Tôi sinh ra ở đất Quảng Nam. Từ ngày còn nhỏ, qua sách báo những năm 1930, tôi nhìn thấy khắp các xóm làng xứ Quảng biết bao nhiêu là cái đầu không xác nằm lăn lóc bên lề đường, bờ mương, cái thì mắt nhắm, cái thì mắt mở, nhưng dường như đang nhìn thẳng vào tôi để nhắn nhủ điều gì. Tôi hỏi ông ngoại, thì được biết đấy là những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam bị “chính phủ bảo hộ” chém đầu để thị uy với người bản xứ. Họ đã dám cả gan kêu gọi chống lại chính quyền, đòi giảm sưu, giảm thuế, đòi độc lập, tự do.
Khi tôi lớn lên, tuổi 13-14, tôi được đọc các tờ báo bí mật như Cứu Quốc với những dòng thơ làm lòng tôi xao xuyến vô cùng:
Thanh niên là tuổi của muôn ngàn hy vọng,
Tuổi là lòng rung động bởi đau thương,
Tuổi gắn bó của sức mạnh phi thường,
Tuổi sôi nổi của tinh thần hoạt động,
Tuổi quyết liệt của anh hùng anh dũng
Đã dày trang sử máu của Đông Dương
Bảy mươi lăm năm dưới sức mạnh phi thường
Ôi, đã biết bao nhiêu đầu máu trẻ,
Xông pha đạn mặc cho quân thù bắn xé
Oai hùng lên gươm máy chẳng nao nung….
Rồi Cách mạng Tháng Tám thành công, Việt Nam tuyên bố độc lập. Một hùng khí toả lên từ mọi miền đất nước với quốc hiệu VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA, ĐỘC LẬP TƯ DO HẠNH PHÚC. Tinh thần tự cường sôi sục bừng lên. Những năm tháng hy sinh và lòng dũng cảm của bao nhiêu thế hệ người Việt Nam yêu nước đã đưa đến ngày dân tộc được giải phóng khỏi ách nô lệ, đô hộ của ngoại bang.
Nhưng nỗi mừng vui chưa được là bao thì cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. 30 năm khói lửa và sự hy sinh mất mát không kể xiết. Cuối cùng, Việt Nam đã thắng. Chủ nghĩa xã hội được thực thi, nền kinh tế kế hoạch tập trung được áp dụng trên toàn lãnh thổ. Chính sách cải tạo tư sản được triệt để thi hành. Sau mười năm, rút kinh nghiệm thực tế, Đảng đưa ra chính sách kinh tế đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, với mục đích công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hội nhập quốc tế vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sau 36 năm thống nhất đất nước và 26 năm thực hiện công cuộc đổi mới, mừng Đảng ta 82 tuổi, trong công tác xây dựng đảng, ta nhận được thông điệp gì? Theo Nghị quyết Trung ương 4 ngày 19 tháng 1 năm 2012 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay":
Từ khi thực hiện đường lối đổi mới,.. công tác xây dựng đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng đảng trong thời gian tới, cần… kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.
Phương châm: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh. Các giải pháp phải bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp "chống và xây", "xây và chống", nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất.
Vậy “nhìn thẳng vào sự thật… không nể nang, né tránh” thì nhìn vào cái gì? Theo tôi, điểm cốt lõi là tệ nạn tham nhũng đã và đang ăn sâu vào mọi tầng lớp "kể cả một số cán bộ cao cấp…, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
Thật đau xót! Nguyên nhân do đâu từ những đảng viên anh dũng không sợ đầu rơi máu đổ, không khuất phục trước kẻ thù xâm lược vì hạnh phúc nhân dân mà hôm nay lại biến thành những con sâu mọt hại nước, hại dân? Tôi lại nghe văng vẳng bên tai những câu hát trong thời kháng chiến:
Mi nghe chăng,
Hỡi ai mê mùi phú quý
quên non sông?
Hãy nghe đây lời tra vấn muôn năm
Sao mi nỡ đành…
...
Nguyền rủa tên họ mi nhút nhơ muôn đời!
