Ngày Xuân thong thả, không gì thú bằng đọc sách. Ngỡ ngàng Cổ học Tinh hoa. Hấp dẫn, tinh tuý hơn cả trong Cổ học Tinh hoa là bàn về nghệ thuật dùng người. Con người là chủ thể lịch sử, sáng tạo ra của cải vật chất, các giá trị văn hoá, tinh thần nhưng con người cũng là khách thể - lấy bản thân mình làm đối tượng nghiên cứu. Nhân tài là một loại người đặc biệt, vượt trội trong nhân loại, là nguồn tài nguyên vô giá, là vốn quý của xã hội. Hiểu biết về nhân tài, cách thức sử dụng nhân tài luôn là chủ đề không bao giờ cũ trong lịch sử nhân loại từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Khó có thể luận bàn trong một khắc, một bài.
Chuyện cầu hiền, từ thời nhà Chu, người xưa còn lan truyền mãi về lòng kiên nhẫn, sự kính trọng của Tây Bá hầu Chu Văn Vương (1185-1135 TCN) khi đến bờ sông Vị Thuỷ thăm và hội kiến Lã Vọng; chuyện Lưu Bị “tam cố thảo lư - ba lần tới lều cỏ” mời Khổng Minh xuống núi; Tề Hoàn Công (khoảng 645 TCN) thời Xuân thu, năm lần trong ngày đến thăm cầu kiến Thập Thuần Tắc. Tề Hoàn Công cho đốt cây đuốc cực to giữa sân để chiếu sáng (gọi là Đình liệu) để các hiền tài có thể đến bất kể ngày đêm đều được tiếp kiến ngay... Cho thấy, người tài có hoài bão lớn, chú tâm vào sự thịnh suy của đất nước, coi thường của cải, danh lợi, nếu không thật sự được trọng thị, trọng đãi thì không xuất thế phò vua giúp đời, thi thố tài năng, “dùng thì hành, không dùng thì tàng”; vua muốn dựng nên nghiệp lớn thì phải biết và trọng dụng nhân tài.
Muốn dùng người tài trước hết mình phải có tài, có đủ đức hạnh mới phát hiện, tiến cử, sử dụng được người tài. |
Không gì khó bằng biết người. Đây là câu danh ngôn của Lục Cửu Uyên (1139-1192), nhà thơ đời Tống. “Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Lòng người thực khó lường vì lòng người là tư tưởng, là thứ vô hình, khó thấy, đụng không tới, ẩn chứa trong bộ não, luôn thay đổi theo thế giới khách quan. Khó vì lòng người khác nhau như mỗi người có khuôn mặt khác nhau, phong phú vô cùng. Khó vì ở con người không hoàn toàn có sự tương thích giữa nội dung (tinh thần, tư tưởng) với hình thức (hình dạng, vẻ bề ngoài). Khó vì nhận biết con người phải thông qua hoạt động thực tiễn mà thực tiễn thì luôn vận động, công việc vô cùng phong phú, phức tạp, hiệu quả của một công việc chỉ có tính nhất thời, giai đoạn. Khó còn vì sự nhận biết, đánh giá phải thông qua yếu tố chủ quan, nhu cầu, lợi ích của người đánh giá.
Khó nhưng không phải không thể biết, hơn nữa cần phải biết. Vì “Vi trị dĩ tri nhân vi tiên - phép cai trị, trước hết là vấn đề dùng người hiền tài”. Dùng người là việc hệ trọng, “Đế vương tri đức, mạc đại ư tri nhân - trong mọi phẩm chất của bậc đế vương, giỏi biết người là phẩm chất quan trọng nhất”. Biết người là việc lớn nhất trong mọi việc.
