Tâm sự của một đảng viên lão thành
Người Pháp đưa tôi vào Huế để chuẩn bị lên tàu. Tôi biết mình là dân thuộc địa, sang Pháp chỉ làm bia đỡ đạn nên tôi quyết tìm cách ở lại. Thời điểm đó đang có dịch sốt rét da vàng, nên tôi đã cùng một số anh em, trong đó có một người tên là Đại, có người nhà là bác sĩ, bàn cách uống Premaline quá liều khiến da vàng, mắt vàng nên bị loại ra và không phải sang Pháp. Biết tôi nói được tiếng Pháp nên họ cho tôi đi học lớp giáo viên để dạy thể dục. Sau đó cử tôi làm giáo viên dạy thể dục ở Trường Trung học Đồng Khánh (Huế). Sau vài tuần làm giáo viên ở trường Đồng Khánh, một tên lính sen đầm Pháp đưa giấy ép tôi ký làm mật thám cho Sở Sen đầm Pháp. Công việc chính là nắm tình hình các nữ sinh con nhà quý tộc. Tôi từ chối, cương quyết không làm. Sau đó mấy ngày, Pháp đuổi tôi khỏi trường. Khi đó, anh trai một người bạn tôi đến gặp và hỏi tại sao tôi từ chối làm việc cho Pháp. Tôi khẳng khái trả lời ngay là tôi từng tham gia phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, nay lại đi làm mật thám cho Pháp tức là tôi phản lại cách mạng, phản lại truyền thống gia đình. Nghe tôi nói chuyện, người anh đó bắt đầu để ý, tuyên truyền cho tôi về cách mạng, về Việt Minh.

Rời quê hương

Đầu năm 1940, Pháp điều người sang Lào đánh nhau với Thái Lan ở Sa-vẳn-na-khệt. Người anh của bạn tôi cho tôi biết ở Thái - Lào có Đặc uỷ Đảng Cộng sản Đông Dương cần người liên lạc để hoạt động. Tôi quyết định nhận lời rời quê hương sang Sa-vẳn-na-khệt. Vừa đến nơi, tôi tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Thái và Lào. Sau khi bắt được liên lạc, tôi được trao nhiệm vụ làm công tác binh vận trong quân đội Pháp. Đến ngày Nhật lật đổ Pháp ở Lào - Thái, tôi tiếp tục làm công tác binh vận trong quân đội Nhật. Nhiệm vụ chủ yếu là thuyết phục những binh lính người Việt trong quân đội Nhật phản chiến, theo về cách mạng. Những tháng đầu năm 1945, phong trào Việt kiều ở Thái - Lào hoạt động rất mạnh, có nhiều thành tích quan trọng. Đến tháng 5-1945, tôi bị Nhật bắt giam vào nhà tù ở Sa-vẳn-na-khệt cho đến ngày Nhật đầu hàng quân đồng minh. Ngày 19-8-1945, sau khi ra tù, tôi được Đặc uỷ Việt kiều chỉ định vào Ban chỉ huy Việt kiều giải phóng quân Sa-vẳn-na-khệt và nhận vai trò chỉ huy liên quân Việt - Lào giành chính quyền tại địa phương.

Thời kỳ 1945-1948, tôi là thành viên Đảng uỷ Thái - Lào tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng, xây dựng căn cứ, chỉ huy lực lượng quân tình nguyện chiến đấu chống địch phản kích tái chiếm Sa-vẳn-na-khệt, Thà-khẹt. Giai đoạn này có những chiến công oanh liệt, nhưng cũng có những tổn thất, mất mát, lưu lại trong tôi những dấu ấn không thể nào quên, luôn nhắc nhở tôi về những hy sinh của đồng chí, đồng bào mình phải được đền đáp xứng đáng. Nhiều năm sau này được sống trong hoà bình, bài học trong giai đoạn cách mạng 1945-1948 ở Lào vẫn luôn nhắc nhở tôi cùng các đồng chí mình phải không ngừng cố gắng, nỗ lực.

Năm 1948, do yêu cầu của cách mạng cần mở mặt trận ở Bắc Căm-pu-chia, tôi được điều về làm Bí thư Ban Cán sự liên chi Bắc Căm-pu-chia, rồi Bí thư Ban Cán sự Tây Bắc gồm các tỉnh Xiêm Riệp, Công Pông, Công Pông Thom. Một trong những trận chiến đấu oai hùng, vẻ vang nhất cuộc đời tôi đã trải qua chính là trận chiến đấu Ô-tô-ray. Đây là một chiến thắng cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa cả về quân sự, chính trị trên chiến trường Đông Dương thời đó. Chính báo Nhân đạo (L’umanité) của Đảng Cộng sản Pháp đã đăng tải rất rõ về trận chiến này. Nhận được tin tình báo về đoàn Ô-tô-ray đi từ phía Bát-đom-bang về, vốn là một người thợ hoả xa, tôi chỉ huy lực lượng vào công trường lấy cờ-lê và công cụ tháo bu-lông đường ray, đào rộng nền đá tà-vẹt và đốn gỗ rừng… phục kích đoàn tàu trên một địa điểm hiểm yếu. Mặc dù địch đã đề phòng nhưng đoàn Ô-tô-ray vẫn bị trật bánh, nghiêng đổ. Chỉ với 50 viên đạn, quân tình nguyện đã tiêu diệt gọn đoàn Ô-tô-ray chở hơn 100 sĩ quan, binh lính Pháp, quan lại bù nhìn và gia binh, thương gia, áp tải, thu nhiều chiến lợi phẩm. Đối với quan chức chính quyền bù nhìn, gia binh, thương gia, tôi chỉ đạo băng bó cứu chữa, tuyên truyền, giải thích, khoan hồng. Sau đó cho lực lượng chặn những xe tải đường bộ chở và thả số hàng binh, gia binh, thương gia này về Phnôm-pênh.

Những năm sau này, với cương vị là Bí thư Ban Cán sự Tây Bắc, tôi đưa lực lượng cách mạng của Bạn xuống hợp nhất với lực lượng ở phía Tây Nam và tích cực phối hợp với chỉ huy cách mạng Hạ Lào và Quân khu 5 của Việt Nam, xây dựng vùng căn cứ địa ngã ba biên giới, chuẩn bị cho tình thế cách mạng đã chuyển biến từ phòng ngự sang tổng phản công trên toàn chiến trường Đông Dương. Đối với tôi, những năm tháng ở chiến trường Lào - Thái tôi luôn thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Trung ương trong mọi chiến thuật, chiến dịch. Gắn bó lâu với nhân dân, tôi càng thấm thía tình cảm quân dân, càng rõ hơn sự nghiệp cách mạng thành bại chính là do nhân dân quyết định. Dù là nhân dân Việt Nam hay nhân dân Thái, Lào, ai cũng yêu chuộng hoà bình, muốn độc lập, hòa bình, căm ghét chiến tranh xâm lược. Vừa tham gia các chiến dịch quân sự, tôi vừa nhận nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng cho nước bạn Lào, Căm-pu-chia. Rất nhiều người sau này trở thành những cán bộ chủ chốt các cấp của Lào, Căm-pu-chia. Đó là niềm vui không gì so sánh nổi. Nhưng cũng có những nỗi đau khôn cùng, vì có một vài cán bộ của Bạn đi cùng chúng tôi những năm ấy đã không giữ được lời thề sắt son, bị khuất phục trước những cám dỗ đời thường mà phản bội lại cách mạng, phản bội nhân dân, phản bội lại lương tri của chính mình đi theo Pôn-pốt - Iêng-xa-ri gây ra thảm họa diệt chủng dân tộc Căm-pu-chia. Nghĩ về những con người ấy, tôi lại không ngừng nghĩ về công tác cán bộ của Đảng ta giai đoạn hiện nay. Việc rèn luyện cán bộ và tự rèn luyện của người cán bộ là quá trình lâu dài, không ngừng nghỉ. Đôi khi chỉ một khoảng thời gian ngắn ngủi, do hoàn cảnh run rủi, khi bản lĩnh của người cán bộ không đủ vững vàng, rất có nguy cơ cao bị sa sẩy. Và rồi có thể trượt dài trong những sai lầm trầm trọng, thậm chí là tội ác khủng khiếp như nạn diệt chủng.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tôi cùng đoàn quân tình nguyện rời chiến trường Thái - Lào. Chia tay nước bạn về với quê hương, tôi tập kết ra Bắc, làm Chính uỷ Trung đoàn 664, Sư đoàn 308 tham gia xây dựng và bảo vệ miền Bắc. Từ năm 1961 tôi chuyển ngành về Tổng cục Địa chất. Vừa làm chuyên môn, vừa được tín nhiệm bầu vào cấp ủy.

