Lãnh đạo tập trung, thường xuyên
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy từ huyện đến cơ sở lãnh đạo, triển khai công tác nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Chỉ thị 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng chi bộ” với sự cụ thể hóa thành các văn bản quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể: Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 309-KL/TU ngày 10-12-2021 về việc tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 20-4-2022 về nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên trên địa bàn tỉnh; Quy định số 450-QĐ/TU ngày 28-6-2022 về chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng ủy bộ phận trên địa bàn tỉnh; Đề án số 24-ĐA/TU ngày 21-10-2022 về xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Tỉnh ủy còn ban hành nhiều quy định, quy chế về yêu cầu phối hợp giữa các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trong việc quản lý đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú; tổ chức tổng kết, đánh giá thực hiện các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị; định hướng thực hiện một số mô hình mới trong thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16-6-2022 của BCH Trung ương Đảng; ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp công tác của các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng ủy bộ phận trong lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh và quy chế mẫu về phối hợp giữa cấp ủy với chủ doanh nghiệp tư nhân... Đặc biệt là ban hành Quy định phân công cấp ủy viên các cấp phụ trách tổ chức cơ sở đảng, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng viên phụ trách hộ gia đình thuộc Đảng bộ tỉnh Lào Cai, trong đó yêu cầu “Cấp ủy viên cấp tỉnh định kỳ 6 tháng dự sinh hoạt với ít nhất 1 chi bộ tại cơ sở; cấp ủy viên cấp huyện định kỳ 3 tháng dự sinh hoạt với ít nhất 1 chi bộ; Cấp ủy viên cơ sở thường xuyên dự sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt thôn, tổ dân phố hằng tháng theo địa bàn được phân công”, đây là nội dung hết sức quan trọng, một cách làm mới thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng
Với sự quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra, chất lượng sinh hoạt của các chi bộ trong Đảng bộ tỉnh ngày càng nâng lên rõ rệt. Đa số các chi bộ đã xây dựng lịch sinh hoạt định kỳ hằng tháng và tổ chức sinh hoạt đúng lịch đề ra; thời gian sinh hoạt đúng quy định; số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt bình quân đạt tỷ lệ 93,6%, nhiều chi bộ đạt tỷ lệ 100%. Nội dung sinh hoạt được đổi mới, các bước sinh hoạt được thực hiện theo quy định, hướng dẫn, phù hợp với thực tiễn của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, chất lượng sinh hoạt được nâng lên rõ rệt. Nhờ đó đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị, hạt nhân lãnh đạo của chi bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, góp phần xây dựng các tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Qua các đợt kiểm tra cho thấy hầu hết các chi bộ, nhất là chi bộ thôn bản, khu phố đã bám sát nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về lãnh đạo, vận động nhân dân hưởng ứng tích cực phong trào cách mạng, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, củng cố mô hình tự quản về an ninh trật tự, phát huy dân chủ ở cơ sở... và đặc biệt chú trọng đến sinh hoạt tư tưởng trong chi bộ.
|
Một buổi sinh hoạt chuyên đề ở chi bộ Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai.
Các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong Đảng bộ tỉnh đã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thông qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; củng cố tổ chức cơ sở đảng, giúp Đảng bộ tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
Vẫn còn một số khó khăn, hạn chế
Để tập trung nâng cao chất lương sinh hoạt cấp ủy theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW của BCH Trung ương khoá XIII, trong quá trình lãnh đạo BTV Tỉnh ủy đã nhận diện và chỉ ra một số những hạn chế, tồn tại cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sớm khắc phục, đó là: (1) Còn tình trạng một số chi bộ, chưa phát huy tối đa được trách nhiệm và trí tuệ tập thể của đảng viên; (2) Một số chi bộ trong sinh hoạt còn chủ yếu thảo luận nhiệm vụ chuyên môn, chưa đi sâu đánh giá công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, thể hiện vị trí vai trò lãnh đạo của chi bộ, tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy viên, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; (3) Còn có cấp ủy, chi bộ chưa thực hiện nghiêm chế độ quản lý đảng viên, phân công giao nhiệm vụ cho đảng viên; (4) Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề vẫn có sự lúng túng về lựa chọn nội dung, chủ đề để thảo luận.
Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là trong lãnh đạo sinh hoạt cấp ủy, chi bộ với các yêu cầu về đổi mới nội dung, khắc phục tình trạng hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt chi bộ. Tăng cường sinh hoạt theo chuyên đề song hành với mở rộng dân chủ trong sinh hoạt chi bộ; coi trọng việc thảo luận, đưa ra quyết sách những vấn đề mang tính định hướng mà chi bộ cần tập trung lãnh đạo.
Thứ hai, các cấp ủy đảng cấp trên cần tập trung lãnh đạo các chi bộ thực hiện tốt việc quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên, nhất là quản lý trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; quan tâm phát triển đảng viên trẻ, đảng viên là người dân tộc thiểu số, đảng viên tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường quản lý chặt chẽ đảng viên đi làm ăn xa; việc đánh giá, phân xếp loại chất lượng đảng viên cần bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, xuôi chiều.
Thứ ba, cần phát huy tính trung thực, thẳng thắn trong phê bình, tự phê bình của mỗi đảng viên, dựa trên nền tảng tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, đây là giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt một cách toàn diện, căn cơ. Cấp ủy viên, đảng viên cần chú trọng đến đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực về đạo đức, lối sống của người đảng viên. Chi bộ chỉ vững mạnh khi phát huy tốt trí tuệ, kinh nghiệm của mỗi đảng viên trong việc bàn và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thứ tư, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu chi bộ; quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, cách thức, nội dung sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt chuyên đề một cách thiết thực, hiệu quả.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên bảo đảm chất lượng và số lượng; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để làm cho tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, nhất là việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ; đề cao kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục trong sinh hoạt chi bộ. Phân công cấp ủy viên cấp trên và cán bộ, chuyên viên khối cơ quan đảng dự sinh hoạt tại chi bộ thôn, khu phố để hướng dẫn, theo dõi nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và kịp thời định hướng xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những vấn đề nổi lên được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.
Thực tiễn chứng minh rằng, chi bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là những chi bộ chấp hành nghiêm nền nếp sinh hoạt đúng định kỳ, đúng quy định và nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao trình độ, năng lực của mỗi đảng viên, là nền tảng để phát huy hơn nữa dân chủ trong Đảng. Đảng chỉ mạnh khi có các chi bộ mạnh nên việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ hàng đầu có yếu tố quyết định đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, là yêu cầu có tính nguyên tắc về giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đất nước ta hiện nay.