Người xưa đã để lại nhiều cách để nhận biết người tài. Phép nhận biết người tài của Chu Văn Vương gọi là Lục trưng: Quan thành, khảo chí, thị trung, quan sắc, quan ẩn, quỹ đức (xem xét sự chân thành, khảo sát chí hướng, thẩm xét nội tâm, quan sát sắc mặt, xem điều ẩn chứa tâm tư, xét đạo đức). Theo Trang tử (369-286 TCN), để nhận biết người tài có nhiều cách: Điều đi xa để xem sự trung thành, sai khiến ở gần mà xem sự kính trọng, gây phiền nhiễu để xem năng lực, hỏi han lúc gay cấn để xét tri thức, ủy thác tiền tài để xét liêm khiết, báo trước nguy hiểm để xem khí tiết, cho uống rượu say để xét thái độ, dùng sắc đẹp để xét thần sắc. Đặc biệt, Lưu Thiệu (mất khoảng năm 190), thời Hán Linh Đế viết cuốn “Nhân vật chí” là sự tổng kết lý luận của các trường phái Nho, Đạo, Danh, Pháp, Âm dương và kinh nghiệm thực tiễn đương thời về môn học nhận biết nhân tài. Lưu Thiệu đề cao phương pháp đàm thoại (tam đàm) để phát hiện người tài; xét con người ở năm thời điểm (ngũ thị): nhàn rỗi, đắc chí, giàu có, cùng khốn và nghèo hèn - tức là: ở thì xem sự yên ổn, đạt thì xem ở cử chỉ, giàu thì xem ở tham dự, cùng khốn xem ở việc làm, nghèo xem ở sự chuốc lấy; nhận biết chín đặc trưng (cửu trưng), ông phân ra bản tính con người có các cặp: bình hoà và cố chấp, minh bạch và hôn ám, dũng cảm và khiếp nhược, cứng rắn và mềm yếu, nôn nóng và trầm tĩnh, bi quan và lạc quan, suy bại và nghiêm chỉnh, gian trá và đại độ, chậm rãi và cấp thiết - dựa trên cơ sở yếu tố sinh lý và xã hội. Từ đó, Lưu Thiệu đưa ra tám phép đánh giá (bát quan). Ông nêu ra các tình huống xã hội (14 loại người, 4 loại tư chất) và tâm lý, tình cảm (6 biểu hiện tình cảm) cụ thể để trắc nghiệm, nhận biết, đánh giá nhân tài.
Giữ
gìn
nhân
nghĩa
đời
an
lạc
|
Trân
trọng
tài
năng
nước
mạnh
giàu
|
Lê Văn Thơm
|
Khổng tử (551-480 TCN) và các môn đệ sau này đã xây dựng và hoàn chỉnh một hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí để nhận biết, đánh giá nhân tài. Đó là: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng, chính, liêm; một hệ thống các quan hệ xã hội cơ bản: Tam cương, ngũ luân. Nho giáo chú ý tới cả tài và đức, coi trọng đức là gốc, nêu gương thực hành đạo đức; nhấn mạnh chính tâm, tu thân; đề cao hiếu học và trọng học; có tư tưởng thân dân, coi dân là quý, là gốc nước. Mặt tích cực về con người của Nho giáo, đó là những người sống có lý tưởng; có sự rèn luyện công phu; sống trong sạch, liêm khiết; kiên cường, bất khuất, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn; con người có nghĩa vụ cao không chỉ đối với mình mà có nghĩa vụ với người khác; gương mẫu; say mê học tập; đối nhân xử thế theo đạo lý; trọng thực tài, trọng nghĩa; có sức mạnh ý chí tinh thần cao… Tuy nhiên, mặt hạn chế, tiêu cực của Nho giáo là đề cao tính nghĩa vụ nên họ không thể bộc lộ được cá tính, phát triển được tài năng; hy sinh cái tôi, tự do cá nhân và những lạc thú của con người; không có sự phát triển toàn diện, dễ rơi vào trạng thái bảo thủ, trì trệ, giáo điều, khuôn mẫu; dễ bằng lòng với thực tại, thiếu những hành động cải biến cách mạng; sống theo tôn ti trật tự đẳng cấp xã hội… Vì vậy, đó là mẫu người trừu tượng, phi lịch sử, phi giai cấp, mang tính phổ biến, vĩnh hằng.
Biết người sâu sắc thì dùng người thành công. Biết người mới dùng được người, không biết người thì không thể dùng người đúng. Đường Thái Tông tức Lý Thế Dân (599-649) nói: Thời nào chẳng có nhân tài? Chỉ e bỏ sót, không biết đến họ mà thôi. Lịch sử văn hoá Trung Hoa dẫn chứng hàng nghìn cách thức sử dụng nhân tài, chỉ riêng Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung (1330-1400) cũng là pho sử đồ sộ về biết người và thuật dùng người.
