sự trở nên nhạt nhẽo, không theo kịp với hiểu biết của người học, gây ra sự nhàm chán. Vì thế có những lớp học tập nghị quyết trước đây, hiện tượng báo cáo viên cứ mặc nhiên nói còn người học thì mặc nhiên chuyện riêng là điều không hiếm thấy…  

Với những gì đã gặp từ những lần tham gia học nghị quyết trước đây, xin mạnh dạn đề xuất mấy vấn đề sau:  

Thứ nhất, báo cáo viên cần phải có khả năng nắm bắt nội dung nghị quyết một cách sâu sắc, có khả năng liên hệ thực tế sinh động, nhất là gắn với tình hình thực tế ở địa phương mình.  

Thứ hai, kiến thức xã hội của báo cáo viên phải thật vững, khả năng tổng hợp vấn đề cao, không nên nói những gì làm người nghe cảm thấy “sáo”. Tránh “bệnh áp đặt” hay đưa ra những dẫn chứng không chính xác, nhất là dẫn chứng lịch sử.  

Thứ ba, báo cáo viên cần trau dồi khả năng diễn đạt qua lờit nói, kỹ năng nói. Nói sao cho khúc triết, mạch lạc, giọng nói phải truyền cảm. Nói và viết có những yêu cầu về kỹ năng khác nhau.

Thiết nghĩ, để nghị quyết của Đảng đến được với cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân, khâu quan trọng nhất là nâng cao năng lực cho báo cáo viên trên nhiều lĩnh vực. Hơn ai hết, mỗi báo cáo viên cũng nên tự biết mình cần làm gì để truyền tải nội dung nghị quyết đến với người học (người nghe) tốt nhất, hiệu quả nhất. Mong rằng đợt học tập Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI, chất lượng báo cáo viên sẽ được nâng lên, tạo sự hấp dẫn và hứng thú cho các lớp học.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất