Thực tế và lời dạy của Bác Hồ về quyền lực cán bộ
Một bữa cơm của Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc.
Câu chuyện thực tế...

Về thôn MK - một thôn thuộc ngoại thành Hà Nội, tận mắt chứng kiến, tôi thấy chuyện lạ có thật: Quyền lực của một ông trưởng thôn thật ghê gớm. Ông ta tên là Q. Học hết lớp 7, ông ở nhà nuôi gà, vịt. Dù chẳng có uy tín, công tích gì nhưng nhờ dựa bóng người anh làm phó chủ tịch xã và người em họ làm bí thư chi bộ của thôn mà vèo một cái, ông được kết nạp vào Đảng. Chưa đầy một năm sau, ông làm trưởng thôn bằng cách vận động họ hàng thân thích ủng hộ... Được làm trưởng thôn, ông Q coi như “chuột sa chĩnh gạo”, mặc sức “làm ăn”. Bây giờ ở thôn lại có rất nhiều “lộc”. “Lộc” từ dự án tu sửa đình, chùa đến làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới, các khoản đóng góp của dân nhưng chi tiêu không hề công khai, minh bạch… Ông Q kéo bè, kết cánh, bố trí lãnh đạo đoàn thể ở thôn do người thân, ăn cánh với ông để dễ điều khiển, sai khiến. Từ bí thư chi bộ đến hội trưởng hội phụ nữ, bí thư chi đoàn thanh niên, trưởng ban công tác mặt trận... thậm chí đến cả chủ nhiệm câu lạc bộ không sinh con thứ ba của thôn cũng là người nhà của ông. Là trưởng thôn nhưng vợ ông hai năm trước vẫn sinh con thứ ba. Em trai ông cũng thế. Ông muốn xác lập quyền lực ở thôn nên mới có chuyện: Một gia đình trong xóm xây tường bao quanh nhà theo sổ đỏ đã được cấp, ông xấn xổ xông tới, hằn học đạp đổ bức tường đang xây miệng quát: “Ai cho phép xây? Sao không báo cáo trưởng thôn? Xây xáo gì cũng phải tới tôi báo cáo, ai đi chạy theo các ông, các bà chỉ bảo, quản lý được”. Người vợ khổ chủ không biết làm gì, chỉ đứng sụt sùi nước mắt. Lại chuyện nữa: Trưởng thôn Q không thích một ông cán bộ vừa mới nghỉ hưu chuyển về thôn sinh sống, cho rằng ông này đã “không biết điều”, về quê mà không tới trình diện trưởng thôn. Trưởng thôn liền kích động một bà ở cạnh nhà ông cán bộ về hưu, cho hai con trai đục tường, xả nước thải vào vườn. Vợ chồng ông cán bộ về hưu lên tiếng đề nghị trưởng thôn giải quyết. Không những trưởng thôn không giải quyết mà còn chỉ mặt vợ chồng ông cán bộ về hưu quát: “Trình giấy tờ ra đây. Phép vua thua lệ làng...”. Ông cán bộ về hưu không biết kêu ai, chỉ còn cách viết đơn lên xã đề nghị giải quyết. Nhưng đơn đi cả năm trời không thấy sủi tăm. Đến tận nơi hỏi, chủ tịch, phó chủ tịch xã đều bảo: “Cứ chờ đấy…”. Và chờ không biết đến bao giờ. Vợ chồng ông cán bộ về hưu ngao ngán, rồi dần dà cũng hiểu vì sao lại như thế: Vì trưởng thôn là “cánh tay nối dài của xã mà!”. Rất nhiều người trong thôn có tâm trạng như vợ chồng ông cán bộ về hưu và họ xì xầm bàn tán về nhân cách, tư chất của cán bộ xã, thôn. Nhưng nói ở đâu, với ai để ngăn chặn tình trạng này thì họ vẫn ấm ức chưa tìm được lối ra! Lại nghe nói, nhiệm kỳ tới, ông Q vẫn tiếp tục làm trưởng thôn. Không những thế ông lại còn lọt vào danh sách ứng cử để bầu vào HĐND xã…

Đến lời dạy của Bác Hồ về quyền lực cán bộ

Ngẫm nghĩ câu chuyện thực tế trên càng thấm thía lời dạy của Bác về quyền lực của cán bộ. Bác chỉ rõ: Quyền lực có tính hai mặt. Quyền lực nếu được sử dụng đúng đắn sẽ có sức mạnh to lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Ngược lại, nếu bị thoái hóa, biến chất thì quyền lực sẽ có tác hại ghê gớm, thậm chí có thể làm sụp đổ cả chế độ xã hội.

Trên thực tế, quyền lực có thể làm tha hóa con người rất nhanh, bởi thế mới chỉ một tháng sau ngày giành được độc lập, trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng (10-1945), Bác đã chỉ rõ 6 căn bệnh tiêu cực đã xuất hiện trong bộ máy nhà nước. Đó là: Trái phép:… Có lúc vì tư thù, tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán. Cậy thế:… Cậy thế mình ở trong bộ máy nhà nước để ngang tàng muốn sao được vậy…Hủ hóa: Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?... Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Tư túng: Kéo bè kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài… Chia rẽ: Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau… Kiêu ngạo: tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi, coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng lên” (1).

Với Bác, tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến… Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính…Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi việt gian, mật thám (2). Người xác định rõ, phải coi đó là những “kẻ địch nội xâm” và phải kiên quyết chống “như đánh giặc trên mặt trận” thì mới giành được thắng lợi. “Đánh giặc trên mặt trận” chống ngoại xâm, nếu ta không tiêu diệt kẻ địch thì kẻ địch sẽ tiêu diệt ta.“Đánh giặc trên mặt trận tham nhũng, tiêu cực cũng vậy, nếu ta không tiêu diệt địch, địch sẽ tiêu diệt ta, không phải là về mạng sống mà là về nhân cách”.

Theo Bác, Đảng ta là Đảng cầm quyền, công tác cán bộ là công tác then chốt của then chốt. Đảng cần thật sự trong sạch, vững mạnh để bố trí cán bộ có đủ đức, tài nắm giữ quyền lực của hệ thống chính trị, từ đó sẽ có cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu, ngăn chặn sự suy thoái và biến chất quyền lực ngay khi nó bắt đầu xuất hiện.

Bác từng chỉ rõ: Chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với chỉnh đốn công tác cán bộ. Bởi “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”(3). Chỉnh đốn Đảng là môi trường tốt nhất cho cán bộ, đảng viên nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bác đã nhìn thấy từ rất sớm những khuynh hướng sai trái về quyền lực, những tệ nạn làm tha hóa đảng viên, cán bộ có thể trở thành nguy cơ làm sụp đổ cả sự nghiệp của cá nhân mỗi người, thậm chí của cả Đảng, đưa đến những tổn thất to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Bởi “cái chết về đạo đức thường dẫn đến cái chết về chính trị”. Vì vậy, trong tình hình nhiều thách thức nghiêm trọng, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã sáng suốt quyết định lựa chọn và tập trung vào ba vấn đề đang thực sự cấp bách cần làm ngay của công tác xây dựng đảng. Đó là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Thiết nghĩ, công tác chỉnh đốn, đổi mới Đảng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết phải làm đồng loạt và sâu sắc ở cơ sở. Bởi những đảng viên có chức có quyền này rất gần dân. Hằng ngày tiếp xúc với dân. Thay mặt Đảng, chính quyền giải quyết công việc cho dân. Người dân luôn nhìn vào đó để thấy đạo đức, niềm tin, uy tín của Đảng và chính quyền. Một số vụ khiếu kiện vượt cấp hiển nhiên là do dân không tin cán bộ cơ sở. Vụ Tiên Lãng (Hải Phòng) mấy năm trước cũng là do chưa cán bộ, đảng viên cơ sở đủ tâm và  tài. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải coi trọng và quyết tâm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, củng cố vững chắc sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

                                                                                 
--------------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, H.1995, tập 4, tr.57
(2 Sđd, tập 6, tr. 490.
(3) Sđd, tập 5, tr. 54.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất