Cán bộ xã, phường, thị trấn (cán bộ ở cơ sở) có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền cơ sở, trong hoạt động thi hành công vụ. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở luôn được các cấp ủy ở Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.
Hiện nay, cấp uỷ cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 2.302 đồng chí, trong đó cán bộ chủ chốt 960 đồng chí (186 bí thư (có 62 đồng chí kiêm chủ tịch HĐND, 85 đồng chí kiêm chủ tịch UBND), 186 phó bí thư thường trực, 29 chủ tịch HĐND, 186 phó chủ tịch HĐND, 101 chủ tịch UBND, 186 phó chủ tịch UBND). Đội ngũ cán bộ cơ sở tuổi trẻ (18-35 tuổi) chiếm 6,63%; trình độ học vấn THPT 100%; trình độ chuyên môn đạt chuẩn 96,8% (trung cấp 26,6%; cao đẳng, đại học 64,6%; trên đại học 5,6%); trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 89% (trung cấp 78,1%; cao cấp, cử nhân 10,9%).
|
Xã Tiền An (TX Quảng Yên) tổ chức cho đội ngũ cán bộ xã quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) qua hệ thống trực tuyến. |
So với năm 2008, đến nay chất lượng cán bộ chủ chốt cấp xã đã nâng lên rõ rệt: Học vấn THPT tăng 16,2%; trình độ chuyên môn đạt chuẩn tăng 28% (trong đó số có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tăng 20,1%); trình độ lý luận chính trị tăng 6,2%. Để có kết quả này, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Các cấp uỷ đã tích cực tăng cường, luân chuyển cán bộ cho cơ sở. Tính trong 10 năm (2008-2018), toàn tỉnh đã tăng cường, luân chuyển về các xã, phường, thị trấn 839 lượt cán bộ. Trong đó, 583 đồng chí được luân chuyển từ các cơ quan huyện, thị xã, thành phố về cơ sở và ngược lại; 256 đồng chí được luân chuyển từ xã, phường này sang xã, phường khác. Đến nay hầu hết các đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thực hiện không phải là người địa phương cấp xã.
Các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở dành nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tỉnh đã xây dựng đề án, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở toàn tỉnh ngay sau mỗi kỳ đại hội cấp ủy, bầu cử HĐND các cấp. Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ (trên cơ sở hợp nhất Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Huấn luyện cán bộ đoàn, đội tỉnh), Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện, các Trường Dân tộc nội trú và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác trên địa bàn tỉnh. Cùng với nguồn ngân sách của tỉnh và khuyến khích các cấp ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh chủ động huy động các nguồn lực, hỗ trợ ngân sách để mở các lớp đào tạo trình độ đại học chuyên môn phù hợp với yêu cầu cần bổ sung tại các địa phương. Kết quả đến nay có 92,39% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn chuyên môn từ trung cấp trở lên, 68,85% có trung cấp lý luận chính trị trở lên. Cùng với yêu cầu nâng cao chất lượng chuyên môn, đổi mới phương thức đào tạo cán bộ cơ sở theo hướng kết hợp giữa đào tạo lý luận chính trị với kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng, an ninh và công tác vận động quần chúng.
Bằng nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể, các cấp uỷ, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, nghiệp vụ bí thư và cấp uỷ cho trên 31.000 lượt cán bộ, công chức, cấp uỷ viên cơ sở, chi bộ, cán bộ thôn, bản. Trong đó có 16.264 bí thư, cấp uỷ viên các tổ chức cơ sở đảng và chi bộ; 9.317 lượt cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; 9.663 cán bộ thôn, bản, khu phố (bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi uỷ viên).
Cùng với công tác tăng cường, luân chuyển cán bộ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ trong địa phương, đơn vị, các cấp uỷ trong tỉnh đã thường xuyên bổ sung nguồn lực cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản vào hệ thống chính trị cơ sở; đã tuyển dụng 184 sinh viên tốt nghiệp về cơ sở làm việc. Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương về tăng cường lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới, biển đảo trong tình hình mới, năm 2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã chỉ đạo lựa chọn 23 xã, phường biên giới, biển đảo để bố trí tăng cường mỗi xã, phường một đồng chí cán bộ biên phòng tham gia phó bí thư đảng ủy cấp xã, nhằm tham mưu, giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị. Năm 2017 được sự đồng ý của Ban Bí thư đã thí điểm chỉ định 5 đồng chí cán bộ chủ chốt đồn biên phòng (đồn trưởng hoặc chính trị viên) vào Ban Chấp hành đảng bộ 5 huyện, thành phố biên giới, biển đảo để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng.
Do thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác cán bộ, đến nay đội ngũ cán bộ ở cơ sở của tỉnh được tăng cường cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, trưởng thành về nhiều mặt; giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực lãnh đạo, quản lý được nâng lên, góp phần vào thành công chung của tỉnh, củng cố và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Tính riêng cán bộ chủ chốt cấp xã có 100% đã đạt chuẩn trình độ về chuyên môn, 82,41% trung cấp lý luận chính trị trở lên.
Hà Chi