Những nỗ lực của các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh
Bắc Giang là tỉnh miền núi, có 9 huyện, 1 thành phố, 230 xã, phường, thị trấn, 2.495 thôn, bản, tổ dân phố. Dân số của toàn tỉnh hiện nay có trên 1,6 triệu người, tỷ lệ người dân tộc thiểu số khoảng 12,5%. Đảng bộ tỉnh Bắc Giang hiện có 15 đảng bộ trực thuộc; 752 TCCSĐ, 4.509 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với 77.354 đảng viên. Trong những năm qua, cấp ủy, UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Trung ương, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Đồng thời tăng cường giáo dục, rèn luyện đảng viên giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và tính tiền phong, gương mẫu trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Từ đầu năm 2013 đến hết năm 2015, cấp ủy, UBKT các cấp và các chi bộ trong Đảng bộ tỉnh đã tiến hành kiểm tra 10.284 đảng viên, kết luận 3.207 đảng viên có vi phạm, 1.198 đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, đã xử lý kỷ luật 1.130 đảng viên, với các hình thức: Khiển trách 659 (chiếm 58,3%), cảnh cáo 324 (chiếm 28,6%); cách chức 23 (chiếm 2,2%); khai trừ 124 (chiếm 10,9% đảng viên vi phạm). Về chủ thể quyết định: Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 1 đảng viên với hình thức cảnh cáo. Cấp ủy, ban thường vụ (BTV) cấp ủy cấp huyện thi hành kỷ luật 52 đảng viên với các hình thức: khiển trách 19, cảnh cáo 11, cách chức 16, khai trừ 6 đảng viên. Đảng ủy cấp cơ sở thi hành kỷ luật 424 đảng viên (khiển trách 240, cảnh cáo 184). Các chi bộ thi hành kỷ luật 373 đảng viên (khiển trách 313, cảnh cáo 60). UBKT Tỉnh ủy thi hành kỷ luật cảnh cáo 1 đảng viên; UBKT cấp huyện thi hành kỷ luật 279 đảng viên, gồm: khiển trách 87, cảnh cáo 67, cách chức 7, khai trừ 118 đảng viên. Đối tượng đảng viên bị kỷ luật gồm: Cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý 3 đồng chí; cán bộ diện BTV cấp ủy cấp huyện quản lý 112; cán bộ diện cấp ủy cơ sở quản lý 287; trong đó: tỉnh ủy viên 1; huyện ủy viên và tương đương 13; đảng ủy viên đảng ủy cơ sở 138 và chi ủy viên 173. Nội dung vi phạm: Về chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình 317; về nguyên tắc tập trung dân chủ 136; về đất đai, nhà ở 130; về tệ nạn xã hội 97; về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao 60; đạo đức, nếp sống văn minh 51; về lĩnh vực tài chính, ngân hàng 38; về lãnh đạo, quản lý điều hành 31; về đầu tư, xây dựng 25; về quy định phòng, chống tham nhũng, lãng phí 22; về quản lý, sử dụng các loại quỹ 14; về phát ngôn 6; về đạo đức nghề nghiệp 5; về công tác tổ chức, cán bộ 1; về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo 1; về hôn nhân và gia đình 1; về bạo lực gia đình 1 đồng chí (1).
Nhìn chung, việc xem xét, xử lý các trường hợp đảng viên vi phạm đều cơ bản đúng quy trình, đúng thẩm quyền, bảo đảm nghiêm minh, có sự xử lý đồng bộ giữa kỷ luật đảng với kỷ luật của chính quyền và đoàn thể, gắn với thu hồi kinh tế, khắc phục hậu quả theo Quy định.
Hạn chế, khó khăn, vướng mắc
Thực tế vừa qua cho thấy: Một số cấp ủy chưa xác định đầy đủ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Việc thực hiện Quy định số 181-QĐ/TW còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Trong một số trường hợp, việc áp dụng nội dung, hình thức xử lý kỷ luật chưa phù hợp với lỗi vi phạm của đảng viên. Một số cán bộ, đảng viên vi phạm được phát hiện qua thanh tra, điều tra, kiểm toán nhưng chưa được các tổ chức đảng, đoàn thể có thẩm quyền kịp thời xem xét trách nhiệm để xử lý kỷ luật. UBKT cấp ủy cơ sở, cấp ủy viên phụ trách công tác kiểm tra, giám sát của một số chi bộ chưa tích cực tham mưu cho cấp ủy xem xét, áp dụng các nội dung của Quy định số 181-QĐ/TW trong xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; tham mưu thực hiện quy trình xem xét, xử lý kỷ luật chưa chặt chẽ. Một bộ phận cán bộ kiểm tra các cấp, nhất là cấp cơ sở trình độ, năng lực yếu, chưa chủ động nắm bắt tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp ủy trong công tác kiểm tra, giám sát. Sự phối hợp giữa UBKT với các tổ chức đảng, cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng ở một số nơi chưa hiệu quả, thiếu đồng bộ. Trong thi hành kỷ luật, một số tổ chức đảng vẫn còn tư tưởng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu kiên quyết. Việc kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng cấp trên đối với cấp dưới và đảng viên có nơi còn bị buông lỏng.
Trong quá trình xem xét kỷ luật đảng viên vi phạm, các cấp ủy, tổ chức đảng phát hiện thấy một số điểm trong Quy định, Hướng dẫn của Trung ương còn bất cập, chưa phù hợp, nhưng còn lúng túng và vẫn áp dụng một cách máy móc. Nhiều ý kiến cho rằng nội dung khoản 1 và 2, Điều 26, Quy định số 181-QĐ/TW về hình thức kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba, thứ tư và giữa đảng viên có chức vụ với không có chức vụ như vậy là nhẹ, không có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung và chưa bảo đảm nguyên tắc: “Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng”, dẫn đến việc xử lý kỷ luật chưa công bằng giữa một số trường hợp. Mặt khác, Quy định số 181-QĐ/TW đã đề cập cơ bản các lĩnh vực đảng viên dễ mắc phải vi phạm, nhưng còn một số lĩnh vực chưa đề cập, quy định. Do vậy, khi đảng viên vi phạm chưa có căn cứ để áp dụng xử lý kỷ luật, như: vi phạm trong vay, mượn tiền, tài sản của người khác và không có khả năng trả nợ...
Kinh nghiệm rút ra
Một là, các cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải xác định rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên.
Hai là, thường xuyên phổ biến các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng trong cấp ủy, tổ chức đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên để nghiên cứu, học tập. Trong xem xét, xử lý kỷ luật, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp phải đề cao ý thức đấu tranh, tự phê bình và phê bình của đảng viên; phát huy dân chủ, khách quan; bảo đảm đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục; xử lý đồng bộ giữa kỷ luật đảng với kỷ luật của chính quyền, đoàn thể.
Ba là, UBKT của cấp ủy các cấp phải thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa UBKT cấp ủy với các tổ chức đảng, cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng để xem xét, xử lý đảng viên một cách khách quan, chính xác và đồng bộ.
Bốn là, kịp thời củng cố kiện toàn UBKT cấp ủy các cấp, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, bảo đảm có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, kinh nghiệm và bản lĩnh, để thực hiện tốt vai trò làm tham mưu với cấp ủy trong xem xét, xử lý kỷ luật đảng và thực hiện toàn diện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng giai đoạn hiện nay.
TS. THÂN MINH QUẾ
Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang
-----
(1) Báo cáo số 31-BC/TU ngày 24-3-2016 của Tỉnh ủy Bắc Giang.