Vĩnh Long hiện có 2.697 doanh nghiệp tư nhân với 94.700 lao động, trong đó 20 doanh nghiệp có tổ chức đảng với 756 đảng viên; 113 doanh nghiệp tư nhân có tổ chức công đoàn với 18.601 công đoàn viên; 9 doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đoàn thanh niên.
Số lượng kết nạp còn ít
Nhiều năm qua, thi hành Điều lệ Đảng và thực hiện Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 30-1-2013 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thực hiện thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã có nhiều biện pháp nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng. Cấp ủy các cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn hoạt động ổn định và phát triển, tạo môi trường để chủ doanh nghiệp tư nhân phấn đấu vào Đảng. Tuy nhiên, việc kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân ở Vĩnh Long còn nhiều khó khăn, số lượng kết nạp chưa nhiều. Trong 7 năm (từ 2013 đến nay), toàn tỉnh chỉ kết nạp được 57 đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân. Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long hiện có 756 đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, chiếm 1,78% tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ, trong đó chỉ có 16 đảng viên là chủ doanh nghiệp.
Việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng còn gặp khó khăn bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết là do đa số chủ doanh nghiệp chỉ coi trọng nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, chủ yếu quan tâm đến doanh thu và lợi nhuận. Họ có suy nghĩ vào Đảng sẽ chịu sự chi phối và quản lý của tổ chức đảng cũng như các đoàn thể chính trị - xã hội nên chưa thiết tha phấn đấu để trở thành đảng viên, chưa quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn lao động để giới thiệu kết nạp vào Đảng. Thêm nữa, theo quy định để kết nạp chủ doanh nghiệp vào Đảng phải đáp ứng các điều kiện như: doanh nghiệp phải có trụ sở chính ổn định, có tổ chức đảng hoặc tổ chức công đoàn hoạt động theo quy định của pháp luật, tổ chức sản xuất - kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã đăng ký, ổn định, bảo toàn được vốn, có hiệu quả trong thời gian 3 năm (tính đến thời điểm chủ doanh nghiệp được chi bộ xem xét kết nạp). Mà trên thực tế các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, hoạt động thiếu tính ổn định, chưa bền vững; số lượng lao động ít và thường xuyên biến động nên rất khó đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện này. Mặc khác, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục để chủ doanh nghiệp phấn đấu, tự nguyện vào Đảng hoặc có nhưng hình thức và phương pháp vận động tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu.
Giải pháp
Để công tác kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân nâng cao cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới, các cấp ủy đảng ở Vĩnh Long xác định thực hiện một số giải pháp trọng tâm:
Một là, cấp ủy các cấp đẩy mạnh công tác tuyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên và chủ doanh nghiệp về nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Hai là, phân công tổ chức đảng, cấp ủy viên theo dõi, giúp đỡ những quần chúng ưu tú trong các doanh nghiệp tư nhân để giới thiệu cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp. Mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng với nội dung và tài liệu ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, bố trí thời gian, địa điểm phù hợp với từng đối tượng.
Ba là, thường xuyên trao đổi, tiếp xúc với doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người lao động trong doanh nghiệp; vận động, hướng dẫn doanh nghiệp đủ điều kiện về số lượng người lao động thành lập tổ chức công đoàn, hoặc tổ chức đoàn thanh niên để từng bước phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp người lao động ưu tú đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể cùng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động và doanh nghiệp.
Thúy Vân
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long