Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội XI, XII, XIII, Ban Chấp hành Trung ương đều chọn Hội nghị lần thứ tư là hội nghị đầu mỗi khoá để bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngay sau các hội nghị bàn về quy chế làm việc, công tác tổ chức, cán bộ. Có thể thấy việc này không phải ngẫu nhiên, mà rất lô-gic, có tính tiếp nối và hoàn thiện...
Phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, sáng 7-10-2021 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cái mới của lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...”(1).
Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội XI, XII, XIII, Ban Chấp hành Trung ương đều chọn Hội nghị lần thứ tư để bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngay sau các hội nghị bàn về quy chế làm việc, công tác tổ chức, cán bộ. Có thể thấy việc này không phải ngẫu nhiên, mà rất lô-gic, có tính tiếp nối và hoàn thiện. Đảng ta đã xác định, thực hiện đường lối phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay. Do đó, nhiệm vụ xây dựng Đảng cần được ưu tiên triển khai, đồng thời thể hiện sự quyết tâm, quan điểm lãnh đạo xuyên suốt, nhất quán trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Qua theo dõi diễn biến và kết quả Hội nghị Trung ương 4, lần này Đảng ta bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, “tiêu cực” sát hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay. Trong đó nhấn mạnh, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng.
Tiếp nối thành quả, kinh nghiệm Đại hội XI và XII, Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung những nhận thức mới quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt, đã nhấn mạnh tới việc gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây cũng là nhiệm vụ, phương hướng trọng tâm của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo là: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”(2).
Có thể khẳng định, chưa bao giờ, Đảng ta lại coi trọng và tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng như hiện nay. Đó là sứ mệnh cao cả của Đảng, đồng thời, thực hiện trọn vẹn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(3).
Theo Hồ Chí Minh, muốn như vậy, một trong những biện pháp cơ bản là Đảng phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và đây là công việc thường xuyên; Đảng cầm quyền, nhưng nhân dân là chủ. Vì vậy, chỉnh đốn Đảng một mặt khẳng định sức mạnh chính trị to lớn của Đảng trong cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới đối với các lĩnh vực đời sống xã hội; mặt khác, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên lợi dụng cương vị của Đảng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, đi ngược lại lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, dẫn tới lạm quyền, lộng quyền, đặc quyền, đặc lợi.
Đảng ta đã và đang tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, bài bản công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực, tập trung, phối hợp nhịp nhàng của các cấp ủy, tổ chức đảng, các bộ, ngành, địa phương; sự đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; góp phần đem lại niềm tin cho nhân dân, là hiện thực sinh động để phê phán, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng ta.
Niềm tin của nhân dân ta đối với sự nghiệp đổi mới và xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là niềm tin đã được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nhân dân nguyện một lòng theo Đảng, Đảng một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân thì Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác, chân lý đó đã được thực tiễn kiểm nghiệm và minh chứng. Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng xuyên suốt bề dày gần 92 năm qua cho thấy, với đường lối chính trị đúng đắn và bằng sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên, Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giai cấp và dân tộc không chỉ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân mà còn nhanh chóng giành được vị thế lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ thực tế cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có thể khẳng định, mọi thành công của cách mạng Việt Nam chỉ có được khi xuất phát từ lợi ích của nhân dân, hợp lòng dân và được nhân dân tin tưởng, đồng lòng ủng hộ.
Nhìn lại chặng đường Đảng ta đồng hành cùng dân tộc cho thấy, vào những giai đoạn, thời điểm quan trọng, Đảng ta luôn có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để thay đổi cục diện, đưa cách mạng tiến lên. Với việc xác định trúng khâu then chốt, đúng các vấn đề, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và Hội nghị Trung ương 4 lần này, Đảng ta một lần nữa cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt, khoa học của một đảng cầm quyền. Đó là cơ sở để nhân dân tin tưởng vào sự phát triển bền vững đất nước thời gian tới.
---------------------------
(1) Báo Nhân Dân điện tử, ngày 7-10-2021.
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.40.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tập 12, tr.510.
Nguyễn Văn Chiến