Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Chương trình hành động số 19; các Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 6-8-2007 về “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ năm 2007 đến năm 2015 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25-7-2011 về “Nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011 đến năm 2015 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20-10-2016 về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016 đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt Nghị quyết và kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy cấp trên tới cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp cơ sở và cán bộ, đảng viên trong đảng bộ. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Nghị quyết cho đoàn viên, hội viên.
Một số cấp ủy đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; trọng tâm là nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, công chức, đảng viên trong từng giai đoạn cụ thể. Vì vậy, hầu hết cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh đã nhận thức và thống nhất cao với nội dung, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ mà Nghị quyết đã đề ra. Từ đó, xác định vai trò, vị trí của tổ chức cơ sở Đảng, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tiến hành kiểm tra, rà soát, củng cố, kiện toàn, sắp xếp các tổ chức Đảng cho phù hợp với tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở. Qua đó, xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với những nơi có đặc thù, vừa tạo ra sự thống nhất chung, vừa phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng địa phương, đơn vị, bảo đảm tính hệ thống và vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy, tổ chức đảng ở Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện các mặt công tác xây dựng Đảng. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 1.041 tổ chức cơ sở đảng; trong đó có 420 Đảng bộ, 621 chi bộ cơ sở với tổng số gần 110 nghìn đảng viên. Tất cả các địa bàn, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều đã có tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội được thành lập theo quy định, hướng dẫn của Trung ương. Tuy nhiên, tại một số cơ sở tuy đã có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện thành lập chi bộ nên toàn tỉnh vẫn còn tới 32 chi bộ ghép dẫn tới một tổ chức đảng phải lãnh đạo từ 2 đến 3 xóm, tổ dân phố.
|
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Lộc Hạ (TP Nam Định) trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy và học. |
Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên được các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở xác định là nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương, cấp ủy các cấp thường xuyên rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và giao chỉ tiêu phát triển đảng viên đối với tổ chức Đảng trực thuộc. Kết quả trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 của Trung ương, toàn Đảng bộ tỉnh đã xem xét, quyết định kết nạp 24.645 quần chúng ưu tú vào Đảng. Hầu hết các đảng viên mới được kết nạp đều bảo đảm tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục theo hướng dẫn của Trung ương; khi hết thời gian dự bị đều đủ điều kiện công nhận là đảng viên chính thức và được phát thẻ đảng viên. Công tác xây dựng tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị ở doanh nghiệp được các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Từ năm 2008 đến đầu năm 2018, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện quy trình, quyết định thành lập mới 88 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước; tạo nguồn phát triển được 538 đảng viên, trong đó có 3 chủ doanh nghiệp tư nhân.
Mô hình tổ chức đảng trực thuộc ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được thực hiện thống nhất đó là dưới đảng bộ xã, phường, thị trấn là chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố; chi bộ trường học; chi bộ y tế. Một số địa phương còn có chi bộ an ninh, chi bộ doanh nghiệp, chi bộ cơ quan xã, phường. Đến nay, Đảng bộ tỉnh Nam Định có 4.446 chi bộ trực thuộc 229 đảng bộ xã, phường, thị trấn. Nhìn chung các chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn đã phát huy được vai trò lãnh đạo, thực hiện toàn diện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, khu dân cư, thôn, xóm; làm tốt công tác quản lý, phân công nhiệm vụ công tác cho đảng viên. Đặc biệt, các chi bộ đã chú trọng công tác vận động quần chúng, tạo nguồn phát triển đảng viên và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, BCH Đảng bộ Nam Định đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011 đến năm 2015 và những năm tiếp theo”. Theo đó, quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã, phường, thị trấn; đồng thời đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã đạt chuẩn, từng bước vượt chuẩn các chức danh theo quy định. Triển khai thực hiện Nghị quyết, Ban TVTU đã chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy tiếp tục lãnh đạo, cụ thể hóa và chỉ đạo quyết liệt các khâu công tác cán bộ; nhất là công tác lựa chọn, giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh lãnh đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thông qua đại hội theo nhiệm kỳ quy định hoặc khi có biến động. UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND ngày 16-8-2013 ban hành quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định rõ về trình độ chuyên môn phải có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy trở lên; ưu tiên tuyển thẳng đối với người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ; người có bằng đại học chính quy ở trong nước đạt loại giỏi trở lên. Kết quả từ năm 2008 đến nay, 10 huyện, thành phố đã tuyển dụng được 1.019 người tốt nghiệp đại học chính quy trở lên, có chuyên ngành phù hợp về công tác tại xã, phường, thị trấn. Nhìn chung, số cán bộ, công chức được tuyển dụng, nhất là những sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy trở lên sau khi được tuyển dụng về công tác tại cơ sở đã phát huy kiến thức, luôn tận tụy, trách nhiệm với công việc, có ý chí phấn đấu vươn lên, thực hiện ngày càng tốt công việc được giao; góp phần trẻ hóa, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 22 của Trung ương, chất lượng các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Nam Định được nâng lên, có bước chuyển biến rõ nét. Số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm luôn chiếm tỷ lệ cao. Chất lượng, nội dung sinh hoạt của các chi bộ và của cấp ủy đảng từng bước đi vào nền nếp, có sự đổi mới về hình thức, nội dung, phù hợp với thực tiễn ở cơ sở, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Xuân Thu