Thiêng liêng hai tiếng “Đảng ta”

Lúc sinh thời, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta, người có công sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta đã rất nhiều lần dùng tới hai tiếng “Đảng ta”. Cách đây 63 năm, vào tháng 1-1949, dưới bút danh Trần Thắng Lợi, Người viết bài báo có nhan đề “Đảng ta”, đăng trên Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, tức Tạp chí Cộng sản ngày nay. Đã 63 năm, nhưng bài viết “Đảng ta” của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Trong bài viết này, Bác đã nêu lên những tấm gương đảng viên và những người thanh niên cộng sản đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh. “Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, cành nó càng to ra, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”.

 

Năm 1949 là năm chúng ta kỷ niệm 19 năm ngày thành lập Đảng, vì vậy, cũng trong bài viết của mình, Người đánh giá rằng: “Năm nay Đảng ta mới 19 tuổi. Nhưng suốt 19 năm ấy, năm nào cũng là một năm đấu tranh dũng cảm. Kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn. Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất mà Đảng ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang như ngày nay”. Tuy nhiên, ở ngay vào thời điểm đó, với cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Người vẫn thẳng thắn nêu lên những điểm còn tồn tại của một Đảng vì dân bằng những câu hỏi tự vấn: “Chúng ta có nhiều thành công, nhưng chúng ta cũng còn nhiều khuyết điểm. Mỗi đồng chí chúng ta cần phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình. Đã bỏ hết bệnh chủ quan, hẹp hòi chưa? Đã bỏ hết tư ý tiểu khí chưa? Đã luôn cố gắng học tập, luôn cầu tiến bộ chưa? Đã thực hiện đoàn kết 100% chưa? Đã thật cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư chưa? Đã thật là người kiểu mẫu trong phong trào thi đua ái quốc chưa? Nếu chưa thì phải làm cho kỳ được”. Đảng ta phải là một Đảng như thế - Một Đảng tuy có nhiều công lao nhưng tuyệt đối không tự kiêu, tự đại và biết chỉ ra những khuyết điểm của mình để phê bình và tự phê bình; để không ngừng tiến bộ. Bởi “Sứ mệnh của Đảng ta rất to. Công việc của Đảng ta rất nhiều. Đảng đòi hỏi chúng ta phải làm tròn nhiệm vụ của đảng viên. Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản. Vì vậy bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy…”.

 

Năm 1951, cũng nói về Đảng ta, trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội II của Đảng (2-1951), một lần nữa, Bác cũng đã đề cập đến vấn đề nêu trên. Người chỉ rõ rằng: “Đảng ta thành tích khá nhiều, nhưng khuyết điểm cũng không ít. Chúng ta cần phải thật thà tự phê bình để sửa chữa. Phải cố sửa chữa đề tiến bộ”. Về thành tích, Người cho rằng: “Đảng ta có những cán bộ… rất dũng cảm, tận tụy, bất kỳ gian nan nguy hiểm thế nào, vẫn cứ đi sát với dân, vẫn cứ bám lấy công việc, không nhút nhát, không than phiền, hy sinh cả tính mệnh cũng không tiếc. Đó là những chiến sĩ kiểu mẫu của dân tộc, những người con xứng đáng của Đảng”. Vào thời điểm này, những nhận định của Người hơn 60 năm về trước vẫn còn nguyên giá trị: “Điểm lại từ ngày thành lập đến nay, nói chung chính sách của Đảng ta đúng. Không đúng làm sao lập được những thành tích lớn lao như ngày nay. Nhưng cũng có mấy khuyết điểm và nhược điểm lớn …”. Và Người lại thẳng thắn vạch ra những khuyết điểm đó như: Tư tưởng của nhiều cán bộ, đảng viên chưa thuần thục, trình độ lý luận còn non nớt; công tác tổ chức còn kém cho nên nhiều khi không bảo đảm được việc thi hành đúng chính sách của Đảng. Bên cạnh đó là “những khuyết điểm khá phổ thông và nghiêm trọng” như “bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và bệnh công thần” dẫn đến việc thích làm việc giấy tờ, xa rời quần chúng, quá khắt khe hoặc phớt lờ những người ngoài Đảng. Cậy có chút thành tích thì tự kiêu, tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng, rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm v.v… Và Người cũng chỉ rõ, để khắc phục khuyết điểm ấy, cán bộ đảng viên phải thường xuyên phê bình và tự phê bình, thiết thực, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên. Sau hết là Đảng phải có sự kiểm tra chặt chẽ …”. Kết thúc bản Báo cáo Chính trị, Người nhấn mạnh: “Ta có một Đảng to lớn, mạnh mẽ. To lớn, mạnh mẽ là vì có chủ nghĩa Mác-Lênin, vì sự cố gắng không ngừng của toàn thể đảng viên, vì được toàn quân và toàn dân thương yêu, tin cậy, ủng hộ”. Hàng chục năm đã trôi qua, nhưng hai tiếng “Đảng ta” vẫn ăn sâu trong tiềm thức của mỗi một người dân Việt Nam yêu nước. Đảng chỉ có mục đích là giải phóng dân tộc và lãnh đạo, tổ chức toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên đất nước ta. Đảng hoạt động vì lợi ích của nhân dân cho nên: hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ.

 

Bước vào năm mới Nhâm Thìn 2012, sau một năm đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, mùa xuân này, với thế và lực mới - thế và lực của một con Rồng đang vươn mình ra biển lớn, Đảng ta tiếp tục kiên trì với mục tiêu của mình là: “Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, năng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng).


Vâng, Đảng ta là một Đảng như thế! Vì vậy, với tất cả tinh thần khiêm tốn, một lần nữa chúng ta vẫn có quyền tự hào mà khẳng định rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!          

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất