Hồi đầu tháng 4 năm 2018, tôi ra giàn CTK-3 để chuẩn bị làm phim và đón Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga cùng lãnh đạo Tập đoàn ra thăm và làm việc. Tại đây tôi đã gặp ông Nicolai Babelop (ảnh bên), Phó Giàn trưởng Giàn Công nghệ số 3 (CTK-3) của Xí nghiệp Khai thác thuộc Liên doanh Dầu khí Việt Nga Vietsovpetro.
Gặp ông Nicolai, tôi thấy quý ông ngay. Đó là một “ông già” Nga có gương mặt rất đôn hậu và xởi lởi, dễ gần. Có cảm giác rằng với ông, trừ việc buộc mọi người phải chấp hành các quy định về an toàn trên giàn một cách nghiêm khắc nhất, thì cái gì ông cũng có thể xuề xòa và rất hay nói câu tiếng Việt, mỗi khi ai đó cảm ơn mình: “Không có chi!”.
Cũng phải nói thêm, ông Nicolai là một "nhân vật" khá đặc biệt của Vietsovpetro. Ông đã sang Việt Nam làm việc ở Liên doanh từ năm 1991. Có một thời gian, ông về Nga, nhưng rồi từ năm 2002, ông lại sang và ở ngoài giàn CTK-3 suốt từ bấy đến nay. Hơn 11 năm làm việc tại một giàn công nghệ và cứ đều như cỗ máy đồng hồ, làm nửa tháng, về nửa tháng… Vợ ông làm ở Viện Thiết kế của Liên doanh. Ông đã được Chính phủ Việt Nam tặng Huân chương Hữu Nghị và từng được Tổng thống Nga Putin tặng danh hiệu “Công nhân dầu khí tiêu biểu của nước Nga”.
Ông Nicolai đưa tôi và phóng viên Bảo Sơn đi quay phim cảnh công nhân làm việc trên giàn. Khi thấy Bảo Sơn tay xách máy quay, vai vác chân máy, thì ông vác hộ luôn chân máy và cung cúc đi trước.
Trong buổi làm việc với ông về tình hình hoạt động của giàn CTK-3, tôi rất ngạc nhiên khi ông thẳng thắn nói về những khó khăn không chỉ của giàn CTK-3 mà còn của cả Vietsovpetro. Nào là chuyện một số mỏ bắt đầu bị ngập nước, nào là có mỏ trữ lượng suy giảm, nào một số giàn cũng đã “ hết đát” sử dụng… Ngay như giàn CTK-3 này, trông bên ngoài thì “bóng bẩy”, chứ bên trong cũng đã bắt đầu già lão, bởi giàn hoạt động không ngơi nghỉ suốt từ tháng 2 năm 2004 cho tới nay. Và điều ông tự hào nhất là suốt 11 năm qua, chưa có một sự cố gây mất an toàn lao động nào xảy ra trên giàn. Rồi giá dầu suy giảm một cách “ mất dạy” - nói theo cách của ông - đã khiến cho mọi việc đã khó càng thêm khó. Để tiết giảm chi tiêu, công nhân trên giàn bây giờ đã phải làm việc ba tuần liền, thay vì nửa tháng như trước đây. Cách làm này cũng là “vạn bất đắc dĩ”, bởi vì hầu như cả thế giới, khi làm việc trên các giàn khoan ngoài biển, họ chỉ làm có nửa tháng. Nay kéo dài thêm một tuần nữa, thì đỡ được tiền vé máy bay, nhưng lại kéo theo nhiều vấn đề phải giải quyết như đảm bảo sức khỏe, ổn định tâm lý cho công nhân. Nghe ông nói, tôi mới biết mỗi chuyến đi trực thăng ra giàn đắt ghê gớm. Nếu so sánh với máy bay thương mại thì giá vé phải đắt hơn tới cả gần chục lần. Rồi là phải cắt giảm nhân lực, cho nên nhiều vị trí bây giờ phải kiêm nhiệm, và đang có phong trào một người “giỏi một việc, thạo nhiều việc”…
Kể lể xong khó khăn và về những biện pháp mà Xí nghiệp Khai thác cũng như của Vietsovpetro đang thực hiện, ông nói chắc nịch: “Nhưng không có vấn đề gì. Ở đây có nhiều đảng viên”.
Tôi nghe mà tưởng như anh Phạm Minh Tuấn, Đảng ủy viên Đảng ủy Xí nghiệp Khai thác, Giàn Phó CTK-3 dịch nhầm. Tôi hỏi lại, ông nở nụ cười tươi rói: “Tôi không lo, ở đây có nhiều đảng viên. Họ sẽ vượt khó khăn thôi.”
Tôi hỏi ông:
- Ở đây có tổ chức đảng à?
Ông nhìn tôi ngạc nhiên:
- Có chứ.
Tôi lại hỏi:
- Họ báo cáo với ông mỗi khi sinh hoạt à?
- Không. Nhưng họ sinh hoạt, làm gì, tôi đều biết.
Vẫn không tin lắm lời của ông, tôi “quay”:
- Vậy ông có biết ai là đảng viên ở đây không?
- Có chứ?
- Ông có thể đọc tên được không?
Chắc chút suy nghĩ, ông đọc ngay, bằng tiếng Việt:
- Viên này, Công này, Quyết này, Toàn này… À, Kim, Hiếu, Quốc.
Vừa nói đến tên ai, ông đếm ra trên đầu ngón tay. Và ông đếm được 12 người.
Tôi hỏi anh Vũ Chí Công, Bí thư Chi bộ của giàn:
- Chi bộ ở giàn có bao nhiều đảng viên hả anh Công?
Anh Công nói luôn:
- Có 26, sinh hoạt ở sáu nơi khác nhau. Những đồng chí mà ông Nicolai vừa nói là công tác ở giàn này.
Đến thế này thì tôi hoàn toàn bị ông “đánh gục” bởi danh sách đảng viên giàn mà ông vừa đọc.
Tôi hỏi vặn:
- Tại sao ông biết những người đó là đảng viên? Họ phải báo cáo với ông ư?
Ông Nicolai lắc đầu:
- Họ không báo cáo, nhưng tôi biết họ là đảng viên, bởi vì họ là những người lao động giỏi, gương mẫu và giữ gìn kỷ luật tốt nhất trên giàn. Tôi biết Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ chọn những người ưu tú để cho họ vào hàng ngũ.
Đến lúc này thì tôi hoàn toàn “tâm phục, khẩu phục” những điều ông Nicolai vừa nói. Và cũng thấy rất kính nể khi ông nói về vai trò của người đảng viên giản dị, nhưng đầy sức thuyết phục như vậy.
Đến lúc này, anh Vũ Chí Công là người có thâm niên làm trên giàn hơn chục năm và cũng là Bí thư Chi bộ giàn mới cho hay rằng: Ông Nicolai từ lâu đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Có cảm giác rằng, nếu bắt ông phải xa anh em Việt Nam, xa Giàn Công nghệ, hẳn ông sẽ rất khó chịu đựng. Ở trên giàn, ông không phải là người “mát tính”, nhưng ông chỉ nổi nóng nếu như có ai đó làm sai quy trình, hoặc vi phạm các quy định về an toàn. Và mỗi khi có việc gì khó khăn , khi họp bàn cách cách giải quyết, nếu thấy mọi người im lặng, là ông lại nói: “Đảng viên các anh ở đâu”. Mỗi lần ông nói vậy, các đảng viên trên giàn lại thấy như có thêm động lực.
Trong các chi bộ của Vietsovpetro, chi bộ của Giàn Công nghệ trung tâm CTK-3 là chi bộ có nhiều nét đặc biệt nhất. Chi bộ có 26 đảng viên nhưng lại công tác ở 6 nơi khác nhau. Một số anh em phải làm việc trên các giàn khai thác, mà giàn nọ cách giàn kia từ dăm ba cho đến cả chục hải lý. Vậy nên ở đây, việc sinh hoạt đảng hầu hết được tổ chức qua mạng Internet, qua thư điện tử. Còn việc biểu quyết thì có khi phải dùng bộ đàm. Mặc dù ở phân tán như vậy, nhưng việc sinh hoạt của Chi bộ CTK-3 được duy trì rất nền nếp, mà nói thẳng thắn thì cũng cực kỳ bài bản và rất thiết thực.
Tối hôm đó, tôi được dự một buổi sinh hoạt chi bộ với hơn mười đảng viên, nhưng các anh đã bàn bạc hết sức sôi nổi về vấn đề làm thế nào để động viên cán bộ công nhân viên trên giàn thực hiện tốt những giải pháp mà xí nghiệp khai thác cũng như lãnh đạo Vietsovpetro đề ra nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong buổi sinh hoạt, tôi không nghe thấy những lời sáo rỗng, giáo điều, mà chỉ liên quan tới những công việc hết sức cụ thể là làm thế nào để mọi người giữ được sức khỏe, yên tâm làm việc khi phải tăng ca lên 7 ngày so với lúc trước; làm thế nào để động viên mọi người "giỏi một nghề, thạo nhiều nghề"; làm thế nào để những người biết chắc rằng tới đây sẽ phải ra đi bởi từ nay đến nay 2020, Vietsovpetro có kế hoạch giảm 900 lao động nhưng vẫn nhiệt huyết với Giàn.
Bí thư Chi bộ Vũ Chí Công điều hành cuộc họp rất rành mạch và dân chủ. Cũng có những ý kiến bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn trước những thay đổi về công việc, đồng thời phản ánh những lo lắng của anh em về những vấn đề chung của đất nước. Nào là chuyện tham nhũng, tiêu cực của ông này, bà kia ở chỗ này, chỗ khác, nào là chuyện đạo đức xã hội xuống cấp, rồi chuyện học hành... Nhưng bàn bạc gì, cuối cùng vẫn cứ quay lại những công việc mà họ đang làm mỗi ngày.
Kết thúc cuộc họp, nghị quyết hành động trong quý II được thông qua. Tôi hỏi Bí thư Chi bộ Vũ Chí Công: "Có khi nào anh thông báo tinh thần cuộc họp này cho những người như ông Nicolai nghe không?". Anh Công cười: "Chúng tôi không thông báo. Chỉ khi nào ông có điều gì thắc mắc thì chúng tôi mới nói. Việc này, chi bộ đã quyết định và đề ra giải pháp như thế này... Khi nói rằng chi bộ đã họp và quyết định thì không bao giờ ông ấy thắc mắc nữa. Chính ông ấy cũng lại đi giải thích cho những người Nga khác trên giàn rằng đảng viên trên giàn đã thống nhất rồi".
"Đảng viên các anh ở đâu" - Câu nói giản dị của ông Nicolai Babelop đã ám ảnh tôi suốt. Tôi thầm nghĩ rằng, nếu như ở các đơn vị, các cấp chính quyền cũng có những người đặt câu hỏi như vậy thì thật là hay biết bao!
Kim Triêu