Mùa xuân là mùa đâm chồi, nảy lộc, sinh sôi nảy nở của muôn loài, đối với tăng ni, phật tử, mùa xuân được coi là thời khắc quan trọng của Phật sự, biểu trưng cho sự an lạc, hạnh phúc, ấm no, hòa bình và phát triển. Những ngày Xuân Giáp Ngọ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tăng ni, phật tử đang dành công sức và tâm huyết chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc VESAK 2014, kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn của đức Phật. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Kính bạch Hòa thượng, năm 2014 Phật giáo Việt Nam vinh dự được tổ chức Đại lễ VESAK. Xin Hòa thượng cho biết ý nghĩa của Đại lễ VESAK lần này?
Như đã biết, Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc (LHQ) VESAK 2008 với chủ đề “Sự cống hiến của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” lần đầu được tổ chức tại Việt Nam, có hơn 600 phái đoàn Phật giáo với hơn 4.000 đại biểu từ 78 nước trên thế giới và hàng chục nghìn tăng ni, phật tử tham dự, để lại một dấu ấn mang tầm vóc quốc tế. Đây là sự kiện Phật giáo lớn nhất trong hơn 2 nghìn năm lịch sử của Phật giáo Việt Nam gắn bó cùng dân tộc. Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên từ phạm vi quốc gia đã bước ra vũ đài quốc tế, để lại ấn tượng rất tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế; nâng cao vị thế Phật giáo Việt Nam cũng như thể hiện đời sống sinh hoạt tôn giáo rất sinh động và tự do tại Việt Nam.
Đại lễ VESAK LHQ 2014 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đăng cai chủ trì, có sự phối hợp tổ chức của Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (ICDV), sự giúp đỡ và bảo trợ của Chính phủ Việt Nam sẽ là sự kiện nổi bật không chỉ có ý nghĩa ở phạm vi trong nước mà còn là một sự kiện quốc tế quan trọng. Chủ đề chính của Đại lễ VESAK LHQ 2014 là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ”. Đây là vấn đề mang tầm vóc quốc tế. Đến nay, gần 190 quốc gia thành viên đã ký vào bản cam kết thực hiện mục tiêu này. Việc lựa chọn chủ đề này cho thấy sự nhập thế, sự gắn bó máu thịt của Phật giáo với nhân loại, với đất nước và nhân dân Việt Nam. Các mục tiêu này cùng với 21 chỉ tiêu cụ thể cần đạt được trong thời gian nhất định, giúp cộng đồng quốc tế có thể dễ dàng kiểm định các tiến triển của mình. Phần lớn các mục tiêu đều liên quan đến cuộc sống con người, đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Phật giáo có triết lý bao quát nhất là vì con người. Phật giáo ra đời nhằm mưu cầu cho con người được sống hạnh phúc trong an lạc. Vậy nên Phật giáo không thể đứng ngoài những vấn đề mà mục tiêu phát triển thiên niên kỷ quan tâm.
Đại lễ VESAK 2014 dự kiến sẽ đón tiếp khoảng 1.500 lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sĩ, học giả Phật giáo, các phật tử hành trì đến từ 90-100 quốc gia, vùng lãnh thổ và hàng vạn đồng bào tham dự.
Từ chủ đề chính Đại lễ VESAK LHQ 2014 sẽ có 5 hội thảo khoa học bao gồm: Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội; Hồi ứng của Phật giáo đối với sự nóng lên toàn cầu và bảo vệ môi trường; Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh; Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu - mâu thuẫn; Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học.
Đây cũng là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với LHQ, đồng thời là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Kính bạch Hòa thượng, lý do nào mà LHQ chọn Việt Nam để tổ chức Đại lễ VESAK lần thứ hai?
Việt Nam là đất nước có truyền thống Phật giáo, với lịch sử hơn 2 nghìn năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, văn hóa Phật giáo đã trở thành bộ phận hữu cơ trong nền văn hóa dân tộc. GHPGVN đã có quá trình 32 năm xây dựng, trưởng thành, là tổ chức đại diện cho hàng chục triệu phật tử và những người yêu mến đạo Phật, việc Việt Nam đăng cai tổ chức VESAK 2014 là nguyện vọng thiết tha của nhiều giới, đồng bào.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, Phật giáo Việt Nam vừa không ngừng chuyển mình, mang tinh thần nhập thế vào xã hội và nhân sinh, góp phần phát huy bản thân và văn hóa dân tộc trong thời đại mới, có vai trò ngày càng nổi bật trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Lịch sử Phật giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng của lịch sử Việt Nam. Những chất liệu văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống Phật giáo đã góp phần tạo nên bản sắc, căn cốt của văn hóa Việt Nam. Trong thời đại ngày nay, việc chủ động tham gia quá trình hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa kinh tế, văn hóa là yêu cầu của mỗi quốc gia, dân tộc, trong đó có Phật giáo.