Trở về với bình an…

Cả cuộc đời gắn bó với cách mạng, với sự nghiệp tình nguyện trên các chiến trường nước bạn, cho đến ngày nghỉ hưu tôi mới thực sự có thời gian cho gia đình riêng của mình. Tôi tự hào vì đã làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc, với dân tộc trong thế kỷ 20, góp phần nhỏ bé vào những chiến công hiển hách, hào hùng của dân tộc. Gia tài tôi để lại cho con cháu chính là truyền thống, những thành tích, chiến công, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những tấm huân, huy chương.

Gần 100 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi đảng, trải qua bao biến cố thăng trầm của dân tộc, tôi nhìn thấu lẽ thiệt hơn ở đời. Tôi thấy những người cán bộ của Đảng hiện nay nhiều khi còn phải khổ luyện, gian nan hơn thời chúng tôi. Bây giờ, dù họ không phải đối diện với cái chết, không phải đứng trước họng súng của quân thù, nhưng kẻ thù luôn tồn tại, rình rập xung quanh họ. Chúng không đâm lê, chĩa súng vào cơ thể, nhưng chúng làm cho người cán bộ chết dần, chết mòn nếu sống ích kỷ cá nhân, theo đuổi cuộc sống duy vật chất, không giữ vững được đạo lý làm người, không có tình nghĩa thuỷ chung với dân tộc. Những quyến rũ, cám dỗ của đồng tiền sẽ giết chết cái tâm trong sáng của người cán bộ. Tôi nghĩ tâm bị chết còn đau đớn và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn ngàn vạn lần cái chết thân thể. Đó cũng chính là cảm giác khi tôi ở ngoài chiến trường, cận kề cái chết, đối diện trực diện với kẻ thù tôi không sợ. Nhưng tôi luôn phải đấu tranh tư tưởng để giữ vững bản lĩnh và lý tưởng. Bởi chỉ một khắc yếu mềm, lơi là quyết tâm, tặc lưỡi đầu hàng sang bên kia chiến tuyến, thì khi ấy không phải cách mạng mất tôi mà còn mất hơn thế rất nhiều.

Khi xưa đi theo cách mạng, kháng chiến, khó khăn nhất chính là tập hợp lực lượng để chiến đấu. Tôi tin giờ đây, người cán bộ lãnh đạo trong giai đoạn mới thuận lợi hơn chúng tôi. Để thuyết phục được nhân dân tin và làm theo chỉ cần biện pháp nêu gương, chắc chắn sẽ thành công. Người cán bộ chỉ cần sống trong sạch, thuỷ chung, liêm khiết và bản lĩnh, nghiêm khắc với bản thân và gia đình là đã đủ sức thuyết phục. Nếu chỉ lấy lợi ích để thu hút hiền tài, tập hợp cán bộ tài năng, tôi cho rằng, người duy lợi ích chưa hẳn là hiền tài, xin cân nhắc khi thu hút họ.

Lê Thủy (ghi)



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất