Lâu nay tôi cứ băn khoăn: Trong các nghị quyết của Đảng đều nêu rõ mục tiêu phấn đấu là xây dựng nước ta dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh nhưng trong thực tế sao lắm hiện tượng trái ngược?
Nói về dân chủ, trước hết là nói về quyền được làm chủ, quyền được thụ hưởng nền dân chủ của người dân trong một thể chế chính trị - xã hội. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2-9-1945 tại Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Tiếp đó, Người trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Dân chủ luôn luôn là ước vọng của con người, mọi dân tộc trong mọi thời đại,. Nó cần như cơm ăn, áo mặc, nước uống hằng ngày. Dân chủ là thước đo chất lượng cuộc sống văn minh xã hội và năng lực quản lý của một nhà nước. Dân chủ không phải tự nhiên mà có. Lịch sử đất nước ta đã chứng minh, muốn có một xã hội thực sự dân chủ, thực sự văn minh, lành mạnh phải đấu tranh, thậm chí phải hy sinh xương máu. Dân chủ và cuộc đấu tranh vì dân chủ, hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển là một xu thế lớn của thời đại. Cuộc đấu tranh vì dân chủ, cũng như vì hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thử thách, nhưng đã và đang có những bước tiến mới.
Ở nước ta hiện nay, dân chủ trở thành mục tiêu và động lực của công cuộc đổi mới. Vấn đề dân chủ ngày càng có tầm quan trọng to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Những thành tựu của quá trình dân chủ hóa đang góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, toàn Đảng, toàn dân ta cũng đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình dân chủ hóa, văn minh hóa một xã hội đang phấn đấu vươn tới hiện đại hóa. Nhận thức về vấn đề dân chủ đã khó khăn và phức tạp, nhưng thực hiện dân chủ trong đời sống còn khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Những vấn đề về mục tiêu, nguyên tắc, động lực, nội dung, hình thức, phương pháp và bước đi của dân chủ luôn là những vấn đề khó khăn và mới mẻ, đòi hỏi phải giải quyết một cách đồng bộ, cần sự hợp lực rộng lớn để làm chuyển biến, thay đổi từ tư duy, nếp nghĩ, thói quen, lối sống đến những hành động thực thi.
Cách mạng nước ta có Đảng lãnh đạo theo đường lối dân chủ từ 82 năm qua. Nhân dân ta được thụ hưởng các quyền tự do, dân chủ kể từ ngày 2-9-1945. Hiến pháp cũng đã quy định quyền tự do dân chủ của mỗi người dân Việt. Ấy vậy mà cho đến nay, nhiều khi người dân cũng chưa biết thực thi dân chủ và thụ hưởng quyền dân chủ của mình như thế nào. Hiện nay, dân chủ cần được hiểu là dân chủ trong Đảng và dân chủ toàn xã hội, dân chủ ngay trong các cộng đồng dân cư, dân chủ trong môi trường sống, lao động, học tập, sinh hoạt xã hội. Thế nhưng, có một thực tế phải thừa nhận là phần đông trong xã hội, từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng lao động đều chưa thực sự biết sử dụng và phát huy quyền dân chủ của mình. Gần đây nhất, qua vụ cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), nhìn nhận diễn biến và hậu quả của nó, thấy quyền làm chủ của người dân bị vi phạm nghiêm trọng khi chính quyền không thực hiện đúng luật pháp nhà nước.
Đảng bộ xã Vinh Quang có bao nhiêu đảng viên? Chi bộ nơi xảy ra vụ này có bao nhiêu đảng viên? Các đoàn thể nhân dân như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ… đủ cả, tại sao không ai lên tiếng đúng, sai? Nhận thức của cán bộ, đảng viên ở đây về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thế nào? Nhiệm vụ thứ 3 của người đảng viên là “Luôn luôn thắt chặt mối liên hệ với quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ quần chúng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân… Phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, chăm lo đời sống của quần chúng... Phải thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, xa rời thực tế, xa rời quần chúng”, đảng viên ở đây đã thực hiện đến đâu? Trong vụ này, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Lãng có trách nhiệm gì ? Đã có ai phản ứng khi chủ trương, mệnh lệnh sai, vi phạm pháp luật và dân chủ một cách nghiêm trọng? Lời Bác dặn: “Cái gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh” còn đó. Cán bộ, đảng viên ở đây đã học tập và làm theo thế nào?
Dư luận quan tâm một thực trạng xã hội phổ biến là: Hiện nay, ít người quan tâm đến việc phát huy quyền dân chủ, mà nặng chú ý những gì có lợi trực tiếp cho bản thân. Cán bộ có chức có quyền do động cơ, lối sống cá nhân mà vi phạm dân chủ, dọa nạt, ức hiếp, trù dập, trả thù những người dân tố cáo sai phạm. Những người này rất sợ dân chủ, tìm cách né tránh dân chủ. Bởi vì, thực hiện dân chủ thì họ không dễ dàng qua mặt quần chúng để “thủ lợi” cho cá nhân và nhóm. Trong các tầng lớp quần chúng cũng có những người chỉ chăm chắm lo cho cái tôi bé nhỏ, sinh ra co lại, trùm chăn an phận, sống theo kiểu “mũ ni che tai, đèn nhà ai nhà ấy rạng”, “chuyện ai kệ ai, mặc gai trước mắt”, từ đó sinh ra hiện tượng lối sống vô cảm. Do đó, sức mạnh đoàn kết cộng đồng dần dần yếu đi, thậm chí bị triệt tiêu. Một số vụ thấy người hàng xóm, người trong cơ quan, đơn vị bị ức hiếp quá đáng, nhưng không ai ra mặt can thiệp, chuyện ai người ấy gánh, phận ai người đó chịu, đấu tranh - tránh đâu. Hoặc không ít người biết rõ: “Họ mất chất cộng sản rồi đấy, nhưng dây vào họ làm gì, chỉ sinh phiền toái, chẳng phải đầu cũng phải tai”. Tâm lý sợ bị trù dập, sợ trả thù, hoặc tâm lý tự ti nên không dám lên tiếng rất phổ biến và tai hại. Có những cán bộ, đảng viên biết sai, có hại cho dân, mất uy tín của Đảng, nhưng vì cái lợi cho bản thân mà vẫn cố tình nói và làm sai, bao che cho cái sai. Thực hiện quyền dân chủ, đấu tranh vì nền dân chủ thực sự rất cần bản lĩnh, dũng khí, chính kiến rõ ràng. Chính mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần phát huy quyền dân chủ của mình. Mặc kệ những đau khổ, thiệt thòi, oan khốc của người khác; mặc kệ vi phạm dân chủ một cách trắng trợn, tưởng như được an toàn cho bản thân, gia đình, nhưng đến lúc nào đó cái oan khổ sẽ đến với chính mình.
Nếu như mọi cán bộ, đảng viên và người dân biết hưởng quyền dân chủ đã được Hiến pháp cho phép và bảo vệ, biết và dám sử dụng quyền dân chủ, có bản lĩnh, ý chí đấu tranh chống mọi sự bất công thì sẽ tạo sức mạnh tổng hợp toàn xã hội để vươn tới xây dựng được một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Có như vậy mới tránh được nguy cơ sụp đổ của chính quyền và những trở ngại khác đối với một cuộc sống công bằng và đoàn kết với cơ hội sống an khang, thịnh vượng cho tất cả mọi người. Chỉ có sự tham gia công bằng, tự do và dân chủ của người dân vào đời sống chính trị - xã hội và kinh tế của một nhà nước hay một cộng đồng mới có thể tăng cường an ninh cho cuộc sống và mỗi con người. Chỉ có đảm bảo đầy đủ các quyền con người, tôn trọng dân chủ, quản lý nhà nước với sự tham gia của người dân thì mới có an ninh cho mỗi cá nhân và cộng đồng, mới đi tới phát triển xã hội thực sự dân chủ, công bằng, văn minh.
Để thực hiện được quyền dân chủ như Bác Hồ chỉ dẫn: Làm cho nhân dân biết thụ hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền làm chủ của mình, dám nói, dám làm, người dân cần được giáo dục, tạo điều kiện để nâng cao nhận thức “biết thụ hưởng quyền làm chủ” hợp pháp, quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc. Dân trí càng thấp thì sự thiệt thòi càng gia tăng. Cách thức để mọi công dân đều có thể thực hiện đầy đủ quyền dân chủ là được tự do sống theo Hiến pháp, pháp luật, không bị thói cường quyền xâm phạm.
Quá trình thực hiện cải cách hành chính gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đang được tiến hành đồng bộ, rộng rãi. Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm đảm bảo cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trực tiếp ở nơi cư trú và cơ quan, đơn vị công tác. Tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng về mở rộng dân chủ, dân chủ trực tiếp được cụ thể hoá và đưa vào khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của các tổ chức chính trị - xã hội. Quá trình thực hiện cải cách hành chính gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đang được tiến hành đồng bộ, rộng rãi, đặc biệt là từ khi Chính phủ ban hành Quy chế dân chủ cơ sở xã kèm theo nghi định 79/2003/NĐ-CP.
Để “Quy chế dân chủ cơ sở” được phát huy rộng rãi, thực sự đi vào cuộc sống, trước hết cần thường xuyên tăng cường giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên có quan điểm tư tưởng, có lập trường kiên định, nhận thức thật đúng đắn và sâu sắc về mối quan hệ Đảng lãnh đạo với thực thi dân chủ. Cần phát hiện và xử lý kỷ luật kịp thời và nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm dân chủ. Muốn thực hiện dân chủ xã hội rộng rãi, trước hết phải thực sự dân chủ trong Đảng. Nếu trong nội bộ Đảng cũng bị mất dân chủ, thì chẳng thể mong thực hiện dân chủ toàn xã hội. Dân chủ trong Đảng phải gắn chặt với thực hiện nguyên tắc, Điều lệ Đảng, gắn với tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về dân chủ. Mặt khác, cần phát hiện và đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng lợi dụng quyền dân chủ để làm cản trở việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi dụng dân chủ, mượn “con bài dân chủ” để chống lại Đảng, Nhà nước, chống chế độ xã hội chủ nghĩa.
Người dân cần được tạo điều kiện để hiểu biết sâu rộng, nắm chắc quyền lợi, nghĩa vụ của mình theo Hiến pháp, pháp luật. Người dân được bảo vệ khi bị trù dập do đã mạnh dạn đấu tranh thực hành quyền dân chủ vì mục đích chung. Đồng thời cần quan tâm khuyến khích người dân khi thụ hưởng quyền dân chủ phải có trách nhiệm đấu tranh và vận động nhau xây dựng tốt đời sống văn hóa ở khu dân cư, sẵn sàng và trực diện đấu tranh với mọi hành vi sai trái, vi phạm dân chủ. Dân chủ càng được thực thi sâu rộng thì càng tạo nguồn sức mạnh vô biên để xây dựng vững chắc thể chế chính trị do Đảng lãnh đạo, cũng là thiết thực nâng cao khả năng lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín và độ bền vững của một Đảng cầm quyền.
Bùi Văn Bồng