Mô hình “Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng” được xây dựng nhằm tăng cường tình đoàn kết, phát huy vai trò tự quản trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người, mọi nhà ngày càng ấm no, an toàn, hạnh phúc, xây dựng khu dân cư tiến bộ, văn minh.
Mô hình “Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng” được hình thành từ phong trào nhân dân tham gia công tác khuyến học của xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh (năm 2006), có tên gọi là Tổ “Nhân dân khuyến học”. Đến năm 2009 đổi tên thành Tổ “Dân phòng - Khuyến học” và được nhân rộng trên toàn tỉnh. Sau đó, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội thảo đánh giá hoạt động của mô hình Tổ “Dân phòng - Khuyến học” và đề xuất đổi tên gọi mới là “Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng”. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập thí điểm 36 Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng.
Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng có từ 15 đến 30 hộ cùng sống liền kề trên địa bàn khu dân cư, tùy điều kiện từng nơi có quy mô hợp lý, bảo đảm vừa dễ bàn bạc, dễ thống nhất, vừa tạo ra được sức mạnh của tập thể. Mô hình Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng được thành lập nhằm tạo mối quan hệ gắn bó bền chặt tình làng, nghĩa xóm. Đồng thời, để mọi người ứng xử hòa nhã, thân thiện, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoạt động, sinh hoạt đời sống xã hội, mang lại lợi ích thiết thân cho chính người dân; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy toàn diện; tăng cường đoàn kết, phát huy vai trò tự quản trong cộng đồng dân cư.
Sau khi được thành lập, các Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng đã tích cực tuyên truyền cho nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thực hiện tốt mô hình “5 không 3 sạch”, trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà tạo bóng mát và môi trường xanh trong cộng đồng dân cư. Tích cực làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập; thực hiện xã hội hóa công tác giáo dục của địa phương. Từ đó, các tổ chủ động vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ phương tiện, dụng cụ học tập, học bổng; thành lập mô hình nuôi heo đất tiết kiệm, hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn với 426 suất học bổng, trị giá trên 200 triệu đồng. Từ cách làm này, đã không còn học sinh bỏ học. Các tổ đã vận động, kết hợp thành lập mô hình hùn vốn mua bảo hiểm y tế. Đến nay, tỷ lệ người tham gia mua bảo hiểm y tế đạt bình quân khoảng 80%. Và 100% số hộ trong tổ đăng ký thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Kết quả bình xét, các hộ đều đạt tiêu chí gia đình văn hóa.
Công tác chăm lo đời sống cho người nghèo được quan tâm. Các tổ chủ động khai thác, phát huy sức mạnh của cộng đồng dân cư và toàn xã hội nhằm giúp người nghèo vượt qua khó khăn. Đến nay, các tổ đã vận động ủng hộ cất nhà tình thương, sửa chữa nhà ở, tặng quà cho hộ nghèo với số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Tích cực phát triển giao thông nông thôn, đóng góp thực hiện chương trình thắp sáng đường quê, thực hiện các công trình phúc lợi xã hội và công việc khác mang tính an sinh xã hội với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Thực hiện tự chủ, tự quản về an ninh, trật tự, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh bài trừ các loại tệ nạn xã hội như cờ bạc, số đề, trộm cắp, cướp giật, ma tuý, mại dâm… Vận động 100% hộ dân làm cột cờ, trồng hoa trước nhà, xây dựng hàng rào tạo cảnh quang xanh, sạch, đẹp. Phong trào treo ảnh Bác Hồ trong gia đình nơi trang trọng được thực hiện rộng khắp trong khu dân cư (đạt 100%).
Ban quản lý các tổ quan tâm vận động hỗ trợ nâng cao thu nhập cho từng hộ gia đình thông qua việc phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ; trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi phương thức sản xuất, cải tạo vườn tạp, ngành nghề truyền thống, dịch vụ; học tập mô hình sản xuất, tham gia hội thảo đầu bờ, nhất là xây dựng cánh đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, nên các vụ mùa đều đạt năng suất cao, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, một số tổ còn liên kết, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, nhà máy giới thiệu việc làm cho thanh niên trên địa bàn như làm công nhân, thành lập đội bốc xếp, tổ sơn bê... góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cơ bản ổn định.
Sau một năm thực hiện, mô hình Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, các tổ hoạt động đúng theo quy chế, từng hộ gia đình đã nâng cao nhận thức và có trách nhiệm và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các vụ, việc vi phạm như gây rối trật tự công cộng, trộm cắp giảm đáng kể; môi trường được xanh, sạch, đẹp; quyền tự chủ, tự quản của người dân được phát huy tốt hơn; gắn kết tình làng nghĩa xóm, đời sống, tinh thần của các hộ dân ngày được cải thiện. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đánh giá cao về sự sáng tạo, ảnh hưởng tích cực của mô hình Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng đối với khu dân cư, đồng thời đề nghị nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Trần Thắng
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp