Nhận thức được vai trò của đội ngũ đảng viên nông thôn đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua các cấp uỷ đảng của tỉnh Phú Thọ đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng của đội ngũ đảng viên nông thôn về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, nghiệp vụ, năng lực hoạt động thực tiễn... góp phần nâng cao chất lượng công tác vận động nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều đảng viên năng động học tập tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, tìm ra mô hình sản xuất kinh doanh mới đạt năng suất cao, hiệu quả kinh tế cao. Nhiều đảng viên có trách nhiệm cao, lăn lộn với phong trào, tận tình giúp đỡ nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Những đảng viên ấy thực sự là tấm gương để quần chúng noi theo, là trung tâm quy tụ, đoàn kết nông dân, động viên nông dân trong xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ đảng viên nông thôn tỉnh Phú Thọ còn nhiều mặt hạn chế về trình độ học vấn, chuyên môn, năng lực lãnh đạo, tổ chức hoạt động thực tiễn, công tác vận động quần chúng. Có tổ chức đảng không phân công nhiệm vụ cho đảng viên. Một bộ phận không nhỏ đảng viên không tham gia bất cứ công việc gì ngoài công việc gia đình, không tham gia sinh hoạt bất cứ đoàn thể nào ngoài sinh hoạt đảng... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác vận động nông dân trong công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ.
Để công tác vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới có kết quả tốt, đòi hỏi các cấp uỷ đảng tỉnh Phú Thọ có những biện pháp thiết thực nhằm xây dựng đội ngũ đảng viên nông thôn vững mạnh, thực sự là tấm gương để quần chúng noi theo.
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn. Làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên và nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, làm trong sạch đội ngũ đảng viên.
Hai là, làm tốt công tác phân công, giao nhiệm vụ cho đảng viên. Các cấp ủy phân công nhiệm vụ cho đảng viên phải giao việc, địa bàn, đối tượng cụ thể như phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ, giúp các hộ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất; vận động các gia đình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương; vận động nông dân xây dựng gia đình, làng xóm, văn hoá, kế hoạch hoá gia đình…
Ba là, coi trọng việc quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên phải được tiến hành thường xuyên, liên tục theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Chi bộ trực tiếp quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên; phối hợp với chính quyền và các đoàn thể nhân dân trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên. Đặc biệt là phải dựa vào quần chúng để quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên, giúp đảng viên luôn giữ gìn tư cách, đạo đức, lối sống trong sạch, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kiên quyết xử lý đảng viên thoái hoá, biến chất, đồng thời đẩy mạnh phát triển đảng viên mới nhằm tăng cường sự lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng công tác vận động nông dân.
Bốn là, trong công tác phát triển đảng viên, coi trọng chất lượng từ khâu phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng cho đến khi vào Đảng và trở thành đảng viên chính thức. Đảng viên được kết nạp phải là những là những người ưu tú, trưởng thành từ phong trào quần chúng, gần gũi với quần chúng, biết làm công tác dân vận, có năng lực tổ chức, tập hợp quần chúng, được quần chúng tín nhiệm.
Để thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng ở địa phương phải có những biện pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng công tác vận động nông dân, theo đó, nâng cao chất lượng, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ đảng viên nông thôn là một biện pháp quan trọng.
Nguyễn Xuân Huy
UBND thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