Người xưa oán trách mi!
Người nay chán ghét mi!
Dân Lạc Hồng nguyền rủa loài tham
phản giống nòi!
Người cộng sản cùng bao nhiêu người yêu nước khác đã hy sinh, chiến đấu giành độc lập cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, sao lại để đến nỗi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đến mức như được nêu thẳng thắn trong Nghị quyết Trung ương 4 nói trên? Khởi nguồn từ đâu?
Sau ngày thống nhất đất nước, tôi đến thăm các anh cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Pa-ri. Một số anh cùng quê Quảng Nam với tôi, tôi rất cảm kích lối sống đạm bạc của các anh những người cộng sản chân chính. Hình ảnh chị Nguyễn Thị Bình với chiếc áo dài Việt Nam đơn giản, đầu búi tóc như một phụ nữ đồng quê Điện Bàn đã lưu lại trong tâm trí tôi một hình ảnh vô cùng thân thương, trìu mến.
Nhưng sau đó không lâu, tôi được bà con bên nhà cho biết nhà cửa của hàng vạn gia đình ở miền Nam bị “tiếp quản” rồi cấp cho cán bộ, đảng viên. Doanh nhân Sài Gòn được liệt vào tội danh “tư sản mại bản” và tài sản bị nhà nước tịch thu, quốc hữu hóa. Tình trạng chiếm đoạt, tranh giành, hôi của hoành hành trong một số cán bộ ở miền Nam. "Hạt giống" tham nhũng dần dần ăn sâu vào cán bộ, đảng viên. Không ít những người trước kia được dân thương yêu, kính trọng, dần dần biến thành những tham quan ô lại “sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
“Nhìn thẳng vào sự thật… không nể nang, né tránh” là phải nhìn vào nguồn gốc của tham nhũng. Trong thời kỳ kháng chiến, đời sống khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì lấy đâu mà tham nhũng? Đến khi đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, tận mắt thấy cái xa hoa của một xã hội tư sản thì lòng tham nảy sinh được cơ chế phát huy nuôi dưỡng. Lòng tham ấy đã đánh đổ thanh liêm cương trực của không ít cán bộ cao cấp, đáng lý ra phải bảo toàn thanh danh và cuộc đời đạm bạc của một chiến sĩ cách mạng “chí công vô tư”, thì đã chấp nhận món quà nhà cao cửa rộng như một “chiến lợi phẩm”. Đạo đức cách mạng đã bị phá vỡ, tinh thần và lối sống hưởng thụ đã ngự trị, “tư tưởng chính trị suy thoáị, đạo đức phai nhạt…, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài”.
Một cơ chế “xin cho” được hình thành, không ít cán bộ đảng viên độc quyền nắm giữ chức quyền trong bộ máy nhà nước thay vì phục vụ nhân dân đã biến thành tham quan đục khoét, đặc quyền, đặc lợi. Sự suy thoái đạo đức không phải từ những hành động cá nhân riêng lẻ, mà từ trong cơ chế phát sinh. Bệnh tình đã trở nên nguy cấp, “nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Vậy thì phải bắt đầu từ đâu?
Về cơ chế chính sách, Đảng cần rà soát lại những gì đã làm sai từ ngày đất nước thống nhất, nhất là những quy định có tính đặc quyền, đặc lợi và nhanh chóng xây dựng những luật và quy phạm mới để sửa sai. Sở dĩ có những vi phạm này là vì trong quá khứ các nhà làm luật Việt Nam không quan tâm đầy đủ đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân. Trong công tác sửa sai này, để tránh những sai lầm tiếp diễn, lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội nên huy động các luật gia trong nước và ngoài nước để cùng nhau hợp tác thực hiện.
Về con người, nhóm giải pháp đầu tiên mà Nghị quyết Trung ương 4 nhấn mạnh là tự phê bình, phê bình, nâng cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, mà trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương. Nhưng nếu giải pháp chỉ dựa trên tinh thần tự giác, đặt hy vọng vào tự kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm bản thân, làm rõ những khuyết điểm là không thực tế. Như một vị nguyên Bộ trưởng Tư pháp góp ý: “Chẳng ai muốn tự lấy đá ghè vào chân mình, tự tước bỏ quyền lợi của mình”. Do đó, để chỉnh đốn Đảng cần phải có những quy định rõ ràng và những biện pháp chế tài nghiêm ngặt. Bất kỳ một đảng viên nào, bất kỳ ở cấp nào, nếu vi phạm Điều lệ Đảng và có những động thái quan liêu, tiêu cực đều phải tức khắc xử lý nghiêm minh.
Nhưng trước tình thế nghiêm trọng suy đồi đạo đức như hiện nay, cần phải có những biện pháp đặc biệt để răn đe. Trên đất nước ta vẫn còn có truyền thống “Lễ hội Minh Thề”, được tổ chức hàng năm vào ngày 14 tháng Giêng tại làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Quan chức và người dân cùng bước vào vòng thề, được vẽ dưới đất trước bàn thờ thần linh, Thành Hoàng, cùng uống chén rượu, giao ước với thần linh: “Làm quan thì không tơ hào của công, làm dân thì không gian tham”, nếu không giữ trọn lời thề thì sẽ bị "chư thần đả tử" - thần linh đánh chết. 10 năm nay, kể từ khi lễ hội Minh Thề được khôi phục, người dân làng Hòa Liễu, Hải Phòng đã tìm lại được nét văn hóa đã có từ gần 500 năm trước. Thuở đó, để tránh việc nảy sinh tư lợi cá nhân, Hoàng Thái Hậu nhà Mạc đã cùng dân làng lập ra “Hịch văn hội Minh Thề” cho cả chức sắc và người dân. Thời thế đổi thay, nhưng ý nghĩa của nó thì vẫn không thay đổi.
Hiện nay, ở các nước tiên tiến, như ở Nhật, Thủ tướng và thành viên Chính phủ phải tuyên thệ trước Nhật hoàng. Hay ở Mỹ, trong buổi lễ nhậm chức, Tổng thống phải tuyên thề trước Chúa và quốc dân là sẽ “bảo vệ Hiến pháp”, chí công vô tư thi hành nhiệm vụ, đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết. Thậm chí các chức vụ khác của liên bang hay địa phương, trước khi nhậm chức, người “công bộc” đều phải đọc lời tuyên thệ “chí công vô tư”.
Để chỉnh đốn Đảng, đã đến lúc người đảng viên cũng phải tuyên thệ trước bàn thờ Tổ quốc, trước anh linh của Tổ tiên nòi giống, là sẽ “thanh liêm, chính trực, chí công vô tư” trong khi thi hành công vụ và nếu phụ lời thề thì sẽ bị “trời tru đất diệt”. Những ai không đủ quyết tâm giữ gìn đạo đức, thanh liêm, chính trực thì không còn đủ tư cách đứng trong hàng ngũ của Đảng và cũng không còn đủ tư cách để được giao phó trọng trách trong việc quản lý nhà nước. Những người nào tự xét mình không đủ tư cách là đảng viên trong sạch, không đủ tư cách để phục vụ nhân dân thì hãy đứng ra một bên.
Riêng về cán bộ cấp lãnh đạo, đảng viên đã tự lao mình vào cơn suy thoái đạo đức, bắt nguồn từ những ngày tiếp quản miền Nam hãy nhanh chóng sửa lỗi, tự phê bình và tự giác ngộ, gột rửa ô danh, đừng vì lợi ích phi nghĩa mà để cho đời sau nguyền rủa. Các vị làm được việc này là qúy vị đã nêu gương và lập công lớn trong chiến dịch chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng, đưa đất nước vươn lên tầm cao mới. Nhân dân và đất nước sẽ ghi công quí vị và anh linh các chiến sĩ cách mạng đầu rơi máu đổ trên mọi miền đất nước và hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập nước nhà sẽ không phải uất hận trong giấc ngủ nghìn thu vì một bộ phận đảng viên tha hóa, biến chất, hại dân, hại nước.
Bùi Kiến Thành