Hằng năm, đến ngày 15-10, cán bộ, đảng viên, nhất là những người làm công tác dân vận lại nhớ đến bài báo “Dân vận” của Bác Hồ viết cách đây 67 năm. “Dân vận” được ví như “bảo bối”, “sách gối đầu giường” của những người làm công tác dân vận. Năm 1999, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15-10 hằng năm là “Ngày Dân vận cả nước”.
Lâu nay, do sự phân công lao động xã hội cũng như do chia nhỏ các lĩnh vực tham mưu chuyên sâu cho các cấp ủy đảng, chính quyền, hơn nữa ở nước ta hiện nay có rất nhiều “ngày” của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, giai cấp, tầng lớp xã hội... cho nên nhiều người có ý nghĩ chưa thật đúng về công tác dân vận. Điều này đã được Bác Hồ phê bình, nhắc nhở trong bài báo “Dân vận”: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường là những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to. Rất có hại”. Tình trạng đại loại như điều Bác Hồ nói trên đây, đến nay vẫn xảy ra ở nơi này, nơi khác. Vậy những ai có trách nhiệm dân vận? Cũng trong bài báo “Dân vận” Bác Hồ đã nói rất rõ điều này: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v...) đều phải phụ trách dân vận”.
Điều mang tính quy luật và nguyên tắc là một khi Đảng đã giành được chính quyền và giữ vai trò lãnh đạo chính quyền thì các tổ chức, cấp ủy đảng phải đổi mới sự lãnh đạo của mình, nhất là đối với Nhà nước để làm sao vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo nhưng không làm thay, không “lấn sân”, ôm đồm. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội “bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”. Có nghĩa là trong các yếu tố trên có chức năng, nhiệm vụ của công tác dân vận của Đảng. Các cấp chính quyền, các tổ chức, cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị này đều có trách nhiệm dân vận.
Đối với người dân một nước đã có chính quyền, do mình làm chủ thì các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, cán bộ, công chức, đảng viên làm việc ở đây được ví như “đầy tớ”, “công bộc” của dân, còn dân là “người chủ”. Ngay từ những ngày đầu thành lập Chính phủ, Bác Hồ đã nói Chính phủ là “đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.
Thực tế, những năm qua, ở nhiều nơi, trong nhận thức cũng như việc làm lại có những hiện tượng ngược lại. Cơ chế xin - cho là biểu hiện của sự ban phát: Có người xin và có người cho. Người “xin” ở đây là người dân, những cơ quan, tổ chức đại diện cho người dân ở cấp dưới. Người “cho” ở đây là các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước. Thường thì mọi quan hệ cho - nhận là mối quan hệ không dựa trên nghĩa vụ và quyền lợi mà dựa trên sự hảo tâm đầy cảm tính và tùy tiện. Về bản chất chế độ ta, Chính phủ là người dân cử ra. Tiền lương, mọi chi phí cho bộ máy, phương tiện làm việc, đi lại của bộ máy hành chính lấy từ nguồn thuế của người dân và những tài sản quốc gia từ khai thác tài nguyên thiên nhiên. Chính phủ khi tạo ra của cải vật chất thông qua điều hành, quản lý sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ thì của cải đó thuộc về ông chủ, tức người dân. Nhưng vì sao khi những người đày tớ làm thất thoát hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng thì “người đày tớ” vẫn không bị “đuổi việc” không bị bồi thường? Nhiều cán bộ, đảng viên không gương mẫu mà còn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... chính là phản dân vận. Bởi vì với người dân, dân vận trước hết là hành động nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, người dân, từ chỗ là ông chủ lại trở thành người phụ thuộc và phải đi xin chính quyền, cơ quan nhà nước những cái mà lẽ ra thuộc về quyền của người dân được hưởng. Người dân trở thành người lệ thuộc và mỗi lần đến cơ quan công quyền thường lo sợ vì cứ nghĩ là mình phải đi “xin” và là người “chịu ơn” các cơ quan công quyền, cũng như những cá nhân thực thi công vụ ở đó. Những cơ quan công quyền, cán bộ công chức ở nhiều nơi trở thành tổ chức, những người ban phát cho dân.
Thủ tướng của nhiệm kỳ Chính phủ mới sớm nhận ra những điều vô lý và trái ngược với quan điểm “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Ngay sau khi được bầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp: “Chính phủ Trung ương cũng như chính quyền các địa phương phải chuyển từ cơ quan quản lý sang cơ quan kiến tạo, phục vụ dân”; “Việc tuyển chọn, bổ nhiệm là để tìm ra người tài chứ không phải tìm người nhà”; “Chính phủ phục vụ chứ không phải Chính phủ hưởng thụ” v.v... Thời gian quan, dư luận xã hội rất hoan nghênh những lời nói cương quyết và việc xin lỗi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ vì đoàn xe tháp tùng đi vào đường dành cho người đi bộ. Có người cho rằng, là người đứng đầu Chính phủ, không cần quan tâm xử lý đến những vấn đề nhỏ. Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ phải quán xuyến cả việc lớn và việc nhỏ”. “Vụ phá rừng Pơ mu Quảng Nam, Tân Kỳ- Nghệ An, Lâm Đồng ai phải chịu trách nhiệm? Biết bao việc người dân mong chờ chúng ta phải hành động... Tôi phát biểu trước Quốc hội về việc chăm lo nhà vệ sinh ở trường học và đừng nghĩ đây là chuỵên nhỏ vì đây là việc thiết thực cho con em chúng ta. Việc nhỏ mấy mà thiết thực với con em thì phải làm đến cùng, làm cho tốt”. Nhớ lời Bác Hồ nói chuyện với đồng bào tỉnh Nghệ An năm 1961: “Tất cả mọi việc, Đảng phải lo (....). Ngay đến cả tương, cà, mắm muối của dân, Đảng đều phải lo”. Những lời nói và hành động quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ hiện nay như là một hành động nêu gương: Nói đi đôi với làm. Và như thế cũng là công tác dân vận của Đảng. Bởi vì đối với nhân dân ta “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Vũ Lân