Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu một số nội dung chủ yếu của Kết luận 21 tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 9-12-2021.
Ngay sau Hội nghị cán bộ toàn quốc về quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, toàn Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng đã tham mưu tổ chức các hội nghị quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW (sau đây gọi tắt là Kết luận 21) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 1-12-2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận 21, bảo đảm nghiêm túc, thực chất, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đến nay, 100% ban tổ chức cấp ủy các cấp tham mưu ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao triển khai thực hiện; đồng thời, rà soát và đề xuất nội dung thực hiện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị bổ sung vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình công tác hằng năm.
Trong đó, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 52-KH/BTCTW, ngày 17-2-2022 triển khai thực hiện; tập trung tuyên truyền 4 điểm mới, 4 mục tiêu và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Kết luận 21; đồng thời, bổ sung 4 đề án, nhiệm vụ được giao trong năm 2022 tại Kế hoạch số 03-KH/TW để triển khai thực hiện. Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ chú trọng nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phâm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể, với kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ công chức, viên chức, lĩnh vực liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân và lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra sai phạm để chủ động phòng ngừa.
Một số ban tổ chức cấp ủy đã bám sát các nội dung, nhiệm vụ được giao, tích cực triển khai, như: Hà Nội tham mưu đưa nội dung thực hiện Kết luận 21 vào Kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố năm 2022. Bắc Giang đã tham mưu cấp ủy ban hành Kế hoạch giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện Kết luận 21. Bình Định ban hành Kế hoạch kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Kết luận 21. Đà Nẵng cũng quan tâm đưa việc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản, quy định mới của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào Chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp; tập trung củng cố, kiện toàn Bộ phận thường trực và tổ giúp việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII từ thành phố đến cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc triển khai để đảm bảo yêu cầu đề ra; qua đó nhân rộng, biểu dương những mô hình, cách làm mới, hiệu quả; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Sơn La tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên nắm bắt, định hướng tư tưởng dư luận xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.
Tỉnh Bình Dương bổ sung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vào nội dung sinh hoạt định kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội. Từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đề ra nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể tiến hành khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của cấp mình, cũng như của cấp dưới. Các tỉnh như Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Tây Ninh, Bến Tre đều ban hành, điều chỉnh Quy định về trách nhiệm và phân công cấp ủy viên tỉnh dự sinh hoạt với chi bộ, đảng bộ cơ sở thuộc địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách, theo dõi trong năm 2022, nhằm đánh giá sát, đúng tình hình và chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, qua đó giúp các cấp ủy phát huy những ưu điểm, kịp thời khắc phục những hạn chế trong sinh hoạt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên...
Trong thời gian tới, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng xác định tiếp tục kiên trì triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận, Kế hoạch về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tạo sự đồng bộ, thống nhất cao trong trong tổ chức, thực hiện. Kịp thời cụ thể hóa ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện, nhân rộng mô hình, cách làm hay trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tạo bước chuyển biến rõ rệt, hiệu quả, thực chất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.