Xuất phát từ những đạo lực và tâm nguyện đó, được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã có văn thư gửi Chủ tịch ủy ban tổ chức Quốc tế VESAK LHQ xin đăng cai tổ chức VESAK 2014 tại Việt Nam.
Hoà thượng GS, TS. Brahmapundit - Chủ tịch ủy ban tổ chức Quốc tế ICDV đã căn cứ vào Hiến chương Đại lễ VESAK LHQ ủng hộ và chấp thuận GHPGVN đăng cai Đại lễ VESAK LHQ và Hội thảo Phật giáo quốc tế tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, từ ngày 7 đến 11-5-2014.
Đại lễ VESAK 2014 lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam sẽ tỏ rõ vị thế của Phật giáo trong giai đoạn mới, khẳng định với thế giới về tinh thần đoàn kết tôn giáo và dân tộc ở Việt Nam. Trong thành công thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam có sự đóng góp to lớn của hàng triệu tăng ni và phật tử nước nhà. Đặc biệt, Phật giáo đã phát huy được thế mạnh của mình trong lĩnh vực từ thiện và nhân đạo, giáo dục đạo đức, lối sống cũng như giải quyết các vấn nạn tiêu cực xã hội, góp phần giải quyết tận gốc các hiểm họa của nhân loại.
Kính bạch Hòa thượng, phải chăng đây cũng là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đến Phật giáo cũng như những mục tiêu thiên niên kỷ mà Phật giáo hướng đến?
Kế thừa Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng ta về tự do tôn giáo, tín ngưỡng và đoàn kết dân tộc qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã có nhiều chủ trương về tôn giáo, tín ngưỡng và công tác tôn giáo. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị (khóa VI) “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” đã nêu hai luận điểm mang tính đột phá: “Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân” và “Tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chế độ mới”. Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo...”.
Với mong muốn tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, cũng như giữa phật tử Việt Nam với phật tử các nước trong khu vực và trên thế giới, vì hòa bình, dân chủ, hợp tác, phát triển và tiến bộ xã hội mà Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận để GHPGVN đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ VESAK năm 2014.
Với VESAK 2014, một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng Phật giáo, các tôn giáo nói chung và sự đoàn kết các tôn giáo, dân tộc cùng xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường. VESAK là sự kiện quốc tế, do LHQ tổ chức hằng năm, kể từ năm 2000. Do vậy những mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ, những giá trị cao đẹp, nhân bản đã được thừa nhận trên phạm vi toàn thế giới của đạo Phật rất có ý nghĩa trong đời sống của nhân loại.
Qua việc đồng ý cho GHPGVN đăng cai tổ chức VESAK 2014, thêm một lần nữa khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam bảo đảm và tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; thể hiện rõ trách nhiệm và các cam kết về các mục tiêu chung của nhân loại.
Kính bạch Hòa thượng, sau Đại lễ VESAK 2014, Phật giáo Việt Nam sẽ triển khai các mục tiêu thiên niên kỷ trên đất nước ta như thế nào?
Hy vọng với sự chuẩn bị chu đáo của Việt Nam, sự quan tâm của Nhà nước, sự ủng hộ hết mình của cộng đồng phật tử và của nhân dân cả nước thì sự kiện VESAK 2014 tại Việt Nam chắc chắn sẽ thành công, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Những giá trị cao quý, nhân văn có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa thời đại mà Hội nghị đề cập và thông qua chắc chắn sẽ được GHPGVN triển khai một cách tích cực, chủ động. GHPGVN tích cực vận động cộng đồng tăng ni, phật tử và những người yêu mến đạo Phật cùng chung tay thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ trong đời sống hằng ngày, như việc phòng, chống và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu, hay việc xây dựng nền tảng đạo đức xã hội theo hướng đẩy mạnh giáo dục và phổ biến triết lý nhân - quả của đạo Phật trong cộng đồng, vận động phật tử sống hữu ích, có trách nhiệm với gia đình và xã hội, tương hợp và hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đề cao nền tảng đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa của dân tộc...
Những việc làm thiết thực đó sẽ góp phần cùng Nhà nước và nhân dân biến chủ đề của Đại lễ VESAK thành đời sống hiện sinh trên đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, giàu truyền thống nhân nghĩa.
Đầu Xuân Giáp Ngọ, xin dẫn lời dạy sâu sắc của Đức Phật - ngọn đuốc soi đường cho những ai muốn thành tâm giải quyết các vấn đề thiên niên kỷ, từ các nhà lãnh đạo quốc gia đến mọi người dân:
“Vui thay chúng ta sống, không tham giữa cuộc đời đầy tham
Vui thay chúng ta sống, không sân giữa cuộc đời đầy sân
Vui thay chúng ta sống, không chấp giữa cuộc đời đầy tranh chấp”.
Trân trọng cảm ơn Hòa thượng. Nhân dịp đón xuân mới, xin kính chúc Hòa thượng mạnh khỏe, an lành, phụng sự Giáo hội và Tổ quốc được nhiều hơn.
Hòa thượng Thích Gia Quang
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.