Đảng bộ tỉnh Phú Thọ: Chăm lo công tác phát triển đảng viên
Những đảng viên là giáo dân không chỉ luôn gương mẫu tham gia các phong trào mà còn vận động bà con có đạo cùng đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, đường giao thông nông thôn. Làm đường giao thông nông thôn ở khu 7, xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê.

Một số kết quả nổi bật

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các cấp ủy trong tỉnh đã chủ động, kịp thời triển khai và tổ chức thực hiện; gắn công tác triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác phát triển đảng viên với việc tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về xây dựng, củng cố tổ chức đảng. Trong thời gian thực hiện Nghị quyết, các tổ chức cơ sở đảng trong tỉnh đã lựa chọn được 35.489 quần chúng ưu tú đưa vào danh sách cảm tình đảng. Ban tổ chức các huyện, thành, thị ủy và đảng uỷ trực thuộc Tỉnh ủy đã phối hợp với các trung tâm bồi dưỡng chính trị tổ chức được 226 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 21.941 quần chúng ưu tú, trong đó có 17.112 đoàn viên, thanh niên (chiếm 77,9%), 11.820 nữ (chiếm 53,8%). Công tác kết nạp đảng viên được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, bảo đảm đúng quy định của Điều lệ Đảng. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã kết nạp được 13.338 đảng viên (bình quân mỗi năm kết nạp được 3.102 đảng viên, vượt 24% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra).

Trong tổng số 13.338 đảng viên mới kết nạp, có 69,44% đảng viên từ 30 tuổi trở xuống đạt, 48,8% nữ, 2,1% là người có đạo, 14,22% người dân tộc thiểu số, 32,6% nông dân, 9,2% công nhân lao động, 15,1% cán bộ, công chức, 33,1% viên chức, 4% lực lượng vũ trang chiếm; đặc biệt có 991 đảng viên thuộc các xã đặc biệt khó khăn (7,4%). Về trình độ văn hóa, có 94% đảng viên tốt nghiệp THPT, 4,2% công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ, 22,3% trung cấp, 12,3% cao đẳng và 40,3% có trình độ đại học trở lên. Hằng năm, có 86,74% số cơ sở đảng có nguồn kết nạp đảng viên, vượt 6,74% mục tiêu nghị quyết đề ra; tỷ lệ chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở có nguồn kết nạp đảng viên trung bình hằng năm đạt 76,64%, vượt 16,64% mục tiêu Nghị quyết. Đến tháng 12-2013 toàn tỉnh đã khắc phục được tình trạng khu dân cư chưa có chi bộ độc lập.

Cùng với việc phát triển đảng viên, các cấp ủy trực thuộc Tỉnh uỷ đã mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới; chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở làm tốt việc phân công đảng viên tiếp tục giúp đỡ, làm thủ tục xét và công nhận đảng viên chính thức cho đảng viên dự bị đảm bảo đúng quy định. Nhìn chung, đảng viên mới kết nạp nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ; tỷ lệ đảng viên dự bị phải xóa tên trong danh sách đảng viên chiếm 0,005% so với tổng số đảng viên mới được kết nạp trong thời gian qua.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, hầu hết các chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Kết quả nổi bật qua 5 năm thực hiện Nghị quyết là nhận thức của các cấp ủy về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên được nâng lên; toàn tỉnh đã sớm hoàn thành mục tiêu 100% khu dân cư có chi bộ độc lập, góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.

Sau 5 năm chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ rút ra một số kinh nghiệm

Một là, các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác chỉ đạo trong việc quán triệt, tuyên truyền, tạo bước chuyển biến mới về nhận thức đối với công tác phát triển đảng viên. Coi công tác phát triển đảng viên là một nội dung quan trọng trong đánh giá chất lượng hằng năm đối với các tổ chức đảng, đảng viên và các đoàn thể.

Hai là, phải đánh giá đúng thực trạng, những khó khăn, thuận lợi trong công tác phát triển đảng viên để xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thực hiện phù hợp, sát tình hình thực tế. Quán triệt và thực hiện đúng phương châm, tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng viên, công nhận đảng viên chính thức theo quy định của Điều lệ Đảng, hướng dẫn của Trung ương.

Ba là, chú trọng và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên. Quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cấp uỷ viên, nhất là bí thư chi bộ. Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị và chất lượng công tác tham mưu của các ban xây dựng đảng.

Bốn là, chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", qua đó phát hiện, lựa chọn những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến để bồi dưỡng kết nạp Đảng.

Năm là, các cơ quan tham mưu của cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực, chủ động trong việc phối hợp tham mưu giúp cấp ủy thực hiện công tác phát triển đảng viên; thường xuyên rà soát, kịp thời bổ sung kế hoạch, biện pháp sát với yêu cầu thực tế đặt ra để thực hiện có hiệu quả.

Sáu là, cấp ủy cấp trên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cấp ủy cấp dưới; coi trọng việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng những tổ chức đảng và đảng viên thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên.

Quan tâm kết nạp đảng viên là công nhân và nông dân

Tuy còn một số hạn chế cần khắc phục, nhưng kết quả công tác phát triển đảng viên 5 năm qua đã tạo tiền đề quan trọng để Đảng bộ tỉnh đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong thời gian tới.  Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã tiếp tục ban hanh Nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên giai đoạn 2016-2020, với những yêu cầu và mục tiêu cao hơn, bám sát thực tiễn. Đảng bộ tỉnh phấn đấu, hằng năm kết nạp ít nhất 2.500 đảng viên, trong đó có trên 300 đảng viên là công nhân trong doanh nghiệp, 35% trở lên là nông dân, 65% trở lên trẻ tuổi, 46% nữ, 2% trở lên là người có đạo, 12% trở lên là người dân tộc thiểu số. Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu, hằng năm có 85% trở lên số tổ chức cơ sở đảng, 65% trở lên số chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở có nguồn kết nạp được đảng viên mới; duy trì 100% khu dân cư có chi bộ độc lập; đến năm 2020 tất cả các trạm y tế có chi bộ độc lập.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà các cấp ủy trong tỉnh cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong thời gian tới, đó là:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 22-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 22-NQ/TU của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về củng cố, phát triển tổ chức đảng, đảng viên; về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc củng cố, phát triển tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn đến năm 2020.

2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, tạo việc làm ổn định tại chỗ cho đối tượng lao động trẻ. Xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.  

3. Cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tạo nguồn phát triển đảng viên. Thường xuyên rà soát, bổ sung quần chúng ưu tú vào danh sách cảm tình đảng; làm tốt công tác phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ quần chúng. Thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục, nguyên tắc kết nạp đảng theo quy định; khắc phục tình trạng cơ sở đảng có “nguồn” nhưng không kết nạp được đảng viên.

4. Cấp ủy các cấp chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên; hằng năm giao chỉ tiêu định hướng về số lượng kết nạp đảng viên cho các cơ sở đảng gắn với địa bàn và cơ cấu cần ưu tiên; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp ủy viên phụ trách cơ sở; định kỳ sơ, tổng kết, nhân rộng các điển hình về công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên. Lấy kết quả thực hiện công tác kết nạp đảng viên là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm.

5. Tăng cường đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên; thường xuyên phát động các phong trào thi đua, tạo môi trường cho quần chúng rèn luyện, phấn đấu, qua đó phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng viên. Lấy kết quả phát triển đảng viên là một nội dung quan trọng để xem xét đánh giá xếp loại các tổ chức chính trị - xã hội hằng năm.


6. Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm bồi dưỡng chính trị; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng viên.


7. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu của các cơ quan giúp việc cấp ủy; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy cấp dưới trong công tác kết nạp đảng viên.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất