Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác tổ chức xây dựng Đảng quý I; triển khai nhiệm vụ công tác quý II năm 2022 của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tại điểm cầu Thanh Hoá.
Thanh Hóa là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 11.120km2; 102km bờ biển và 213,6km đường biên giới với tỉnh Hủa Phăn (Lào); dân số trên 3,6 triệu người, gồm 7 dân tộc (Kinh, Thái, Mường, Dao, Thổ, Mông, Khơ Mú); có 27 đơn vị hành chính cấp huyện; 559 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ tỉnh có 31 đảng bộ trực thuộc, gồm 27 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố và 4 đảng bộ trực thuộc với 1.462 tổ chức cơ sở đảng; 25 đảng bộ bộ phận; 10.225 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và 230.741 đảng viên.
Thời gian qua, BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt là các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về xây dựng đội ngũ cán bộ; thực hiện chính sách thu hút người có trình độ đại học chính quy trở lên về công tác tại xã, phường, thị trấn; phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa; phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện khâu đột phá về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ; sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị. Trên cơ sở nghị quyết của Trung ương và các văn bản của Tỉnh ủy, các cấp uỷ, tổ chức đảng đã kịp thời cụ thể hóa, xây dựng đề án, nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện, tạo chuyển biến tích cực từ cơ sở.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng
Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố các tổ chức cơ sở đảng yếu kém được BTV Tỉnh uỷ xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, tổ chức thực hiện nghiêm túc với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, xem đây là nhiệm vụ then chốt nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Từ năm 2010 đến nay, BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một số nghị quyết, đề án chuyên đề tạo sự chuyển biến rõ nét về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên của cấp ủy các cấp, nổi bật là thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Thanh Hóa là địa phương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm nhất cả nước, với số đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập nhiều nhất cả nước. Toàn tỉnh đã thực hiện sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn thành 67 xã, phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị. Đến ngày 1-12-2019, tất cả các đơn vị hành chính mới đều đã hoàn thành việc kiện toàn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm sự thông suốt, liên tục trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của chính quyền cơ sở.
Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức cơ sở đảng đồng bộ, thống nhất với tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở được thực hiện một cách chủ động, đúng quy định. Căn cứ Nghị quyết của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức cơ sở đảng ở các xã, phường, thị trấn mới thành lập sau khi sáp nhập theo Nghị quyết số 37-NQ/TW và một số vấn đề về bố trí, sắp xếp cán bộ.
Nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, toàn tỉnh đã sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố; đổi tên 192 thôn, tổ dân phố. Toàn tỉnh hiện còn 4.358 thôn, tổ dân phố, giảm 1.578 thôn, tổ dân phố.
Việc xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được quan tâm thực hiện. BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 23-7-2018 về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1.153 tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Công tác kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện vào Đảng được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện. Từ 2010 đến nay, toàn tỉnh kết nạp được 131 đảng viên là người quản lý, chủ doanh nghiệp, chiếm 4,86% trong tổng số 2.692 đảng viên mới kết nạp trong các doanh nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 217 đảng viên là chủ doanh nghiệp.
Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo xây dựng chi bộ ở những nơi khó khăn (thôn, tổ dân phố chưa có đảng viên, chưa có chi bộ; ở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số; đồng bào theo tôn giáo). Tính từ năm 2016-2020, toàn tỉnh kết nạp được 207 đảng viên là người theo tôn giáo. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.572 đảng viên là người theo tôn giáo.
Thực hiện việc xóa "trắng đảng viên" và xóa "ghép chi bộ" ở thôn, bản, ngày 20-10-2010 BTV Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 50-KL/TU về phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Sau gần 4 năm thực hiện, đến tháng 3-2014 toàn tỉnh đã xóa hoàn toàn số thôn, bản “trắng đảng viên” và "ghép chi bộ" (47 chi bộ sinh hoạt ghép và 21 thôn, bản trắng đảng viên). Song, sau một thời gian đã xuất hiện trở lại 2 thôn "trắng đảng viên" và 7 chi bộ thôn, bản sinh hoạt ghép. Vì vậy, ngày 15-5-2018, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 854-CV/TU yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh không còn thôn, tổ dân phố không có đảng viên.
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới, căn cứ hướng dẫn của Trung ương, BTV Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn và chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nhờ vậy, việc sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt chi bộ tiếp tục được đổi mới, đi vào nền nếp, mở rộng và phát huy dân chủ, tạo không khí cởi mở, chân thành để đảng viên phát huy vai trò, trí tuệ, được trao đổi, thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy
BTV Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm, củng cố, nâng cao chất lượng cấp ủy viên, đội ngũ bí thư cấp ủy cơ sở. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, lựa chọn những người có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, uy tín để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ chủ chốt; bố trí những người có kinh nghiệm, năng lực, trách nhiệm, sức khỏe, nhiệt tình, đủ sức quy tụ, đoàn kết quần chúng tham gia cấp ủy. Các cấp đã chú trọng xây dựng, kiện toàn đội ngũ cấp ủy, BTV, bí thư cấp ủy cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy được nâng lên, góp phần vào thành công chung của tỉnh, củng cố và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, nhất là từ cơ sở.
Công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cấp cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, bí thư chi bộ được đặc biệt quan tâm. Việc xây dựng quy hoạch cán bộ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ ở cả ba cấp theo phương châm quy hoạch cấp dưới làm căn cứ, cơ sở cho quy hoạch cấp trên; bảo đảm yêu cầu “mở” và “động”; tính liên thông từ tỉnh đến cơ sở, quy hoạch ngành với các địa phương; coi việc chuẩn hoá đội ngũ cán bộ làm tiền đề, thước đo để xây dựng quy hoạch cán bộ từ cơ sở đến tỉnh. Chất lượng nguồn quy hoạch được nâng lên.
Cấp ủy các cấp đã xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ cơ sở; sau mỗi kỳ đại hội đảng bộ các cấp và bầu cử HĐND các cấp, đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở nhất là cấp ủy viên, bí thư chi bộ. Bằng nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể, các cấp uỷ, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng, nghiệp vụ cho trên 37.484 lượt cấp uỷ viên, bí thư chi bộ. Tăng cường công tác luân chuyển cán bộ trẻ cho các địa phương, đơn vị, nhằm đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung nguồn lực cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản vào hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp xã hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở những nơi đủ điều kiện được các cấp uỷ tích cực thực hiện. Ở 27 huyện, thị xã, thành phố 100% các đồng chí bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND cấp huyện; có 1 huyện, đồng chí bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện. Ở xã, phường, thị trấn có 100% các đồng chí bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND cấp xã.
Thực hiện bố trí chức danh bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy; phó bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện không là người địa phương, đến nay, toàn tỉnh có 550/559 xã, phường, thị trấn có một trong ba chức danh cán bộ chủ chốt không là người địa phương (đạt 98,4%). Việc nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được thực hiện tích cực, chủ động. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.131/4.358 chi bộ thôn, tổ dân phố thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố, chiếm 49%.
Thực hiện chủ trương cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp xã, cấp huyện, BTV Tỉnh ủy quyết định chỉ định 4 đồng chí tham gia BCH huyện, thị xã khu vực biên giới, vùng biển của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Từ năm 2006 đến nay duy trì thực hiện 55 lượt cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường giữ chức phó bí thư đảng ủy xã, thị trấn biên giới. Hiện nay, có 33 cán bộ bộ bộ đội biên phòng tham gia cấp ủy cấp xã có biên giới, hải đảo.
Đội ngũ đảng viên tăng cường về số lượng và chất lượng
Đội ngũ đảng viên trong hệ thống chính trị ở Thanh Hóa được tăng cường về số lượng, chất lượng được nâng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có 230.741 đảng viên, tăng 5,9% so với năm 2016 (217.918 đảng viên). BTV Tỉnh uỷ đã chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên.
Đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 21-KL/TW của BCH Trung ương khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
và hệ thống chính trị, Quy định số 55-QĐi/TW của Bộ Chính trị và Quy định số 08-QĐi/TW của BCH Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; phát động các phong trào thi đua và tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, đã tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Công tác phát triển đảng viên được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng, tăng cường lực lượng, nâng cao chất lượng, góp phần trẻ hóa đội ngũ, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã lựa chọn, giới thiệu được 80.204 quần chúng ưu tú tham gia học lớp nhận thức về Đảng, qua đó kết nạp được 67.211 đảng viên; chuyển đảng chính thức cho 64.530 đảng viên dự bị; nâng tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ tỉnh hiện nay lên 230.741 đảng viên.
Việc phân công, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên được tăng cường. Công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật đảng viên được tăng cường. Nhìn chung các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt việc khen thưởng hằng năm đối với đảng viên theo quy định; việc xét khen thưởng cho đảng viên ngày càng thực chất, từng bước khắc phục bệnh thành tích, qua đó góp phần không nhỏ trong việc khích lệ, động viên kịp thời những đảng viên có thành tích xuất sắc, nêu gương tốt cho các đảng viên khác phấn đấu, vươn lên; góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng tổ chức cơ sở đảng.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 56 tổ chức đảng; cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 4.065 đảng viên. Việc xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm được các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện nghiêm, xem xét kết luận rõ nội dung, tính chất, mức độ và nguyên nhân vi phạm, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Việc rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng được quan tâm. Số lượng đảng viên được sàng lọc đưa ra khỏi Đảng có chiều hướng gia tăng, năm 2016 là 135 đảng viên, đến năm 2020 là 201 đảng viên.
Có thể khẳng định, trong nhiều nhiệm kỳ qua, tỉnh Thanh Hoá đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng, phát triển đảng viên và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, nhất là ở xã, phường, thị trấn và lực lượng vũ trang. Tổ chức đảng được sắp xếp, củng cố kiện toàn theo đúng quy định và phù hợp với yêu cầu xu thế phát triển, từng bước bảo đảm yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị; phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Lề lối làm việc và quản lý điều hành của chính quyền cơ sở có nhiều đổi mới, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh có nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, toàn tỉnh có 8 huyện, 332 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân đạt 17,6 tiêu chí/xã. Các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn, khẳng định rõ nét hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ, hoạt động có kế hoạch, hiệu quả hơn, hướng mạnh về cơ sở...
Nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu; kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW của BCH Trung ương khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chị thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; quy định về những điều đảng viên không được làm.
Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở.
Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng tâm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 (Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 16-4-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh) về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ.
Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 23-7-2018 của BTV Tỉnh ủy về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể và kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân, công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đủ tiêu chuẩn vào Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 28-5-2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới; đồng thời rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên suy thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, nhằm làm trong sạch bộ máy các cơ quan đảng, nhà nước.
Nâng cao chất lượng kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên và xếp loại tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý; chú trọng gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành cầm chừng, không có đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể cấp ủy, từng đồng chí cấp ủy viên và người đứng đầu trong công tác xây dựng Đảng và giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, phát hiện và xử lý kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm, những tổ chức đảng yếu kém. Tăng cường hoạt động của các ban chỉ đạo, các đoàn công tác, giám sát các địa phương, cơ sở.