Muốn dùng người tài trước hết mình phải có tài, có đủ đức hạnh mới phát hiện, tiến cử, sử dụng được người tài; phải có lòng mến mộ, thực sự khao khát, trọng thị nhân tài; phải biết nuôi dưỡng nhân tài; dùng người tài thì không câu nệ cứng nhắc theo một khuôn mẫu, phép tắc nào, không phân biệt trên dưới, tuổi tác, vùng miền, lịch sử, xuất thân, hình dáng…; bồi đắp ưu thế, sở trường cho nhân tài; đã tin dùng thì không nghi ngờ; dũng cảm bảo vệ người tài; phải có đức độ để tiến cử, có độ lượng để dung nạp nhân tài, lấy lễ để đối đãi nhân tài.
Khổng Minh (181-234) nói, chỉ nhìn người rồi cho làm quan sẽ loạn; phải tuỳ chức quan để chọn người thích hợp, mới là đúng đắn. Tài đến đâu dùng đến đó, tài to dùng vào việc to, tài nhỏ dùng vào việc nhỏ; dùng người theo tài năng, phù hợp việc nào cắt đặt vào việc ấy; giao việc để thử tài, qua việc để biết tài.
Những sai lầm dễ mắc khi dùng người. Bao Chửng (999-1083) nói, những kẻ sĩ có tài danh, thường bị những hạng người hiểm độc hèn hạ dựng chuyện bậy bạ để hãm hại. Những người có tài nhận biết con người như Khổng Minh, Tào Tháo cũng mắc sai lầm khi nhìn nhận và dùng người. Nhìn chung, những sai lầm dễ mắc là do sử dụng người không công bằng, công tâm, bị chi phối bởi tình cảm cá nhân “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, bởi tình thân; chỉ nhìn nhận bề ngoài tướng mạo, điệu bộ hoặc lời nói; cách nhìn nhận phiến diện, tách bạch giữa ưu điểm, sở trường và khuyết điểm, sở đoản mà không thấy sự chuyển hoá giữa chúng, sở trường hay sở đoản đều có tác dụng của nó, “thước dài, không đo được khoảng cách ngắn - thước ngắn sẽ khó đo khoảng cách dài”; nghe lời dèm pha; đố kỵ với người tài; sử dụng người căn cứ vào dòng dõi xuất thân, bằng cấp, tuổi, quan hệ…
Quản Trọng (khoảng 645 TCN) nêu bốn nguyên tắc: không dùng những người có tính đố kỵ mạnh, vì họ không đánh giá người khác công bằng; không dùng những người “mắc bệnh thành tích” chỉ theo cái lợi trước mắt, không nghĩ cái lợi lâu dài; không dùng những người hời hợt, qua loa, chiếu lệ; không dùng người hứa hão, khoác lác.
Thế mới biết nhận xét, đánh giá con người là rất khó, dùng người cũng rất khó nhưng thời nào cũng có nhân tài, chế độ nào cũng cần người tài, coi việc gần gũi người tài là một nhu cầu tự thân của người lãnh đạo, quản lý. “Hữu thiên hạ giả, dĩ tri nhân vi nan, dĩ thân hiền vi cấp - Người đã có được thiên hạ, đều coi việc biết người là khó nhất, coi việc gần gũi hiền tài là bức thiết nhất” (Trình Hạo 1032-1085, Trình Di 1033-1107).
Công tác cán bộ của ta cần nhiều đổi mới. Muốn bớt sai lầm thì phải học tập kinh nghiệm cổ nhân. Đường Thái Tông nói, lấy miếng đồng mài bóng làm gương soi, có thể sửa sang mũ áo; lấy việc cũ, người xưa làm gương, có thể hiểu sự được - mất.
Việt Nam ta, như Nguyễn Trãi nói “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có” và nhiều người biết dùng người tài. Hồ Chí Minh là người đã kế thừa, vận dụng và phát triển những tinh hoa của cổ nhân về nhận biết và sử dụng nhân tài thành một hệ thống giá trị mới phù hợp với cách mạng Việt Nam: Những chuẩn mực nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng, liêm được sửa đổi, bổ sung và nâng lên tầm cao mới, khai thác mặt tích cực nhất phù hợp với đạo đức mới, đạo đức cách mạng; quan niệm về nhân tài, về mối quan hệ đức - tài; về “dụng nhân như dụng mộc”; cách ứng xử, đối đãi nhân tài cũng như phòng ngừa các “chứng bệnh”, “tệ” dễ mắc phải của cán bộ và trong công tác cán bộ… Nâng cao chất lượng công tác cán bộ, trước hết là thấm nhuần và thực hành cho thật tốt những giá trị Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ đang là một yêu cầu bức thiết hiện nay.
Lê Quang